In bài này
Hệ thống tên lửa PJ-10 BrahMos triển khai trên mặt đất
Thứ Tư, 02/12/2009 - 8:20 PM
BrahMos là hệ thống vũ khí đáng sợ, có tốc độ, độ chính xác cao và uy lực mạnh mẽ. Với BrahMos, Lục quân Ấn Độ có được khả năng tấn công sâu kiểu phẫu thuật.

Tốc độ cao nên có khả năng xuyên phá mục tiêu cao hơn so với tên lửa hành trình dưới âm như Tomahawk. Tên lửa BrahMos được trang bị cho nhiều loại phương tiện mang (tàu nổi, tàu ngầm, máy bay, cơ động và cố định trên đất liền).

Hệ thống tên lửa BrahMos triển khai trên mặt đất (Land based Weapon Complex) bao gồm 4-6 xe bệ phóng cơ động độc lập (Mobile Autonomous Launchers - MAL) được điều khiển bởi 1 đài chỉ huy cơ động (Mobile Command Post - MCP), và 1 xe tiếp đạn cơ động (Mobile Replenishment Vehicle - MRV). Biến thể triển khai trên mặt đất còn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống định vị vệ tinh GPS.

 

Đặc điểm của hệ thống vũ khí:

- Các hệ thống trên mặt đất ở số lượng tối thiểu;
- Xe bệ phóng độc lập có thể phóng 3 tên lửa vào 3 mục tiêu khác nhau hoặc với chế độ kết hợp khác nhau gần như đồng thời;
- Hệ thống chỉ huy và kiểm soát rất tiên tiến, có khả năng hoạt động trong môi trường C4I;
- Cấu trúc module có khả năng tự điều chỉnh theo yêu cầu của người sử dụng hoặc trang bị căn cứ vào đánh giá về mối đe dọa;
- Dễ bảo dưỡng và tuổi thọ dài;
- Cabin điều khiển của kíp xe có hệ thống điều hòa nhiệt độ và phòng hộ NBC;

Lục quân Ấn Độ bắt đầu trang bị BrahMos Block I (A1) từ năm 2007 sau các vụ phóng thử thành công chứng tỏ khả năng cơ động, độ chính xác và các khả năng tác chiến khác.

Biến thể tấn công mặt đất là BrahMos Block II đang trong giai đoạn phát triển và mới đây đã được thử nghiệm thành công.

Phóng tên lửa BrahMos ở chế độ đất-đối-hạm

Xe bệ phóng:

Xe bệ phóng cơ động độc lập MAL là một hệ thống vũ khí triển khai trên mặt đất tiên tiến, do Ấn Độ tự phát triển lắp trên xe cơ động cao TATRA. MAL là một xe chiến đấu độc lập, được trang bị các khí tài thông tin liên lạc hiện đại nhất hoạt động ở các dải tần khác nhau, các máy thu radar để thu nhận thông tin về mục tiêu và hệ thống điều khiển hỏa lực cực kỳ tiên tiến để chỉ huy phóng, 1 máy phát điện diesel 40 kVA để cấp điện riêng, 1 bộ lưu điện UPS 1 pha đủ cấp điện trong 15 phút. Hệ thống điều khiển phóng (Launcher Control System - LCS) hoạt động cùng với hệ thống điều khiển hỏa lực (Fire Control System - FCS) và hệ thống thông tin liên lạc.

Cabin của MAL có đầy đủ trang thiết bị phòng hộ NBC cho phép kíp chiến đấu tác chiến khi bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân hay hóa-sinh (NBC). Hệ thống cấp điện cho cabin được làm kín.

 
Trên xe bố trí 3 tên lửa BrahMos đặt trong các contenơ độc lập. Các contenơ duy trì điều kiện nhiệt độ cho tên lửa và bảo đảm giao diện cho tên lửa với cơ cấu phóng. Khi vận chuyển, các contenơ này được đưa về tư thế nằm ngang và được đưa sang tư thế thẳng đứng bằng hệ thống thủy lực áp suất cao.

Các tên lửa có thể phóng vào 3 mục tiêu khác nhau hoặc với chế độ kết hợp khác nhau gần như đồng thời. Các tên lửa có thể bắn từng quả hay bắn loạt với nhịp phóng 2-3 s trong vòng 4 phút sau khi nhận được lệnh; có thể bắn vào 1 mục tiêu hay 3 mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào lệnh của chỉ huy,

Một cụm 4 xe MAL được điều khiển bởi một đài chỉ huy MCP. MCP cung cấ[ thông tin đo lường và dữ liệu mục tiêu, phân phối 1 hay nhiều mục tiêu cụ thể cho từng xe MAL. MCP tạo điều kiện liên kết xe MAL vào hệ thống tác chiến lấy mạng làm trung tâm tại khu vực chiến trường. MCP được trang bị các hệ thống thông tin liên lạc hiện đại.

 
Để tăng cường lực lượng phòng thủ tại giới tuyến kiểm soát thực tế Line of Actual Control (LAC) đối phó với Trung Quốc, Ấn Độ dự định triển khai các tên lửa BrahMos ở Ladakh, bang Jammu và Kashmir. Khi bị TQ tiến công, Các tên lửa có tầm 300 km này có thể tấn công các mục tiêu chiến thuật và chiến lược ở Tây Tạng.

Trang bị:

Lục quân Ấn Độ đã đưa vào trang bị hệ thống tên lửa BrahMos triển khai trên mặt đất (phóng thẳng đứng từ bệ phóng cơ động độc lập) để chống hạm và tấn công mặt đất. Lục quân Ấn Độ là lực lượng duy nhất trên thế giới đưa tên lửa hành trình siêu âm tấn công mặt đất vào trang bị của và sở hữu 1 trung đoàn tên lửa hành trình siêu âm.

Lục quân Ấn Độ đã thử thành công tên lửa BrahMos một trường thử gần Pokhran, sa mạc Rajasthan, (Tháng 12/2004 và tháng 3/ 2007) và đưa vào trang bị 21/6/2007. Lục quân Ấn Độ đã thành lập trung đoàn đầu tiên 816 trang bị tên lửa BrahMos Block I (A1) và vũ khí bắt đầu được chuyển giao từ năm 2007, đại đội đầu tiên bước vào hoạt động tháng 6/2007. Mỗi đại đội được trang bị 4 xe bệ phóng lắp trên xe vận tải hạng nặng Tatra 12x12. Lục quân Ấn Độ dự định đưa thêm 3 đại đội vào hoạt động. Sắp tới, sẽ thành lập 2 trung đoàn trang bị BrahMos Mark II có số hiệu 862 và 863, mỗi trung đoàn sẽ có 4-6 đại đội, mỗi đại đội có 3-4 xe bệ phóng cơ động độc lập có thể liên kết với đài chỉ huy cơ động chung.

Phóng tên lửa BrahMos ở chế độ đất-đối-đất

Ngày 20/1/2009, BrahMos Block II được thử tại Pokhran ở Rajasthan với phần mềm mới ở chế độ phóng thẳng đứng (chế độ phóng dùng cho lục quân) được tiến hành. Tên lửa không bắn trúng mục tiêu trong nhóm mục tiêu do trục trặc ở đầu tự dẫn. Ngày 4/3/2009, lần thử mới được tiến hành và đã thành công.

Trong lần thử tiếp theo ngày 29/3/2009, Lục quân Ấn Độ đã phóng thử BrahMos Block II tấn công mặt đất với phần mềm tiên tiến của đầu tìm có khả năng nhận dạng mục tiêu cũng từ xe bệ phóng cơ động độc lập tại trường thử Pokhran.

Theo Cơ quan Nghiên cứu-phát triển Quốc phòng Ấn Độ DRDO, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu và thỏa mãn mọi yêu cầu đặt ra. Với vụ thử thành công này, giai đoạn phát triển BrahMos Block II đã hoàn tất và tên lửa sẵn sàng cho việc đưa vào trang bị cho Lục quân. Vụ thử tháng 3/2009 là rất quan trọng để hoàn thành mục tiêu của Lục quân Ấn Độ sử dụng BrahMos làm vũ khí tấn công chính xác.

DRDO tuyên bố liên doanh BrahMos sẽ có thể bắt đầu cung cấp 240 tên lửa cho Lục quân trong 2 năm kể từ bây giờ đúng như tiến độ ban đầu đặt ra. Lục quân Ấn Độ đã quyết định đưa vào trang bị tên lửa này.

Nước sản xuất: Ấn Độ
Năm nhận vào trang bị: 2007
Các nước sử dụng: Ấn Độ (Lục quân, Hải quân, Không quân)

Tính năng kỹ-chiến thuật:

Phóng lần đầu: 12/6/2001

Kích thước: chiều dài x sải cánh x đường kính thân, m: 8 x 1,7 x 0,7

Trọng lượng phóng, kg: 3000

Động cơ hành trình phản lực không khí dòng thẳng siêu âm có lực đẩy 4000 kgf (kN) và động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn

Tốc độ:
- khi bay cao 750 m/s (2,5-2,8M);
- khi bay sát mặt đất - 2M

Tầm bắn, km:
- khi bay với quỹ đạo hỗn hợp: đến 300
- khi bay ở độ cao nhỏ: đến 120

Độ cao bay, m:
- ở giai đoạn hành trình: 14000
- ở quỹ đạo bay thấp: 10-15
- ở gần mục tiêu: 5-15

Hệ dẫn: Hệ thống điều khiển tự hoạt kết hợp hệ dẫn quán tính và đầu tự dẫn radar

Kiểu phần chiến đấu: xuyên

Trọng lượng phần chiến đấu, kg: đến 300

Góc tầm của bệ phóng, độ: 0-90

  • Nguồn:
    1. BraMos Aero-Space Ltd. brahmos.com.
    2. BrahMos to be deployed in Ladakh // Times Now (October 11, 2009).
    3. Military Informant.

Đại Việt