In bài này
Chiến tranh Vùng Vịnh (1990-1991)
Thứ Hai, 16/11/2009 - 11:38 PM
Chiến tranh giữa lực lượng liên quân đứng đầu là Mỹ tiến hành chống Iraq sau khi Iraq chiếm Kuwait (còn gọi là chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất).

Liên quân triển khai 750.000 quân (từ 30 quốc gia, trong đó có 400.000 quân Mỹ), gồm 16-17 sư đoàn, 4.100 xe tăng và xe thiết giáp, 3.821 máy bay các loại, 163-173 tàu chiến;

Phía Iraq có: 1.000.000 quân, trong đó có 700.000 quân chính quy (55-60 sư đoàn), 12.000 xe tăng và xe thiết giáp, 700 máy bay, 3.500 pháo, 106 tàu chiến.

Cuộc chiến gồm 3 giai đoạn:

 

  • Giai đoạn 1 (8.1990-16.1.1991), Mỹ tập hợp lực lượng, điều quân đến Vùng Vịnh, triển khai áp sát biên giới Iraq-Kuwait với chiến dịch Lá chắn sa mạc (Operation Desert Shield, 6.8.1990-16.1.1991); phía Iraq tổ chức các hệ thống phòng ngự.

Chiến dịch Bão táp Sa mạc

  • Giai đoạn 2 (17.1-23.2), Mỹ và liên quân tiến hành chiến dịch Bão táp Sa mạc (Operation Desert Storm, 17.1-23.2.1991), dùng không quân, tên lửa bắn phá các mục tiêu, khu vực phòng ngự của Iraq trên đất Kuwait và Iraq, khống chế toàn bộ trên không; phía Iraq chống trả yếu ớt, tìm cách bảo vệ lực lượng là chính, đồng thời dùng tên lửa bắn sang Israel và Saudi Arabia, mở trận đánh thăm dò vào Khafji (trên đất Saudi Arabia).

Chiến dịch Thanh gươm Sa mạc

  • Giai đoạn 3 (24-28.2), nhân lúc phía Iraq gặp nhiều khó khăn, buộc phải tuyên bố chấp nhận rút quân khỏi Kuwait theo kế hoạch 8 điểm của Liên Xô, liên quân thực hiện chiến dịch Thanh gươm Sa mạc (Operation Desert Sabre, 24-28.2.1990), tiến công bằng lực lượng trên bộ với các đòn nghi binh, bao vây, chia cắt, thọc sâu vào đất Iraq và Kuwait làm cho Iraq bị tổn thất nặng.

    Ngày 28.2. Iraq tuyên bố chấp nhận 12 nghị quyết do LHQ đưa ra.

Tổn thất:

  • Iraq: 120.000 quân (60.000 bị bắt làm tù binh), 4.000 xe tăng và xe bọc thép, 87 máy bay, 2.000 pháo các loại;
  • Liên quân: 4.179 quân (179 chết), 48 máy bay, 2 tàu chiến bị hư hại.

Chiến tranh Vùng Vịnh là cuộc chiến tranh đầu tiên sử dụng rộng rãi các hệ vũ khí kỹ thuật cao, trong đó không quân, tên lửa là nhân tố nổi bật. Thắng lợi của liên quân trong chiến tranh cho thấy những phát triển mới của nghệ thuật quân sự về lựa chọn chính xác thời cơ chiến dịch, phương thức tác chiến đa dạng, vận dụng chiến thuật linh hoạt, kết hợp các thủ đoạn nghi binh, cơ động, vu hồi và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng.

  • Nguồn: TĐBKQS / Trung tâm TĐBKQS - BQP.-H.: QĐND, 2004.