In bài này
Chiến tranh Nguyễn Ánh - Tây Sơn (1790-1802)
Thứ Hai, 16/11/2009 - 7:11 PM
Chiến tranh do Nguyễn Ánh cầm đầu các thế lực phong kiến họ Nguyễn chống triều đình Tây Sơn nhằm giành lại chính quyền.

Chiến thuyền Tây Sơn
Sau khi chiếm lại vùng Gia Định (1788), lợi dụng tình hình triều Tây Sơn lúc đó chưa ổn định vững chắc và đang phải lo đối phó với nhà Thanh (Trung Quốc) ở phía Bắc, Nguyễn Ánh được các thế lực phản động trong nước và tư bản Pháp ủng hộ, tích cực chuẩn bị chống Tây Sơn.

Tháng 5.1790, quân Nguyễn bắt đầu đánh Bình Thuận nhưng thất bại, phải chuyển sang lấn dần đất, đến tháng 6.1792 đánh thắng quân Tây Sơn ở cửa Thi Nại (Quy Nhơn).

Trước tình hình đó, Nguyễn Huệ quyết định tập trung lực lượng lớn (khoảng 300.000 quân), truyền hịch chuẩn bị tiến đánh Gia Định, nhưng chưa kịp thực hiện thì chết đột ngột (16.9.1792), con là Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, chưa đủ uy tín, khiến nội bộ Tây Sơn lục đục, suy yếu.

Nguyễn Ánh nhân cơ hội mở rộng hoạt động, đánh Phú Yên và thành Quy Nhơn (1799), chiếm thành Phú Xuân (6.1801).

Quang Toản chạy ra Bắc thu nhập lực lượng, cùng tướng Bùi Thị Xuân vượt Sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) mở cuộc phản công lớn nhưng thất bại.

Tháng 6.1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế rồi tiến quân ra Bắc, đến tháng 7.1802, chiếm được Thăng Long.

Chiến tranh Nguyễn Ánh - Tây Sơn kết thúc bằng việc triều Nguyễn thay thế triều Tây Sơn, đồng thời tạo tiền đề cho sự xâm nhập của thực dân Pháp vào VN.