In bài này
Hệ thống vũ khí laser chống tên lửa lắp trên máy bay ABL của Mỹ
Thứ Năm, 05/11/2009 - 4:33 PM
Mỹ đang bước vào giai đoạn hoàn tất công tác phát triển vũ khí laser chống tên lửa lắp trên máy bay ABL (AirBorne Laser). Chương trình ABL bắt đầu năm 1996 khi Không quân Mỹ ký hợp đồng với hãng Boeing về việc xây dựng khái niệm hệ thống phòng thủ tên lửa mới.

Hệ thống ABL. Ảnh: Không quân Mỹ
Năm 2001, quyền lãnh đạo chương trình được chuyển sang Cơ quan Phòng thủ tên lửa MDA (Missile Defense Agency). MDA đã đặt hàng một nhóm công ty gồm Boeing (nhà thầu chính, chỉ đạo chung chương trình, tích hợp tất cả các hệ thống, công việc và chế tạo máy bay), Northrop Grumman (phát triển và cung cấp laser) và Lockheed Martin (hệ thống phóng ở mũi và hệ thống điều khiển hoả lực) để sản xuất hệ thống này.

Năm 2002, một máy bay Boeing 747-400F được đặt ký hiệu YAL-1 đã được cải tạo làm phương tiện mang hệ thống laser. Nền tảng của hệ thống là laser hoá học oxy-iod (COIL - Chemical Oxygen Iodine Laser), - một biến thể của laser hoá học hồng ngoại, bao gồm 6 module và có công suất ra ở chế độ phát liên tục đạt mức MW. 2 laser thể rắn công suất mức kW đang được dùng để chiếu xạ mục tiêu.

Chức năng chính của hệ thống là tiêu diệt tên lửa ngay sau khi phóng, ở giai đoạn tăng tốc. Tại giai đoạn bay này, tên lửa dễ bị phát hiện và bắn hạ nhất vì động cơ hoạt động làm bộc lộ tên lửa. Hệ thống ABL sử dụng các sensor hồng ngoại để phát hiện sơ bộ mục tiêu. Sau khi phát hiệnh mục tiêu, hệ thống sử dụng các laser bổ trợ công suất nhỏ để tính toán hướng bay và tốc độ bay của tên lửa, xác định điểm ngắm bắn và đo sự chảy rối của không khí.

Do sự chảy rối không khí làm lệch hướng và biến dạng tia laser nên hệ thống quang học thích ứng sử dụng các số liệu nhận được để nạp vào các phần tử hiệu chỉnh để thích ứng với nhiễu khí quyền. Sau đó, laser chính đặt ở mũi máy bay phát 1 xung dài 3-5 s, đủ để tiêu diệt 1 tên lửa. Xung này, nhờ kính viễn vọng mạnh lắp trên ụ ở mũi máy bay, được tụ tiêu và giữ trên điểm ngắm. Toàn bộ quá trình từ phát hiện cho đến lúc tiêu diệt mục tiêu kéo dài không quá 8-12 s.

Tuy đến nay đã tiến hành khá nhiều cuộc thử nghiệm trên mặt đất và trên không đối với cả hệ thống ABL, cũng như các bộ phận của nó, người ta vẫn cần chưa có được những số liệu thử nghiệm về khả năng thực tế của hệ thống này, song cũng đã có được một số kết luận dựa trên kết quả nghiên cứu lý thuyết và mô hình hoá. Người ta cho rằng, ABL có hiệu quả nhất khi đối phó với tên lửa nhiên liệu lỏng vì vỏ các tên lửa này có độ cứng kém hơn. Tia laser khi đập vào vỏ thùng nhiên liệu tên lửa sẽ làm thân tên lửa nóng lên và tăng áp suất bên trong của nhiên liệu, điều đó dẫn tới những hậu quả nguy hiểm.
 
Trong những trường hợp khác, thân tên lửa bị suy yếu do bị nung quá nóng sẽ bị phá huỷ bởi tải trọng phát sinh khi bay và cơ động với tốc độ cao hoặc tải trọng tạo ra bởi lực cản chính diện của khí quyển. Như vậy là có thể tiêu diệt tên lửa mà không phải thiêu cháy toàn bộ thân tên lửa.

ABL
Liên quan đến các nguyên tắc sử dụng chiến đấu hệ thống ABL thì người ta dự tính sử dụng nó chủ yếu để chống tên lửa chiến dịch và chiến thuật-chiến dịch trên chiến trường.

Các máy bay mang ABL sẽ cất cánh tuần tra chiến đấu và tuần tiễu ở độ cao lớn, ở cách các khu vực đối phương có thể triển khai tên lửa đến 600 km trong một khoảng thời gian khá dài.

Có thể kéo dài thời gian trực chiến trên không của máy bay ABL bằng cách tiếp dầu trên không cho máy bay. Để yểm trợ và bảo đảm hoạt dộng của các máy bay ABL, người ta sẽ huy động các máy bay tiêm kích và máy bay tác chiến điện tử.

Theo khái niệm tác chiến lấy mạng làm trung tâm, dự kiến tổ chức hoạt động phối hợp và trao đổi thông tin về địch nhận được từ các phương tiện do thám vũ trụ và các hệ thống AWACS.

Hiện tại, dự trữ nhiên liệu laser của ABL được cho là đủ để phát 20-40 xung năng lượng cao, sau đó máy bay phải trở về căn cứ để nạp nhiên liệu laser. Về lý thuyết, có thể sử dụng hệ thống ABL để chống máy bay, tên lửa hành trình hoặc vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Nhưng những khả năng này chưa được nghiên cứu và thử nghiệm sâu bởi vì rõ ràng là hệ thống hồng ngoại phát hiện mục tiêu của ABL được tính toán trước hết để phát hiện các nguồn bức xạ nhiệt mạnh của các vụ phóng tên lửa.

Các cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa khi phóng trong điều kiện thực tế dự kiến vào nửa cuối năm 2009 sẽ quyết định số phận tương lai của ABL. Vì thế, có thể thấy rằng, theo như kế hoạch ban đầu, quyết định đưa các máy bay ABL vào trang bị sẽ phải đưa ra ngay trong năm 2008.

Tuy vậy, các nhà thiết kế ABL giải thích sự chậm trễ về tiến độ thực hiện chương trình là do tính phức tạp cao và nhiệm vụ thực hiện là mới, đồng thời khẳng định các khó khăn chính đã được vượt qua và việc hoàn thành công việc của chương trình chỉ còn là vấn đề của kỹ thuật. Nhưng kể cả khi giải quyết được hết các vấn đề kỹ thuật thì cũng vẫn không bảo đảm cho việc tiếp tục công việc của chương trình ABL trong điều kiện hiện nay.
 
Với việc thượng nghị sĩ Barack Obama đắc cử tổng thống Mỹ, đã có tin chính quyền mới sẽ xem xét kỹ lưỡng tính hợp lý của việc chi những khoản tiền lớn cho một số chương trình quân sự đầy tham vọng, trong đó chương trình ABL nằm trong số những chương trình đầu tiên phải điều chỉnh và xem xét lại.

Trong khi đó, chương trình thử nghiệm ABL năm 2009 cũng như kế hoạch thông qua quyết định chế tạo 7 máy bay Boeing 747-400F mang hệ thống ABL một khi thực hiện thành công giai đoạn thử nghiệm mới vẫn được giữ nguyên. Các máy bay này sẽ được đưa vào hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng chung của Mỹ.

  • Nguồn:  VPKN
Gold Lion