In bài này
Hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa chiến lược cơ động Topol-M của Nga
Thứ Năm, 05/11/2009 - 12:41 AM
Hệ thống tên lửa chiến lược xuyên lục địa cơ động Topol-M (NATO gọi là SS-Х-27, Sickle) trang bị tên lửa RS-12М (RT-2PM, 15Zh58), là biến thể hiện đại hoá của hệ thống tên lửa Topol (SS-25). Topol-M được chế tạo hoàn toàn tại các xí nghiệp của Nga.

Lịch sử phát triển

Topol-M bắt đầu được nghiên cứu chế tạo sau khi ban hành Sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga năm 1993, trong đó có quy định vấn đề cấp kinh phí cho chương trình này.

Trên thực tế, Nga đã phải phát triển một loại tên lửa vạn năng cho nhiều phương án bố trí. Ở cả phương án bố trí trong giếng phóng lẫn phương án cơ động, tên lửa đều phải có khả năng chiến đấu và độ chính xác cao, có khả năng trực chiến kéo dài ở nhiều cấp sẵn sàng chiến đấu, có khả năng sống còn trước tác động của các yếu tố sát thương trong khi bay và khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương như nhau.

Hệ thống tên lửa xuyên lục địa cơ động Topol-M


Tên lửa đường đạn xuyên lục địa, 3 tầng, nhiên liệu rắn RT-2PM (biến thể cải tiến của tên lửa RT-2P) mang 1 đầu đạn đơn kiểu tách được (trọng lượng đên 1000 kg, đương lượng nổ đến 0,55 MT) và trang bị hệ dẫn quán tính do Viện Kỹ thuật Nhiệt Moskva (MIT) phát triển, tổng công trình sư là Boris Latugin. Tên lửa (trọng lượng đến 46 t, dài 18,5 m, đường kính 1,8 m) với hệ dẫn quán tính và máy tính số trên khoang lần đầu tiên được phóng từ trường thử Plesetsk ngày 8/2/1983 và được nhận vào trang bị của Bộ đội Tên lửa Chiến lươợc Liên Xô/Nga (RVSN) năm 1985.

Hai tên lửa sản xuất loạt đầu tiên của hệ thống RS-12М2 (RT-2PM2) được đưa vào trực chiến thử ở Tatishchevo (Tỉnh Saratov) vào tháng 12/1997, trung đoàn đầu tiên trang bị 10 tên lửa bố trí trong giếng phóng bước vào trực chiến vào tháng 12/1998. Các tên lửa được bố trí trong các giếng phóng cũ của tên lửa đường đạn chiến lược xuyên lục địa UR-100 được cải tiến.

Ngày 28/4/2000, Uỷ ban Nhà nước phê chuẩn văn bản tiếp nhận vào trang bị của RVSN tên lửa đường đạn xuyên lục địa Topol-M. Tên lửa được sản xuất loạt tại GPO Votkinsky zavod.


Tên lửa Topol-M được phóng đi

Chức năng

Topol-M là một phương tiện quan trọng để Nga duy trì tiềm lực hạt nhân ở mức độ cần thiết, bảo đảm an ninh quốc gia và là nền tảng của lực lượng RVSN của Nga.

Hệ thống có nhiều tính năng độc đáo và vượt trội khoảng 1,5 lần hệ thống thế hệ trước về khả năng chiến đấu, sức cơ động và khả năng sống còn (ở biến thể cơ động), hiệu quả tiêu diệt các loại mục tiêu, kể cả khi có sự đối kháng của đối phương. Khả năng năng lượng của tên lửa cho phép tăng trọng lượng tải trọng hữu ích, giảm đáng kể độ cao giai đoạn bay tích cực của tên lửa và vượt qua hữu hiệu hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của đối phương.

Đặc điểm

Xe bệ phóng Topol-M

Topol-M được phát triển dựa trên những thành tựu mới nhất của khoa học và ngành chế tạo tên lửa Nga. Lần đầu tiên, Nga đã chế tạo được một tên lửa chuẩn hoá hoàn toàn để triển khai trong giếng phóng và cơ động trên mặt đất và đã sử dụng hệ thống kiểm thử mới trong quá trình thử nghiệm nên giảm được rất nhiều khối lượng các công việc này và giảm chi phí chung mà không làm giảm độ tin cậy.

Hệ thống là 1 tên lửa 3 tầng, nhiên liệu rắn, mang đầu đạn đơn khối lắp trong contenơ chuyên chở kiêm ống phóng với thời hạn chứa không dưới 15 năm trong tổng tuổi thọ khai thác không dưới 20 năm. Tên lửa được chế tạo ở dạng phóng từ giếng phóng và phóng từ xe bệ phóng cơ động trên mặt đất.

Tên lửa có một số đặc điểm:

  • Bệ phóng Topol-M RT-2PM lắp trên khung gầm MAZ-7917
    có thể sử dụng các giếng phóng hiện có của những tên lửa bị loại khỏi  trang bị hoặc cắt giảm theo Hiệp ước START-2 mà không cần nhiều chi phí cải tạo (chỉ thay hệ thống cố định tên lửa vào contenơ);
  • có độ chính xác, khả năng chống chịu các phương tiện phòng thủ tên lửa trong khi bay, kể cả vũ khí hạt nhân, và khả năng sẵn sàng phóng cao hơn loại Topol tương tự;
  • có khả năng cơ động trong khi bay;
  • có khả năng chống chịu xung điện từ;
  • hoàn toàn tương thích với các hệ thống liên lạc, chỉ huy và bảo đảm hiện có.

Tên lửa RT-2PM2 là tên lửa 3 tầng, trang bị động cơ mạnh sử dụng nhiên liệu rắn hỗn hợp và thân làm bằng chất dẻo thuỷ tinh. Tên lửa không có các cánh ổn định và cánh lái dạng lưới. Tên lửa RT-2PM2 có trọng lượng phóng hơn 47 t; chiều dài 22,7 m; chiều dài không tính đầu đạn là 17,5 m; đường kính thân lớn nhất 1,86 m; trọng lượng đầu đạn 1,2 t; tầm bắn tối đa 11.000 km.

Khác với các tên lửa chiến lược xuyên lục địa khác, đầu đạn đơn khối  của tên lửa RT2-PM2 có thể thay thế nhanh chóng bằng đầu đạn kiểu tách có dẫn đường độc lập (MIRV). Đầu đạn mới được cho là có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ như đã được các cuộc thử nghiệm hệ thống này với đầu đạn mới ngày 21/11/2005 xác nhận. Hiện nay, xác suất vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là 60-65%, trong tương lai là hơn 80%.

Ba động cơ hành trình nhiên liệu rắn bảo đảm cho tên lửa tăng tốc độ nhanh nên giảm được sơ hở của tên lửa ở giai đoạn khởi tốc, còn hàng chục động cơ phụ trợ và các hệ thống điều khiển hiện đại bảo đảm tên lửa có khả năng cơ động trong khi bay.

Bệ phóng kiểu cơ động được bố trí trên xe kéo MZKT-79221 do Nhà máy Xe kéo bánh lốp Minsk chế tạo. Bệ phóng và lắp ráp bệ phóng vào xe kéo được tiến hành tại Viện Thiết kế Trung ương (TsKB) Titan (Thành phố Volgograd). Bệ phóng được sản xuất loạt tại PO Barrikadi ở Volgograd.

Trong chế tạo bệ phóng cơ động của hệ thống Topol-M có sử dụng những giải pháp kỹ thuật hoàn toàn mới, trong đó có các giải pháp cho phép triển khai và phóng tên lửa trên nền đất mềm.

Hiện trạng và triển vọng

Hệ thống tên lửa Topol-M nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu của RVSN. Biến thể cơ động bảo đảm tính bí mật, khả năng cơ động, khả năng sống còn của các đơn vị và các xe bệ phóng đơn lẻ, cũng như độ tin cậy chỉ huy và khả năng hoạt động độc lập mà không cần bổ sung dự trữ vật chất trong một thời gian dài. Hệ thống đang tiếp tục được hoàn thiện.

Dự kiến cứ 2-2,5 năm, Nga sẽ đưa vào trực chiến 1 trung đoàn Topol-M cơ động và tổng cộng RVSN sẽ có 2-3 sư đoàn (mỗi sư có 4-6 trung đoàn) tên lửa cơ động Topol-M.

Việc trang bị các hệ thống cơ động với đầu đạn mới cho các đơn vị thường trực bắt đầu năm 2006. Đồng thời, cũng dự kiến lắp các đầu đạn mới cho các hệ thống Topol-M trong giếng phóng đã triển khai và các tên lửa đường đạn xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm Bulava-30.

Lần phóng thử thành công mới nhất tên lửa Topol diễn ra ngày 8/12/2007 từ trường thử Kapustin Yar (Tính Astrakhan). Trong đó có thử nghiệm đầu đạn chuẩn hoá cho tên lửa phóng từ mặt đất và từ tàu ngầm.

Đến trước năm 2012, khi mà Nga phải hoàn thành mọi cam kết theo Hiệp ước START-2, Nga phải duy trì sự cân bằng với Mỹ và có trong trang bị 1.700-2.200 đầu đạn hạt nhân. Hiện nay, RVSN được trang bị 6 loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa và chúng sẽ dần dần được thay thế bằng hệ thống Topol-M.

Tính năng kỹ-chiến thuật

- Kích thước: Chiếu dài kể cả đầu đạn (không tính đầu đạn), m: 22,7 (17,5);
- Tầm bắn tối đa, km: 11.000;
- Số tầng: 3;
- Đương lượng nổ của đầu đạn, MT: 0,55;
- Trọng lượng phóng tối đa, t: 47,1;
- Trọng lượng đầu đạn, t: 1,2;
- Độ chính xác (sai số giới hạn), km: - ;
Đường kính thân lớn nhất, m: 1,86. 

  • Nguồn: Arms-expo.ru
Đại Việt