In bài này
Trần Bình Trọng (1259 - 1285)
Chủ Nhật, 25/10/2009 - 10:16 AM
“Ta thà làm ma nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc” - Lời Trần Bình Trọng (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 47-a)

Trần Bình Trọng vốn gốc người họ Lê. Sử cũ cho hay, ông thuộc dòng dõi của Lê Hoàn, vì có ông và cha làm quan dưới thời Trần Thái Tông (1226 - 1258), có công lao nên được ban quốc tính là họ Trần (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 47-a). Hiện vẫn chưa rõ ai là ông và ai là cha của Trần Bình Trọng, tuy nhiên, thời Trần Thái Tông và cả đời Trần Thánh Tông (1258 - 1278), có Lê Tần là danh tướng của triều Trần, được vua Trần Thái Tông yêu quý mà cho đổi gọi là Lê Phụ Trần. Lê Tần cũng là dòng dõi của Lê Hoàn, ắt là Trần Bình Trọng cũng thuộc dòng này chăng?

Trần Bình Trọng sinh năm Kỷ Mùi (1259) tại xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm (Dẫn lại của các tác giả Phan Đại Doãn, Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Ngọc Cơ, Nguyễn Thái Hoàng. Sổ tay Nhân vật lịch sử Việt Nam.-H.: Giáo dục, Hà Nội, 1990.-Tr.141).

Ông hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285). Trần Bình Trọng là chồng sau của Công chúa Thụy Bảo (con gái của vua Trần Thái Tông). Sinh thời, ông được triều Trần phong là Bảo Nghĩa Vương, vì lẽ đó, sử sách cũng thường gọi ông là Bảo Nghĩa Vương mà không gọi theo họ tên thật.

Bấy giờ, giặc hùng hổ tràn sang nước ta, cả từ Nam lên, cả từ Bắc xuống. Giữa lúc vận nước lâm nguy, tuyệt đại đa số quý tộc họ Trần đều dũng cảm ra trận, chiến đấu một mất một còn với quân thù. Tiếc thay, cũng có một số quý tộc yếu bóng vía, thậm chí là đầu hàng và phản bội. Trong số này, Trần Kiện là kẻ đã gây nên tác hại to lớn nhất. Tướng giặc chỉ huy đạo quân đánh từ phía Nam lên là Toa Đô đã chớp ngay lấy cơ hội, đánh quyết liệt vào lực lượng của ta. Tình thế trở nên cực kỳ khó khăn và phức tạp.

Đạo quân từ phía Bắc đánh xuống do chính chủ tướng của chúng là Thoát Hoan chỉ huy hung hăng tổ chức hàng loạt những cuộc hành quân truy đuổi chủ lực của ta. Trong điều kiện như vậy, quân ta chỉ có thể vừa rút lui để bảo toàn lực lượng, vừa tiến hành một vài trận tập kích mà thôi. Tháng 2 năm 1285, Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng đã chỉ huy một trận đánh rất táo bạo vào khu vực Đà Mạc (tức Tha Mạc, hay bãi Mạn Trù. Đất này nay thuộc tỉnh Hải Dương và Hưng Yên). Trong trận này, chẳng may ông bị bắt. Sử cũ viết:

“Sau khi bị bắt, Vương không chịu ăn uống gì. Giặc hỏi việc nước, Vương không thèm đáp. Giặc lại hỏi:

- Có muốn làm vương đất Bắc không?

Vương thét to:

- Ta thà làm ma nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc!

Thế rồi giặc giết ông” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 47-a). 

Đó là một trong những câu nói tiêu biểu nhất của khí phách hiên ngang và ý chí quật cường của cả dân tộc ta. Tên tuổi của Trần Bình Trong trở nên bất diệt, trước hết và chủ yếu là cũng từ câu nói đầy khẩu khí anh hùng này. Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái viết:

“Trần Bình Trọng là tôi trung,
Thà làm Nam quỷ, chẳng lòng Bắc vương”
 
(Đại Nam quốc sử diễn ca). 

Về sau, con cháu của ông cũng nối được chí lớn của ông. Trong đó, người làm rạng danh hơn cả là danh tướng Trần Khát Chân.