In bài này
Trần Khánh Dư (? - 1339)
Chủ Nhật, 25/10/2009 - 9:49 AM
"Lúc giặc Nguyện mới vào cướp phá lần đầu, ông thường bất ngờ cho quân ra đánh úp (nên sau đó) được vua Trần Thánh Tông khen là bậc có trí và dũng, cho làm Thiên Tử Nghĩa Nam. Sau ông đi đánh dân man ở núi, giành đại thắng nên được ban chức Phiêu kỵ Đại tướng quân" - Phan Huy Chú(Lịch triều hiến chương loại chí)

“Ông người huyện Chí Linh (nay thuộc tỉnh Hải Hưng - NKT), vì là dòng dõi tôn thất nên được phong tới tước Nhân Huệ Vương. Lúc giặc Nguyện mới vào cướp phá lần đầu, ông thường bất ngờ cho quân ra đánh úp (nên sau đó) được vua Trần Thánh Tông khen là bậc có trí và dũng, cho làm Thiên Tử Nghĩa Nam (tức là làm con nuôi của vua - NKT). Sau ông đi đánh dân man ở núi, giành đại thắng nên được ban chức Phiêu Ky Đại Tướng Quân. Chức này, nếu không phải là Hoàng Tử thì không dược phong, nhưng vì ông là Thiên Tử Nghĩa Nam nên mới được. Ông được vua yêu nên được phong tới mấy lần, lên tới tước Thượng Vị Hầu, được mặc áo tía” 

 Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí)

Sử cũ chỉ cho biết một cách vắn tắt rằng, Trần Khánh Dư là con của Thượng Tướng Quân Trần Phó Duyệt. Trần Phó Duyệt có thái ấp ở Chí Linh và Trần Khánh Dư chào đời ngay trong thái ấp của thân phụ mình. Không tài liệu nào cho hay ngày tháng năm sinh của Trần Khánh Dư, nhưng, căn cứ vào hành trạng cuộc đời của ông, nhất là sự kiện ông đã mưu trí tổ chức những trận đánh úp quân xâm lược Mông-Nguyên trong cuộc chiến tranh vệ quốc lần thứ nhất của triều Trần (1258), chúng ta cũng có thể ước đoán rằng, ông nhỏ hơn Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chừng mươi tuổi.

Trần Khánh Dư thật sự là bậc đa tài nhưng cũng đồng thời là người… lắm tật. Thư tịch cổ không ngớt lời ca ngợi ông, nhưng cũng không quên ghi chép khá tỉ mỉ về những lần ông đã mắc lỗi.

  1. Lần thứ nhất xảy ra vào năm nào chưa rõ, chỉ biết là sau năm 1258 và trước năm 1282. Bấy giờ, ông đã thông dâm với Công chúa Thiên Thụy là con dâu của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Công chúa Thiên Thụy là vợ của Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn). Vua Trần Thánh Tông vì sợ mất lòng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nên đã hạ lệnh cho quân sĩ đem ông ra hồ Tây đánh cho đến chết mới thôi. Nhưng cũng chính vua Trần Thánh Tông lại ngầm nói với quân sĩ rằng, chỉ đánh mấy roi rồi thả cho ông đi. Trần Khánh Dư chạy về Chí Linh và sau đó thì kiếm sống bằng nghề buôn bán than củi. Gia sản của ông bị triều đình tịch thu hết.
  2. Lần thứ hai xảy ra ngay khi ông được lệnh trấn giữ ở Vân Đồn. Tại đây, ông vừa bắt quân sĩ dưới quyền mình phải đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một làng ở Hải Hưng, nổi tiếng với nghề làm nón. Nón Ma Lôi là nón do làng này làm ra) để khỏi bị nhầm với quân Mông-Nguyên rồi bị giết hại, lại vừa mật sai người nhà đem nón Ma Lôi đến bán với giá cắt cổ. Nói khác hơn, ông đã bóc lột ngay chính quân sĩ của mình.
  3. Lần thứ ba cũng xảy ra vào năm 1296, tức là cũng trong thời gian ông trấn giữ ở Vân Đồn, nhưng muộn hơn lần thứ hai khoảng 8 năm. Bấy giờ là thời thái bình, cũng như khá nhiều quý tộc khác, ông trị dân một cách hà khắc và nặng lo vun quén cho cá nhân mình, khiến dân oán hận, dư luận chê cười. Lúc ấy, có người Trung Quốc đến làm ăn buôn bán ở Vân Đồn, đã mượn việc làm thơ mừng Trần Khánh Dư để chê bai ông. Bài thơ ấy có câu rằng:

“Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (nghĩa là: gà và chó ở Vân Đồn đều khiếp sợ) (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 8, tờ 5). Sử cũ chép rằng:

“Quan Hành khiển liền đem sự trạng tâu lên vua, (Trần) Khánh Dư nhân đó tâu rằng:

- Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ.

Vua (đây chỉ vua Trần Anh Tông - NKT) nghe vậy thì không hài lòng. (Trần) Khánh Dư bèn trở về (Vân Đồn). Ông về chầu chưa quá 4 ngày đã vội đi, vì sợ ở lại lâu sẽ bị Vua khiển trách" (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 6, tờ 4-a).

Lỗi lầm của Trần Khánh Dư hẳn nhiên là không nhỏ, nhưng, ông nổi tiếng với đời hoàn toàn không phải là bởi những câu phê phán nghiêm khắc nói trên. Sinh thời, Trần Khánh Dư là một vị tướng có tài, có nhiều đóng góp xuất sắc trong cả ba cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của thế kỷ XIII. Và, đây mới chính là lý do chủ yếu khiến cho tên tuổi của Trần Khánh Dư trở nên bất diệt. Trong cuộc chiến tranh lấn thứ nhất, có lẽ do còn trẻ, Trần Khánh Dư chưa được trao phó một trọng trách nào. Nhưng cũng trong cuộc chiến tranh này, chính ông đã hăng hái tham gia giết giặc lập công. Trần Khánh Dư tổ chức một loạt trận đánh nhỏ, bất ngờ và táo bạo, vừa góp phần tiêu hao sinh lực định, vừa tạo ra mối lo sợ và khủng hoảng tinh thần ngày càng lớn trong lực lượng quân xâm lăng. Hoạt động của đạo quân nhỏ do Trần Khánh Dư chỉ huy đã tạo ra những kinh nghiệm thực tiễn rất phong phú. Khi tổ chức trận tập kích quyết định vào quân Mông Cổ ở Đông Bộ Đầu, ắt hẳn các tướng lĩnh của nhà Trần đã chú ý đầy đủ đến bài học sinh động này. Triều đình nhà Trần và đặc biệt là Trần Hưng Đạo đánh giá rất cao về tài năng quân sự của Trần Khánh Dư. Việc ông được nhận làm Thiên Tử Nghĩa Nam, được ban chức Phiêu kỵ Đại tướng quân là những biểu hiện cụ thể của sự đánh giá rất cao này. Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn biên soạn xong bộ Binh thư yếu lược, chính Trần Khánh Dư là người có vinh dự được viết lời đề tựa (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 6, tờ 14-b và tờ 15 a-b). Mở đầu lời đề tựa này, Trần Khánh Dư đã viết những câu thật độc đáo:

“Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận. Người giỏi bày trận thì không cần phải đánh. Người giỏi đánh thì không thua. Người giỏi thua thì không chết” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 6, tờ 14-b).

Lập luận của ông đơn giản mà sâu sắc, dễ hiểu mà cũng thật hóm hỉnh, nếu không phải là đấng thật sự tài hoa, quyết không thể viết được như vậy. Đọc kỹ lời tựa của ông mới rõ kiến thức của ông thật là uyên bác. Ông đã nghiền ngẫm một cách công phu về tất cả những bộ binh pháp cổ, tìm chỗ hay để kế thừa, phát hiện chỗ yếu kém để tránh Từ thực tế đó, ông nêu lên những nhận định rất xác đáng về bộ Binh thư yếu lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Triều Trần từng xử phạt ông (và xử phạt như vậy là đúng), nhưng triều Trần cũng quý trọng tài năng của ông và chân thành muốn ông đem hết tài năng của mình ra phò vua giúp nước. Từ suy tính như vậy, tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282), nghĩa là ngay trước khi hội nghị Bình Than khai mạc, vua Trần đã tha tội và phục chức cho ông. Sử cũ viết:

“Lúc ấy, thuyền Vua đang đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút nhanh, gió thổi mạnh. Nhà vua thấy có chiếc thuyền chở than củi, người lái thuyền mình mặc áo ngắn, đầu đội nón lá… liền nói với thị thần rằng:

- Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?

(Nói rồi), lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì vừa kịp, viên Quân hiệu liền gọi:

- Ông lái ơi! Có lệnh vua triệu!

(Trần) Khánh Dư trả lời:

- Lão là người buôn bán, có việc gì mà vua phải triệu?

Viên Quân hiệu trở về tâu rõ sự thực với Vua. Nhà vua liền nói:

- Đó đúng là Nhân Huệ Vương. Người thường không dám nói như vậy đâu.

Và Nhà vua lại sai Quân hiệu đi gọi (Trần) Khánh Dư vẫn mặc áo ngắn và đội nón lá mà đến. Vua nói:

- Đấng nam nhi mà phải đến nông nỗi này là cùng cực rồi.

(Trần) Khánh Dư bèn lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho được ngồi ở hàng dưới các bậc vương tước nhưng lại ở trên các vị hầu tước để bàn việc nước. Ông nói được nhiều điều rất hợp ý Vua" (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 42-b).  

Trong cuộc chiến tranh lần thứ hai, vai trò của Trần Khánh Dư thể hiện rõ nhất ở những ý kiến đầy mưu lược và “rất hợp ý Vua”. Tuy nhiên, hoạt động cụ thể của lực lượng do ông chỉ huy thì sử sách chép không rõ ràng.

Trong cuộc chiến tranh lần thứ ba, tên tuổi của Trần Khánh Dư nổi bật hẳn lên. Bấy giờ, quân Nguyên tiến vào nước ta cả bằng đường bộ, cả bằng đường thủy. Đạo thủy binh của giặc do tướng Ô Mã Nhi cầm đầu, vượt vịnh Hạ Long rồi men theo sông Bạch Đằng mà tiến sâu vào lãnh thổ nước ta. Ô Mã Nhi đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là bảo vệ cho đoàn thuyền chở lương thực của giặc do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy. Nhiệm vụ thứ hai là đánh để khai thông mạch đường thủy từ vịnh Hạ Long vào khu vực Vạn Kiếp và giúp các đơn vi kỵ binh cũng như bộ binh của giặc vượt sông.

Với những đạo quân tiến vào nước ta qua ngả đường bộ, nhà Trần chủ trương tạm thời rút lui để bảo toàn sinh lực, chờ cơ hội đánh trận quyết định sau. Nhưng với đạo thủy binh, nhà Trần chủ trương phải tiêu diệt ngay không để cho chúng có cơ hội tiến sâu vào lãnh thổ ta, không cho phép chúng có thể thực hiện kế hoạch phối hợp với kỵ binh và bộ binh.

Kế hoạch đập tan đạo thủy binh của Ô Mã Nhi được triều đình tin cậy trao cho Trần Khánh Dư thực hiện. Sử cũ chép rằng:

“Bấy giờ, quân Nguyên đánh vào Vân Đồn. Hưng Đạo Vương (Trần Quốc Tuấn) giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng đang đóng ở Vân Đồn là Nhân Huệ Vương (Trần) Khánh Dư. (Trần) Khánh Dư bị bất lợi. Thượng Hoàng (Trần Thánh Tông) hay tin, liền sai Trung sứ ra để xiềng (Trần) Khánh Dư giải về kinh đô. (Trần) Khánh Dư nói với Trung sứ rằng:

- Nay nếu lấy quân pháp mà xử, tôi xin cam chịu tội. Nhưng, tôi xin được khất vài ba ngày để mưu lập công rồi về chịu trận búa rìu cũng chưa vội gì.

Viên Trung sứ cũng nghe theo lời xin đó. (Trần) Khánh Dư đoán rằng, binh thuyền của giặc đã qua thì ắt đoàn thuyền tải lương phải theo sau, bèn thu tập tàn binh để đợi chúng. Chẳng bao lâu sau đó, đoàn thuyền tải lương của giặc quả nhiên xuất hiện. (Trần Khánh Dư) đánh bại chúng, bắt được quân lương và khí giới của giặc nhiều không kể xiết. Tù binh cũng rất đông. (Ông) lập tức sai người chạy ngựa đem tin thắng lợi tấu trình. Thượng Hoàng liền tha tội cho, không hỏi đến nữa" (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 52-b và tờ 53-a).

Thắng lợi của Trần Khánh Dư trong trận Vân Đồn có ý nghĩa hết sức to lớn đối với thắng lợi chung của cuộc chiến tranh vệ quốc lúc bấy giờ. Thắng lợi đó đã đẩy quân xâm lăng vào chỗ yếu không cách gì có thể khắc phục được, đó là thiếu lương thực, thiếu vũ khí. Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã tỏ ra hết sức nhạy bén trước thắng lợi đặc biệt này của Trần Khánh Dư. Sử cũ chép:

“(Thượng Hoàng) nói:

- Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thực và khí giới thì nay đã bị ta bắt được. Nhưng nếu chúng còn chưa biết thì có thể lại hung hăng chăng?

(Nói rồi) bèn sai thả những tên lính giặc đã bị bắt cho về doanh trại của quân Nguyên để chúng báo tin. Quân Nguyên quả nhiên phải rút. Vết thương (chiến tranh) lần này không thê thảm như trước. (Trần) Khánh Dư có phần công lao ở trong đó" (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 53-a).

Thắng lợi của Trần Khánh Dư ở Vân Đồn còn để lại cho lịch sử chống xâm lăng bài học lớn, đó là bài học về tấn công vào hậu cần của quân xâm lăng. Một khi tiêu diệt được nguồn hậu cần của giặc thì thắng lợi chung cuộc cũng kể như đã mở ra.

Thắng lợi của Trần Khánh Dư ở Vân Đồn to lớn và có ý nghĩa sâu sắc đến mức khiến cho hậu thế quên hết mọi chuyện không hay về ông để nhớ mãi ông - danh tướng của dân tộc.