In bài này
Trần Nhật Duật (1255 - 1330)
Chủ Nhật, 25/10/2009 - 9:27 AM
"Ông là đấng thân vương quý hiển, làm quan trải thờ bốn đời vua, ba lần lãnh chức đứng đầu các trấn lớn. Nhà ông không ngày nào mà lại không có cuộc hát xướng. Người ta ví ông với Quách Tử Nghi đời nhà Đường (của Trung Quốc) vậy” - Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí)

“Ông là người nhã nhặn và độ lượng vui buồn chẳng hề lộ ra nét mặt, được người đương thời khen là bậc uyên bác. Những văn thư của triều đình lúc bấy giờ đều do tay ông thảo ra cả. Ông lại thông thuộc tiếng nói của các giống phiên và khi tiếp người Tống thì có thể ngồi nói chuyện cả ngày. Sứ giả từ Chiêm Thành, từ Sánh Mã Tích (tên một đảo quốc cổ ở vùng Nam Dương - NKT) hay từ các giống người man đến nước ta, ông đều có thể nói chuyện và tiếp đãi theo tục của họ. Vua Trần Nhân Tông thường nói rằng ông là hậu thân của các bộ tộc phiên di.

Ông là đấng thân vương quý hiển, làm quan trải thờ bốn đời vua, ba lần lãnh chức đứng đầu các trấn lớn. Nhà ông không ngày nào mà lại không có cuộc hát xướng. Người ta ví ông với Quách Tử Nghi đời nhà Đường (của Trung Quốc) vậy”.

Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí)

Trần Nhật Duật là Hoàng tử thứ sáu của vua Trần Thái Tông, em cùng cha nhưng khác mẹ của vua Trần Thánh Tông và danh tướng Trần Quang Khải. Ông sinh vào tháng 4 năm Ất Mão (1255). Thân mẫu của ông là ai thì chưa rõ. Sử cũ chép về sự kiện ông chào đời như sau:

“Trước đó, có viên Đạo sĩ ở cung Thái Thanh, tên là Thậm, đi cầu tự cho Nhà vua. Sau khi đọc sớ xong, (Đạo sĩ) liền tâu Vua rằng:

- Thượng đế đã y lời sớ tâu, sắp sai Chiêu Văn Đồng Tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ (tức 48 năm - NKT).

Thế rồi Hậu Cung có thai, sau quả nhiên sinh con trai, trên hai cánh tay của người con ấy có rành rành bốn chữ Chiêu Văn Đồng Tử, nét rất rõ, vì thế, Nhà vua mới cho đặt hiệu là Chiêu Văn. Lớn lên, những nét chữ ấy mới mất hẳn đi” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 20-b). 

  • Năm Đinh Mão (1267), Trần Nhật Duật được phong tước Chiêu Văn Vương.
  • Năm Nhâm Dần (1302), tức là hai năm sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, Trần Nhật Duật được phong làm Thái uý Quốc công (Quý tộc họ Trần đồng thời được ban hai tước vị khác nhau, đó là tước vị quý tộc và tước vị triều đình. Với hệ thống tước vị quý tộc, Trần Nhật Duật được phong tới Đại Vương, nhưng với hệ thống tước vị triều đình, ông chỉ được phong tới mức cao nhất là Quốc công).
  • Năm Kỷ Tỵ (1329), ông lại được gia phong là Chiêu Văn Đại Vương.

Ông mất vì bệnh vào năm Canh Ngọ (1330), hưởng thọ 75 tuổi (Năm sinh và năm mất của Trần Nhật Duật, các bộ sử cũ đều chép giống nhau, nhưng khi tính tuổi, sử cũ lại nói ông thọ 78 tuổi. Cho dẫu là tính theo tuổi ta thì con số 78 cũng không đúng).

Đền thờ Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật
trên bờ sông Hồng, Phú Thọ

Sinh thời, Trần Nhật Duật là bậc văn võ toàn tài. Như trên đã nói, ngoài kiến thức Nho học uyên bác, Trần Nhật Duật còn hiểu biết một cách sâu sắc về phong tục tập quán và đặc biệt là tiếng nói của nhiều dân tộc khác nhau. Ngoài chuyện tiếp sứ giả của nhiều nước và nhiều bộ tộc chung quanh mà không cần người thông dịch, sử cũ còn chép chuyện Trần Nhật Duật đi dẹp loạn Trịnh Giác Mật bằng một biện pháp rất độc đáo như sau:

“Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang (vùng Tuyên Quang ngày nay - NKT) làm phản, vua sai Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đi dụ hàng. Bấy giờ, (Trần) Nhật Duật coi giữ đạo Đà Giang, vì thế, ông liền ngầm đem thuộc hạ đến. Trịnh Giác Mật hay tin, liền sai người đến doanh trại (của Trần Nhật Duật) bày tỏ lòng thành và nói rằng:

- Mật này không dám trái mệnh. Nếu ân chúa đây dám một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng.

(Trần) Nhật Duật nhận lời, chỉ đem theo năm sáu người hầu nhỏ tuổi mà thôi. Quân sĩ thấy vậy liền ngăn lại, ông nói:

- Nếu chúng tráo trở với ta (rồi làm hại ta) thì ắt là triều đình sẽ cử bậc vương tước khác tới thay.

Khi ông đến dinh trại (của Trịnh Giác Mật), người Man liền vây kín ông, đông đến mấy chục lớp, gươm dao đều nhất loạt chĩa thẳng về phía ông. (Trần) Nhật Duật cứ đi thẳng vào, trèo lên trại chúng. (Trịnh Gíác) Mật liền mời ông ngồi. (Trần) Nhật Duật biết tiếng nói và am hiểu tập tục của nhiều nước. Ông cùng ăn bốc và uống bằng mũi với (Trịnh Giác) Mật. Người Man thấy vậy thì thích lắm. Khi (Trần) Nhật Duật trở về, (Trịnh Giác) Mật liền đem gia thuộc tới xin hàng. Mọi người thấy thế thì vui mừng và kính phục, vì không hề mất một mũi tên mà vẫn dẹp yên được đất Đà Giang. Khi trở về kinh sư, (Trần Nhật Duật) đem (Trịnh Giác) Mật và vợ con hắn vào chầu. Vua khen ngợi ông mãi. Sau, Vua cho (Trịnh Giác) Mật về nhà, giữ vợ con hắn lại ở kinh đô. (Trần) Nhật Duật thương yêu và nuôi nấng họ hết lòng, lại còn xin triều đình ban cho họ tước Thượng phẩm, sai trông coi ao cá một thời gian mới đưa về quê nhà” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 40 a-b).

Sự kiện trên xẩy ra vào cuối năm 1280, tức là năm mà Trần Nhật Duật mới 25 tuổi. Thật khó có thể tưởng tượng nổi, một chàng trai 25 tuổi của thế kỷ XIII lại dũng cảm và tự tin, tài hoa và bản lĩnh cao cường đến thế. Trần Nhật Duật trị dân bằng cách tự mình khiến cho dân tin và kính phục mà vui theo chứ không bằng cách thị uy sức mạnh của người nắm trong tay quyền lực, khiến cho dân phải khiếp sợ mà vâng lời.

Tài năng của Trần Nhật Duật trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông là người rất giỏi về âm nhạc và thường tự mình sáng tác các bản nhạc, trong đó có không ít bài có lời bằng chữ Nôm. Tuy nhiên, tài năng nổi bật nhất, cống hiến lớn nhất của Trần Nhật Duật vẫn thuộc về lĩnh vực quân sự.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên lần thứ nhất (1258), Trần Nhật Duật chỉ mới là một cậu bé 3 tuổi chưa thể có đóng góp gì. Nhưng trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Nhật Duật thực sự là một vị danh tướng kiệt xuất.

Năm 1285, Trần Nhật Duật được trao trọng trách chỉ huy một cánh quân lớn của nhà Trần, đóng giữ ở vùng Tuyên Quang ngày nay, đánh chặn để cản bước tiến ồ ạt của đạo quân Mông-Nguyên khổng lồ do Thoát Hoan trực tiếp cầm đầu. Ông và tướng sĩ dưới quyền đã đánh nhiều trận xuất sắc, gây cho giặc nhiều tổn thất lớn.

Trước sức mạnh áp đảo của quân Mông-Nguyên, để tránh những thiệt hại không cần thiết, theo lệnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ông đã đem lực lượng tiến vào Nam chi viện cho cánh quân của hai cha con Trần Quốc Khang và Trần Kiện đang đóng giữ ở vùng thuộc Thanh Hóa và Nghệ An ngày nay. Nhưng ông chưa tới nơi thì Trần Kiện đã đầu hàng giặc. Tình hình vùng này trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Trần Nhật Duật phải tìm đủ mọi cách chống đỡ, sau nhờ có thêm sự chi viện của cánh quân do anh ông là Trần Quang Khải chỉ huy, cục diện chiến trường mới thay đổi dần theo chiều hướng có lợi cho ta. Đạo quân giặc đông ngót mười vạn tên do viên tướng khét tiếng tàn bạo và thiện chiến là Toa Đô chỉ huy đã bị sa lầy tại vùng đất này. Hoạt động phối hợp của đạo quân Toa Đô đối với đại binh của Thoát Hoan kể như đã bị vô hiệu hóa.

Mùa hè năm 1285, quân ta tổ chức phản công. Trong 5 chiến dịch lớn nhất của cuộc phản công chiến lược này (gồm có: chiến dịch Tây Kết lần thứ nhất, chiến dịch Chương Dương, chiến dịch Hàm Tử, chiến dịch Tây Kết lần thứ hai và chiến dịch Thăng Long), Trần Nhật Duật có vinh dự được cử làm tướng chỉ huy một chiến dịch, đó là chiến dịch Hàm Tử. Bấy giờ, ngoài lực lượng vốn có của mình, Trần Nhật Duật đã quy tụ được không ít những người Trung Quốc lưu vong. Họ bị thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên nên đã chạy sang lánh nạn ở nước ta (Công cuộc thôn tính Trung Quốc của quân Mông-Nguyên hoàn tất vào năm 1278, tức là trước cuộc xâm lăng này 7 năm. Nhà Tống (960-1278) đến đó là dứt). Họ kính trọng tài năng quân sự và đặc biệt là tài thông thạo tiếng Trung Quốc của Trần Nhật Duật nên đã tình nguyện chiến đấu dưới trướng của Trần Nhật Duật. Vua Trần Nhân Tông gọi họ là “quân Thát của Chiêu Văn” (Thát là Thát-đát, tức giặc Nguyên. Vua Trần sợ quân sĩ của mình nhầm họ với số người Trung Quốc trong lực lượng của quân Nguyên để rồi có thể giết nhầm nên mới gọi như vậy). Điều này đã khiến cho quân Mông-Nguyên rất bất ngờ. Có kẻ hốt hoảng vì nghĩ rằng đó là đội liên quân của nhà Tống với ta.

Đại chiến Hàm Tử Quan

Một chiến dịch lớn nhưng lại được tiến hành một cách rất táo bạo và bất ngờ, khiến cho quân Mông-Nguyên lúng túng, trở tay không kịp. Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn Trần Nhật Duật đã cả phá được quân giặc ở Hàm Tử. Lực lượng của chúng nhanh chóng bị chia cắt, bị tấn công tiêu diệt bởi sự hợp đồng chặt chẽ của nhiều chiến dịch khác nhau. Chiến thắng của đạo quân do Trần Nhật Duật chỉ huy có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thắng lợi chung của cuộc kháng chiến lần thứ hai. Thật đúng là:

"Trần Hưng Đạo đã anh hùng,
Mà Trần Nhật Duật kể công cũng nhiều


(Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái. Đại Nam Quốc sử diễn ca).

Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288), danh tướng Trần Nhật Duật (lúc này đã 33 tuổi) lại một lần nữa, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của cả dân tộc ta. Ông có vinh dự được chia sẻ trách nhiệm với vị tổng chỉ huy thiên tài của quân đội ta lúc bấy giờ là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhưng cũng chính vì luôn ở bên cạnh nguồn sáng kì diệu này mà tên tuổi của ông có phần bị mờ nhạt đi.

Bàn thờ Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật

 

Sau ngày đại thắng, Trần Nhật Duật tiếp tục làm quan và được triều đình nhà Trần tin cậy trao phó những chức vụ rất quan trọng. Bình sinh, ông là người tài hoa nhưng xét việc rất cẩn trọng, nghiêm nghị nhưng rất dễ gần, liêm khiết và nhân hậu khó ai sánh kịp. Ông là cha nuôi của Hoàng Tử Trần Mạnh (người về sau lên ngôi vua, miếu hiệu là Trần Minh Tông: 1314 - 1329).