In bài này
Hồ sơ Stasi (3): Tình báo CHDC Đức chống lại NATO
Thứ Hai, 19/10/2009 - 7:28 PM
Xét về hiệu quả hoạt động và tầm quan trọng của tin tức thu được, các tình báo viên CHDC Đức được coi là giỏi nhất trong các cơ quan tình báo khối Varsava trong hoạt động chống NATO.

Tổng hành dinh NATO: mục tiêu ưu tiên của Stasi
Xét về hiệu quả hoạt động và tầm quan trọng của tin tức thu được, các tình báo viên CHDC Đức được coi là giỏi nhất trong các cơ quan tình báo khối Varsava trong hoạt động chống NATO.

Tình báo Đông Đức trước hết nhằm vào thu thập thông tin mật về chính sách quân sự của NATO, các kế hoạch chiến tranh và tiềm lực quốc phòng của Mỹ, CHLB Đức và các nước khác có thể đe doạ Liên Xô. Quan trọng không kém là tin tức điệp báo về các phát triển vũ khí mới nhất, đặc biệt là các vũ khí tiến công.

Bằng cách khám phá các kế hoạch chiến tranh của Mỹ và NATO đối với Liên Xô và các nước khối Varsava, các cơ quan tình báo của CHDC Đức và Liên Xô đã góp phần củng cố an ninh của mình, duy trì hoà bình trên lục địa châu Âu. Chính vì thế, cựu lãnh đạo Tổng cục A/Bộ ANQG CHDC Đức, Thượng tướng Markus Wolf gọi các trợ thủ ngầm của mình là các “tình báo viên vì hoà bình”.

Đảm nhiệm nhiệm vụ tiến hành hoạt động tình báo tại Tổng hành dinh NATO ở Brussels là Tổng cục Tình báo thuộc Bộ An ninh Quốc gia (Staatszicherheit - Stasi) và Cục Tình báo - BQP CHDC Đức. Tất cả các tin tức mà lực lượng điệp viên của họ thu được lập tức được trình cho ban lãnh đạo chính trị tối cao của Đông Đức, sau đó được chuyển cho Liên Xô qua các kênh bí mật.

Sau khi CHDC Đức sụp đổ, người ta biết rằng, năm 1988, Cục 12 thuộc Tổng cục Tình báo (Hauptverwaltung Aufklerung - HvA) của Stasi, đơn vị có nhiệm vụ xâm nhập vào các cơ quan quân sự của NATO và EU, đã có trong tay không dưới 70 điệp viên là công dân CHLB Đức, giữ các vị trí tuy tương đối không nổi bật, nhưng then chốt và có quyền tiếp cận trực tiếp các tin tức bí mật tối quan trọng.

Cục Tình báo BQP CHDC Đức có sự độc lập kém hơn Stasi. Sau năm 1958, khi các cơ quan tình báo Tây Đức tuyển mộ được một số cán bộ cao cấp của cơ quan này thì Cục Tình báo BQP đã bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Stasi. Lực lượng điệp viên của tình báo quân sự làm nhiệm vụ thu thập tin tức tại Tây Berlin, CHLB Đức, các nước thuộc nhóm Benelux và Đan Mạch. Từ năm 1975, Cục này quản lý toàn bộ các tuỳ viên quân sự tại các sứ quán của CHDC Đức. Thời đó, Cục Tình báo BQP CHDC Đức có gần 300 điệp viên, 138 người trong số đó sống ngay tại Tây Đức.

Đa số những người hợp tác với Stasi và tình báo quân sự CHDC Đức là công dân CHLB Đức và làm việc cho Đông Đức trước hết vì động cơ chính trị. Họ coi việc giúp đỡ một đất nước đang xây dựng xã hội XHCN công bằng là nghĩa vụ tinh thần và đạo đức của mình. Dưới đây, xin nêu một số điệp viên đã có công lớn cung cấp cho CHDC Đức và Liên Xô những bí mật tối quan trọng của Mỹ và NATO.

Trong thời kỳ 1967-1979, Ursula Lorensen (có mật danh “Michele” trong hồ sơ của Stasi) giữ chức trợ lý của vị giám đốc người Anh của Cục Tác chiến, trực thuộc Tổng Thư ký NATO. Michele được một điệp viên tình báo quân sự CHDC Đức có bí danh Bordo tuyển từ năm 1962, người mà sau này cô đã lấy làm chồng. Đôi vợ chồng đã hoạt động rất thành công tại Tổng hành dinh NATO ở Brussels cho đến khi họ được triệu hồi khẩn cấp về Đông Berlin sau khi một sĩ quan tình báo quân sự CHDC Đức đào thoát sang phương Tây và khai báo Ursula Lorensen và chồng cô. Lãnh đạo NATO miễn cưỡng thừa nhận là không thể đánh giá hết giá trị những tin tức tình báo mà Michele chuyển cho tình báo CHDC Đức.

Anh sinh viên Tây Đức Rainer Ruepp được tình báo quân sự Đức tuyển năm 1968 và được đặt mật danh Mozel. Năm 1972, anh cưới vợ là Anne Christine Bowen, công dân Anh và thuyết phục được cô hoạt động tình báo cho Đông Đức. Lúc đó, Anne Christine là thư ký của Cục Các hệ thống thông tin liên lạc liên kết của NATO. Năm 1977, cô được chuyển sang vị trí công tác mới tại Vụ Kế hoạch của NATO, sau đó được bổ nhiệm làm nhân viên Cơ quan An ninh của Tổn hành dinh NATO. Cô bắt đầu cung cấp nhiều tin tức tình báo từ năm 1977, khi cô giữ một vị trí trọng trách trong cơ quan NATO. Hai năm sau, cô được triệu hồi về Đông Berlin và vị trí này do chồng cô đảm nhiệm, người vẫn giữ mật danh Anne Christine trong danh sách điệp viên mật.

Trong 10 năm trời, các cơ quan tình báo CHDC Đức đã nhận được từ Rainer Ruepp, lúc này được đặt mật danh hoạt động là Topaz, không dưới 2.500 tài liệu mật cực kỳ quan trọng. Anh tin rằng, bằng cách đó sẽ thay đổi được số phận của Tây Âu. Cứ 6 tuần một lần, Topaz lại trực ban tại Trung tâm tình huống tuyệt mật ở trụ sở NATO và cung cấp tin tức chính từ đó. Chính Rainer Ruepp là nguồn tin chính nhờ đó CHDC Đức và Liên Xô đã nắm được mọi kế hoạch tấn công hạt nhân phủ đầu của NATO.

Năm 1987, một cựu sĩ quan thông tin của Bundeswehr (quân đội CHLB Đức) và chuyển ngành sang làm ngoại giao, trong nhiều năm làm việc tốt tại sứ quán CHLB Đức ở Viên, Áo, đã được cử đến Brussels và trở thành một quan chức có thế lực của phái bộ quân sự Tây Đức bên cạnh Tổng hành dinh NATO. Chẳng có gì lạ trong đường công danh của vị quan chức Đức này... Chẳng ai trong số các đồng nghiệp mới của anh có thể nghĩ rằng, viên cựu sĩ quan đã từ lâu nằm trong số các điệp viên hiệu quả nhất của Stasi với mật danh hoạt động Cherry.

Cùng hoạt động tại một hướng với Topaz, hàng tháng anh đã cung cấp về Đông Berlin không dưới 800 tài liệu tối quan trọng đóng dấu “Tuyệt mật”. Do Topaz và Cherry không hề biết về sự tồn tại của nhau nên nhiều khi cùng cung cấp những tài liệu giống nhau.

Toàn bộ tin tức mà các điệp viên Đông Đức thu được đều được gửi đến lãnh đạo cấp cao Liên Xô ở Kremlin, KGB và GRU. Một viên tướng chỉ huy cơ quan phản gián của Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã kể về một báo cáo nhận được từ một nhân viên KGB làm nội gián cho Mỹ. Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, ban lãnh đạo Stasi thường tặng các lãnh đạo Liên Xô một Danh tập thông tin tình báo thu từ Tổng hành dinh NATO đóng bìa da rất đẹp.

Chủ tịch KGB Liên Xô Vladimir Kryuchkov quá ấn tượng với kết quả hoạt động của điệp viên Đông Đức và cơ hội biết được thông tin ngay từ nguồn cao sâu nhất nên đã nhất quyết từ chối đọc các tài liệu đã dịch sang tiếng Nga do các đồng chí Đức cung cấp mà đòi cung cấp các bản gốc. Người đứng đầu KGB Liên Xô đã nhiều lần nói với các cấp dưới: “Tôi muốn đọc các tài liệu ở dạng mà các viên tướng Mỹ thường đọc!”.

Nhờ hoạt động của các điệp viên Đông Đức, ban lãnh đạo Liên Xô đã nắm chắc rất nhiều ý đồ của NATO. Các tin tức do Stasi cung cấp đến nay vẫn quyết định nhiều phương diện của học thuyết quốc phòng của nước Nga hiện nay bất kể những tuyên bố lớn tiếng của Moskva về quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và hợp tác tích cực với NATO. Nhiều mục tiêu trong các kế hoạch giáng trả hạt nhân của Nga trong trường hợp Nga bị tấn công là do các điệp viên Đông Đức thu được và cung cấp.
Thảo Anh