In bài này
Ngô Văn Sở (? - 1795)
Thứ Hai, 12/10/2009 - 3:33 PM
 “Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi tiếng tăm, lúc nào cũng muốn tránh quyền thế. Ông cùng với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân đều là danh tướng, người đương thời gọi là Tứ kiệt: Ngô, Trấn, Bùi, Võ. Thường ngày, (Ngô Văn Sở) yêu kính quân tử mà vẫn giữ lòng thương xót tiểu nhân” - Nguyễn Trọng Trì (Tây Sơn lương tướng ngoại truyện. Ngô Đại Tư mã Văn Sở ngoại truyện).

DANH TƯỚNG TÂY SƠN

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ không mấy ai phải chịu sự thiệt thòi lớn lao như các danh tướng Tây Sơn. Họ có cả một đời xông pha oanh liệt với hàng loạt những võ công kiệt xuất, nhưng, sử sách ghi chép về họ lại quá ít ỏi. Họ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì nghĩa cả là cứu nước và cứu dân, nhưng ngay sau đó sự nghiệp phi thường của họ đã bị quá nhiều những cây bút thù nghịch tìm cách xuyên tạc. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà tác giả của Tây Sơn lương tướng ngoại truyện là Nguyễn Trọng Trì đã có những lời cảm vịnh vừa hùng tráng lại vừa man mác một nỗi buồn không nguôi:

“Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu”.

(Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu?
Cỏ hoa đồng nội đất đầy sầu).

Ngô Văn Sở sinh trưởng tại Bình Khê, Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), nhưng tổ tiên ông lại là người Thiên Lộc (nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Hiện chưa rõ họ Ngô di cư vào Tây Sơn lúc nào, cũng chưa rõ năm sinh của Ngô Văn Sở (Về quê cha đất tổ của Ngô Văn Sở, Nguyễn Trọng Trì (Tây Sơn lương tướng ngoại truyện. Ngô Đại Tư mã Văn Sở ngoại truyện) nói là ở Thanh Hóa, tuy nhiên, nhiều người khác lại nói là ở Hà Tĩnh, trong đó có các tác giả Sổ tay nhân vật lịch sử Việt Nam (H.: Giáo Dục, 1990).

Năm 1771, khi khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, Ngô Văn Sở là một trong số những người hăng hái tham gia hưởng ứng đầu tiên. Ông đã có mặt trong những trận đánh quan trọng tại Quy Nhơn (1773), Phú Yên (1775) và liên tiếp lập được nhiều công lớn, vì thế, được Bộ chỉ huy Tây Sơn rất tin yêu, giao phó cho những chức vụ ngày càng cao.

Từ năm 1786, Ngô Văn Sở là một trong những tướng lĩnh cao cấp và tin cậy nhất của Nguyễn Huệ. Ông đã có mặt trong Bộ chỉ huy quân Tây Sơn tấn công vào Phú Xuân (1786), vượt sông Gianh đánh ra Bắc Hà (1786), diệt Nguyễn Hữu Chỉnh (1787), rồi diệt Vũ Văn Nhậm (1788).

Năm 1786, sau khi giết Vũ Văn Nhậm, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã phong cho Ngô Văn Sở làm Đại Tư mã, trao quyền đứng đầu Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà. Cùng tham gia Bộ chỉ huy này còn có các tướng cao cấp lừng danh như: Đô đốc Võ Văn Dũng, Đô đốc Phan Văn Lân, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết… cùng một số văn thần xuất sắc mà nổi bật nhất là Ngô Thì Nhậm. Trước khi trở về Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã ân cần dặn rằng:

“(Ngô Văn) Sở, (Phan Văn) Lân là nanh vuốt của ta, (Võ Văn) Dũng và Ngô (chưa rõ họ - NKT) là tâm phúc của ta, còn (Ngô Thì) Nhậm là bề tôi mới của ta. Ngày nay, ta giao việc quân quốc 11 trấn Bắc Hà cho các ngươi, vì thế, các ngươi phải lo toan liệu mà làm việc. Điều gì cần bàn thì phải họp bàn với nhau, chớ có phân biệt người mới với người cũ. Lòng ta chỉ mong như vậy mà thôi” (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30). 

Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ, Ngô Văn Sở (từ trái sang) - Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt - Bình Định

Tiếp nhận chức vụ quan trọng ấy, Đại Tư đồ Ngô Văn Sở đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao, xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Cuối năm 1788, quân Thanh tràn sang xâm lược nước ta, tình hình Bắc Hà diễn biến một cánh rất phức tạp. Thực hiện nghiêm túc lời dặn của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ rằng: “Điều gì cần bàn thì phải họp bàn với nhau, chớ có phân biệt người mới với người cũ”, Đại Tư mã Ngô Văn Sở đã triệu tập cuộc hội nghị quân sự cao cấp ngay tại Thăng Long và trong cuộc họp này, Ngô Thì Nhậm là một văn thần mới về với Tây Sơn cũng đã được tham dự. Tại cuộc họp này, ý kiến của Ngô Thì Nhậm hoàn toàn trái ngược với ý kiến của Phan Văn Lân, Võ Văn Dũng và cả ý kiến của chủ tướng Ngô Văn Sở. Nhưng, cảm động thay, Ngô Văn Sở đã biết bình tĩnh lắng nghe và cuối cùng đã nhiệt thành ủng hộ ý kiến của Ngô Thì Nhậm. Đó thực sự là một điều hiếm thấy. Không có một Ngô Văn Sở bình tĩnh và công minh, ý kiến xuất sắc của Ngô Thì Nhậm chắc chắn sẽ bị chìm trong quên lãng mà thôi.

Cuối năm 1788, từ Phú Xuân, Quang Trung Nguyễn Huệ đích thân cầm quân tiến ra Tam Điệp và Biện Sơn, trực tiếp chỉ huy trận quyết chiến với quân xâm lược Mãn Thanh. Bấy giờ, đại quân của Tây Sơn được chia làm 5 đạo. Đạo chủ lực do chính Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ huy. Đại Tư mã Ngô Văn Sở có vinh dự được cùng Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ huy đạo chủ lực này. Ông đã tham gia chỉ huy 2 trận quan trọng nhất của đạo quân chủ lực là Hà Hồi và Ngọc Hồi. Nhờ lập được công lớn trong cả 2 trận đánh quan trọng này, Đại Tư mã Ngô Văn Sở được Quang Trung Nguyễn Huệ phong tới tước Ích Quốc công.

Khi quân xâm lược Mãn Thanh và bè lũ tay sai Lê Chiêu Thống đã bị quét sạch khỏi bờ cõi, với cương vị mới là Trấn thủ Thăng Long, Ngô Văn Sở đã có công lớn trong việc trấn áp các thế lực phản loạn, thiết lập trật tự mới cho đất Bắc Hà.

Đầu đời Quang Toản, Ngô Văn Sở được phong làm Kiến Uy công, chức Chinh Nam Đại tướng quân, chỉ huy lực lượng Tây Sơn đi đánh trả các đợt phản công của Nguyễn Ánh. Ông được coi là hổ tướng ở vùng Diên Khánh (vùng đại để tương ứng với Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận ngày nay).

Rất tiếc là đang lúc Ngô Văn Sở liên tiếp có những cống hiến to lớn và xuất sắc, thì nội bộ Tây Sơn có sự mất đoàn kết ngày càng nghiêm trọng. Năm 1795, Ngô Văn Sở bị triệu về Phú Xuân và bị dìm xuống sông. Vì chưa rõ năm sinh nên chưa biết khi mất, Ngô Văn Sở thọ bao nhiêu tuổi.