In bài này
Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO
Thứ Bẩy, 03/10/2009 - 11:36 AM
Washington có ý định “trói” các đồng minh vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ

THÊ ĐỘI ĐÁNH CHẶN TÊN LỬA ĐƯỜNG ĐẠN TẦNG THẤP

 
Hệ thống TLPK Patriot. Ảnh: www.defenselink.mil 

Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO là hệ thống phòng thủ tên lửa hu vực, được xây dựng trên cơ sở sử dụng các phương tiện phòng thủ tên lửa hoặc là hoàn toàn do Mỹ chế tạo hoặc với sự tham gia trực tiếp của Mỹ.  Đó là vì Washington có ý đồ tích hợp hoàn toàn hoặc một phần hệ thống phòng thủ tên lửa NATO vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của mình. Làm như vậy, Mỹ không chỉ có thể mở rộng tiềm năng phòng thủ tên lửa của mình mà còn có thể đạt được mục đích chính yếu là tước bỏ sự độc lập của các đồng minh châu Âu trong việc sử dụng các phương tiện phòng thủ tên lửa quốc gia, khiến họ buộc phải nhắm mắt theo đuôi Washington.

Các kế hoạch hiện có của NATO dự kiến xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa 2 thê đội ( 2 tầng) là đánh chặn tên lửa đường đạn tầng thấp và đánh chặn tên lửa đường đạn tầng cao. Nó phải bảo vệ được các mục tiêu (khu vực) và các cụm lực lượng quân sự trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đường đạn tầm gần (dưới 500 km), tầm ngắn (500-1.000 km) và tầm trung (1.000-5.500 km).

Xương sống của hệ thống này là hệ thống điều khiển chiến đấu tự động hoá hiện có của lực lượng Không quân và Phòng không thống nhất của NATO ở châu Âu ACCS (NATO Air Command And Control  System). Cuối năm 2006, một hợp đồng 6 năm để hiện đại hoá hệ thống này theo yêu cầu của nhiệm vụ phòng thủ tên lửa của NATO đã được ký với một nhóm công ty   đứng đầu là công ty Mỹ SAEC.

Hoạt động độc lập của các nước châu Âu thành viên NATO trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa ở giai đoạn hiện nay chủ yếu chỉ là hoàn thiện các hệ thống TLPK hiện có phục vụ nhiệm vụ phòng thủ tên lửa và tích hợp chúng vào hệ thống phòng thủ tên lửa thống nhất của NATO. Cụ thể, trên các phương tiện thiết bị-phần mềm triển khai ở Hà Lan, SAEC đã bắt đầu các nghiên cứu thí nghiệm để bảo đảm sự liên kết của các thành phần phòng không và phòng thủ tên lửa của các nước thành viên NATO để chúng có thể cùng hoạt động trong khuôn khổ một hệ thống thống nhất. SAEC cũng được giao chuẩn bị các đề xuất về cấu trúc chung của hệ thống phòng thủ tên lửa NATO.

Việc xây dựng thê đội đánh chặn tên lửa đường đạn tầng thấp (ở cự ly dưới 35 km) dự kiến hoàn thành vào năm 2012 và đạt tình trạng sẵn sàng hoạt động ban đầu vào năm 2010. Hiện các nước châu Âu thành viên NATO đang sở hữu các hệ thống TLPK cơ động Patriot PAC-2 và PAC-3 do Mỹ chế tạo, có khả năng tác chiến chống tên lửa đường đạn tầm gần ở giai đoạn bay cuối ở cự ly đến 20 và 25 km, độ cao tương ứng đến 11 và 15 km.

Đến trước năm 2010, thê đội đánh chặn tầng thấp dự kiến được bổ sung các hệ thống TLPK cơ động  SAMP/T do Pháp và Italia chế tạo, và biến thể lắp trên tàu của nó là PAAMS (tầm đánh chặn tối đa mục tiêu đường đạn là 35 km, độ cao 20 km). Pháp dự định mua 12, Italia mua 6 hệ thống TLPK SAMP/T. Các tàu khu trục của Hải quân Pháp, Italia và Anh sẽ được trang bị 8 hệ thống PAAMS. 

Đặc điểm cơ bản của hệ thống TLPK SAMP/T-PAAMS là sử dụng loại TLPK tương đối nhẹ (trọng lượng phóng 450 kg), tốc độ cao (đến 1.400 m/s) Aster 30 lắp đầu tự dẫn radar chủ động và hệ thống điều khiển bay kết hợp: kết hợp các cánh lái khí động, các loa phụt phản lực khí phụt lắp gần trọng tâm của TLPK. Hệ thống điều khiển kết hợp này bảo đảm tên lửa có khả năng cơ động cao ở giai đoạn bay cuối. đối

Đến trước năm 2012, dự kiến hoàn tất chương trình hiện đại hoá hệ thống TLPK SAMP/T và PAAMS, trước hết là TLPK Aster 30 để có khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn tầm ngắn. Anh, Hà Lan và nhiều nước châu Âu thành viên NATO đã bày tỏ mong muốn tham gia các kế hoạch này.

Việc triển khai thực hiện chương trình phòng thủ tên lửa nói trên sẽ cho phép thê đội đánh chặn tên lửa đường đạn tầng thấp đạt đến trạng thái sẵn sàng tác chiến đầy đủ. Sau đó, (sau năm 2015) dự kiến mở rộng khả năng của thê đội đánh chặn tầng thấp bằng cách bổ sung hệ thống TLPK cơ động mới MEADS do công-xooc-xi-om các hãng Mỹ, Đức, Italia phát triển với nền tảng là TLPK Patriot PAC-3 được hoàn thiện cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.

HAI PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG THÊ ĐỘI ĐÁNH CHẶN TẦNG CAO

Sau năm 2012, sẽ bắt đầu xây dựng thê đội đánh chặn tầng cao tên lửa đường đạn (ở cự ly đến 200-300 km) mà diện mạo cuối cùng của nó vẫn chưa được xác định. Hiện có 2 phương án xây dựng thê đội này.

Phương án 1 do SAEC đề xuất và đang được Mỹ vận động ủng hộ,  dự tính sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động THAAD do hãng Lockheed-Martin của Mỹ phát triển và tên lửa chống tên lửa Standart 3 mod. 1 triển khai trên các tàu nổi của Hải quân NATO được trang bị hệ thống điều khiển vũ khí đa năng Aegis để làm nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.

Khi chế tạo THAAD, người ta tích cực sử dụng các công nghệ được áp dụng trong hệ thống tên lửa chống tên lửa Arrow vốn là sản phẩm hợp tác của các hãng Israel và Mỹ. Tên lửa chống tên lửa 1 tầng THAAD với trọng lượng phóng 900 kg gồm tầng đánh chặn va chạm trực tiếp tự dẫn với chụp rẽ dòng bảo vệ, khoang trung gian và động cơ tên lửa nhiên liệu rắn với ống đuôi. Tầng đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn và có bộ phận động cơ nhiên liệu lỏng với các động cơ cơ động và định hướng không gian siêu nhỏ. Động cơ tên lửa nhiên liệu rắn cho phép tăng tốc tên lửa chống tên lửa lên tốc độ 3.000 m/s. Dự kiến hệ thống THAAD được nhận vào trang bị năm 2009.

Tên lửa chống tên lửa Standart 3 mod. 1 do hãng Mỹ Raytheon phát triển trên cơ sở TLPK hạm tàu 2 tầng Standart 2 mod. 4. Thay cho phần chiến đấu và đầu tự dẫn, tên lửa được lắp tầng đánh chặn va chạm trực tiếp tự dẫn và có thể tách, số lượng tầng tăng tốc được tăng lên 3. Tầng đánh chặn gồm đầu tự dẫn hồng ngoại góc rộng, khối thiết bị, động cơ cơ động và định hướng không gian nhiên liệu rắn, và module ghép với tên lửa chống tên lửa. Standart 3 mod. 1 có trọng lượng phóng 1.500 kg, tốc độ tốia 3.500 m/s. Tên lửa bắt đầu được triển khai trên các tàu nổi của Mỹ năm 2004. Ba năm sau, Mỹ chế tạo biến thể cải tiến của tên lửa này là Standart 3 mod. 1А, còn năm 2010 thì dự kiến nhận vào trang bị mẫu hiện đại hơn là Standart 3 mod. 1B. 

THAAD và Standart 3 mod. 1 có khả năng chống tên lửa đường đạn tầm trung ở giai đoạn bay cuối, ở cự ly tương ứng đến 200 và 300 km, độ cao đến 150 và 250 km. Đồng thời, khả năng tác xạ của Standart 3 mod. 1 cho phép tiêu diệt tên lửa đường đạn ở giai đoạn khởi tốc.

Khả năng bố trí các hệ thống THAAD ở Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Czech, và triển khai các tàu chiến trang bị tên lửa chống tên lửa Standart 3 mod. 1 và hệ thống điều khiển Aegis tại các vùng biển Địa Trung Hải, biển Đen và biển Baltic đang được xem xét.

Phương án 2 xây dựng thê đội đánh chặn tên lửa đường đạn tầng cao  do Pháp đề xuất, dự tính sử dụng loại tên lửa chống tên lửa tiên tiến Exoguard mà Pháp đang xem xét như phương án thay thế cho tên lửa chống tên lửa THAAD, và trong tương lai là thay thế cho cả tên lửa chống tên lửa của Mỹ GBI biến thể 2 tầng (chính là biến thể dự kiến triển khai ở Ba Lan). Tên lửa chống tên lửa Exoguard dự định được thử nghiệm bay lần đầu  vào năm 2010.

Pháp đề xuất 2 phương án triển khai tên lửa này: trong các bệ phóng trong giếng phóng và lắp trên xe bánh lốp. Phương án triển khai trong giếng phóng dự tính sử dụng biến thế tên lửa Exoguard-E để đánh chặn các đầu đạn của tên lửa đường đạn tầm trung ở các giai đoạn cuối của giai đoạn bay ngoài khí quyển ở cự ly đến 2.000 km. Phương án lắp trên ô tô bánh lốp dự định sử dụng biến thể tên lửa Exoguard-M có tầm đánh chặn đến 1..000 km và dùng để phòng thủ tên lửa cho các mục tiêu (khu vực) và các cụm quân trong quá trình chiến sự.

Exoguard-E là tên lửa nhiên liệu rắn, 2 tầng với tầng đánh chặn va chạm trực tiếp tự dẫn và tách được. Các tính năng theo thiết kế của Exoguard-E là: trọng lượng phóng 12.000 kg, chiều dài 12 m, tốc độ tối đa gần 6.000 m/s. Tầng đánh chặn nặng 120 kg, dài 1,3 m, gồm đầu tựh dẫn hồng ngoại, khoang thiết bị, hệ thống cơ động và định hướng không gian và thiết bị phụ trợ.

Tên lửa chống tên lửa Exoguard-M có kết cấu tương tự tên lửa chống tên lửa Exoguard-E. Dự kiến Exoguard-M sử dụng các tầng 2 cải tiến của Exoguard-E lắp kế tiếp làm động cơ hành trình. Exoguard-M sẽ được trang bị tầng đánh chặn giống như ở Exoguard-E. Với kết cấu như vậy, tên lửa Exoguard-M sẽ bảo đảm tăng tốc cho tầng đánh chặn lên 3.700 m/s ở độ cao 100 km.

HỆ THỐNG PHÒNG THỦ TÊN LỬA NATO THEO Ý ĐỒ CỦA LẦU NĂM GÓC

Các kế hoạch của NATO dự định hoàn thành trước cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng NATO ở Krakowie, Ba Lan vào tháng 2/2009 việc phân tích các phương án cấu trúc hệ thống phòng thủ tên lửa của khối. Báo cáo về vấn đề này dự định được trình cho những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên NATO vào cuộc họp thượng đỉnh nhân 60 năm thành lập NATO vào tháng 4/2009 (Ngày 4/4/2009 là tròn 60 năm tồn tại của NATO). Với vị thế khống chế của Mỹ trong NATO, phương án xây dựng thê đội phòng thủ tên lửa tầng cao của NATO do Pháp đề xuất sẽ có ít cơ hội để được chấp nhận. Có chăng, họ chỉ có thể yêu cầu đưa các kết quả nghiên cứu của mình về các hệ thống tên lửa chống tên lửa vào chương trình chung của NATO.

Liên quan đến bộ phận thông tin-trinh sát của hệ thống phòng thủ tên lửa NATO, dự kiến sử dụng các phương tiện radar của các hệ thống tên lửa chống tên lửa và phòng không, cũng như các đài radar phòng không của các nước thành viên NATO. Người ta cũng dự định sử dụng dữ liệu từ các hệ thống phát hiện phóng tên lửa đường đạn bố trí trên vũ trụ (hệ thống hiện có của Mỹ và hệ thống đang được Pháp xây dựng). Công ty SAEC hiện đã đề xuất cấu trúc cho hệ thống phòng thủ tên lửa NATO theo hướng cơ bản dựa vào các khả năng thông tin và viễn thông của các phương tiện phòng thủ tên lửa của Mỹ dự định triển khai ở châu Âu.

Hơn nữa, để có được sự ủng hộ của châu Âu cho việc triển khai tên lửa chống tên lửa của mình ở Ba Lan và radar phòng thủ tên lửa ở Czech, tại cuộc họp thượng đỉnh NATO tháng 4/2008 ở Bucharest, Mỹ đã chính thức nói đến dự định tích hợp các phương tiện này vào hệ thống phòng thủ tương lai của NATO với tư cách thê đội bổ sung - thê đội chiến lược. Tại cuộc họp Hội đồng NATO cấp ngoại trưởng ở Brussels tháng 12/2008, phía châu Âu thực tế đã tán thành khái niệm phòng thủ tên lửa 3 tầng (3 thê đội)  này mà Mỹ áp đặt cho họ.

Nhưng Washington vẫn chưa yên tâm nên tiếp tục đưa ra các đề xuất sử dụng tại chu tuyến của hệ thống phòng thủ tên lửa NATO các trạm radar triển khai phía trước có thể vận chuyển của Mỹ với tầm hoạt động tối đa khoảng 1.500 km. Hai radar như vậy sẽ được triển khai gần biên giới Iran (1 radar đã được đưa đến Israel và sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động, còn radar thứ hai dự định bố trí ở 1 trong 3 nưýơc Gruzia, Azerbaijan hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Để “trói chặt” hẳn các đồng minh châu Âu vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của mình, Mỹ đã đề xuất triển khai hệ thống chỉ huy chiến đấu phòng thủ tên lửa thống nhất Mỹ và NATO ở châu Âu với trung tâm chung ở thành phố Uedem, Đức. Nó sẽ bảo đảm việc phối hợp hoạt động trực tiếp giữa hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ với hệ thống chỉ huy chiến đấu tự động hoá của lực lượng không quân và phòng không thống nhất NATO ở châu Âu ACCS vốn đang được hiện đại hoá cho nhiệm vụ của hệ thống phòng thủ tên lửa NATO.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, những nỗ lực của Washington nhằm tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ đã thành công. Công việc nhỏ còn lại là sự tán thành cuối cùng tại cuộc họp thượng đỉnh NATO vào tháng 4/2009 đối với cấu trúc hệ thống phòng thủ tên lửa NATO được sắp xếp theo ý đồ của Mỹ chỉ còn thủ tục hình thức. Rõ ràng, hệ thống này sẽ là hệ thống 3 thê đội (3 tầng), trong đó Lầu Năm góc sẽ đóng vai trò chính.

  • Nguồn: PTS KHQS, Thượng tướng Viktor Esin - NVO.
Đại Việt