In bài này
Siêu tiêm kích Su-35 thách thức F-22 Raptor và F-35 Lightning II
Thứ Bẩy, 03/10/2009 - 9:26 AM
Là MBTK thế hệ 4++ nhưng áp dụng nhiều công nghệ của MBTK thế hệ 5, Su-35BM có tính năng và khả năng chiến đấu gần với máy bay thế hệ 5
 
Su-35BM Flanker E - đối thủ của máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22, F-35.
Ảnh: ausairpower.net

Là MBTK thế hệ 4++ nhưng áp dụng nhiều của MBTK thế hệ 5, Su-35BM có tính năng và khả năng chiến đấu gần với máy bay thế hệ 5, nên ưu việt hơn tất cả các loại MBTK đa năng thế hệ 4+ trên thế giới trong giai đoạn 2009-2015, thậm chí có một số tính năng không thua kém F-22 (ví dụ như khả năng cơ động). Su-35BM được coi là đối thủ nhiều khả năng nhất của các MBTK thế hệ 5 F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ, trong khi chỉ có đơn giá chỉ bằng 1/3 (30-38 triệu USD).

Xuất thân danh tiếng

 
SU-35BM. Ảnh: Lenta.ru 

Su-27, NATO gọi là Flanker, nghĩa là “đòn tấn công tạt sườn”, là máy bay tiêm kích đánh chặn đa năng hạng nặng tầm xa và giành ưu thế trên không, mọi thời tiết, cơ động cao của Liên Xô/Nga. Năm 1969, Viện Thiết kế Sukhoi bắt tay vào phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 4 T-10 (Su-27) để đáp lại việc Mỹ phát triển F-15 Eagle. Su-27 thực hiện chuyến bay đầu ngày 20/5/1977, được sản xuất loạt từ năm 1982 và đưa vào trang bị của quân đội Liên Xô năm 1984. Su-27 hiện là loại máy bay chủ lực của Không quân Nga và có trong trang bị của quân đội các nước SNG, Ấn Độ, TQ và các nước khác.

Đây là họ máy bay tiêm kích thế hệ 4 nổi tiếng nhất, một nguồn thu ngoại tệ lớn của Nga hiện nay. Trên cơ sở Su-27, đã phát triển nhiều biến thể khác nhau như: máy bay huấn luyện-chiến đấu Su-27UB, máy bay tiêm kích trên hạm Su-33 và biến thể huấn luyện-chiến đấu của nó là Su-33UB, máy bay tiêm kích đa năng Su-30, Su-35 và Su-37, máy bay ném bom chiến thuật Su-32/Su-34...

Những năm 1980, theo đơn đặt hàng của Không quân Nga, Viện Thiết kế Sukhoi đã phát triển mẫu hiện đại hoá đầu tiên T10-M (Su-27M) cất cánh lần đầu năm 1988 và năm 1991, Liên Xô quyết định sản xuất loạt Su-27M với ký hiệu Su-35. Từ 1992-1995, Không quân Nga nhận được 12 Su-35 sản xuất loạt, nhưng do thiếu tiền nên không được sản xuất tiếp, các máy bay đã chế tạo chủ yếu dùng để thử nghiệm và bay trình diễn.

Từ cuối thập niên 1990, Nga bắt đầu triển khai chương trình hiện đại hoá Su-27 lần thứ hai đưa đến sự ra đời của biến thể hiện đại hoá sâu T10-BM (Su-27M2), nhưng máy bay mới vẫn dùng lại ký hiệu Su-35, hoặc còn gọi là Su-35BM (2 chữ cái “BM” - “Bolshaya Modernizatsya” - có nghĩa là “hiện đại hoá lớn”), NATO gọi là Flanker Е. Cho đến nay, Su-35BM là biến thể mới nhất của họ Su-27 lừng danh, là loại máy bay quá độ dùng để thay thế các máy bay Su-27 đời đầu cho đến khi Nga sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA.

MBTK đa năng, hạng nặng, siêu cơ động Su-35BM dùng để giành ưu thế trên không bằng cách tiêu diệt máy bay có và không người lái, kể cả máy bay tàng hình, bằng tên lửa có điều khiển tầm trung và trong không chiến tầm gần, tiêu diệt các mục tiêu mặt nước và mặt đất bằng tất cả các loại vũ khí, trước hết là vũ khí chính xác cao (tên lửa và bom có điều khiển) khi tác chiến đơn lẻ hoặc theo tốp trong mọi thời tiết, bất kể ngày đêm; cũng như trinh sát song hành trên đất liền và trên biển.

Su-35, chính xác hơn là Su-35BM  (BM nghĩa là “hiện đại hoá lớn”), là biến thể hiện đại hoá lần thứ hai, hiện đại hoá sâu của Su-27, được phát triển từ cuối thập kỷ 1990. Su-35BM (T10-BM, Su-27M2) là biến thể mới nhất của họ Su-27 lừng danh và là loại máy bay quá độ dùng để thay thế các Su-27 đời đầu cho đến khi Nga sản xuất máy bay tiêm kích (MBTK) thế hệ 5 PAK FA.

Loại Su-35 đầu tiên (T10-M hay Su-27M) ra đời trong những năm 1980, chỉ được sản xuất 12 chiếc từ năm 1992-1995, chủ yếu dùng để thử nghiệm và bay trình diễn, không được sản xuất tiếp do thiếu tiền.

Su-35BM có bề ngoài giống Su-27, tuổi thọ khai thác lên tới 6.000 giờ bay hay 30 năm, mang được 14.300 kg nhiên liệu (11.500 kg bên trong máy bay và 3.000 kg trong 2 thùng dầu phụ x 1.800 lít treo thêm dưới cánh), ngoài ra, máy bay còn có hệ thống tiếp dầu trên không. Su-35BM áp dụng công nghệ, vật liệu tàng hình để giảm độ bộc lộ với radar sóng cm (băng X) của đối phương ở bán cầu trước trong khu vực ±60°. Diện tích cánh đứng đuôi giảm đi nên cũng góp phần giảm độ bộc lộ radar. Trong buồng lái lắp ghế phóng К-36DM có độ an toàn rất cao, nó đã giúp cứu mạng phi công thử nghiệm khi chiếc Su-35BM chế thử thứ tư bị cháy/nổ khi chạy trên đường băng ngày 26/4/2009 trong quá trình thử nghiệm.

Mẫu chế thử Su-35BM ra mắt lần đầu năm 2007, thử thành công lần đầu tiên ngày 19/2/2008; bay trình diễn cho Tổng thống Nga khi đó V. Putin và Tổng thống tương lai D. Medvedev vào ngày 20/2/2008; bay trình diễn lần đầu cho quan chức Bộ Quốc phòng Nga và các sứ quán nước ngoài vào ngày 7/7/2008.

 
Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor.
Ảnh: AFP 

Đến nay, Liên hiệp KnAAPO đã chế tạo 4 mẫu chế thử Su-35BM, trong đó mẫu bay thử Su-35BM thứ ba khi chạy thử trên đường băng ngày 26/4/2009 do mất phanh hoặc hỏng hệ thống cấp nhiên liệu đã phát nổ và cháy trụi. Phi công thử nghiệm Evgenyi Frolov đã kịp nhảy dù, thoát hiểm. Theo Công ty Sukhoi, vụ nổ Su-35BM không ảnh hưởng đến tiến độ chương trình Su-35 vì tính đến tháng 4/2009, Su-35BM đã thực hiện hơn 100 trong 150-160 chuyến bay thử dự kiến.

Các đặc điểm nổi bật của Su-35BM là hệ thống thiết bị điện tử hàng không hoàn toàn mới; radar mới N035 Irbis có tầm phát hiện xa đối với mục tiêu trên không và mặt đất/mặt nước, có thể bám và tấn công nhiều mục tiêu; các động cơ mới 117S có lực đẩy mạnh và có điều khiển vector lực kéo giúp máy bay có khả năng “siêu cơ động” và bay “siêu hành trình”.  

Hệ thống thiết bị điện tử hàng không (avionics) tiên tiến

Su-35BM được trang bị hệ thống avionics hoàn toàn mới mà nòng cốt là hệ thống thông tin-điều khiển IUS dùng để liên kết về mặt chức năng, logic, thông tin và phần mềm các hệ thống trên khoang thành một hệ thống tích hợp thống nhất, bảo đảm sự tương tác giữa phi công và máy móc.

IUS gồm 2 máy tính số trung tâm, các phương tiện chuyển mạch và biến đổi thông tin, hệ thống hiển thị áp dụng nguyên tắc “buồng lái kính”. Các khí tài thông tin-điều khiển chính trong buồng lái Su-35 là 2 màn hiển thị màu đa năng tinh thể lỏng cỡ lớn MFI-35, bảng hiển thị đa năng với bộ xử lý lắp liền, bộ hiển thị chuẩn trực góc rộng trên mặt kính chính diện IKSh-1M và bàn điểu khiển và hiển thị. Các màn hiển thị MFI-35 với các bộ xử lý màn hình lắp liền có kích thước 9х12 inch (đường chéo màn hình 15 inch) và độ phân giải 1.400х1.050 pix, dùng để thu nhận, xử lý và hiển thị ở chế độ nhiều cửa sổ thông tin hình ảnh, chữ-số và biểu tượng, hiển thị thông tin truyền hình từ các cảm biến truyền hình trên khoang đính kèm thông tin tổng hợp chữ-số và biểu tượng, cũng như để tạo và phát các tín hiệu video số đến hệ thống đăng ký video. Bảng đa năng dùng để hiển thị thông tin cần thiết và phát lệnh bằng cách bấm nút các quanh màn hình ở tất cả các giai đoạn bay. Bộ hiển thị chuẩn trực IKSh-1M với bộ xử lý lắp liền có trường nhìn 20×300 bảo đảm quan sát trên nền không gian sau buồng lái hình ảnh thông tin chuẩn trực theo các tín hiệu điều khiển.

Buồng lái Su-35BM được chuẩn hoá đáng kể với buồng lái máy bay thế hệ 5, việc điều khiển các hệ thống, thiết bị và vũ khí thực hiện bằng các nút bấm, công tắc trên cần lái và các cần điều khiển động cơ, các nút xung quanh của các màn hiển thị đa năng. Như vậy, Su-35 đã thực hiện khái niệm HOTAS (Hands On Throttle and Stick) cho phép phi công kiểm soát hầu như tất cả các hệ thống của máy bay mà phi công không phải rời tay khỏi các cơ cấu điều khiển. 

Hệ thống điều khiển từ xa tổ hợp 3 kênh hoàn toàn bằng điện (hệ thống điều khiển bay bằng dây) KSU-35, không có liên kết cơ khí trực tiếp do hãng MNPK Avionika phát triển và thực hiện đồng thời chức năng của nhiều hệ thống như điều khiển từ xa, tự động điều khiển, tín hiệu hạn chế, tín hiệu không gian, điều khiển phanh bánh, điều khiển quay càng trước, đồng thời cả chức năng an toàn chủ động; nhờ đó nâng cao đặc tính lái và cơ động của máy bay. Hệ thống điều khiển có trí tuệ nhân tạo mạnh giúp ổn định máy bay trong nhiều chế độ bay phức tạp nên Su-35BM có thể bay ở nhiều độ cao và tốc độ, cũng như tác chiến trong những điều kiện mà các máy bay tiêm kích “truyền thống” không thể tác chiến.

Su-35 còn được trang bị các thiết bị dẫn đường, liên lạc vô tuyến hiện đại cho phép máy bay hoạt động theo tốp, và hệ thống đối phó điện tử hiệu quả cao; có thể được lắp thùng treo quang-điện tử với trạm ngắm bắn laser-truyền hình để phát hiện, bám, định tầm và chiếu xạ mục tiêu mặt đất phục vụ sử dụng bom điều khiển bằng laser.

Hệ thống điều khiển hoả lực siêu việt

Hệ thống điều khiển vũ khí cho phép Su-35 sử dụng hầu hết các loại vũ khí hàng không có và không điều khiển hiện có và tương lai của Nga, trừ các loại bom, tên lửa hạng nặng dành riêng cho máy bay ném bom chiến lược.

Cốt lõi của hệ thống điều khiển hoả lực của Su-35BM là radar mới với anten mạng pha thụ động sóng cm (băng X) quét tia bằng điện tử Irbis-E, có thể phát hiện, bám và xác định toạ độ của các mục tiêu trên không, mặt đất, mặt nước trong mọi thời tiết, cả ngày và đêm. Hệ thống điều khiển hoả lực và Irbis-E có thể phát hiện, bám tới 30 mục tiêu bay, trong khi vẫn giám sát không trung, bắn đồng thời 8 mục tiêu trong số đó hoặc 4 mục tiêu mặt đất; phát hiện, lọc, bám đến 4 mục tiêu mặt đất/mặt nước ở chế độ tạo bản đồ ở cự ly đến 400 km trong khi vẫn giám sát không trung và bắt mục tiêu bay nên rất lợi hại khi tác chiến chống tàu nổi được yểm trợ từ trên không. Với Irbis-E, Su-35BM có thể đối phó với F-22 Raptor trong những điều kiện nhất định.

 
Radar anten mạng pha thụ động Irbis-E đang được lắp ráp lên Su-35 

Irbis-E là radar đa năng băng X (sóng cm) với anten mạng pha thụ động điều khiển quét tia bằng điện tử có đường kính 900 mm đặt trên bộ dẫn động điện thuỷ lực 2 cấp cho phép dịch chuyển toàn bộ anten để mở rộng góc quan sát của radar, được trang bị hệ thống tính toán tiên tiến với máy tính Solo-35. Anten quét điều khiển điện tử tia radar theo phương vị và góc tà trong vùng không nhỏ hơn 60 độ. Bộ dẫn động điện thuỷ lực quay anten theo phương vị đến góc 60° và theo góc nghiêng đến góc 120°. Nhờ vậy, góc quay tối đa của tia radar theo phương vị khi điều khiển bằng điện tử và quay anten bằng cơ khi tăng lên đếntheo phương vị khi điều khiển điện tử và quay bổ trợ anten bằng cơ khí lên tới 120°.

So với các radar trước đó, Irbis-E có tính năng cao hơn, ví dụ có dải tần làm việc lớn hơn trên 2 lần Irbis có dải tần công tác rộng hơn 2 lần, vùng quan sát và bám mục tiêu bay tăng từ 70 lên đến 120°, tầm hoạt động tăng 2-2,5 lần, khả năng chống nhiễu tốt hơn, khu vực phát hiện và bám mục tiêu bay theo phương vị tăng từ 70 lên đến 1200 và cự ly phát hiện tăng 2-2,5 lần. Ở chế độ đối không, Irbis-E có thể phát hiện mục tiêu bay có bề mặt tán xạ hiệu dụng (BMTXHD) 3 m2 bay ngược chiều ở cự ly 350-400 km, phát hiện máy bay tàng hình có BMTXHD 0,01 m2 ở cự ly đến 90 km. Với các mục tiêu mặt đất/mặt nước, Irbis có thể phát hiện tàu sân bay (BMTXHD 50.000 m2) ở cự ly 400 km, cầu đường sắt (1.000 m2) - 150-200 km, tàu/xuồng (200 m2) - 100-120 km, bệ phóng tên lửa chiến dịch-chiến thuật và tốp xe tăng (30 m2) - 60-70 km. Xét về các tham số này, Irbis-E thuộc loại hiện đại nhất thế giới, vượt xa đa số các radar anten mạng pha thụ động và chủ động của Mỹ và Tây Âu. Irbis-E còn có thể phát hiện, bám các tên lửa có điều khiển không-đối-không, đất-đối-không tấn công máy bay - Phi công lúc đó còn không dưới 6 s để cơ động tránh tên lửa. Irbis cũng có thể định hướng, phát hiện tới 10 máy bay gây nhiễu, tính toán cự ly đến 1 trong số đó để tiến công.

Irbis-E cho phép Su-35 sử dụng tất cả các loại vũ khí trang bị cho Su-30MK, các loại vũ khí có điều khiển không-đối-không và không-đối-đất mới, kể cả loại tầm xa. Tuy không phải được thiết kế để đối địch với F-22 Raptor, nhưng nhờ radar Irbis-E nên trong những điều kiện nhất định, Su-35BM có thể đối phó với F-22 Raptor của Mỹ.

Trạm định vị quang học OLS-35

Một thành phần quan trọng khác của hệ thống điều khiển vũ khí của Su-35BM là trạm định vị quang học (Mỹ/NATO gọi là hệ thống sục sạo và bám hồng ngoại - IRST) OLS-35 gồm: thiết bị định vị hồng ngoại, máy đo xa-chỉ thị mục tiêu laser và camera truyền hình; góp phần tăng cường khả năng điều khiển vũ khí của Su-35. Nhờ nền tảng linh kiện hiện đại, các thuật toán và phần mềm mới, OLS-35 vượt trội các trạm định vị quang học OEPS-27 của họ Su-27 và Su-30 về tầm, độ chính xác và độ tin cậy. Vùng quan sát, phát hiện và bám tự động mục tiêu của OLS-35 là 90° theo phương vị và +60° đến -15° theo góc tà. Thiết bị sục sạo hồng ngoại có thể phát hiện mục tiêu bay ở bán cầu trước ở cự ly ≥50 km, ở bán cầu sau là ≥90 km. Máy đo xa laser có tầm hoạt động 20 km với mục tiêu bay và 30 km với mục tiêu mặt đất, sai số đo là 5 m.

Khả năng siêu cơ động và bay “siêu hành trình”

Một đặc điểm khác của MBTK thế hệ 5 có mặt trên Su-35BM là động cơ 117S có điều khiển vector lực đẩy, do hãng NPO Saturn phát triển trên cơ sở hiện đại hoá sâu của động cơ AL-31F, có sử dụng các công nghệ thế hệ 5, giúp máy bay có khả năng “siêu cơ động”, thậm chí sức cơ động có thể hơn cả F-22 vì động cơ của F-22 chỉ có thể di chuyển lên/xuống, còn 117S có thể di chuyển lên/xuống và phải/trái. Động cơ của MiG-29OVT thậm chí còn xoay tròn về mọi hướng.

 
Động cơ 117S có điều khiển vector lực đẩy.
Ảnh: NPO Saturn

Động cơ 117S được trang bị loại quạt mới đường kính tăng 3% (932 mm so với 905 mm), các turbine cao áp và thấp áp mới, hệ thống điều khiển từ xa động cơ kỹ thuật số mới SDU-D và có loa phụt điều khiển vector lực đẩy nên tăng được khả năng cơ động của máy bay. Loa phụt quay kết hợp với hệ thống điều khiển vector lực đẩy tự động thay đổi lực đẩy vi sai của 2 động cơ, cho phép điều khiển máy bay ở mọi mặt phẳng, thực hiện các thao tác cơ động mà các loại máy bay tiêm kích khác không thể làm được, nâng cao cơ bản độ an toàn bay và giữ được đặc tính điều khiển hầu như ở mọi tốc độ, kể cả ở tốc độ siêu nhỏ và cận không. Các cơ quan điều khiển khí động thông thường mất hiệu quả trong những điều kiện đó. Khi cần, hệ thống điều khiển vector lực đẩy có thể ngắt hoàn toàn với các loa phụt động cơ được cố định ở vị trí trung lập. Lực đẩy của động cơ ở chế độ đặc biệt tăng 16% lên đến 14.500 kgf (lớn hơn 2 tấn so với AL-31F), ở chế độ tối đa không tăng lực đạt 8.800 kgf. Lực đẩy mạnh hơn giúp máy bay có các đặc tính động học cao, cải thiện đặc tính tăng tốc, giúp phi công dễ cắt đuôi kẻ địch hoặc rút ngắn khoảng cách với đối phương. So với AL-31F, dự trữ công tác của động cơ tăng 2-2,7 lần. Dự trữ công tác giữa các lần sửa chữa tăng từ 500 lên đến 1.000 giờ (dự trữ công tác cho đến lần đại tu đầu tiên là 1.500 giờ), dự trữ công tác danh định tăng từ 1.500 lên đến 4.000 giờ. Động cơ 117S sẽ được NPO Saturn và Liên hiệp UMPO hợp tác sản xuất loạt.

Trong chuyến bay đầu, Su-35BM đã bay đôi cùng Su-30МК để so sánh lực đẩy động cơ. Khi bay, Su-35BM đã tăng tốc tối đa ở chế độ không tăng lực, nhưng Su-30MK đã phải dùng chế độ tăng lực mà vẫn thỉnh thoảng bị tụt lại sau. Ở chế độ không tăng lực, ở tốc độ siêu âm nhỏ, Su-35BM tiếp tục tăng tốc, nghĩa là với trọng lượng và dải tốc độ-độ cao nhất định, Su-35BM có thể chuyển sang chế độ bay “siêu hành trình” (bay siêu âm mà không dùng chế độ tăng lực). Trong tất cả các loại máy bay tiêm kích sản xuất loạt, chỉ có 2 loại máy bay sản xuất loạt có thể bay ở chế độ “siêu hành trình” là máy bay đánh chặn hạng nặng MiG-31 Foxhound của Nga và F-22A Raptor của Mỹ. Đây là đặc điểm được đánh giá rất cao. Máy bay cơ động tốt không chỉ ở chế độ “siêu cơ động” mà cả ở các chế độ bay tương đối đơn giản, khi bay tốc độ thấp 200 km/h và nhỏ hơn.

Khả năng bay dài ở chế độ siêu âm với lực đẩy danh định của động cơ là một dấu hiệu đặc trưng của máy bay tiêm kích thế hệ 5. Sau khi vượt qua giới hạn âm thanh, máy bay tăng tốc ít nhất lên tốc độ 1,3M (tuỳ thuộc độ cao) để vượt qua cái gọi là “bướu” khí động - dải tốc độ 1,1-1,2M khi mà bay siêu âm là không có lợi do lực cản khí động lớn dẫn tới tăng nhiên liệu tiêu thụ.

Hệ thống vũ khí tầm xa khủng khiếp

Su-35 mang tối đa được 8.000 kg tải trọng chiến đấu lắp trên 12 điểm treo. Ngoài các vũ khí như ở Su-30МК, Su-35 còn được trang bị các loại vũ khí không-đối-không, không-đối-diện có điều khiển mới, kể cả các loại tầm xa.

Thành phần vũ khí có điều khiển không-đối-không gồm: các tên lửa không-đối-không tầm trung tự dẫn radar chủ động, bán chủ động: R-27ER1 (8 quả), R-27ET1 và R-27EP1 (mỗi loại 4 quả), RVV-АЕ/R-77 (đến 12 quả, kể cả ụ treo kép lắp 4 tên lửa dưới thân), tên lửa tự dẫn hồng ngoại tầm gần R-73E (6 quả) (tổng cộng 34 tên lửa) và 5 tên lửa tầm siêu xa mới như K-100-1 có tầm bắn khủng khiếp... tới 400 km, có tốc độ 4.000 km/h, độ cao tác chiến 3-30.000 m.

 
Tên lửa không-đối-không tầm siêu xa K-100-1
trên mô hình Su-35

Các loại tên lửa không-đối-diện có điều khiển có thể trang bị gồm 25 tên lửa chống hạm, chống radar tầm trung và tầm xa: 6 tên lửa chống radar Kh-29TE dẫn bằng truyền hình và/hoặc Kh-29L dẫn bằng laser, 6 tên lửa chống hạm Kh-31A và/hoặc chống radar Kh-31P, 5 tên lửa chống hạm tầm xa tiên tiến mới Kh-59MK, 5 tên lửa chống radar tăng tầm Kh-58UShE, 3 tên lửa chống hạm tầm xa Club (3M-14AE/3M-54AE1) và 1 tên lửa chống  hạm siêu âm hạng nặng tầm xa Kh-61 Yakhont-M tầm bắn 300 km.

Ngoài ra, Su-35 còn có thể được trang bị các loại bom điều khiển bằng truyền hình, laser và vệ tinh giống như ở các máy bay Su-30MK hiện nay, gồm: đến 8 bom KAB-500Kr/OD dẫn bằng truyền hình, KAB-500L dẫn bằng laser hoặc bom mới nhất KAB-500S-E dẫn bằng vệ tinh (tương tự JDAM của Mỹ), đến 3 bom 1500 kg KAB-1500Kr dẫn bằng truyền hình hoặc KAB-1500LG dẫn bằng laser.

Các phương án mang vũ khí không điều khiển không-đối-đất là: 16 bom FAB-500М54, 14 bom FAB-500М62, 14 thùng cháy ZB-500, 34 bom FAB-250М54, 48 bom OFAB-100-120, 8 bom chùm KMGU/KMGU-U, 120 rocket S-8, 30 rocket S-13, 6 rocket S-25. Trong tương lai, Su-35 có thể sử dụng các bom cải tiến và bom mới cỡ 500 và 250 kg, rocket 80, 122 và 266/420 mm, kể cả các loại điều khiển bằng laser.

Bao giờ Su-35BM đến Việt Nam?

 
 

Với tính năng vượt trội so với tất cả các loại MBTK đa năng thế hệ 4+ của Mỹ và NATO, Su-35BM được dự báo sẽ là một trong vài loại MBTK tốt nhất và đông đảo nhất thế giới trong thập kỷ tới. Theo chương trình mua sắm vũ khí quốc gia giai đoạn 2006-2015 do Nga thông qua năm 2006, dự kiến sản xuất 182 Su-35BM cho Không quân Nga và xuất khẩu từ năm 2011-2020. Đến lúc đó, Không quân Nga vẫn còn khoảng 120-140 máy bay tiêm kích Su-27 đã được hiện đại hoá sâu và 30-40 máy bay tiêm kích thế hệ 5. Các máy bay Su này cùng với các loại máy bay khác sẽ cho phép Không quân Nga duy trì tiềm năng chiến đấu trong 20-30 năm nữa. Tổng tư lệnh Không quân Nga Aleksandr Zelin cho biết, Không quân Nga sẽ thành lập 2-3 trung đoàn tiêm kích Su-35 (60-80 máy bay+lực lượng dự bị). Bên cạnhd dó, một số công nghệ của Su-35 cũng sẽ được dùng để hiện đại hoá Su-27 lên tiêu chuẩn Su-27SM2, nâng cấp Su-30MKI, Su-33...

Su-35BM được Nga ráo riết quảng cáo, tiếp thị, tham gia nhiều cuộc triển lãm hàng không quốc tế ở Nga, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Brazil... Tháng 7/2008, tại triển lãm Farnborough-2008, Anh, ông Aleksandr Mikheyev, Phó Tổng giám đốc hãng xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronoexport tuyên bố Nga sẵn sàng bán Su-35BM cho Ấn Độ, Malaysia và Algeria; còn Tổng giám đốc Công ty Sukhoi Mikhail Pogosyan thì cho biết Su-35 sẽ được sản xuất loạt ít nhất đến năm 2020 và thị trường cần không dưới 200 chiếc Su-35.

Tuy Ấn Độ có thể quan tâm đến Su-35BM hoặc sử dụng các hệ thống của nó như radar và động cơ 117S để nâng cấp các máy bay Su-30MKI mới sẽ chuyển giao cho Ấn Độ, nhưng Ấn Độ ít có khả năng mua Su-35BM vì họ đang hợp tác với Nga phát triển MBTK thế hệ 5 PAK FA, loại sẽ bay thử lần đầu vào cuối năm 2009 và bắt đầu sản xuất năm 2010.

Nga từng dự kiến khả năng bán Su-35BM cho Trung Quốc (TQ) và mới đây có tin Su-35BM đã được đưa vào kế hoạch đàm phán hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung. Tuy nhiên, định hướng xuất khẩu như trên cho thấy TQ không được coi là khách hàng tiềm năng của Su-35BM. Mặt khác, sự tham gia của Ấn Độ vào dự án PAK FA và sự lo ngại bị làm nhái, mất công nghệ của Nga như đã xảy ra với máy bay tiêm kích Su-27, máy bay tiêm kích trên hạm Su-33, hệ thống rocket phóng loạt Smerch, tên lửa phòng không S-300 (Trung Quốc đã chế tạo được các sản phẩm nhái là A-100, HQ-9/FT-2000, J-11B. Hợp đồng mua Su-33 để trang bị cho các tàu sân bay đang đóng của Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn do Nga lo sợ mất công nghệ) có thể sẽ loại TQ ra khỏi danh sách khách hàng mua MBTK thế hệ 5 của Nga.

Su-35BM sẽ được xuất khẩu chủ yếu sang Đông Nam Á, Nam Mỹ, châu Phi và Cận Đông. Nước đầu tiên có thể mua Su-35BM là Venezuela vì Tổng thống Hugo Chavez tỏ ra rất ưng ý loại máy bay này. Tại Đông Nam Á, ba nước Indonesia, Malaysia và Việt Nam vốn đang sử dụng Su-27/Su-30 có thể sẽ đón nhận Su-35BM trong dăm ba năm nữa.

 
Máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA của Nga 

Nga và Ấn Độ đang hợp tác phát triển và sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA, Brazil cũng mới tuyên bố sẽ tham gia dự án này. Từ năm 2015, Nga sẽ sản xuất PAK FA thế hệ 5 song song với Su-35BM. PAK FA (T-50) hiện đang được Công ty Sukhoi phát triển để thay thế MiG-29 và Su-27 và sẽ sử dụng các công nghệ của các máy bay thử nghiệm Su-47 (S-37) Berkut, MiG 1.44 và Su-35BM. Hiện chỉ có Không quân Mỹ đã đưa vào sử dụng máy bay tiêm kích thế hệ 5 duy nhất là F-22A Raptor từ tháng 12/2005, đồng thời cũng đang ráo riết chuẩn bị sản xuất một máy bay thế hệ 5 nữa là máy bay tiêm kích-bom F-35 Lightning II.

Tính năng kỹ-chiến thuật của Su-35BM

Chiều dài × chiều cao × sải cánh, m: 21,95 × 5,92 × 14,75

Diện tích cánh, m2: 62,2

Trọng lượng: rỗng × cất cánh thông thường × cất cánh tối đa, tấn: 16,5 × 25,5 × 38,8

Động cơ: 2 × 117S × 14.500 kgf ở chế độ tăng lực

Tốc độ tối đa bay cao, km/h: 2.600

Tốc độ bay thấp, km/h:1.450

Tốc độ bay hành trình, km/h: gần 1.000

Bán kính hoạt động tuỳ tải trọng và biên dạng bay, km: đến 2.000

Trần bay thực tế, m: 18.500

Chịu quá tải tối đa, g: 10

Tầm bay không tiếp dầu, km: 4.000

Vũ khí lắp trong: 1 pháo 30 mm GSh-301.

Vũ khí treo: đến 8.000 kg treo trên 12 điểm treo.

Tổ lái, người: 1.

Một số hình ảnh Su-35BM (Lenta.ru, Sukhoi.org)

 
 
 
 
 

 

 

 

 
 

 

...và các đối thủ

F-22 Raptor

 

 

 

Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới F-22 Raptor.
Ảnh: Không quân Mỹ

F-35 Lightning II

 

Máy bay tiêm kích tàng hình JSF F-35 Lightning II.
Ảnh: Không quân Mỹ, ausairpower.net

và F/A-18E Super Hornet

Máy bay tiêm kích F/A-18E Super Hornet

 
  • Nguồn tham khảo: milavia.net, army.lv, ng.ru, lenta.ru, rian.ru, wikipedia.org, sukhoi.org, airwar.ru, deagel.com.
Nhân Vũ