In bài này
Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ
Thứ Sáu, 02/10/2009 - 4:34 PM
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là ba lãnh tụ của phong trào Tây Sơn, ba danh tướng kiệt xuất nhất của thế kỷ XVIII.
“Thiên phiên địa phúc nhân nan ký,
Thanh liêu cẩn chí hữu Bút Sơn”.
(Chuyện trời lật đất nghiêng thì người thật khó mà ghi lại,
Cẩn trọng chép giữa trời rộng lớn đã có Bút Sơn) -
Nguyễn Khắc Thuần (Vịnh sử)


I - QUÊ HƯƠNG, DÒNG HỌ VÀ GIA ĐÌNH

1. ĐÔI LỜI VỀ NGUỒN GỐC

Tây Sơn Tam Kiệt - Bảo tàng Quang Trung, Bình Định
Từ năm 1627-1672, hai bên họ Trịnh và họ Nguyễn đã xua quân đánh nhau tất cả 7 trận lớn. Trong số 7 trận đánh lớn ấy, chỉ có trận thứ năm (bắt đầu từ năm 1655 và kéo dài cho đến hết năm 1660) là trận duy nhất họ Nguyễn chủ động đem quân vượt sông Gianh, tấn công vào khu vực lãnh thổ do họ Trịnh cai quản. Quân đội Chúa Nguyễn đã chiếm được một vùng đất rộng lớn từ Nghệ An trở vào. Nhưng rồi 5 năm sau, thấy không thể nào giữ được, họ Nguyễn lại rút quân về. Và khi rút quần về như vậy, họ Nguyễn đã cưỡng bức rất nhiều người di cư vào Nam. Trong số những người bị cưỡng bức di cư ấy, có người họ Hồ ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Người họ Hồ được đứa đến ấp Tây Sơn Nhất (Xưa Tây Sơn có hai ấp là Tây Sơn Nhất và Tây Sơn Nhì. Ấp Tây Sơn Nhất sau đổi gọi là ấp An Khê còn ấp Tây Sơn Nhì thì sau đổi gọi là ấp Cửu An. Hai ấp này, xưa thuộc huyện Quy Ninh, sau đổi gọi là huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn), trải 4 đời thì đổi thành họ Nguyễn, đó là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.... (Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30). Hiện nay, ở khu vực chân núi Đài Phong, gần với núi Đại Hải, thuộc làng Thái Lão, xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, còn có một khu đất bằng phẳng, tương truyền là khu mộ tổ của anh em Tây Sơn (Phan Huy Lê. Quang Trung Nguyễn Huệ - Con người và sự nghiệp.-Sở Văn hóa-Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1986, trang 5).

Trong lịch sử nước ta, họ Hồ là một trong những cự tộc. Theo những tài liệu hiện còn lưu giữ được thì người đầu tiên của họ Hồ định cư tại trấn Nghệ An xưa là Hồ Hưng Dật. Ông đến Nghệ An vào năm 960 và chẳng bao lâu thì đã có sản nghiệp lớn. Vào thời Lý, hậu duệ của Hồ Hưng Dật đã có người được cưới Công chúa của vua Lý, trở thành Phò mã của nhà Lý.

Hậu duệ đời thứ mười hai của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm đã di cư từ Nghệ An ra Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa, Hồ Liêm trở thành con nuôi của quan Tuyên úy Lê Huấn, vì thế chi họ Hồ ở Thanh Hóa cũng có một thời mang họ Lê. Cháu 4 đời của Hồ Liêm là Hồ Quý Ly - người đã lật đổ triều Trần và lập ra triều Hồ (1400-1407).

Tổ tiên đời thứ nhất và đời thứ hai của ba anh em Tây Sơn tại xứ Đàng Trong tên là gì, hiện vẫn chưa rõ, chỉ biết đời thứ ba, tức thân sinh của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là Hồ Phi Phúc. Hồ Phi Phúc không ở ấp Tây Sơn Nhất nữa mà di cư về ấp Kiên Thành (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). “Ở đây còn di tích Gò Lăng, theo nhân dân địa phương là vườn ở và nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng” (Phan Huy Lê. Quang Trung Nguyễn Huệ - Con người và sự nghiệp.-Sở Văn hóa-Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1986, trang 6). Bấy giờ, ấp Kiên Thành có nhiều thôn, nơi Hồ Phi Phúc định cư đầu tiên là thôn Phú Lạc. Ở Phú Lạc một thời gian ngắn, Hồ Phi Phúc lại di cư đến quê vợ (bà Nguyễn Thị Đồng) là thôn Kiên Mỹ (cũng thuộc ấp Kiên Thành). Khu đất xưa kia là nhà của ông bà Hồ Phi Phúc ở thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay chính là khu đất đại để tương ứng với Bảo tàng Tây Sơn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Nơi đây còn có một cây me và một giếng nước cổ là hai chứng tích vườn xưa của ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng.

Như vậy, dòng dõi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, trải 4 đời, đã định cư ở 4 địa chỉ khác nhau như sau: Hưng Nguyên (Nghệ An); Tây Sơn Nhất (Hoài Nhơn, Quy Nhơn); Phú Lạc (Kiên Thành, Hoài Nhơn, Quy Nhơn); Kiên Mỹ (Kiên Thành, Hoài Nhơn, Quy Nhơn). Trong 4 địa chỉ nói trên, địa chỉ thứ tư chính là nơi chôn rau cắt rốn của Nguyễn Huệ. .

2. QUÊ HƯƠNG VÀ GIA ĐÌNH

Thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành là vùng nằm giáp ranh giữa cao nguyên Gia Lai với đồng bằng Bình Định ngày nay. Nơi đây có dòng sông Côn, tuy không lớn nhưng cũng rất thuận tiện cho việc giao thông buôn bán. Kinh tế Kiên Mỹ nhờ đó mà khá phát đạt. Trước hết, ruộng đồng Kiên Mỹ rất tươi tốt, cho nên, hầu như gia đình nào cũng tương đối no đủ. Ngoài trồng trọt, dân Kiên Mỹ còn có khá nhiều nghề thủ công khác nhau, mỗi nghề tập trung vào một số cụm gia đình nhất định, gọi là xóm, ví dụ:

- Xóm Ươm: chuyên nuôi tằm, ươm tơ.
- Xóm Rèn: chuyên về nghề rèn.
- Xóm Mía: chuyên ép mía lấy mật, làm đường ăn.
- Xóm Đậu: chuyên làm bánh đậu và nấu chè đậu.
- Xóm Bún: chuyên làm bún.
- Xóm Chợ: nơi có chợ Kiên Mỹ.
- Xóm Trầu: chuyên buôn bán trầu.
- Xóm Giấy: chuyên sản xuất giấy bản.

Kiên Mỹ có chợ Kiên Mỹ (Xóm Chợ) buôn bán khá tấp nập, tạo cho Kiên Mỹ sự giao lưu kinh tế rộng rãi với nhiều địa phương khác nhau. Bản thân Nguyễn Nhạc cũng có thời từng tham gia vào hoạt động buôn bán tại quê nhà.

Đất Hoài Nhơn xưa là nơi định cư của khá nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Lâu dời hơn cả vẫn là đồng bào các dân tộc ít người, đặc biệt là người Bana. Người Việt đến lập nghiệp muộn hơn và như trên đã nói, trong số những người Việt đến vùng này vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVII, có tổ tiên của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Tây Sơn Nhất và Tây Sơn Nhì (Tây Sơn Nhì nay thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai) là hai ấp người Việt cổ nhất của vùng này.

Quê hương Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ rất nổi danh với truyền thống thượng võ. Nơi đây có hai lò võ được gần xa biết đến, đó là Thuận Truyền và An Thái. Dân gian có câu: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” là để chỉ đặc trưng riêng của hai lò võ nức tiếng này.

Trên miền đất trù phú và có truyền thống thượng võ ấy, gia đình Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là một trong những gia đình khá giả. Cả ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đều được cha là ông Hồ Phi Phúc và mẹ là bà Nguyễn Thị Đồng tạo điều kiện cho ăn học và để lại cho một sản nghiệp cũng tương đối lớn. Họ tuy xuất thân là nông dân nhưng không phải là nông dân nghèo khổ, càng không phải là nông dân “không một tấc đất cắm dùi”.

Thuở thiếu thời, ba anh em Tây Sơn được gửi đến Bàng Châu để học võ với võ sư Đinh Văn Nhưng. Bàng Châu nay thuộc xã Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Võ sư Đinh Văn Nhưng là một người giàu nghĩa khí, tính ngang tàng, dân địa phương đương thời thường gọi ông là Ông Chảng. Dân Bình Đình có câu “Ngang quá Ông Chảng” và câu “Chảng ngang thiên” là để chỉ khí khái ngang tàng kiểu võ sư Đinh Văn Nhưng. Nghĩa khí của thầy dạy võ có ảnh hưởng rất lớn đối với phẩm cách của ba anh em Tây Sơn sau này. Về chữ nghĩa văn chương, ba anh em Tây Sơn cũng có gia sư riêng. Gia sư của cả ba anh em Tây Sơn thường được sử cũ chép là Thầy giáo Hiến (Hiện chưa rõ họ và lai lịch). Thầy giáo Hiến từng là một trong số những môn khách của quan Nội hữu Trương Văn Hạnh (Hiện chưa rõ lai lịch). Khi Nội hữu Trương Văn Hạnh bị quyền thần Trương Phúc Loan giết hại, thầy giáo Hiến chạy về dạy học tại An Thái (nay thuộc xã An Nhơn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Trường học do thầy giáo Hiến mở tại An Thái chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi. Khi thầy giáo Hiến về Tây Sơn, trường này cũng không còn nữa). Sau, ông về hẳn Tây Sơn và trở thành gia sư của ba anh em Tây Sơn. Thầy giáo Hiến cũng là người giàu lòng yêu nước thương dân và chính lòng yêu nước thương dân đó đã có ảnh hưởng không nhỏ tới cả ba anh em Tây Sơn. Nhưng điều rất quan trọng mà ba anh em Tây Sơn thụ bẩm được ở thầy giáo Hiến không phải chỉ là văn chương chữ nghĩa và lòng yêu nước thương dân. Vốn dĩ là môn khách của quan Nội hữu Trương Văn Hạnh, từng sống và làm việc ở ngay trong Phủ Chúa Nguyễn, thầy giáo Hiến còn cung cấp cho ba anh em Tây Sơn những thông tin đầy đủ và chính xác về nội tình thối nát của tập đoàn thống trị họ Nguyễn đương thời. Đây chính là cơ sở thực tiễn để về sau, ba anh em Tây Sơn có thể căn cứ vào đó mà nêu lên được khẩu hiệu phân hóa kẻ thù một cách rất lợi hại.

Như trên đã nói, thân phụ của ba anh em Tây Sơn là Hồ Phi Phúc, còn thân mẫu là Nguyễn Thị Đồng. Nơi định cư của hai ông bà là thôn Phú Lạc, ấp Kiên Thành (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Nơi đây, ngoài di tích Gò Lăng còn có di tích được nhân dân địa phương gọi là Hai hố Nguyệt. Di tích này nằm ở dưới chân nói Ngang, tương truyền, đó là mộ của hai ông bà Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng. Mộ đã bị triều Nguyễn khai quật vào đầu thế kỷ thứ XIX nên chỉ còn hai cái hố mà thôi.

Ông bà Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng sinh hạ được ba người con trai và một người con gái (Tên và lý lịch cuộc đời của người con gái này hiện vẫn chưa rõ). Sử cũ nói: “Con trưởng là Nhạc, con thứ là Lữ và con thứ nữa là Huệ” (Đại Nam liệt truyện, Chính biên, sơ tập, quyển 30, mục Ngụy Tây truyện), nhưng, xét hành trạng cụ thể của từng người trong toàn bộ quá trình tham gia phát động và lãnh đạo phong trào Tây Sơn, đặc biệt là xét hàng loạt những chuyện kể dân gian vùng Tây Sơn nói riêng và Bình Định nói chung, thì thứ bậc trước sau của ba anh em Tây Sơn có khác, theo đó thì con trưởng là Nguyễn Nhạc, kế đến là Nguyễn Huệ và sau cùng mới là Nguyễn Lữ.

Nguyễn Nhạc còn có tên là ông Hai Trầu và tên khác nữa là ông Biện Nhạc. Sở dĩ có tên là ông Hai Trầu vì Nguyễn Nhạc từng có một thời đi buôn trầu và với người miền Nam, thứ hai chính là con trưởng. Sở dĩ còn có tên khác là Biện Nhạc, bởi lẽ Nguyễn Nhạc cũng từng có một thời làm Biện lại, tức là làm một viên chức hành chánh bậc thấp ở địa phương.

Nguyễn Huệ còn có tên là anh Ba Thơm hoặc Nguyễn Văn Bình. Nguyễn Nhạc thường hay gọi Nguyễn Huệ là chú Bình. Với người miền Nam, anh ba, chị ba... là từ dùng để chỉ người con kế ngay sau con trưởng và điều ấy đã xác nhận rằng, Nguyễn Huệ là em kế của Nguyễn Nhạc.

Nguyễn Lữ còn có tên là thầy Tư Lữ. Sở dĩ gọi là thầy vì Nguyễn Lữ từng có một thời đi tu, còn như thứ tư (thầy tư Lữ) cũng có nghĩa là Nguyễn Lữ ở vai em Nguyễn Huệ (thứ ba) và Nguyễn Nhạc (thứ hai).

Hiện tại, chúng ta chỉ mới biết năm mất của ba anh em Tây Sơn, còn như năm sinh, thì ngoài Nguyễn Huệ, chưa ai rõ Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ sinh năm nào. Tuy nhiên, căn cứ vào nhiều cơ sở khác nhau, một số nhà nghiên cứu đã đoán định rằng, Nguyễn Nhạc lớn hơn Nguyễn Huệ chừng 10 tuổi, tức là sinh vào khoảng năm 1743, còn như Nguyễn Lữ thì có lẽ chỉ nhỏ hơn Nguyễn Huệ một vài tuổi, tức là sinh vào khoảng từ năm 1754 đến 1756.