In bài này
Nguyễn Danh Phương (? - 1751)
Thứ Năm, 01/10/2009 - 12:43 AM
“Danh Phương chiếm Độc Tôn Sơn, / Tuyên-Hưng là đất, Lâm Man là nhà - Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái (Đại Nam quốc sử diễn ca).

Trước năm 1740, ở trấn Sơn Tây có một cuộc khởi nghĩa khá lớn do thủ lĩnh Tế cầm đầu. Trong thành phần của lực lượng tham gia cuộc khởi nghĩa này có một nhà nho trẻ là Nguyễn Danh Phương.

Nguyễn Danh Phương còn có tên là Nguyễn Danh Ngũ, tuy nhiên, người đương thời thường gọi ông một cách thân mật và trìu mến là Quận Hẻo. Ông người làng Tiên Sơn, huyện Yên Lạc, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Hiện vẫn chưa rõ Nguyễn Danh Phương sinh vào năm nào. Thư tịch cổ cũng như một số tài liệu dân gian cho biết rằng, thuở thiếu thời, ông từng dùi mài kinh sử để thử vận may khoa trường, nhưng rồi chán cảnh nhân tình thế thái ngày một đen bạc, ông đã hăng hái đi theo nghĩa binh của thủ lĩnh Tế. Nhờ có nghĩa khí và văn tài, ông được thủ lĩnh Tế trọng dụng, xếp vào hàng những người thân tín nhất.

Tháng 2 năm Canh Thân (1740), Chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Doanh đã phong cho Võ Tá Lý (người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, nay là xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc này, Võ Tá Lý được phong tới tước Quận công) làm Chinh Tây Đại tướng quân, đồng thời, sai cầm quân đi đánh thủ lĩnh Tế. Trong trận ác chiến ở Yên Lạc (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), thủ lĩnh Tế thua trận, Nguyễn Danh Phương liền đem tàn quân chạy về Tam Đảo để tính kế chiến đấu lâu dài. Từ đây, Nguyễn Danh Phương thực sự trở thành thủ lĩnh của một cuộc khởi nghĩa mới.

“Nguyễn Danh Phương vốn là dư đảng của Tế, chiếm núi Tam Đảo, lợi dụng địa thế hiểm trở để xây thành đắp lũy, chiêu mộ dân binh, quyên góp lương thực và rèn đúc khí giới, họp phe đảng ẩn náu trong núi rừng” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 28).

Theo Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, chốn núi rừng mà Nguyễn Danh Phương cùng nghĩa sĩ của mình ẩn náu chính là ngọn Độc Tôn Sơn trong dãy Tam Đảo (Đại Nam quốc sử diễn ca). Từ Độc Tôn Sơn, Nguyễn Danh Phương liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công ra các vùng chung quanh, gây chấn động khắp cả hai trấn Tuyên Quang và Hưng Hóa.

Khi mới dựng cờ khởi nghĩa, do tương quan thế và lực rất chênh lệch, Nguyễn Danh Phương chủ trương kết hợp rất chặt chẽ giữa kiên quyết với mềm mỏng. Kiên quyết là kiên quyết trừng trị đích đáng những kẻ tham quan ô lại, những đơn vị quân đội nhỏ của chúa Trịnh dám hung hăng tiến sâu vào căn cứ của nghĩa quân. Mềm dẻo là mềm dẻo trong sách lược đối phó với âm mưu đàn áp đẫm máu của triều đình. Mục tiêu của Nguyễn Danh Phương là gây tiếng vang bằng những trận đánh hiểm hóc, giành hiệu quả lớn nhất với những tổn thất nhỏ nhất. Bấy giờ, hễ gặp cơ hội thuận tiện là Nguyễn Danh Phương tấn công không khoan nhượng, nhưng nếu xét thấy điều kiện chưa cho phép thì thường là ông gửi thư giả vờ xin hàng.

“Nhiều lần (Nguyễn) Danh Phương vờ xin hàng để hoãn binh, Trịnh Doanh biết là mưu giả trá nhưng cũng đem ra bàn với bầy tôi. (Trịnh) Doanh cho rằng, việc đánh dẹp cần phải biết có lúc phải hòa hoãn. Nay trước hết là phải bàn cho rõ, giặc nào cần diệt trước, giặc nào cần dẹp sau” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 28).

Giặc cần dẹp trước, theo Trịnh Doanh, chính là nghĩa binh của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất… còn như giặc có thể dẹp sau chính là nghĩa binh của Nguyễn Danh Phương. Xuất phát từ nhận định đó, Trịnh Doanh chủ trương tập trung lực lượng đàn áp Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất, đồng thời, hạ lệnh cho Trấn thủ Sơn Tây tạm chấp nhận đề nghị xin hàng của Nguyễn Danh Phương.

  • Bất ngờ đánh vào Bạch Hạc (1744), phá vòng vây của tướng Văn Đình Ức ở Nghĩa Yên và xây căn cứ mới ở Thanh Lãnh

Tháng 11 năm 1744, lợi dụng lúc Chúa Trịnh Doanh đang phải lúng túng huy động lực lượng đối phó với nghĩa quân của Nguyễn Hữu Cầu và Hoàng Công Chất, Nguyễn Danh Phương đã táo bạo cho quân đánh chiếm Việt Trì (ở đây là tên thôn. Lúc này, thôn Việt Trì thuộc làng Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc. Nay đất này thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ) và sau đó là tung hoành khắp cả vùng Bạch Hạc. Trước đó chỉ mấy ngày, Trịnh Doanh vừa nhận được tin Trương Khuông bị Nguyễn Hữu Cầu đánh cho tơi bời ở Ngọc Lâm, kế tiếp là Đinh Văn Giai bị Nguyễn Hữu Cầu đánh cho đại bại tại Xương Giang, cho nên, rất lấy làm tức tối.

Tướng Văn Đình Ức (người làng Lạc Phố, huyện Hương Sơn, nay là huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ). Sinh ra trong một gia đình nối đời là võ quan cao cấp: ông nội là Cổn Quận công Văn Đình Nhân, chưa là Điều Quận công Văn Đình Dẫn, bản thân ông cũng được phong là Quảng Quận công. Con ông là Tạo sĩ Văn Đình Cung) lập tức được lệnh chiêu mộ thêm quân sĩ để đi bình định đất Bạch Hạc. Văn Đình Ức nắm quyền chỉ huy khoảng vài vạn quân, thanh thế rất hùng mạnh. Với quân số áp đảo như vậy, Văn Đình Ức hy vọng sẽ nhanh chóng bóp nát lực lượng của Nguyễn Danh Phương. Nhưng Văn Đình Ức đã lầm. Mới bày binh bố trận ở Nghĩa Yên (tên một làng của huyện Bạch Hạc xưa, nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ), chưa kịp ra tay thì Nguyễn Danh Phương đã khôn khéo dùng kế nghi binh rồi nhanh chóng dẫn hết quân sĩ về chiếm cứ Thanh Lãnh (tên một làng thuộc huyện Bình Xuyên cũ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

Từ Thanh Lãnh, Nguyễn Danh Phương cho các tướng chia quân đi đánh hầu khắp các huyện thuộc trấn Sơn Tây cũ. Những vị trí quan trọng trong trấn này đều bị nghĩa quân Nguyễn Danh Phương chiếm giữ. Đánh giá về sai lầm của Văn Đình Ức trong trận Nghĩa Yên, sử cũ viết: “Từ đấy (Nguyễn Danh Phương) bố trí đồn lũy, chiếm cứ nơi hiểm yếu để kháng cự với triều đình. Tất cả đều do sai lầm (của Văn Đình Ức) ở trận này cả” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 11).

Sau Văn Đình Ức, tướng Hoàng Ngũ Phúc cũng được điều đến trấn Sơn Tây, nhưng tất cả các tướng lĩnh cao cấp này của Chúa Trịnh đều bị sa lầy, suốt 4 năm trời (từ 1744 - 1748) vẫn không đánh được một trận nào đáng kể. Trước diễn biến tình hình chung ngày một phức tạp như vậy, Trịnh Doanh quyết định đưa tướng Đinh Văn Giai lên thay Hoàng Ngũ Phúc. Đinh Văn Giai được trao chức Trấn thủ và phải chịu trách nhiệm tổ chức trấn áp cho bằng được lực lượng của Nguyễn Danh Phương. Trước khi ra đi, Đinh Văn Giai được Trịnh Doanh trực tiếp giao nhiệm vụ rất rõ như sau:

“Trấn Sơn Tây là phên giậu của nước nhà, thế mà phía Bắc thì bị (Nguyễn) Danh Phương (chiếm cứ), mặt Nam thì bị (thủ lĩnh) Tương và (Lê Duy) Mật chiếm cứ, giặc mạnh tràn lan, lòng người lo sợ. Vậy cho phép ngươi được tùy ý làm việc, miễn sao ta đỡ lo nghĩ mặt Tây (kinh thành) là được” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 40, tờ 29).

Tháng 9 (nhuận) năm 1748, Đinh Văn Giai đến trấn Sơn Tây nhận chức. Nhưng Đinh Văn Giai là kẻ khôn ngoan, thích sống để giữ quyền cao chức trọng, chẳng dại xông pha trận mạc quá mức để rồi có thể chết bất cứ lúc nào, bởi thế, bất đắc dĩ lắm Đinh Văn Giai mới cho quân ra đánh cho có đánh vậy thôi. Nghĩa quân Nguyễn Danh Phương nhờ đó vẫn ung dung đóng giữ ở hầu khắp các vị trí hiểm yếu của trấn Sơn Tây. Để có thêm cơ hội thuận tiện, nhằm xây dựng và củng cố lực lượng của mình, một lần nữa, Nguyễn Danh Phương lại giả vờ xin hàng. Sử cũ cho biết:

“Nguyễn Danh Phương dùng lễ vật rất hậu rồi mật sai người đến đút lót cho vợ của Chúa Trịnh là Trịnh thị (quê ở làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, nay thuộc Thanh Hóa) và hoạn quan là Đàm Xuân Vực (người làng Tương Trúc, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội). (Đàm) Xuân Vực giúp (Nguyễn Danh Phương) dâng tờ biểu xin hàng. Trịnh Doanh đã y cho, nhưng khi xuống lệnh triệu vào thì (Nguyễn Danh Phương) không chịu vào nhận mệnh” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 41, tờ 3).

Cuối năm 1749, Nguyễn Danh Phương bất ngờ cho quân đi đánh ở huyện Tiên Phong (nay thuộc Hà Tây). Tình hình rất nguy cấp. Hiệp trấn Sơn Tây Hà Tông Huân (tức là Hà Huân (1697 - 1766), người làng Kim Vực, huyện Yên Định, nay thuộc huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa, trước đã đỗ Sĩ vọng, đến năm 1724 lại đỗ Bảng nhãn. Ông làm quan được thăng dần lên đến chức Thượng thư, quyền Tham tụng, hàm Thái bảo, tước Quận công) phải dâng thư chạy gấp về triều đình. Trịnh Doanh phải hạ lệnh cho các tướng Bùi Trọng Huyến (1713-?) (người làng Tiên Mộc, huyện Nông Cống, nay thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Tiến sĩ năm 1739) và Nguyễn Phan (người làng Hà Dương, huyện Hoằng Hóa, nay thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, võ quan cao cấp) đưa quân đi cứu viện. Nhưng, rốt cuộc thì hàng vạn quân của chúa Trịnh, do những viên tướng được coi là tài ba nhất chỉ huy, vẫn không sao có thể đè bẹp được lực lượng của Nguyễn Danh Phương. 

  • Đặt đại bản doanh ở Ngọc Bội, thành lập chính quyền và anh dũng chống trả cuộc đàn áp do đích thân Trịnh Doanh chỉ huy

Từ cuối tháng 9 (nhuận) năm 1748, sau khi từ chối về triều, Nguyễn Danh Phương bắt đầu tiến hành xây dựng một hệ thống căn cứ mới. Đại bản doanh của Nguyễn Danh Phương đặt tại núi Ngọc Bội (tên dãy núi nằm tiếp giáp giữa hai huyện Tam Dương và Bình Xuyên xưa của Sơn Tây, nay cả hai huyện này đều thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Ông cho gọi đó là Đại Đồn. Tại Đại Đồn, Nguyễn Danh Phương cho xây thành lũy kiên cố, đồng thời, bước đầu xây dựng chính quyền riêng. Theo mô tả của sử cũ thì: “Nguyễn Danh Phương xưng là Thuận Thiên Khải Vận Đại nhân, lập cung điện, đặt quan chức, quy định cờ quạt, xe cộ và đồ dùng, tiếm lạm ngang với Thiên Tử” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 41, tờ 3).

Phía ngoài, cách Đại Đồn không xa là đồn Hương Canh (tên làng thuộc huyện Yên Lãng xưa, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đồn Hương Canh được gọi là Trung Đồn. Tuy không lớn và kiên cố bằng Đại Đồn, nhưng, Trung Đồn cũng được xây dựng khá chắc chắn. Và phía ngoài Trung Đồn, tại khu vực Úc Kỳ (tên làng, xưa thuộc huyện Tư Nông, nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), Nguyễn Danh Phương còn cho xây dựng thêm một hệ thống đồn lũy khác, gọi là Ngoại Đồn. Đại Đồn, Trung Đồn và Ngoại Đồn phối hợp rất chặt chẽ với nhau, sẵn sàng ứng phó một cách linh hoạt với mọi cuộc tấn công từ ngoài vào. Nguyễn Danh Phương cũng cho xây dựng rất nhiều đồn lũy ở các địa phương khác, tính ra, tổng số còn lớn gấp đôi Đại Đồn, Trung Đồn và Ngoại Đồn cộng lại. Theo ghi chép của sử cũ thì:

“Quân đóng ở đâu là làm ruộng, chứa thóc để làm kế lâu dài. (Nguyễn Danh Phương) lại còn tự tiện giữ mối lợi về sản xuất và buôn bán chè, sơn, tre, gỗ... ở miền thượng du, chưa kể xưởng khai thác mỏ ở Tuyên Quang, do đó mà thóc gạo và của báu chất cao như núi. Hắn (chỉ Nguyễn Danh Phương - NKT) chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu để chống lại quan quân. Triều đình bao phen cất quân đánh, nhưng hắn lại đem của đến đút lót, mà các tướng thì hám lợi, cứ dung túng cho giặc (chỉ nghĩa quân Nguyễn Danh Phương - NKT), cốt bảo toàn lấy tấm thân, vì thế, giặc càng ngày càng vững vàng. Trải hơn 10 năm trời, (Nguyễn) Danh Phương nghiễm nhiên là vua một nước đối địch với triều đình vậy” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 41, tờ 3 và 4).

Tháng 12 năm 1750, các đạo quân của Chúa Trịnh phối hợp đánh mạnh vào lực lượng của Nguyễn Danh Phương ở khu vực Thanh Lãnh. Bấy giờ, khu vực này do hai người em của Nguyễn Danh Phương là Nguyễn Văn Bì và Nguyễn Văn Quảng trông coi. Bởi quá bất ngờ, cả Nguyên Văn Bì và Nguyễn Văn Quảng đều bị bắt. Nhưng, quan quân của họ Trịnh chưa kịp vui mừng thì Nguyễn Danh Phương đã kịp thời đem binh sĩ tới. Từ chỗ chủ động đi tấn công và bao vây, các tướng lĩnh của Chúa Trịnh buộc phải lâm vào thế bị tấn công, bị bao vây và có nguy cơ bị tiêu diệt hết. Chúng bèn thả Nguyễn Văn Bì và Nguyễn Văn Quảng để đổi lại là được tháo lui.

Sau trận Thanh Lãnh, Nguyễn Danh Phương mở rộng phạm vi hoạt động của nghĩa quân ra nhiều vùng lân cận. “Các huyện thuộc những phủ như Tam Đái, Lâm Thao và Đà Dương đều bị (Nguyễn Danh) Phương chiếm cứ” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 41, tờ 4. Các phủ Tam Đái, Lâm Thao và Đà Dương nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Tây). Lo sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của nghĩa quân, Trịnh Doanh đã tự mình làm tướng, đem đại binh đi đánh dẹp. Trước khi xuất quân, Hoàng Ngũ Phúc và Đỗ Thế Giai (người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội), tuy chỉ đỗ có Hương cống, sau đổi gọi là Cử nhân, nhưng rất có thế lực trong triều đình) cùng phối hợp với nhau, soạn ra 37 điều quân lệnh buộc tất cả tướng sĩ phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Trịnh Doanh cũng thành lập một bộ chỉ huy hành quân, theo đó thì ngoài Trịnh Doanh ra, bộ chỉ huy này còn có:

  1. Hoàng Ngũ Phúc làm Giám quân.
  2. Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775) (người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ Hoàng Giáp năm 1731. Ông là cha của Tiến sĩ Nguyễn Khản và thi hào Nguyễn Du) làm Tán lý.
  3. Đoàn Chú làm Hiệp đồng.

Tất cả quân sĩ được chia làm bốn đạo, tiến thẳng vào khu căn cứ của Nguyễn Danh Phương. Nhưng, Trịnh Doanh cũng chẳng thể làm được gì hơn các tướng trước đó. Trải một năm chinh chiến gian nan mà chẳng thu được kết quả gì, Trịnh Doanh đành phải kéo quân về.

  • Mất Úc Kỳ và Hương Canh, Ngọc Bội Đại Đồn tan vỡ, Nguyễn Danh Phương thua trận và bị bắt (1751)

Hao công tốn của mà không diệt được nghĩa quân Nguyễn Danh Phương, Trịnh Doanh tuy buộc phải kéo quân về nhưng lòng vẫn rất lấy làm ấm ức. Sau Tết Nguyên đán năm Tân Mùi (1751), một lần nữa, Trịnh Doanh lại cầm đại quân đi đánh Nguyễn Danh Phương. Lần này, để tạo bất ngờ lớn, Trịnh Doanh cho quân băng qua Kinh Bắc (vùng Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), tiến thẳng đến Thái Nguyên rồi từ Thái Nguyên đánh ập xuống.

Tháng 2 năm 1751, Trịnh Doanh thúc quân, nhân đêm tối, đánh ồ ạt vào Ngoại Đồn Úc Kỳ. Do hoàn toàn bị bất ngờ, Ngoại Đồn Úc Kỳ không sao chống đỡ nổi. Toàn bộ lực lượng nghĩa quân Nguyễn Danh Phương đóng ở đây bị diệt. Trịnh Doanh lập tức hạ lệnh cho các tướng đánh thẳng đến Trung Đồn Hương Canh. Tại đây, lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Danh Phương do đã biết Ngoại Đồn Úc Kỳ thất thủ nên chủ động đánh trả rất quyết liệt. Một trận ác chiến thực sự đã diễn ra. Sử cũ viết:

“Giặc (chỉ nghĩa quân Nguyễn Danh Phương - NKT) đem hết quân ra chống cự, tên đạn bay như mưa, quan quân không sao tiến lên được. Bấy giờ, trong hàng tướng lĩnh của Chúa Trịnh chỉ có Nguyễn Phan được coi là vô địch. Trịnh Doanh trao thanh gươm cho Nguyễn Phan và nói:

- Nếu không phá được đồn này thì lập tức sẽ bị đem ra xử theo đúng quân pháp.

(Nguyễn) Phan dẫn quân tiến lên, cởi chiến bào, bỏ ngựa đi chân đất. Trước khi xông ra, y ngoảnh lại nói với thủ hạ của mình rằng:

- Quân sĩ đã có tên trong sổ, tất phải biết giữ quân pháp. Các ngươi đều là tôi tớ của ta, nay chính là lúc ta liều mình đền nợ nước, cũng chính là lúc các ngươi có dịp đền ơn ta. Vậy, những ai có cha mẹ già hoặc con thơ, không nỡ dứt tình riêng thì ta cho lui ra, còn thì hãy cùng ta quyết liều mình vì nước, chẳng nên sống uổng một kiếp mày râu.

Mọi người nghe lời (Nguyễn) Phan nói, không ai chịu lùi. (Nguyễn) Phan tự xông lên trước quân sĩ, cố sức đánh, phá tan được (đồn Hương Canh).

(Nguyễn) Danh Phương thu nhặt tàn quân, lui về giữ Đại Đồn Ngọc Bội. Ngọc Bội là sào huyệt của giặc, thế núi cao chót vót rất hiểm trở. Ở đây, giặc đã lấp hết các cửa ngõ và đường tắt từ trước, lại còn bố trí súng ở trên núi cao để cố thủ. Trịnh Doanh lại sai (Nguyễn) Phan tiến đánh. (Nguyễn) Phan sai quân cầm gươm giáo, cho phép ai cũng được tự ý đâm chém, đồng thời hạ lệnh rằng, hễ nghe tiếng súng nổ thì nằm phục xuống, bằng không thì phải trèo lên núi đá mà tiến. (Nguyễn) Phan đem quân tiến trước, ba quân ồ ạt theo sau, quân sĩ tràn lên núi, xa trông cứ như một đàn kiến. Giặc tan vỡ. (Nguyễn) Danh Phương chạy về Độc Tôn Sơn. Quan quân lại đuổi tiếp, (Nguyễn) Danh Phương thua trận, đành phải đốt đồn lũy rồi nhân đêm tối chạy trốn.

Quan quân đuổi theo, bắt được (Nguyễn) Danh Phương tại làng Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc)” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 41, tờ 7 và 8 ).

Sau hơn 10 năm chiến đấu ngoan cường và thông minh, đến đây, cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Danh Phương lãnh đạo đã bị đè bẹp. Nguyễn Danh Phương bị bắt và bị giết cùng một ngày với Nguyễn Hữu Cầu.

Nguyễn Danh Phương là một trong những danh tướng xuất thân áo vải lừng danh nhất Đàng Ngoài. Cuộc đời oanh liệt của ông đã khiến cho không biết bao nhiêu tướng lĩnh cao cấp của Đàng Ngoài phải thất điên bát đảo. Ông chưa từng được học ở bất cứ một trường võ bị nào, nhưng, tài năng quân sự của ông thì các võ quan chuyên nghiệp đương thời chưa dễ đã sánh được. Nói khác hơn, ông chính là tướng tài trong số những tướng tài vậy.