In bài này
Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ
Thứ Hai, 28/09/2009 - 9:03 PM
Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ là hai anh em ruột. Hai ông người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Duong).
  • Cầm gươm rửa thẹn

Từ thế kỷ XVIII trở đi, chính sự Đàng Ngoài ngày một rối ren và đen tối đến độ thảm hại. Bấy giờ, nếu Chúa Trịnh Cương (1709 - 1729) chỉ tiếp tục đẩy mạnh xu hướng chung của Nhà chúa là ra sức lấn át quyền hành Nhà vua, khiến cho vua Lê Dụ Tông (1705 - 1709) chỉ còn là một hư vị tội nghiệp, thì đời chúa kế tiếp là Trịnh Giang (1729 - 1740) còn bạo ngược khủng khiếp hơn nhiều. Chính Trịnh Giang đã vu cho vua Lê đế Duy Phường (1729 - 1732) tội gian dâm với vợ của Trịnh Cương rồi phế Lê đế Duy Phường làm Hôn Đức công và sau đó đã giết Nhà vua vào tháng 9 năm Nhâm Tý (1732) (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 37, tờ 26). Sau khi phế Lê đế Duy Phường, Trịnh Giang đã làm một việc trước đó chưa từng có là:

“Lúc ấy, (Trịnh) Giang bắt dẫn 12 người con của vua Lê Dụ Tông vào phủ đường của mình để xem mặt. Lê Duy Đường là con trưởng, thấy đáng được làm vua, (Trịnh) Giang liền sai quan hộ vệ Lê Duy Đường đến ở riêng tại cung Thọ Phúc” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 37, tờ 25).

Trước đó, Lê Duy Đường từng bị mất ngôi Thái tử, đến đây, cha là vua Lê Dụ Tông mới mất, em là vua Lê đế Duy Phường bị phế, rồi bị giết, Lê Duy Đường mới được đưa lên ngôi, đó là vua Lê Thuần Tông (1732 - 1735). Nhưng, vua Lê Thuần Tông cũng chỉ ở ngôi được ba năm thì mất. Em ông là Lê Duy Thận được đưa lên thay, đó là vua Lê Ý Tông (1735 - 1740). Cả Lê Thuần Tông và Lê Ý Tông đều rất giống nhau ở chỗ ở ngôi rất ngắn và hoàn toàn không có một tí thực quyền nào.

Sau khi đã hoàn toàn vô hiệu hóa những ảnh hưởng của Nhà vua đối với guồng máy chính trị đương thời, Trịnh Giang đã không ngừng tìm cách củng cố thêm ngôi vị của mình. Tháng 10 năm Giáp Dần (1734), Trịnh Giang tự phong cho mình là Đại Nguyên soái, Tổng Quốc chính, Thượng sư Thái Pphụ, Thông Đức Anh Nghị Thánh Công Uy Vương. Tháng 9 năm Kỷ Mùi (1739), Trịnh Giang lại giả thác có chiếu thư của Thiên Tử nhà Thanh phong cho mình làm An Nam Thượng Vương. Sự kiện hài hước này đã được chính sử xưa ghi chép như sau:

“(Trịnh) Giang vượt phận, tiếm quyền, không còn biết kiêng sợ là gì nữa. Hắn tự xưng là Bác Đạt Mậu Hòa, Tuy Du Dụ Nghĩa Trịnh Vương.

Lúc ấy, (Trịnh) Giang đang chơi ở làng Quế Trạo, trấn Kinh Bắc, là quê hương của viên hoạn quan Hoàng Công Phụ. (Trịnh) Giang cho xây dựng phủ đệ tại đó để ở. Hắn mật sai tay chân thân tín là bọn Nguyễn Trác Luân và Trần Văn Hoán, từ kinh sư chạy ngựa trạm lên, phụng trình sắc văn tấn phong và ấn tỉ, giả thác nói rằng đó là do sứ giả nhà Thanh sang nước ta phong cho (Trịnh) Giang làm An Nam Thượng Vương” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 13).

Chép xong đoạn trên, các sử gia nhà Nguyễn đã hạ bút viết ngay lời phê rằng: “Không cướp ngôi vua thì thôi, muốn thì gì mà chẳng được, cần gì phải giả dối. Thật là điên cuồng và đáng chê cười” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 14).

Điều đáng tiếc là cả hai nhân vật cùng tham gia vào vở hài kịch nói trên - Nguyễn Trác Luân và Trần Văn Hoán, đều đỗ đạt đại khoa, cũng là người có chút văn tài và nắm trong tay những chức vị rất quan trọng của Phủ Chúa (Nguyễn Trác Luân (1700 - ?) người làng Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Dương), đỗ Tiến sĩ năm 1721, làm quan trải phong dần đến chức Phó Đô Ngự sử. Trần Văn Hoán (1690-?) người làng Từ Ô, huyện Thanh Miện, nay thuộc thôn Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ năm 1724, làm quan trải phong dần tới chức Thừa chỉ).
Ngoài Nguyễn Trác Luân và Trần Văn Hoán, Trịnh Giang còn có một tay sai rất đắc lực đó là hoạn quan Hoàng Công Phụ (Thảng hoặc cũng có người nhầm Hoàng Công Phụ là hoạn quan với Hoàng Công Phụ là Tiến sĩ. Hoàng Công Phụ là Tiến sĩ sinh năm 1567, mất năm 1640, người làng Yên Ninh, huyện Yên Dũng (nay là thôn Yên Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Lý lịch khác hẳn.). Tháng 5 năm Bính Thìn (1736), chính viên hoạn quan hiểm độc này đã xúi giục Trịnh Giang giết hại Trấn thủ Nghệ An Trương Nhưng, mặc dù Trương Nhưng vốn nổi tiếng là người ôn hòa, lại là em ruột của Trương Thái phi (Trương Thái phi là vợ Trịnh Bính, mẹ Trịnh Cương và là bà nội Trịnh Giang. Như vậy, Trương Nhưng là vai ông cậu của Trịnh Giang).

Để phế truất và sau đó là giết hại Lê đế Duy Phường, Trịnh Giang đã vu cho Lê đế Duy Phường tội gian dâm với vợ Trịnh Cương, nhưng người làm việc tồi bại này lại chính là Trịnh Giang, cho dẫu vợ Trịnh Cương cũng chính là mẹ kế của hắn. Điều này đã được dã sử xưa ghi chép khá tỉ mỉ, xin lược thuật như sau: Trịnh Giang là kẻ dâm loạn, từng tư thông với bà Kỳ Viên phi Đặng thị (người xã Trà Đổng, huyện Tiên Du, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), vốn là vợ lẽ của Chúa Trịnh Cương (cha Trịnh Giang). Việc này bị bà Vũ Thái phi (mẹ đẻ Trịnh Giang) phát giác. Bà ép Kỳ Viên phi Đặng thị phải tự tử. Một hôm, chẳng hiểu vì sao Trịnh Giang bị sét đánh gần chết, nhân đó mà mắc bệnh kinh quý, hễ nghe có sấm sét là kinh hồn bạt vía. Bọn hoạn quan liền nói với Trịnh Giang rằng, duyên do chẳng qua vì dâm dục quá nên bị ác báo, muốn chữa, chỉ có cách đào hầm làm nhà ở dưới đất. Trịnh Giang bèn dựng cung Thưởng Trì để ở, không dám đi ra ngoài như trước nữa (Phạm Đình Hổ. Vũ trung tùy bút).

Chính sử cũng chép tương tự như vậy, nhưng đoạn cuối có phần chi tiết hơn. Xin trích lục một đoạn cụ thể như sau:

“Từ ngày làm việc bạo nghịch giết vua (chỉ việc Trịnh Giang truất phế rồi giết chết vua Lê đế Duy Phường - NKT), Trịnh Giang càng ngày càng tiếm quyền, ăn chơi dâm loạn không còn chừng mực gì nữa, cho nên về sau mới mắc bệnh kinh quý, sợ sấm sét lắm. Bọn hoạn quan là Hoàng Công Phụ đánh lừa, đào đất làm cung Thưởng Trì cho (Trịnh) Giang ở. Từ đấy, (Trịnh) Giang không còn dám bước chân ra ngoài. (Hoàng) Công Phụ cùng đồ đảng liền nhân đó mà lộng quyền, các đại thần nối nhau bị hại, kẻ thì bị giết, kẻ thì bị phạt, ai ai cũng lo sợ không giữ nổi tấm thân của mình, chính sự trái ngược mà thuế khóa thì nặng nề, dân chỉ còn mong sao cho chóng có loạn lạc” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 15).

Và một trong những người sớm hiểu được lòng dân chính là Nguyễn Tuyển. Tài liệu dân gian cũng như sử cũ (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 17) đều nói rằng, Nguyễn Tuyển vốn là gia nhân của Hoàng Công Phụ. Đó chính là điều kiện để ông hiểu rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn, bản chất xấu xa của Hoàng Công Phụ nói riêng và của tập đoàn thống trị Đàng Ngoài nói chung. Càng hiểu rõ, ông càng chán chường và phẫn uất, do đó, ông đã từ bỏ Hoàng Công Phụ, cùng với em là Nguyễn Cừ và cháu là Nguyễn Diên, phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa ngay trên quê hương Ninh Xá của mình. Các sử gia thời Lê Trung hưng gọi nghĩa quân của Nguyễn Tuyển là “giặc Ninh Xá”, nhưng, các sử gia thời Nguyễn lại thẳng thắn bác bỏ và phê phán cách viết này:

“Cuối thời Lê, Trịnh Giang làm việc bạo nghịch giết vua, cho nên, Nguyễn Tuyển và (Vũ) Trác Oánh (tên lãnh tụ một cuộc khởi nghĩa nhỏ khác ở vùng Mộ Trạch, nay cũng thuộc tỉnh Hải Dương - NKT) mới nhân lòng oán giận của dân, mượn danh nghĩa (trừ bạo) rồi lợi dụng cơ hội mà nổi lên, tuy việc làm không tránh khỏi hành vi của giặc, nhưng cốt là để đối địch với Trịnh Giang, thế mà người viết phần Tục biên của sử thời Lê lại gọi là “giặc”. Họ chẳng biết rằng tai họa loạn lạc do (Trịnh) Giang gây ra. (Trịnh) Giang chính là giặc của nhà Lê, thế thì người đối địch với (Trịnh) Giang có lẽ nào lại gọi là “giặc” được?” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 15 và 16).

Khi dựng cờ xướng nghĩa, Nguyễn Tuyển gặp được khá nhiều thuận lợi. Bấy giờ, ở vùng Mộ Trạch, có khởi nghĩa của Vũ Trác Oánh, ở vùng Sơn Nam có khởi nghĩa của Hoàng Công Chất..., chúa Trịnh bối rối vì phải phân tán lực lượng để đối phó với nhiều cuộc tấn công khác nhau. Trước khi xuất quân, Nguyễn Tuyển xưng là Minh chủ, Vũ Trác Oánh xưng là Minh công. Lúc đầu tuy Nguyễn Tuyển và Vũ Trác Oánh là hai lãnh tụ của hai lực lượng riêng, nhưng không bao lâu sau khi khởi nghĩa, hai ông đã gặp nhau ở Ninh Xá, cùng liên kết với nhau và cùng nhau giương cao khẩu hiệu “phù Lê”. Sử cũ chép rằng:

“Dân khắp vùng phía Đông và phía Nam (kinh thành) cùng nhất tề hưởng ứng. Kẻ vác cày, người cầm gậy để đi theo, nơi nhiều có đến hàng vạn, nơi ít cũng có đến hàng ngàn hoặc hàng trăm, họ quấy rối cướp bóc (các nhà giàu) ở các làng, vây đánh khắp mọi ấp, mọi thành, triều đình không sao ngăn cản được” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38. tờ 15).

Với Nguyễn Tuyển, đây vừa là cuộc vùng dậy để góp phần cứu nguy cho trăm họ lầm than, vừa là một phen “cầm gươm rửa thẹn” cho non sông, bởi theo ông, thời ông đang sống là thời trớ trêu, thời quyền lực nằm trong tay những kẻ nhân cách tầm thường nhất. 

  • Trong chỗ không ngờ, đối thủ tạo cơ may cho Nguyễn Tuyển

Từ Ninh Xá, ngọn lửa quật khởi đã cháy bùng lên rất dữ dội, nhưng, các phe đảng trong Phủ Chúa Trịnh vẫn không ngừng xâu xé lẫn nhau. Bấy giờ, hai phe mạnh nhất là:

- Phe Trịnh Giang với đám tay chân thân tín do Hoàng Công Phụ cầm đầu.

- Phe Trịnh Doanh (em ruột của Trịnh Giang) với một loạt văn thần và võ tướng, do Nguyễn Quý Cảnh và Nguyễn Công Thái (Nguyễn Quý Cảnh người làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, là con của Tiến sĩ Nguyễn Quý Ân (1673-1722) và là cháu của Thám hoa Nguyễn Quý Đức (1648-1720). Lúc bấy giờ, Nguyễn Quý Cảnh đang giữ chức Bồi tụng. Nguyễn Công Thái (1684-1758) người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1715. Bấy giờ, ông cũng đang giữ chức Bồi tụng) cầm đầu. Sát cánh với những nhân vật này là bà Thái phi Vũ thị (Mẹ của Trịnh Giang, Trịnh Doanh) và nhiều người khác, như Trương Khuông (Trương Khuông người xã Như Kinh, huyện Gia Lâm (nay thuộc Hà Nội) là ngoại thích (họ hàng bên ngoại) của chúa Trịnh), Giáp Nguyễn Khoa (Giáp Nguyễn Khoa người làng Thiết Thượng, huyện Yên Dũng (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Ông là hoạn quan và là người hầu cận thân tín của Trịnh Doanh)... 

Hoàng Công Phụ cho rằng, muốn lấn lướt được phe cánh của Nguyễn Quý Cảnh và Nguyễn Công Thái, trước hết, mình phải lập được công to, sau đó, cậy công mà ăn nói. Biết rõ Nguyễn Tuyển vốn dĩ là gia nhân cũ của mình, cho nên, hắn tin chắc là có thể tự mình cầm quân đi đánh dẹp một cách dễ dàng. Nguyễn Quý Cảnh là kẻ nham hiểm, vì thế, đã khôn khéo tìm cách khích lệ để cho Hoàng Công Phụ đem quân ra khỏi kinh thành Thăng Long. Hoàng Công Phụ vừa dại dột cất quân thì lập tức, Nguyễn Quý Cảnh cùng với phe đảng đem hết lực lượng ra, thực hiện một cuộc truất phế rất ngoạn mục. Trịnh Giang được nhẹ nhàng bố trí làm lễ nhường ngôi Chúa cho em là Trịnh Doanh để lên làm Thái Thượng Vương. Thái Thượng Vương vẫn ở trong cung Thưởng Trì nhưng tất cả bọn hầu cận tin cậy do Hoàng Công Phụ đưa đến đều bị giết. Nói khác hơn, Trịnh Giang thực sự bị giam lỏng, bị cô lập hoàn toàn.

Lúc sự biến xảy ra thì Hoàng Công Phụ đang đóng quân tại Văn Giang (Khu vực đóng quân của Hoàng Công Phụ xưa ở huyện Văn Giang, nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên), phải mất mấy ngày sau hắn mới hay tin dữ này. Sử cũ cho biết:

“Hoàng Công Phụ đóng quân tại Văn Giang, biết được tin này thì lập tức đem theo khoảng hơn một chục thủ hạ chạy trốn” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên. quyển 38, tờ 19).

Về sau, việc sống chết của Hoàng Công Phụ thế nào, sử cũ không chép rõ. Tuy nhiên, điều đáng nói là bởi có cuộc tranh giành quyền lực này, nghĩa quân của Nguyễn Tuyển đã tránh được một đợt tấn công không nhỏ. Đó là cơ hội thuận tiện xuất hiện trong chỗ không ngờ. Cùng với em và cháu, Nguyễn Tuyển đã nhanh chóng bổ sung lực lượng, chuẩn bị chu đáo cho cuộc đối đầu lâu dài với tập đoàn thống trị Đàng Ngoài.

  • Trận Bình Ngô: quân của chúa Trịnh đại bại. Các tướng Nguyễn Hữu Nhuận, Đặng Đình Sắt và Phạm Hữu Tá hoảng hốt chạy dài, Thống Lĩnh Nguyễn Trọng Uông bị giết 

Khi Hoàng Công Phụ bỏ trốn, đạo quân của chúa Trịnh ở vùng Văn Giang kể như tan rã, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ quyết định nhân cơ hội đó, cho nghĩa binh tràn sang khu vực Hưng Yên ngày nay để rồi từ đấy, chia quân làm hai cánh, tấn công và uy hiếp kinh thành từ mặt Đông và Đông Bắc. Ở mặt Đông Bắc, nghĩa quân Nguyễn Tuyển đã từ đất Văn Giang tiến đến Bắc Ninh. Tình hình Thăng Long trở nên rất nguy cấp. Trịnh Doanh sai Nguyễn Trọng Uông làm Thống lĩnh, trực tiếp chỉ huy các tướng như Nguyễn Hữu Nhuận, Đặng Đình Sắt và Phạm Hữu Tá cầm quân đi đàn áp. Nguyễn Trọng Uông và các tướng hăm hở lên đường. Tháng 2 năm Canh Thân (1740), một cuộc đụng độ lớn giữa lực lượng do Nguyễn Trọng Uông cầm đầu với nghĩa quân của Nguyễn Tuyển đã diễn ra tại khu vực Bình Ngô (nay thuộc huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh). Chính sử xưa đã ghi chép về trận này như sau:

“Nguyễn Trọng Uông là người khỏe mạnh, quả cảm và giỏi chiến trận, thường một mình một ngựa, xông pha trong chốn tên đạn (mà không chút nao núng). Đến đây gặp Nguyễn Tuyển, (Nguyễn) Trọng Uông đã đem hết sức bình sinh mà đánh. Thế trận rất gay go. (Đúng lúc đó), thuộc tướng của Nguyễn Trọng Uông là Nguyễn Hữu Nhuận bỏ chạy, khiến cho quân sĩ phải hoảng sợ mà tan tác. Quân của Đặng Đình Sắt và Phạm Hữu Tá đi sau, vừa chợt thấy thế cũng lập tức bỏ chạy theo. Giặc (chỉ nghĩa quân của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ - NKT) liền dốc hết lực lượng ra bao vây. Bị thân cô thế cô, Nguyễn Trọng Uông kiệt sức nên bị giết. Trịnh Doanh thương xót, truy tặng (Nguyễn Trọng Uông) hàm Thái bảo, tước Quận công” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 26 và 27).

Ngoài việc truy tặng rất trọng hậu cho Nguyễn Trọng Uông, Trịnh Doanh còn bổ dụng con của Nguyễn Trọng Uông là Nguyễn Đức Thân, giao cho Nguyễn Đức Thân chức Thống lĩnh mà trước đó Nguyễn Trọng Uông đã giữ. Trịnh Doanh cũng hạ lệnh đem Nguyễn Hữu Nhuận ra chém đầu. Các tướng Đặng Đình Sắt và Phạm Hữu Tá thì bị lột hết chức tước và bị đem đi đày viễn xứ.

Bình Ngô là trận thắng có ý nghĩa rất to lớn đối với toàn bộ quá trình phát triển sau đó của lực lượng Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ. Từ trận đánh đặc biệt quan trọng này, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ đã tự tỏ rõ khả năng tổ chức những đợt tấn công có quy mô lớn. Cũng từ trận Bình Ngô, tinh thần chiến đấu và lý tưởng chiến đấu của các nghĩa sĩ Ninh Xá mỗi ngày một lên cao, nhân dân các địa phương rộng lớn ở chung quanh Thăng Long cũng rất nô nức. Họ sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ.

  • Trận Phú Xuyên: tháng 5 năm Canh Thân (1740)

Sau trận Bình Ngô, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ bí mật lui quân về phía Nam kinh thành Thăng Long và chuẩn bị một trận tấn công bất ngờ vào khu vực này. Nhưng, kế hoạch này bị bại lộ. Không còn cách nào khác, nghĩa quân liền chủ động đánh chiếm một số địa phương ở phía Nam Thăng Long. Cuối mùa xuân năm Canh Thân (1740), Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ đã hoàn toàn làm chủ đất hai huyện Phú Xuyên và Thượng Phúc. Đất Phú Xuyên thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) gọi là Phù Vân, thời Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) gọi là Phú Nguyên và từ thời Mạc trở đi thì gọi là Phú Xuyên. Huyện Phú Xuyên xưa thuộc phủ Thường Tín, nay tương ứng với các huyện Phú Xuyên và Thường Tín của tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội. Thượng Phúc xưa cũng là một huyện của phủ Thường Tín, thuộc tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội.

Bấy giờ, nhân thấy quân của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ phải phân tán trên một dải đất quá rộng, tướng của Chúa Trịnh là Nguyễn Đăng Hiển cho rằng, cơ hội tấn công tiêu diệt đã đến. Nguyễn Đăng Hiển vội vàng dốc hết binh sĩ dưới quyền, đánh quyết liệt vào Phú Xuyên. Trước cuộc đàn áp bất ngờ và khốc liệt này, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ có phần lúng túng. Hai ông quyết định rút lui khỏi Phú Xuyên và Thượng Phúc. Nguyễn Đăng Hiển tuy nhanh chóng giành được ưu thế, nhưng vẫn không dám truy đuổi. Hai tướng khác của Chúa Trịnh là Đốc lãnh Trương Khuông và Đốc lãnh Lê Công Chiêm lập tức đem quân đi yểm trợ nhưng không kịp vì Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ đã rút lui về Hải Dương một cách an toàn.

Cuộc tập kích bất ngờ vào phía Nam kinh thành Thăng Long tuy không thành, nhưng lực lượng của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ nhìn chung vẫn được giữ vững, vùng chiếm đóng của nghĩa quân vẫn được tiếp tục mở rộng. Sử cũ cho biết:

“Bấy giờ, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ và Nguyễn Diên dấy quân đã lâu ngày, thanh thế rất lừng lẫy. Họ đã tập hợp dân chúng, quạt mạnh cho ngọn lửa chiến tranh bùng lên dữ dội ở khắp các phủ Từ (tức Từ Sơn, nay thuộc Tiên Sơn, Bắc Ninh), Thuận (tức Thuận An, nay thuộc Thuận Thành và Gia Lương, Bắc Ninh), Hồng và Sách (tức Hồng Châu và Nam Sách, nay tương ứng với phần lớn đất đai của hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên). Họ đi đến đâu là dân ở đó nô nức hưởng ứng theo. (Nguyễn) Cừ chiếm đất Đỗ Lâm huyện Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) còn (Nguyễn) Tuyển chiếm đất Phao Sơn thuộc huyện Chí Linh (nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Đồn lũy của họ san sát nhau, mỗi người đều có tới vài vạn quân. Các tướng (của triều đình) nhiều phen đem quân đi đánh dẹp mà không sao thắng được” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 32).

  • Đánh bại cuộc tấn công do hai viên đại tướng của chúa Trịnh là Vũ Tất Thận và Hoàng Công Kỳ chỉ huy (6/1740)

Sau trận Phú Xuyên, Trịnh Doanh rất tức tối. Hắn quyết tâm phải đàn áp cho bằng được nghĩa quân Ninh Xá. Để thực hiện quyết tâm này, Trịnh Doanh đã tiến hành hai kế hoạch chuẩn bị cụ thể như sau:

- Xuống lời hiểu dụ, hòng chia rẽ hàng ngũ của nghĩa quân. Lời hiểu dụ có đoạn: “Nhà nước dùng lễ để đối đãi với sĩ phu, dùng nhân nghĩa để nuôi dưỡng trăm họ. Lo rộng mở điều vui giáo hóa thì nào có khác gì lời Thanh nga (tên một bài trong thiên Tiểu nhã của Kinh Thi - NKT). Xoa dịu sự đau thương thì ân cần thổ lộ có khác gì lời Hồng nhạn (tên một bài trong thiên Tiểu nhã của Kinh Thi - NKT). Thế mà trước đây bọn giặc ở Chí Linh (chỉ nghĩa sĩ của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ - NKT) dám trái danh phận, khiến cho dân một cõi Đông Bắc bị chúng ức hiếp, dỗ dành. Có kẻ thân tuy là học trò, được triều đình giáo hóa thành tài, vậy mà cũng nỡ vì chúng phơi gan dâng sức. Có kẻ là thường dân, được triều đình cho sống yên vui vườn ruộng, vậy mà cũng đành xông vào giáo mác nước sôi. Trong số ấy, thế nào chẳng có người mong không làm liên lụy đến gia đình, thế nào chẳng có kẻ chỉ vì nông nổi mà theo vội? (Những người đó) tuy là cúi đầu theo gượng, nhưng lòng dạ đâu đã đến nỗi mê muội mà quên cả đường quay lại đâu. Vậy, nếu ai biết bỏ nghịch theo thuận, vứt bỏ binh khí về đầu hàng, thì nhất nhất đều được cho cải hóa, ai lập được công thì chẳng những được tha tội mà còn được thưởng. Nay hiểu dụ để mọi người cân nhắc, nhận rõ chỗ sáng mà bỏ chỗ tối” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 31 và tờ 34).).

- Ra lệnh tịch thu hết chuông, khánh bằng đồng trong chùa chiền, đền miếu để có thêm kim loại đúc vũ khí trang bị cho quân sĩ (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 31 và tờ 34). Việc này được Trịnh Doanh ban hành quy chế thực hiện rất rõ ràng. Ngoài việc tịch thu chuông khánh ở khắp các chùa chiền và đền miếu, Trịnh Doanh còn hạ lệnh cho các địa phương rằng: “Ai nộp đồng hoặc chì thì sẽ tùy theo số lượng nhiều ít mà xét cất nhắc để ban cho quan chức” ( Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 34 và 35).).

Với hai kế hoạch chuẩn bị nói trên, Trịnh Doanh tin chắc là Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ sẽ khó lòng chống đỡ nổi. Tháng 6 năm 1740, hai viên đại tướng của Trịnh Doanh là Vũ Tất Thận và Hoàng Công Kỳ được lệnh cầm quân tiến thẳng đến Đường An (Huyện Đường An thời Lê thuộc phủ Thượng Hồng, thời Nguyễn thuộc phủ Bình Giang. Nay đất huyện này thuộc tỉnh Hải Dương. Vũ Tất Thận, tức Bính Quận công, vốn là một trong những người có công tôn Trịnh Doanh lên ngôi Chúa. Để trả ơn, tháng 1 năm 1740 (tức là ngay sau khi được lên ngôi Chúa), Trịnh Doanh đã xếp Vũ Tất Thận vào hàng công thần, mũ và đai của Vũ Tất Thận được trang sức bằng vàng tương tự như của các bậc thân vương. Hoàng Công Kỳ, tức Trình Quận công, cũng là một trong những võ quan cao cấp của Trịnh Doanh.

Cùng với Vũ Tất Thận, Hoàng Công Kỳ đem quân đến làng An Nhân. Làng này tục danh là làng Bần, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Tới nơi, vì thấy lực lượng của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ quá mạnh, Vũ Tất Thận và Hoàng Công Kỳ chần chừ không dám đánh. Đúng lúc đó, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ cho quân ồ ạt tấn công. Vũ Tất Thận và Hoàng Công Kỳ chống đỡ không nổi, đành phải tháo chạy tán loạn. Nhân đó, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ cho quân đốt trụi phủ đệ và từ đường Mi Thữ (Mi Thữ là tên làng, quê hương của bà Thái phi Vũ thị (mẹ Trịnh Giang, Trịnh Doanh). Tại đây, Trịnh Giang đã cho xây phủ đệ và nhà từ đường rất nguy nga. Việc xây cất này mới hoàn tất vào tháng 5 năm 1736. Làng Mi Thữ xưa thuộc huyện Đường Hào, nay thuộc đất huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên.

  • Một trận nghi binh nhỏ khiến kế lớn của Trịnh Doanh bất thành

Tháng 10 năm 1740, Trịnh Doanh thấy đã đến lúc phải tự mình cầm đại quân đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đó quả là một quyết tâm rất lớn. Biết không thể đồng thời trấn áp tất cả các cuộc khởi nghĩa, Trịnh Doanh bèn áp dụng kế sách dùng sức mạnh đại binh, lần lượt đè bẹp từng cuộc khởi nghĩa một, để rồi cuối cùng là đè bẹp tất cả.

Tháng 11 năm 1740, đại binh của Trịnh Doanh đóng tại khu vực Vũ Điện ( Vũ Điện là tên làng, xưa thuộc huyện Nam Xang, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), sau đó, chuyển sang đóng tại Hiến Doanh (Hiến Doanh tức Phố Hiến, nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Mục tiêu đầu tiên của Trịnh Doanh là khép kín vòng vây, tiêu diệt cho bằng được lực lượng của Vũ Đình Dung ở Ngân Già (Tham khảo thêm Bốn phương rầm rộ khởi binh, thuộc phần I - Đàng Ngoài ở đầu thế kỷ thứ XVIII, Danh tướng Việt Nam, Tập 3.-Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005), lấy chiến thắng Ngân Già cổ vũ quân sĩ xông lên đánh thắng lực lượng Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ.
 
Đại quân của Trịnh Doanh do các tướng Đinh Văn Giai, Nguyễn Đình Hoàn, Vũ Tất Thận và Trương Khuông làm tiên phong đã tấn công rất quyết liệt vào Ngân Già. Nghĩa quân Vũ Đình Dung tuy chiến đấu rất ngoan cường, nhưng không sao chống đỡ nổi. Trịnh Doanh chiếm được Ngân Già, giết hại không biết bao nhiêu người ở đây, sau đó sai đổi gọi Ngân Già là Lai Cách (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 38).

Mất Ngân Già, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ mất hẳn một lực lượng liên minh, một chỗ dựa hết sức quan trọng. Trước tình thế đó, hai ông cho rằng, nếu đánh nhau với Trịnh Doanh khi Trịnh Doanh đang có đủ trong tay cả binh hùng lẫn tướng mạnh, thì thật khó giành được thắng lợi. Hai ông quyết định dùng kế nghi binh, buộc Trịnh Doanh phải lập tức quay về kinh thành Thăng Long như cũ. Nguyễn Cừ được lệnh cùng với tướng Trần Diệu đem một cánh quân nhỏ tiến thẳng vào Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). Cánh quân này vừa tiến vừa nói phao lên rằng, sẽ đánh thẳng vào tận kinh thành Thăng Long. Lúc này, đại quân đã đi xa, Thăng Long đang trống rỗng, khả năng chống trả bị suy giảm rất nghiêm trọng. Mẹ Trịnh Doanh (bà Thái phi Vũ thị) liền sai viên tỳ tướng là Trịnh Đạc phân chia lực lượng quân sĩ ít ỏi còn lại ở trong cung đi trấn giữ các cửa thành, đồng thời, sai các quan văn như Phạm Kinh Vĩ (tức Phạm Công Liêu, người làng Thổ Hào, huyện Thanh Chương, nay là xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ Tiến sĩ năm 1724), Nguyễn Bá Quýnh (người làng Hoa Lâm, huyện Nam Đường, nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ Tiến sĩ năm 1733)… huy động dân ra phía ngoài thành, xếp thành đội ngũ chỉnh tề để nghi binh, xong thì cấp báo cho Trịnh Doanh.

“Lúc ấy, Trịnh Doanh vừa đánh dẹp được Ngân Già, chợt nghe tin cấp báo từ kinh thành Thăng Long chuyển đến, vội hạ lệnh cho các đạo quân phải về Thăng Long để cứu lấy đất căn bản. Nhưng khi đại quân mới về đến xã Kim Lan thì giặc (chỉ quân của Nguyễn Cừ - NKT) đã rút lui rồi. Kinh sư nhờ đó vẫn được yên ổn” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 38. Xã Kim Lan nói đến ở đây về sau đổi gọi là Kim Quan, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Kế hoạch lớn của Trịnh Doanh đến đó kể như sụp đổ. Lực lượng của nghĩa quân Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ cùng với vùng căn cứ rộng lớn vẫn được bảo toàn.

Sử cũ có nói đến trận thắng của quân Trịnh Doanh do tướng giữ chức Thống lãnh là Hoàng Nghĩa Bá chỉ huy tại Phao Sơn (Phao Sơn là tên núi, nay thuộc địa phận huyện Chí Lính, tỉnh Hải Dương. Hoàng Nghĩa Bá người làng Hoàng Vân, huyện Kim Động, nay thuộc huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, đỗ Tạo sĩ (tức Tiến sĩ võ ban)), nhưng đó chỉ là chiến thắng nhỏ, không có ý nghĩa làm thay đổi, dù chỉ là thay đổi một phần tương quan thế trận giữa đôi bên.

  • Trận Khoái Châu (12/1740): tướng của chúa Trịnh là Đốc đồng Trần Viêm bị giết

Trịnh Doanh đem đại binh về Thăng Long rồi, vùng đất rộng lớn của đồng bằng châu thổ sông Hồng hầu như nằm hết dưới quyền kiểm soát của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ. Chính quyền địa phương ở vùng này bị bao vây, cô lập nên rất lo sợ. Để xoay chuyển tình thế, quan giữ chức Đốc đồng là Trần Viêm (Trần Viêm người làng Hải Thiên, tục danh là làng Hới, huyện Tiên Lữ, nay là xã Hải Triều, huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên) đã tự mình làm tướng, liều lĩnh đem quân đánh nhau với Nguyễn Tuyển ở Khoái Châu. Cùng liều lĩnh với Trần Viêm trong trận này còn có Đoàn Kiêm Vinh (Đoàn Kiêm Vinh là Giám sinh, người đồng hương của Trần Viêm). Nhưng, vừa xuất quân, cả Trần Viêm và Đoàn Kiêm Vinh đều bị đánh cho tả tơi, phải chạy thục mạng. Đến khu vực hai xã Đồng Lạc và Canh Hoạch, Trần Viêm và Đoàn Kiêm Vinh đều bị giết. Đạo quân do họ chỉ huy cũng hoàn toàn tan tác. Tin cấp báo truyền về Thăng Long, Trịnh Doanh lấy làm thương xót, truy tặng Trần Viêm hàm Đông các Đại Học sĩ, tước Hải Thọ bá, cấp cho 15 mẫu đất làm tự điền (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 38, tờ 41).

  • Trận Đông Triều (1/1741): ba viên tướng của chúa Trịnh bị bắt

Sau trận thắng lớn ở Khoái Châu, uy thế của nghĩa quân Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ ngày một lên cao. Trịnh Doanh rất căm tức nhưng cũng không dám mạo hiểm đem đại quân đi đàn áp như trước nữa. Tuy nhiên, để hạn chế bớt những ảnh hưởng ngày càng rộng lớn và mạnh mẽ của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, Trịnh Doanh liền sai đem quân ra án ngữ ở mạn Đông Triều. Tham gia bộ chỉ huy đạo quân khá lớn này gồm có:

- Võ quan cao cấp Đốc lãnh Thượng Đạo Hải Dương Đặng Đình Luận (Đặng Đình Luận người làng Lương Xá, huyện Chương Đức, nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội, con trai của Gia Quận công Đặng Đình Lân), làm tổng chỉ huy.

- Văn quan giữ chức Hiệp đồng là Trần Trọng Liêu (Trần Trọng Liêu người xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc, nay là huyện Thường Tín, Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1733, làm quan tới chức Đông các Đại Học sĩ) và Nhữ Trọng Thai (Nhữ Trọng Thai, tức Nhữ Trọng Đài, người xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, nay thuộc huyện Cẩm Bình. tỉnh Hải Dương, đỗ Bảng nhãn năm 1733, làm quan đến chức Hiến Sát Sứ).

Có quân số khá đông, lại được trang bị đầy đủ, các tướng chỉ huy đạo quân này rất chủ quan. Bấy giờ, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ chỉ chủ trương đánh cầm chừng để cho quân của chúa Trịnh có thể dễ dàng tiến ra Đông Triều như kế hoạch đã dự kiến. Điều này khiến cho Đặng Đình Luận đã chủ quan lại càng thêm chủ quan. Sau vài ba trận giả thua, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ liền cho người tới giả vờ xin hàng. Đặng Đình Luận tưởng thật, cho nên không hề phòng bị gì cả. Chẳng dè, nhân đêm tối, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ tung quân đánh gấp. Toàn bộ các tướng Đặng Đình Luận, Trần Trọng Liêu và Nhữ Trọng Thai đều bị bắt sống (Khâm định Việt sử thông giám cương mục,(Chính biên, quyển 39, tờ 5 và 6).

  • Cuộc đụng độ lần thứ hai với Thống lãnh Hoàng Nghĩa Bá ở Phao Sơn và Ninh Xá (2/1741): khúc tráng ca cuối cùng!

Trong tất cả các võ quan cao cấp của Trịnh Doanh từng cầm quân đi đàn áp Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ thì Hoàng Nghĩa Bá là người duy nhất có học vị Tạo sĩ (Tiến sĩ võ ban). Tháng 7 năm 1740, chính Hoàng Nghĩa Bá đã đem quân đến đánh Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ ở Phao Sơn (Chí Linh, Hải Dương). Đó là trận thắng đầu tiên của viên tướng này, nhưng là trận thắng nhỏ, vì thế Hoàng Nghĩa Bá không được khen thưởng gì đáng kể. Đến đây, Hoàng Nghĩa Bá lấy chức quyền là Thống lãnh, cầm quân đi đánh Phao Sơn lần thứ hai. Nghĩa quân của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, cùng với quân của Vũ Trác Oánh đánh trả rất quyết liệt, nhưng không sao cản nổi bước tiến của đạo quân hùng mạnh này. Phao Sơn thất thủ, Hoàng Nghĩa Bá cho quân nhân đà thắng lợi, đánh thẳng vào khu căn cứ Ninh Xá. Vì quá bất ngờ, đội ngũ của Nguyễn Tuyển ở đây chiến đấu rất khó khăn. Nguyễn Tuyển đành phải lui quân và chẳng may đã mất trên đường tháo lui. Cái chết đột ngột của Nguyễn Tuyển là một tổn thất rất lớn đối với nghĩa sĩ Ninh Xá.

Hoàng Nghĩa Bá lập tức cho quân đánh mạnh vào lực lượng của Vũ Trác Oánh và Nguyễn Cừ ở Gia Phúc. Một trận ác chiến đã diễn ra tại đây. Vũ Trác Oánh và Nguyễn Cừ liệu thế khó chống nổi, bèn quyết định rút lui. Sử không cho biết Vũ Trác Oánh sau đó ra sao, còn Nguyễn Cừ thì chạy lên Lạng Sơn (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 39, tờ 7).

  • Những ngày cuối cùng của Nguyễn Cừ và Nguyễn Diên

Nguyễn Diên là cháu, gọi Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ bằng chú ruột. Cùng với hai chú, Nguyễn Diên đã tham gia cuộc khởi nghĩa ở Ninh Xá ngay từ những ngày đầu tiên. Chính Nguyễn Diên là một trong những tướng chỉ huy giàu tài năng của bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Khi Phao Sơn và Ninh Xá lần lượt thất thủ, Nguyễn Diên lui về hoạt động ở vùng Hà Tây và Vĩnh Phú ngày nay. Trịnh Doanh liền hạ lệnh cho Lê Lệ (Lê Lệ người làng Phú Hào, huyện Lôi Dương, nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, lúc này Lê Lệ đang giữ chức Đốc Lãnh) và Nguyễn Quai (Nguyễn Quai tức Nguyễn Tông Quai (1693 - 1767) người làng Phúc Khê, huyện Ngự Thiên, nay là xã Hiệp Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), đỗ Tiến sĩ năm 1721) đem quân đi đàn áp. Một trận đụng độ khá lớn đã diễn ra tại An Lạc. Nguyễn Diên vừa đánh, vừa bí mật cho binh thuyền xuôi xuống Bến Cốc (Bến Cốc ở xã Vân Cốc, nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ) và dự định sẽ bất ngờ từ Bến Cốc đánh ngược lên, dồn Lê Lệ và Nguyễn Quai vào thế khó bề chống đỡ. Nhưng kế hoạch này chẳng may bị bại lộ, tương kế tựu kế, Nguyễn Quai đã cho quân mai phục, đánh tan tác lực lượng của Nguyễn Diên. Nguyễn Diên chạy vào Nghệ An và sau đó phối hợp với nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu, hoạt động thêm một thời gian khá dài nữa.

Nguyễn Cừ trong thời gian chạy lên Lạng Sơn, được thủ lĩnh Toàn Cơ (Tham khảo thêm Bốn phương rầm rộ khởi binh, thuộc phần I - Đàng Ngoài ở đầu thế kỷ thứ XVIII, Danh tướng Việt Nam, Tập 3.-Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005) giúp đỡ và tạo điều kiện để có thể trở về tiếp tục chiến đấu ở vùng đồng bằng quê hương. Tháng 7 năm 1741, Nguyễn Cừ về đến Ngọa Vân Sơn và tại đây, ông bị tướng của chúa Trịnh là Phạm Đình Trọng bắt đem về Thăng Long xử tử.

Từ tháng 12 năm 1739 đến tháng 7 năm 1741, Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ đã có công tập hợp và huy động sức mạnh của hàng vạn nông dân nghèo khổ, vùng lên tấn công không khoan nhượng vào toàn bộ cơ đồ thống trị của họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Từ quê hương Ninh Xá của mình, hai ông đã kiên trì nhen nhúm và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh chống áp bức bóc lột khắp cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng rộng lớn. Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ thực sự xứng đáng là người đại diện xuất sắc của ý chí ngoan cường, bất khuất, xứng đáng được tôn vinh là những vị anh hùng nông dân của thế kỷ XVIII.

Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, cùng với cháu là Nguyễn Diên, không chỉ là những điểm hội tụ của khí phách hiên ngang mà còn là hiện thân độc đáo của tài mưu lược. Chính Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, những người chưa từng học qua một trường đào tạo võ quan nào, đã khiến cho hàng loạt tướng lĩnh cao cấp, được đào tạo chính quy của họ Trịnh, kể cả chính Chúa Trịnh Doanh, phải bao phen thất điên bát đảo. Thống lĩnh Nguyễn Trọng Uông và Đốc đồng Trần Viêm tử trận, Đốc lãnh Đặng Đình Luận cùng với hai quan Hiệp đồng là Tiến sĩ Trần Trọng Liêu và Bảng nhãn Nhữ Trọng Thai bị bắt, bản thân Trịnh Doanh cũng mắc mưu của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ mà buộc phải lui quân... đó là những sự kiện kết tinh tài năng quân sự của Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, của những người kề vai sát cánh với hai ông như Nguyễn Diên, Trần Diệu và của hàng vạn nghĩa sĩ đương thời.