In bài này
Phạm Cự Lạng (? ~?)
Chủ Nhật, 27/09/2009 - 10:18 AM
Phạm Cự Lạng sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Ông nội là Phạm Chiêm nổi danh võ nghệ cao cường và sức mạnh khó ai địch nổi ở đất Chí Linh (nay thuộc tỉnh Hải Hưng) thời Ngô Quyền (938-944).

Theo thần tích của đình Đoài (thuộc xóm Ngói, Hà Châu, Phú Bình, Thái Nguyên) với cuốn Thư mục thần sắc, thần tích do Viện Thông tin KHXNVN (Hà Nội, 1995) đang lưu giữ có bản sao các sắc phong và thần tích viết về Phạm Cự Lạng và sách Đại Việt sử ký toàn thư đều cho biết về thân thế và sự nghiệp của Phạm Cự Lạng (thần tích gọi là Phạm Cự Lượng) như sau: Phạm Cự Lạng sinh ngày 20 tháng 11 năm 944, người làng Trà Hương, Nam Sách, Hải Dương.

Phạm Cự Lạng sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Ông nội là Phạm Chiêm nổi danh võ nghệ cao cường và sức mạnh khó ai địch nổi ở đất Chí Linh (nay thuộc tỉnh Hải Hưng) thời Ngô Quyền (938-944). Phạm Chiêm theo Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, được Ngô Quyền tin dùng, bổ làm quan và phong dần lên tới chức Đông Giáp Tướng quân.

Phạm Man (có tài liệu viết là Phạm Mạn), con trai của Phạm Chiêm, cũng lừng danh không kém gì cha. Ông được con của Ngô Quyền là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn (Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn làm vua từ năm 951-965. Ngay sau khi lên ngôi, Nam Tấn Vương đã sai người đến đón anh ruột của mình là Ngô Xương Ngập về làm vua. Đó là Thiên Sách Vương. Đây là thời nước ta đồng thời có hai vua) cho làm quan và cũng phong dần lên đến chức Tham chính Đô đốc. Phạm Man và vợ là Trần Thị Hồng có 8 người con, 5 trai, 3 gái đều hiển đạt; trong đó có hai người được sử sách chép tới là Phạm Hạp và Phạm Cự Lạng.

Phạm Hạp là một trong những võ tướng có tài của Đinh Tiên Hoàng, được Đinh Tiên Hoàng phong tới chức Vệ úy. Sinh thời, Phạm Hạp là người cố chấp và cực đoan. Sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, ông ngờ Lê Hoàn sẽ lập mưu thoán đoạt, bèn cùng với Đinh Điền và Nguyễn Bặc, nêu danh nghĩa tôn lập con của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn để đem quân đánh Lê Hoàn. Việc ấy chẳng những không thành mà rốt cục, ông cùng với Đinh Điền và Nguyễn Bặc đều bị Lê Hoàn giết. Em của Phạm Hạp là Phạm Cự Lạng thì suy tính khác hẳn. Ông công khai đứng về phía Lê Hoàn và bù lại, ông cũng được Lê Hoàn rất tin cậy.

Ngay từ nhỏ Phạm Cự Lạng đã tỏ rõ tư chất thông minh, có chí lớn, văn võ đều thấu hiểu. Ông thường cùng anh cả là Phạm Hạp đem tiền của chiêu dụ mọi người, mua ngựa luyện quân. Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân, Phạm Cự Lạng cùng Phạm Hạp đem hơn 2000 người, ngựa từ quê đến Hoa Lư phò Đinh Bộ Lĩnh. Phạm Cự Lạng được phong chức Phòng Ngự sứ Tiên phong Tướng quân ra giữ cửa biên Đại Ác.

Năm Mậu Thìn (968), dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, tức là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, Phạm Cự Lạng được phong Tâm phúc tướng quân coi việc Thị vệ Quan thân cận của nhà vua.

Bấy giờ, chính sự nước nhà rất rối ren. Ngay khi Đinh Tiên Hoàng vừa qua đời, nội bộ triều đình đã chia bè kết cánh. Vua mới nối ngôi là Đinh Toàn thì còn quá bé nhỏ (Đinh Toàn sinh năm 974, lên nối ngôi lúc mới 5 tuổi), chưa thể đủ sức để lo toan bất cứ việc gì. Đúng lúc đó, nhà Tống cũng đã thống nhất được Trung Quốc (Tống Thái Tổ thống nhất Trung Quốc vào năm 960) và đang nuôi tham vọng bành trướng xuống phương Nam. Quan trấn giữ miền biên ải phía Nam của nhà Tống ra sức xúi giục vua Tống nhanh chóng thực hiện tham vọng này.

“Mùa hạ, tháng 6 (năm Canh Thìn, 980 - NKT), quan giữ chức Tri Ung Châu của nhà Tống là Thái thường Bác sĩ Hầu Nhân Bảo, dâng thư tâu với vua Tống rằng:

- An Nam Quận Vương (chỉ Đinh Tiên Hoàng - NKT ) và con là (Đinh) Liễn đều đã bị giết, nước ấy kể như sắp đổ, cho nên, có thể nhân lúc này đem một cánh quân sang đánh chiếm lấy. Nếu bỏ qua, không mưu tính ngay lúc này thì sợ sẽ lỡ mất cơ hội. Thần xin được đến cửa khuyết để trực tiếp tâu bày rõ thực trạng có thể đánh lấy này.

Vua Tống sai người chạy trạm đến gọi (Hầu) Nhân Bảo, nhưng (cận thần là) Lư Tốn can rằng:

- Nội tình An Nam rối loạn, đó là lúc trời sắp bắt phải mất, triều đình nên bất ngờ cho quân sang đánh úp, làm đúng như người đời nói “sét đánh không kịp bịt tai”. Nay nếu cho gọi (Hầu) Nhân Bảo về thì mưu ấy kể như đã bị lộ, kẻ kia nhờ đó mà biết được sẽ dựa núi cao biển sâu mà phòng bị, khiến cho cái thế được thua chưa rõ ra sao. Chi bằng, hãy giao cho (Hầu) Nhân Bảo ngầm lo việc đưa quân sang, theo lệnh mà liệu, rồi lại chọn tướng đem thêm 3 vạn quân Kinh Hồ (Tên đất đời Tống, tương ứng với hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc của Trung Quốc ngày nay), thăng tiến sang, tạo ra cái thế vạn toàn, (việc sẽ) dễ như bẻ cành khô, như xô cây gỗ mục, không phải tốn một mũi tên.

Vua Tống cho là phải” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 1, tờ 9 a-b).

Tháng 7 năm 980, vua Tống hạ lệnh cho Hầu Nhân Bảo gấp rút chuẩn bị lực lượng sang xâm lược nước ta. Hầu Nhân Bảo được cử làm Giao Châu Thủy Lục Lộ Chuyển vận sứ. Một loạt tướng lĩnh khác cũng được trao chức mới, cùng với Hầu Nhân Bảo gấp rút lo việc xâm lược nước ta. Tướng Tôn Toàn Hưng được giao chức Lan Lăng Đoàn luyện sứ. Tướng Hác Thủ Tuấn được giao chức Tất tác sứ. Tướng Trần Khâm Tộ được giao chức Yên Bí Khố sứ. Tướng Thôi Lượng, nguyên là Tả Giám môn Tướng quân, nay được giao chức Ung Châu Lộ Binh mã Đô hộ thự. Tướng Lưu Trừng được giao chức Ninh Châu Thứ sử. Tướng Giả Thực được giao chức Quân khí Khố Phó sứ. Tướng Vương Soạn, nguyên là Cung phụng Quan Cáp Môn Chi hậu, nay được giao chức Quảng Châu Binh mã Đô hộ thự...

Giặc cố sức tạo ra và giành lấy thế chủ động bất ngờ, nhưng mọi hành vi của chúng đều không qua khỏi con mắt tinh tường của Lê Hoàn. Lê Hoàn đã kịp thời vạch kế hoạch đối phó một cách hữu hiệu với quân Tống xâm lăng. Người đầu tiên được Lê Hoàn tin cậy cất nhắc và trao phó trọng trách là Phạm Cự Lạng. Sử cũ chép rằng:

“Khi (triều đình) đang họp bàn kế hoạch xuất quân thì (Phạm) Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận, đi thẳng vào Nội phủ và nói với mọi người rằng:

- Thưởng người có công, trị người có tội là phép sáng của việc quân. Nay Chúa thượng còn trẻ thơ, thì dẫu chúng ta có chút công lao khi liều chết chống đánh giặc ngoài, cũng không rõ là ai sẽ biết cho. Thế thì chi bằng, trước hết hãy tôn lập quan Thập đạo (chỉ Lê Hoàn - NKT) lên làm Thiên Tử rồi sau hãy xuất quân thì hơn.

Quân sĩ nghe vậy thì hô vạn tuế!” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 1, tờ 9a-b).

Nho gia xưa chê hành vi này của Phạm Cự Lạng là “bất trung”, nhưng rõ ràng, đó là hành vi đáng kính. Hành vi đó tỏ rõ, Phạm Cự Lạng đặt lợi ích và vận mệnh sống còn của quốc gia lên trên hết. Vấn đề đặt ra cho đất nước lúc ấy không phải là giữ gìn “giềng mối của nhà Đinh” mà là giữ gìn độc lập dân tộc. Trong điều kiện cụ thể của lịch sử lúc bấy giờ, ai đủ năng lực và uy tín để chỉ huy cuộc chiến tranh giữ nước thì người đó xứng đáng làm vua.

Ngay khi vừa được tôn lên ngôi, Lê Hoàn đã sai Phạm Cự Lạng gấp rút đi chỉnh đốn lực lượng vũ trang, chuẩn bị một cách có hiệu quả cho cuộc đối đầu với quân Tống. Vai trò của Phạm Cự Lạng trong giai đoạn chuẩn bị kháng chiến là rất lớn lao. Thắng lợi trọn vẹn của nhân dân ta trong việc đập tan hoàn toàn những đạo quân xâm lăng của nhà Tống vào năm 981 gắn liền với công lao chuẩn bị này.

Khi quân Tống tràn sang, Phạm Cự Lạng là người chỉ huy lực lượng thủy quân và chính thủy quân do Phạm Cự Lạng chỉ huy đã lập được chiến công xuất sắc nhất. Kế thừa kinh nghiệm của Ngô Quyền, Lê Hoàn đã cho đóng cọc gỗ vạt nhọn xuống sông rồi nhử địch vào khu chướng ngại vật bất ngờ và nguy hiểm để tiêu diệt chúng. Người chỉ huy thực hiện thành công mưu kế này của Lê Hoàn cũng chính là Phạm Cự Lạng. Thủy quân Phạm Cự Lạng đã liên tục tấn công quân Tống khắp vùng ven biển Đông Bắc (Trước đây, do chỗ nhầm lẫn Lãng Sơn, tên một hòn đảo ở Hạ Long, ra Lạng Sơn nên nhiều người lấy làm khó hiểu rằng tại sao Lê Hoàn lại sai đóng cọc gỗ... ở khu núi non hiểm trở. Thủy binh ta lúc này có ngược sông Lục Nam và sông Thương để đánh giặc, nhưng bãi cọc gỗ thì cũng ở khu vực sông Bạch Đằng mà thôi).

Các tướng giặc như Trần Khâm Tộ và Lưu Trừng không sao vượt qua nổi sức cản phá quyết liệt của thủy binh Phạm Cự Lạng. Khi chủ tướng của giặc là Hầu Nhân Bảo mắc mưu Lê Hoàn, bị Lê Hoàn bắt giết, thì bọn Trần Khâm Tộ và Lưu Trừng cũng hốt hoảng chạy trốn. Lê Hoàn cùng Phạm Cự Lạng dốc toàn lực ra truy đuổi. Các tướng giặc như Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đều bị bắt sống. Quân Tống bị bắt và bị giết không biết bao nhiêu mà kể.

Sau trận đại bại này, vua Tống nặng lời quở trách. Lưu Trừng sợ đến phát bệnh mà chết, Vương Soạn bị giết, Tôn Toàn Hưng bị chém và bêu đầu ở chợ.

Sau những chiến công xuất sắc này, Phạm Cự Lạng được Lê Hoàn phong tới hàm Thái úy. Sinh thời, ngoài vũ dũng hơn người, Phạm Cự Lạng còn được coi là tấm gương sáng về sự thanh liêm và chính trực. Nhiều triều đại sau đã phong ông làm Thượng Đẳng Thần để thành kính thờ phụng.

Năm Nhâm Ngọ (982), Phạm Cự Lạng đuợc tin trao trọng trách đi khai sông mới từ Đồng Cổ đến Bà Hoà (tức từ Đan Nê, Yên Định đến Đồng Hoà, Tĩnh Gia, Thanh Hoá ngày nay). Trên đắp thành đường lớn, dưới khai thành sông lớn đẻ lưu thông thuỷ bộ. Cũng trong năm này, Phạm Cự Lạng còn chỉ huy đào cảng Đa Cái ở Hoan Châu (tức Hương Cái, Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay).

Ngày 12 tháng 9 năm Giáp Thân (984), Phạm Cự Lạng mắc bệnh sốt rét, mất tại Đồng Cổ, nơi ông đang làm viẹc. Nhà vua thương tiếc sai người đem di hài Phạm Cự Lạng về kinh đô Thăng Long, an táng tại phía nam Bồ Sơn. Hưởng thọ 41 tuổi.

Ghi nhớ công ơn của Phạm Cự Lạng ở Đồng Cổ và Đa Cái hiện còn đền thờ ông. Tại Hà Nội, đời vua Lý Thái Tông (1028-1054) giao cho Bộ Lễ viết sắc phong: “Thần Phạm Cự Lạng làm Hoành Thánh Đại Vương” chuyên xét việc hình ngục, thờ tại đền Ngự Sử (nay là đền Lương Sử thuộc phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám-Hà Nội). Tại Hưng Lộc (Nghĩa Hưng, Nam Định) cũng có đền thờ Phạm Cự Lạng ghi lại di tích tương tự như đền thờ Lương Sử.

Qua nghiên cứu các sắc phong và thần tích còn lưu giữ được ở đình Đoài, xã Hà Châu (Phú Bình), đình Hoàng Đàm (Phổ Yên) và đình Thượng Giã đều ở Thái Nguyên, thì trong các bản thần tích đều gọi tên ông là Phạm Cự Lượng, tỏ ý tôn trọng tên tục của ông và ghi rõ tên hiệu của ông là Hồng Thánh Khuông Quốc Trung Vũ Tá Trị Đại Vương, thời Lý Thái Tông

Sắc phong và bài vị của đình Đoài được vua Tự Đức thứ 33 (1881) ban sắc phong cho Phạm Cự Lạng những chữ như sau: “Cương kiên trung kiêu địch quả trang vũ quang ý Khuôn Quốc trung đẳng thần”…