In bài này
Nguyễn Xí (1397 - 1465)
Thứ Bẩy, 26/09/2009 - 11:49 PM
“Khí độ trầm lắng mà hùng mạnh. độ lượng lớn mà cương nghị hơn người. Giúp Cao Hoàng mở nước, trải trăm trọn gian nan. Phò Tiên Khảo giữ giang sơn, hết lòng giúp rập... Nghiêm nghị ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới luyện. Trăm quan nể trọng phong thái. Bốn biển ngưỡng mộ uy danh...” - Đại Việt thông sử (Chư thần truyện).

“Như Nguyễn Xí:
Khí độ trầm lắng mà hùng mạnh. độ lượng lớn mà cương nghị hơn người. Giúp Cao Hoàng (tức Lê Lợi - NKL) mở nước, trải trăm trọn gian nan. Phò Tiên Khảo (tức vua Lê Thái Tông - NKT) giữ giang sơn, hết lòng giúp rập. Ra ngoài thì trọn chức tướng võ, vào trong thì vẹn phận tướng văn, nghĩa tôi con thật khó có ai sánh kịp. Khép mình theo đạo đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm nghị ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới luyện. Trăm quan nể trọng phong thái. Bốn biển ngưỡng mộ uy danh...”.
Đại Việt thông sử (Chư thần truyện)

Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình làm nghề buôn bán muối rất nghèo khổ. Năm 1405, thân phụ ông là Nguyễn Hội qua đời, ông được người anh ruột là Nguyễn Biện đưa ra Lam Sơn và được Lê Lợi nuôi trong nhà như con. 

Việc hai anh em Nguyễn Biện và Nguyễn Xí tìm đến Lam Sơn với Lê Lợi có nguyên do từ mối quan hệ trước đó của Lê Lợi với thân phụ của hai ông. Điều này được sách Đại Vệt thông sử ghi chép như sau:

“Năm Ất Dậu (năm 1405), Nguyễn Hội từng đến Lam Sơn yết kiến vua Thái Tổ. Lúc này, vua Thái Tổ còn làm Phụ Đạo (đất Lam Sơn), đãi ông rất hậu. Sau đó, ông trở về làm muối nơi xứ Côn Xuân (tại quê hương ông). (Nguyễn) Hội bị một con cọp đã thành tinh cắp đi vùi xác ở một huyệt đất tốt tại xứ Đồng Lam. Cọp còn cắm cây chung quanh mộ. Hôm sau, người nhà đến, tìm được và đem về chôn nơi khác. Nhưng rồi đến đêm hôm sau nữa, con cọp lại tới gầm thét vang khắp núi non, bới tung lên, vất bỏ quan tài, đem xác đến vùi lại ở chỗ cũ. Bấy giờ, người nhà mới biết là trời ban cho huyệt tốt” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

Đoạn ghi chép trên cho phép hiểu rằng, Nguyễn Hội đến Lam Sơn rồi từ Lam Sơn về Côn Xuân và bị cọp bắt cũng cùng trong năm 1405, còn như vì sao ông lại đến đất Lam Sơn với Lê Lợi thì chưa rõ. Khi đến với Lê Lợi, Nguyễn Xí chưa đầy 10 tuổi, nhưng đã tỏ rõ là người có tài nên được Lê Lợi hết lòng yêu quý. Sách trên chép tiếp rằng:

“Vua (tức Lê Lợi - NKT) sai Nguyễn Xí nuôi một đàn chó săn gồm hơn 100 con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn ông đều dùng chuông làm hiệu. Bầy chó theo sự điều khiển của ông, tiến thoái răm rắp. Nhà vua rất quý ông, cho là ông có tài làm đại tướng, nên (đến khi sắp dấy quân khởi nghĩa thì) sai ông nắm quyền cai quản đội quân Thiết Đột thứ nhất”.

Như vậy là, vào năm chưa đầy 20 tuổi, Nguyễn Xí đã được trao quyền tướng quân. Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, vị tướng trẻ Nguyễn Xí (lúc này 21 tuổi) có vinh dự được hầu cận Bình Định Vương Lê Lợi. Ông từng trải những năm tháng gian nan đầu tiên ở vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa, có công lớn trong việc phò tá Lê Lợi vượt qua những thử thách hiểm nghèo ở Linh Sơn, ở Khôi Huyện...

Những năm 1421 và 1422, Nguyễn Xí là một trong những tướng có công đập tan cuộc tấn công của quân Minh và quân Ai Lao, bảo vệ an toàn Bộ chỉ huy Lam Sơn và lãnh tụ của Lam Sơn là Bình Định Vương Lê Lợi.

Tháng 9 năm 1426, sau khi phái hơn 1 vạn quân, chia làm ba đạo khác nhau cùng tiến ra vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng để hoạt động, Nguyễn Xí được Bình Định Vương Lê Lợi phong làm đại tướng cùng tướng Đinh Lễ gấp rút đem thêm quân đi tiếp ứng. Nguyễn Xí và Đinh Lễ đã có công hợp sức với các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả và Đỗ Bí đánh trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời ở Tốt Động-Chúc Động. Trận ấy, tướng giặc là Trần Hiệp và Lý Lượng bị giết, Tổng binh của giặc là Vương Thông bị thương. Ta giết tại trận hơn 5 vạn tên, bắt sống hơn 1 vạn tên nữa. Kế hoạch ồ ạt phản công, hòng làm thay đổi cục diện chiến trường của Vương Thông hoàn toàn bị thất bại. Giặc buộc phải co về cố thủ trong thành Đông Quan để chờ viện binh. Ngay sau thắng lợi to lớn này, Nguyễn Xí đã đại diện cho các tướng viết thư cấp báo tin mừng cho Bình Định Vương Lê Lợi (Lam Sơn thực lục nói người gửi thư báo tin mừng là Đinh Lễ, nhưng Đại Việt thông sử lại nói là Nguyễn Xí).

Trong thời kỳ quân Lam Sơn vây hãm thành Đông Quan, tướng Nguyễn Xí có vinh dự được cùng với tướng Đinh Lễ đem quân chốt giữ ở vùng cửa Nam thành Đông Quan.

Tháng 3 năm Đinh Mùi (1427), Vương Thông cho quân tập kích bất ngờ vào lực lượng của Lam Sơn ở Tây Phù Liệt do Thái giám Lê Nguyễn chỉ huy, hòng phá thế bị bao vây. Bình Định Vương Lê Lợi lập tức sai Nguyễn Xí và Đinh Lễ đem 500 quân Thiết Đột tới ứng cứu. Ông và Đinh Lễ đánh cho Vương Thông phải bỏ chạy thục mạng, nhưng khi đến My Động (vùng Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay), Vương Thông thấy lực lượng của hai ông quá ít, liền cho quân quay lại liều chết đánh trả. Chẳng may, voi chiến bị sa lầy, ông và Đinh Lễ đều bị giặc bắt. Đinh Lễ thì bị giặc giết hại, riêng Nguyễn Xí, nhờ khéo tận dụng được cơ hội tốt nên đã trốn thoát được.

Sử cũ chép:

“(Nguyễn) Xí về sau nhân một đêm mưa gió, dùng mẹo đánh lừa được tên lính canh giữ mà chạy thoát về, tới ra mắt Vua (tức Bình Định Vương Lê Lợi - NKT) ở dinh Bồ Đề. Vua kêu lên rằng (Nguyễn Xí) sống lại” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển X, tờ 30-a).
 
Trong trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng-Xương Giang (từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 11 năm 1427), tướng Nguyễn Xí đã có hai lần lập công lớn. Một là, cùng với các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú và Trần Nguyên Hãn hạ gục thành Xương Giang, phá tan chỗ dựa nguy hiểm của viện binh giặc từ Chi Lăng tràn xuống. Đó là trận công thành lớn nhất của quân Lam Sơn và thắng lợi của trận công thành này đã thực sự góp phần rất đáng kể vào thắng lợi chung của trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng-Xương Giang. Hai là, trong cuộc tập kích cuối cùng của quân Lam Sơn vào cánh đồng Xương Giang, Nguyễn Xí đã có công chỉ huy quân lính, hỗ trợ đắc lực cho tướng Lê Sát, đánh tan toàn bộ lực lượng giặc tại đây. Các tướng cao cấp nhất của giặc như Thôi Tụ và Hoàng Phúc đều bị bắt sống. 

Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Nguyễn Xí được phong là Long Hổ Tướng quân, Suy Trung Bảo chính Công thần. Năm Thuận Thiên thứ hai (1429) Nguyễn Xí được ban tước Huyện hầu và tên ông được xếp vào hàng thứ năm trong biển khắc tên các Khai quốc Công thần của triều Lê.

Nguyễn Xí làm quan trải thờ năm đời vua là Lê Thái Tổ (1428 - 1433), Lê Thái Tông (1433 - 1442), Lê Nhân Tông (1442 - 1459), Lê Nghi Dân (1459 - 1460) và Lê Thánh Tông (1460 - 1497). 

Năm 1445, ông được phong là Nhập nội Đô đốc. Cũng năm ấy vì có kẻ gièm pha, ông bị cách chức, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn đã được phục chức, được ban hàm Thiếu bảo. Năm 1460, Nguyễn Xí là một trong những người có công đưa Hoàng tử Lê Tư Thành lên nối ngôi, đó là vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Nhờ công lao này, ông được phong là Khai phủ Nghi đồng Tam Ty, Nhập nội Kiểm hiệu, Thái phó, Bình Chương Quân quốc Trọng sự, tước Á Quận hầu. Đến tháng 10 năm 1460, ông lại được gia phong tước Quận công. Năm 1462, Nguyễn Xí được gia phong chức Nhập nội Hữu Tướng quốc.

Tháng 10 năm Ất Dậu (1465), Nguyễn Xí qua đời, hưởng thọ 68 tuổi. Ông có tất cả 16 người con trai và 8 người con gái. Con trai của ông đều là những võ tướng có tài:

  1. Nguyễn Sư Hồi làm quan tới hàm Thái úy.
  2. Nguyễn Xưởng giữ chức Tổng quản vệ Nghiêm Võ và Tổng binh xứ Thuận Hóa.
  3. Nguyễn Huyễn giữ chức Đồng tri Tổng binh Hóa Châu.
  4. Nguyễn Bá Kiệt giữ chức Đồng tri vệ Phấn Võ.
  5. Nguyễn Kế Sài giữ chức Tổng binh Hóa Châu.
  6. Nguyễn Phùng Thìn giữ chức Tổng binh Thanh Hóa.
  7. Nguyễn Thúc Ngu giữ chức Đồng tri vệ Ninh Quốc.
  8. Nguyễn Cảnh Vệ giữ chức Chỉ huy sứ vệ Thành Trung.
  9. Nguyễn Trọng Đạt giữ chức Quản lĩnh vệ Tuyên Vũ.
  10. Nguyễn Phúc Xà giữ chức Quản lĩnh vệ Tuyên Vũ.
  11. Nguyễn Hũu Lượng giữ chức Quản lĩnh vệ Tuyên Vũ.
  12. Nguyễn Đồng Dị giữ chức Quản lĩnh vệ Ngọc Kiềm.
  13. Nguyễn Nhân Bảo giữ chức Quản lĩnh vệ Nghiêm Dũng.
  14. Nguyễn Văn Chinh giữ chức Tổng binh Thanh Hóa.

Người con trai thứ 15 là Nguyễn Duy Tân, không thấy chép chức tước gì, còn người con thứ 16 thì hiện vẫn chưa rõ tên và lý lịch.

Cháu của ông cũng phần nhiều là võ tướng, có tên tuổi với đời.  Nguyễn Xí quả đúng là người khởi đầu cho một dòng họ gồm nhiều thế hệ võ tướng.