In bài này
Phạm Văn Xảo (? - l429)
Thứ Bẩy, 26/09/2009 - 11:29 PM
“(Phạm) Văn Xảo là người tài trí vượt bậc, rất được Nhà vua (chỉ Lê Lợi - NKT) tin dùng. Ông đã từng làm tướng cầm quân đi đánh dẹp, khiến cho (Vương) An Lão và Mộc Thạnh đều phải thua, lập được nhiều công lao rất vẻ vang” - Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển XV, tờ 27).

Phạm Văn Xảo quê ở Thăng Long, sinh vào năm nào chưa rõ.  Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa ở Lam Sơn, Phạm Văn Xảo là một trong số những người đầu tiên hăng hái hưởng ứng. Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, Phạm Văn Xảo được trao chức Khu mật Đại sứ. Từ đó, ông bắt đầu cuộc đời cầm quân đánh giặc và đúng như sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã viết, ông “lập được nhiều công lao rất vẻ vang”. Trong số nhiều công lao rất vẻ vang đó, nổi bật lên hai công lao được sử sách trân trọng ghi chép sau đây:

  • Phạm Văn Xảo - một trong số bốn vị tướng chỉ huy cao cấp nhất và lập công lớn nhất trong trận quyết chiến chiến lược Tốt Động-Chúc Động

Năm 1426, sau khi đã giải phóng được một vùng đất rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hóa trở vào Nam, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định tấn công ra Bắc. Hơn 1 vạn quân sĩ và một loạt tướng lĩnh, chia làm ba đạo khác nhau, được lệnh nhanh chóng thi hành quyết định này.

Ba đạo này cụ thể như sau:

- Đạo thứ nhất gồm hơn 3000 quân và một thớt voi, do các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả và Đỗ Bí chỉ huy, tiến ra uy hiếp mặt Nam của thành Đông Quan, đồng thời, sẵn sàng chặn đứng viện binh của giặc rất có thể sẽ tràn từ Vân Nam sang. 

- Đạo thứ hai gồm hơn 2000 quân và một thớt voi, do các tướng Bùi Bị, Lưu Nhân Chú, Lê Trương và Lê Ninh chỉ huy, đánh vào khu vực hạ lưu sông Hồng và sẵn sàng chặn đánh bọn giặc từ các thành Nghệ An và Tây Đô tháo chạy ra Bắc. Đạo này vừa xuất phát thì được Lê Lợi cho thêm hơn 2000 quân và một thớt voi nữa, giao cho hai tướng Lê Bồi và Lê Vị Canh chỉ huy, nhanh chóng tiến theo để tiếp ứng. Đạo quân thứ hai vì thế mà có lực lượng hùng hậu nhất.

- Đạo quân thứ ba gồm hơn 2000 quân, do hai tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy. Đạo này cũng tiến ra vùng phía Nam của thành Đông Quan, vừa phô trương thanh thế để uy hiếp quân Minh, vừa sẵn sàng phối hợp với các đạo quân khác để giải phóng vùng đồng bằng và trung du phía Bắc. Đây là đạo quân giữ vị trí tiếp ứng cho đạo quân thứ nhất, nhưng là một đạo riêng biệt chứ không phải như lực lượng tiếp ứng do Lê Bồi và Lê Vị Canh chỉ huy. Và đạo quân này vì một vài lý do riêng nên đã tiến hơi chậm so với dự kiến ban đầu.

Trong ba đạo quân nói trên, đạo quân do các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả và Đỗ Bí chỉ huy là lập được nhiều công lao hơn cả.

Ngày 12 tháng 8 năm Bính Ngọ (ngày 13/ 9/1426), đạo quân thứ nhất đã giành được chiến thắng đầu tiên tại Ninh Kiều (Nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Đây là nơi có địa hình rất hiểm trở: trên là dãy Ninh Sơn, dưới là Ninh Giang (tức sông Đáy), rất tiện lợi cho việc bố trí mai phục. Phần lớn lực lượng của đạo quân thứ nhất nhanh chóng được bí mật cho ém sẵn tại đây.

Khi đã bày binh bố trận xong, Phạm Văn Xảo đã tình nguyện dẫn một bộ phận nhỏ đến giả vờ tập kích bất ngờ vào thành Đông Quan. Tướng giặc ở đấy là Trần Trí, thấy quân Phạm Văn Xảo quá ít liền nhất tề xông ra đánh. Phạm Văn Xảo vờ thua và chạy về Ninh Kiều. Trần Trí chủ quan, cứ thế hăng hái đuổi theo. Hắn bị lọt vào ổ mai phục, bị quân Lam Sơn xông ra đánh tới tấp. Giặc bị giết tại chỗ trên 2000 tên. Trần Trí hốt hoảng chạy thẳng về Đông Quan.

Sau trận đánh, quan trọng này, đạo quân thứ nhất đã nhanh chóng biến Ninh Kiều thành căn cứ cho mình. Nhưng, do đạo quân thứ ba do các tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy tiến hơi chậm cho nên căn cứ Ninh Kiều luôn bị đe dọa.

Bấy giờ, nếu giặc ở trong thành Đông Quan có thêm viện binh thì một cuộc tấn công nguy hiểm và rất ác liệt vào Ninh Kiều nhất định sẽ nổ ra, tác hại thật khó mà lường trước được. Để có thể ứng phó một cách có hiệu quả với mọi bất trắc, các tướng chỉ huy đạo quân thứ nhất đã quyết định chia lực lượng tình hai bộ phận, thực hiện hai nhiệm vụ khác nhau:

- Bộ phận thứ nhất do các tướng Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy, ở lại bảo vệ và tu bổ khu căn cứ Ninh Kiều, đồng thời, tiếp tục uy hiếp mặt Nam của thành Đông Quan.

- Bộ phận thứ hai do các tướng Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ huy, dẫn quân lên vùng Tam Giang (nay thuộc Vĩnh Phú), sẵn sàng chặn đánh viện binh của giặc.

Tại đất Tam Giang, Phạm Văn Xảo đã lập công lớn. Ông là linh hồn của trận đánh quyết liệt ở Xa Lộc diễn ra vào tháng 10 năm 1426. Bấy giờ, một đạo viện binh của giặc do tướng Vương An Lão chỉ huy hùng hổ tiến từ Vân Nam xuống đúng như dự kiến trước đó của Bộ chỉ huy Lam Sơn. Khi Vương An Lão vừa đến Xa Lộc (Xa Lộc còn có tên khấc là Ròng Rọc hay Đồng Rọc. Đất này nay thuộc làng Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ở đây, hiện vẫn còn một số di tích của trận đánh này), thì Phạm Văn Xảo bất ngờ cho quân xông ra. Giặc bị giết tại trận trên 1000 tên, Vương An Lão hốt hoảng chạy vào thành Tam Giang cố thủ. Chiến thắng Xa Lộc vừa có ý nghĩa tiêu diệt sinh lực địch, lại vừa có giá trị vô hiệu hóa đạo viện binh nguy hiểm của Vương An Lão. Cuộc vây hãm thành Đông Quan bắt đầu.

Sau chiến thắng Xa Lộc, một bộ phận lực lượng của Phạm Văn Xảo vẫn ở lại để không ngừng uy hiếp thành Tam Giang, còn Phạm Văn Xảo và phần lớn quân sĩ của mình lại kéo về Ninh Kiều để tiếp tục phối hợp với các tướng Lý Triện và Đỗ Bí chuẩn bị ứng phó với tình hình mới. Bấy giờ, các tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí cũng đã đem quân đến Ninh Kiều, khiến cho tương quan thế và lực chuyển biến theo chiều hướng rất có lợi cho Lam Sơn. Nhưng cũng đúng lúc ấy nhà Minh lại sai viên võ tướng, tước Thành Sơn hầu là Vương Thông đem 5 vạn quân tiến gấp sang. Giặc trong thành Đông Quan có sẵn chừng 3 vạn. Giặc từ các thành Diễn Châu, Nghệ An và Tây Đô kéo ra chừng hơn 2 vạn nữa là 5 vạn. Nay có thêm 5 vạn viện binh của Vương Thông, thành thử quân số của chúng tại thành Đông Quan đột ngột tăng lên gấp bội. Lam Sơn chưa kịp mừng vui trước tình thế mới thì đã phải đối đầu với một thử thách rất cam go.

Vừa đến Đông Quan, Vương Thông đã lập tức chia quân ra làm ba mũi, chiếm lĩnh ba vị trí quan trọng khác nhau là Thanh Oai (nay thuộc Hà Tây), Sa Đôi (nay cũng thuộc Hà Tây) và Cổ Sở (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), dự tính sẽ nhất loạt đánh vào Ninh Kiều. Với cương vị là một trong những tướng chỉ huy cao cấp nhất, Phạm Văn Xảo đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định kế sách đối phó với Vương Thông. Kế sách này có thể tóm tắt như sau:

- Chủ động tấn công vào Thanh Oai, phá tan âm mưu của Vương Thông ngay khi hắn chưa kịp thực hiện. Và quả đúng như dự kiến, giặc ở Thanh Oai đã bỏ chạy tán loạn, khiến cho giặc ở Sa Đôi cũng bỏ chạy theo, bỏ mặc Vương Thông bơ vơ ở đất Cổ Sở. 

- Khi Vương Thông tập trung hết lực lượng về Cổ Sở để tự mình trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công vào Ninh Kiều, các tướng của Lam Sơn (trong đó có Phạm Văn Xảo) đã kịp thời cho quân bí mật rút hết khỏi Ninh Kiều. Chính cuộc rút lui bí mật này đã khiến cho Vương Thông phải một phen vồ hụt. Hắn tức tốc tung quân do thám đi khắp nơi, quyết tìm cho bằng được địa điểm đóng quân mới của Lam Sơn.

- Khi Vương Thông phát hiện được nơi đóng quân mới của Lam Sơn là Cao Bộ (thuộc Hà Tây), một lần nữa, Phạm Văn Xảo là người đã có công lớn. Ông ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến “tương kế tựu kế” của tướng Lý Triện, cho quân bí mật rút khỏi Cao Bộ kéo về mai phục ở cánh đồng Tốt Động-Chúc Động (cũng thuộc Hà Tây). 

Tốt Động-Chúc Động là một trong những trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời trong lịch sử dân tộc. Đây là trận có ý nghĩa thay đổi hoàn toàn tương quan thế và lực của cả đôi bên. Vương Thông từ vị trí của một viên tướng hung hăng đi cứu nguy, đã bị trọng thương và trở thành kẻ kêu cứu. Đây là thắng lợi chung của cả đạo quân thứ nhất và đạo quân thứ ba, của nhiều vi tướng lĩnh tài ba, dũng mãnh và mưu lược, trong đó có vai trò của Phạm Văn Xảo.

  • Phạm Văn Xảo - tướng chỉ huy lực lượng đánh chặn 5 vạn quân của Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa, góp phần to lớn vào thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng-Xương Giang (1427), đưa cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đến thắng lợi hoàn toàn.

Cuối năm 1427, nhà Minh quyết định đưa 15 vạn quân sang cứu nguy cho Vương Thông. 15 vạn quân này chia làm hai đạo khác nhau. Đạo thứ nhất gồm 10 vạn tên do đích thân Tổng binh Liễu Thăng chỉ huy, tiến vào nước ta qua ngả Lạng Sơn.  Đạo quân thứ hai do Phó Tổng binh Mộc Thạnh chỉ huy, tiến vào nước ta qua ngả Cao Bằng và Tuyên Quang. Đạo này có tất cả 5 vạn tên.

Bấy giờ, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất vào việc tiêu diệt viện binh. Quyết tâm của Lam Sơn là bóp nát toàn bộ đạo quân do Liễu Thăng chỉ huy, không cho phép chúng vượt qua vùng trung du phía Bắc để phối hợp với Vương Thông ở Đông Quan. Để thực hiện được quyết tâm lớn này, một trong những vấn đề quan trọng là phải làm sao để có thể đánh chặn được lực lượng của Mộc Thạnh. Đạo quân do Mộc Thạnh chỉ huy, tuy có nhỏ hơn đạo quân do Liễu Thăng cầm đầu nhưng cũng là đạo quân rất lớn. Mộc Thạnh là một viên lão tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc, từng được triều đình nhà Minh phong tới tước Kiềm Quốc công. Dưới trướng của Mộc Thạnh là một loạt những tướng sừng sỏ như Hưng An Bá Từ Hanh, Tân Ninh Bá Đàm Trung...

Để sẵn sàng chủ động đối phó, ngay khi vừa nghe tin viện binh của giặc sẽ tràn sang, Bộ chỉ huy Lam Sơn đã lập tức sai tướng Trần Ban lên ải Lê Hoa, sửa sang đồn lũy và chuẩn bị trận địa cho những trận đánh ác liệt có thể sẽ xảy ra. Trần Ban vừa lên đường chưa được bao lâu thì Lê Lợi đã sai các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Lê Khuyển và Lê Trung đem quân đi tiếp ứng. Sự có mặt của Phạm Văn Xảo và các tướng lừng danh nói trên khiến cho Mộc Thạnh phải chần chừ. Và chính thái độ chần chừ đó đã tạo điều kiện thuận lợi khách quan cho Lam Sơn tiến hành những trận tập kích vang dội vào đạo binh 10 vạn tên của Liễu Thăng.

Sau trận đại thắng ở Chi Lăng-Xương Giang, Lê Lợi sai người đem cờ quạt, ấn tín của Liễu Thăng lên ải Lê Hoa để uy hiếp tinh thần của Mộc Thạnh. Vừa thoáng thấy những chứng tích đại bại khủng khiếp của Liễu Thăng, Mộc Thạnh đã lập tức hạ lệnh rút quân về Trung Quốc. Nhưng dù ở sát ngay biên giới, dù lực lượng gần như chưa bị tiêu hao, Mộc Thạnh vẫn không thể tháo chạy an toàn. Phạm Văn Xảo và các tướng đã tung quân đánh tới tấp. Bấy giờ, Lam Sơn đã đánh hai trận lớn tại khu vực ải Lê Hoa, một là ở Lãnh Câu và hai là ở Đan Xá. Tính chung cả hai trận này, giặc bị tiêu diệt tại chỗ trên 1 vạn tên, bị bắt sống trên 1 vạn tên nữa. Mộc Thạnh phải hoảng hốt bỏ cả quân sĩ dưới quyền mà chạy Trong Bình Ngô Đại cáo, Nguyễn Trãi đã viết về hai trận đánh quan trọng này với những lời hùng tráng như sau:

“Lãnh Câu máu cháy thắm dòng,
nước sông ấm ức
Đan Xá thây chồng thành núi,
cỏ nội nhuốm hồng”

Thắng lợi của Phạm Văn Xảo và các tướng ở ải Lê Hoa đã đập tan hy vọng cuối cùng của Vương Thông. Quân Minh đô hộ chỉ còn một con đường duy nhất là phải quỳ gối đầu hàng. 

Nhờ những công lao lớn nói trên, tháng 3 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), sau khi triều đình luận công ban thưởng, Phạm Văn Xảo được ban quốc tính là họ Lê, được thăng hàm Thái bảo. Tháng 5 năm Thuận Thiên thứ hai (1429), tên ông được khắc ở hàng thứ ba trong bảng danh sách các Khai quốc Công thần, thăng hàm Thái phó, tước Huyện Thượng hầu. Tiếc thay, ông chưa kịp hưởng phú quý vinh hoa thì đã bị gièm pha, rồi bị giết hại. Vụ án Phạm Vần Xảo và Trần Nguyên Hãn được sử cũ chép lại như sau:

“Nguyên do là bởi vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi - NKT) tuổi cũng đã khá cao lại lắm bệnh mà con trưởng là Quận (Lê Tư Tề) thì tính nết gàn rở, điên rồ, Thái Tông (tức Hoàng tử Lê Nguyên Long, người về sau làm vua, miếu hiệu là Lê Thái Tông - NKT) còn quá nhỏ, trong lúc đó, Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn đều là những bậc Khai quốc Công thần, lắm công lao, được người đương thời trọng vọng.

Trần Nguyên Hãn vốn là dòng dõi quý tộc họ Trần xưa, Phạm Văn Xảo là người kinh thành Thăng Long, Lê Thái Tổ lo rằng, nếu vua nhỏ tuổi lên cầm quyền, thì những người này sẽ nuôi chí khác, cho nên, bề ngoài tuy tỏ ra trọng vọng, nhưng bên trong thì vẫn chất chứa nghi ngờ. Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoàng Bá, Nguyễn Tông Chí và Lê Đức Dư đoán biết được ý Vua, liền tranh nhau dâng mật sớ lên, khuyên Vua phải quyết trừ bỏ đi. Những ai mà chúng không bằng lòng đều bị chúng vu cho là bè đảng (của Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn), bị đem ra xét xử và bị cầm tù rất đông. Các quan ai ai cũng đều sợ miệng lưỡi của chúng.

Sau này, vua Lê Thái Tổ hối hận, thương hai người ấy bị giết oan, lại biết rõ bọn Lê Quốc Khí đều chỉ là hạng tiểu nhân xảo quyệt, nên rất ghét chúng, khiến chúng đều bị đuổi. Vua xuống chiếu cho trăm quan biết rằng, bọn Lê Quốc Khí, Trình Hoàng Bá, Lê Đức Dư... dẫu có tài cán cũng không được dùng lại nữa. Trong đám bề tôi, giá thử có kẻ làm phản, cần phải tố cáo, thì cũng không cho bọn chúng được quyền tố cáo. Dư luận lúc ấy không ai không thỏa cả.

Năm Thiệu Bình thứ nhất (tức năm 1434 - NKT), đời vua Lê Thái Tông, quan Đại Tư đồ là Lê Sát muốn dùng lại bọn (Trình) Hoàng Bá, nhưng bị Nguyễn Thiên Tích và Bùi Cầm Hồ tố cáo, lại bị triều thần can ngăn nên mới thôi” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).