In bài này
Phạm Vấn (? - 1436)
Thứ Bẩy, 26/09/2009 - 10:30 PM
“Ngay thẳng mà tiết tháo. Quyết đoán mà đa mưu. / Nếm mật nằm gai, ngươi từng dốc chí. Giành đất, hạ thành... biết mấy công lao” - Lời chế văn của vua Lê Thái Tổ dẫn lại trong Đại Việt thông sử (Chư thần truyện).

“Xét như Phạm Vấn đây:
Ngay thẳng mà tiết tháo,
Quyết đoán mà đa mưu.
Thuở mới dấy binh tụ nghĩa trả oán cừu.
Một dạ đổi thay vận bĩ.
Nếm mật nằm gai, ngươi từng dốc chí,
Giành đất, hạ thành... biết mấy công lao”.

Lời chế văn của vua Lê Thái Tổ dẫn lại trong Đại Việt thông sử (Chư thần truyện)

Phạm Vấn người thôn Nguyễn Xá, huyện Lương Giang (nay đất làng quê ông thuộc tỉnh Thanh Hóa). Sử cũ chỉ cho hay là ông mất vào năm 1436 (Đại Việt Thông sử, Chư thần truyện), nhưng không cho biết ông sinh vào năm nào, cho nên, chưa rõ đến lúc mất, Phạm Vấn được hưởng thọ là bao nhiêu.

Phạm Vấn đến Lam Sơn tham gia cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo ngay từ những ngày đầu tiên. Ông là tướng trực tiếp cầm quân, từng lập nhiều chiến công xuất sắc. Hệ thống những dòng ghi chép tản mạn của sử cũ, chúng ta có thể sơ bộ hình dung sự nghiệp của ông đại để như sau:

  • Tướng tham gia chỉ huy thành công trận Bồ Mộng (1420)

Sau khi giết được Lê Lai (mà giặc hí hửng tưởng đó là Lê Lợi), quân Minh rút về Tây Đô còn Lê Lợi và nghĩa sĩ của mình thì bí mật trở lại Lam Sơn để dưỡng sức và chỉnh đốn lực lượng, đồng thời, lo tích trữ lương thực và thực phẩm, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Nhưng, ở Lam Sơn chưa được bao lâu thì Lê Lợi đã phải đối phó quyết liệt với những cuộc càn quét mới của giặc. Năm 1420, đích thân tên Việt gian người Quỳ Châu (Nghệ An) là Cầm Lạn đã dẫn quân lính vào Lam Sơn. Sử cũ chép:

“Năm Canh Tý (tức năm 1420 - NKT), giặc Minh lại đem đại binh đến. Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) đoán rằng, vào khoảng giờ Mùi (tức từ khoảng 13-15 giờ chiều - NKT), thế nào bọn chúng cũng sẽ đến Bến Bổng, bèn hạ lệnh đặt phục binh sẵn ở đấy để đợi. Quả đúng giờ Mùi, giặc kéo đến rất đông. Phục binh ta khắp bốn mặt cùng nổi lên. Giặc tan vỡ. Ta chém được nhiều không kể xiết, lại bắt được hơn 100 con ngựa và đem các thứ quân trang của giặc đốt hết.

Cũng năm ấy (tức năm 1420 - NKT), có tên giặc vốn người trong nước là Cầm Lạn dẫn đường cho bọn tướng lĩnh nhà Minh là Lý Bân và Phương Chính từ địa phương của Cầm Lạn (tức là từ đất Quỳ Châu, Nghệ An - NKT), tiến thẳng vào đất Mường Thôi (thuộc Thanh Hóa - NKT) để đánh Vua.

Trước hết, Vua sai bọn Lê Triện (tức Lý Triện - NKT), Lê Lý (tức Nguyễn Lý - NKT) và Lê Vấn (tức Phạm Vấn - NKT), đem chừng mấy trăm quân đến Bồ Mộng để chờ đánh. Giặc đến, quân ta lập tức nổi lên. Giặc thua to. Ta chém được hơn 300 tên” (Lam Sơn thực lục (Quyển 1). Trận này, Đại Việt thông sử chép là chém được hơn 3000 tên giặc).

Quy mô của trận Bồ Mộng tuy không lớn, nhưng đây là một trong những trận quan trọng của Lam Sơn trong giai đoạn đầu - giai đoạn hoạt động ở vùng rừng núi phía tây Thanh Hóa (từ đầu năm 1418 đến giữa năm 1423). Thắng lợi của trận Bồ Mộng đã khiến cho quân Minh không được phép chủ quan và coi thường Lam Sơn. Từ trận Bồ Mộng, tài năng quản sự của Phạm Vấn bắt đầu được khẳng định.

  • Tướng tham gia chỉ huy trận đánh đập tan âm mưu liên minh đàn áp giữa quân Minh với quân Ai Lao (năm 1422)

Khi mới khởi nghĩa, Lê LợI đã thiết lập được mối quan hệ rất tốt đẹp với quốc vương của Ai Lao. Chính Ai Lao đã từng giúp đỡ nghĩa quân Lam Sơn một cách rất hào hiệp và có hiệu quả. Nhưng sau vì âm mưu chia rẽ của kẻ thù, cộng với sự xúi giục của một số kẻ phản dân hại nước, Ai Lao liền thay đổi thái độ. Năm 1422, Ai Lao đã liên minh với quân Minh để tấn công đàn áp nghĩa quân Lam Sơn. Trận đánh xảy ra một cách hết sức bất ngờ.

Sử cũ chép:

“Đến năm Nhâm Dần (tức năm 1422 - NKT), quân Minh hẹn với quân Ai Lao hai mặt cùng đánh. Vua (chỉ Lê lợi - NKT) lui quân về đóng ở Sách Khôi. Giặc lại đến đánh. Tình thế rất nguy cấp. Vua khích lệ các tướng và quân sĩ cố sức chiến đấu. Ông (chỉ Phạm Vấn NKT) cùng các tướng như Lê Hào, Lê Lĩnh... liều mình xông lên phía trước phá thế trận của giặc, chém được tướng giặc là Phùng Quý và hơn một ngàn sĩ tốt của hắn. Mã Kỳ và Trần Trí đều chỉ chạy thoát lấy thân. Ta thu được hơn trăm con ngựa. (Sau đó), Vua lui quân về đóng ở núi Chí Linh, bị hết lương trong hai tháng. Ông vỗ về quân ngũ, luôn hầu cận Vua, Vua nhờ cậy ông kể cũng không ít nên phong cho ông là Thượng tướng quân” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

Từ đây, Phạm Vấn là một trong những tướng chỉ huy cao cấp của Lam Sơn.

  • Tướng lập công xuất sắc trong trận Trà Lân và trận Khả Lưu (1424)

Cuối năm 1424, Lam Sơn quyết đinh tấn công vào Nghệ An, mở rộng vùng giải phóng, và nói theo cách nói của tướng Nguyễn Chích là “tìm đất đứng chân”. Hai trong số những trận đánh lớn của Lam Sơn ở Nghệ An là trận Trà Lân và trận Khả Lưu. Tướng Phạm Vấn có vinh dự tham gia chỉ huy cả hai trận này. Và ông đã lập công xuất sắc. Về diễn biến chung của trận này, sử cũ chép:

“Vua kén chọn đinh tráng, sửa sang khí giới, chỉnh đốn quân ngũ và voi chiến, tiến vào Trà Lân. Gần đến xứ Bồ Lạp thì bất ngờ gặp tướng giặc là Sư Hựu, cùng bọn ngụy tướng là Cầm Bành và Cầm Lạn đem 5000 quân chặn ngay phía trước. Lúc ấy lại có bọn Trần Trí, Phương Chính, Lý An và Thái Phúc đem quân đến ở phía sau lưng. Quân ta trước sau đều có giặc mạnh. Bấy giờ, trời lại gần tối. Vua liền sai đặt phục binh để chờ. Lát sau, quân giặc quả nhiên tới nơi. Vua tung phục binh ra đánh. Quân giặc vỡ to. Ta chém được 2000 đầu giặc, bắt được hơn trăm con ngựa. Ngày hôm sau, Vua lại đem quân sĩ và voi chiến xông thẳng vào dinh trại của tướng giặc là Sư Hựu. Quân giặc lại thua to trận nữa. Ta chém được hơn ngàn đầu bao nhiêu quân trang thu được đều đem đốt sạch.

Khi ấy bọn Cầm Bành cứ cố thủ, không chịu theo. Vua vỗ về nhân dân, khuyên nên lo làm ăn, khiến cho ai nấy cũng đều được yên chỗ. Họ cảm kích mà hăng hái cùng Vua giết giặc Cầm Bành. Suốt hai tháng trời, Cầm Bành cố giữ sơn trại để chờ viện binh, trong khi đó bọn giặc thì hoang mang, vừa ngờ, vừa sợ, không dám tiến đến cứu. Quân sĩ của Cầm Bành oán giận mà làm phản, kéo nhau ra đầu hàng Cầm Bành tự liệu đã đến thế cùng, không thể đợi viện binh được nữa, buộc phải mở cửa ra hàng (Lam Sơn thực lục, Quyển 1).

Sau khi Cầm Bành đầu hàng, giặc mới bắt đầu kéo đến Trà Lân. Chúng hy vọng sẽ bất ngờ tấn công tiêu diệt tất cả lực lượng Lam Sơn tại địa điểm này. Nhưng chúng chưa kịp đến Trà Lân thì Lê Lợi đã sai Phạm Vấn, Lê Sát cứng hơn 10 vị tướng khác của Lam Sơn đem quân chiếm lĩnh Khả Lưu là cửa ải quan trọng nằm trên đường tới Trà Lân. Kế hoạch bất ngờ của giặc vì thế mà bị tan vỡ ngay khi chưa kịp thực hiện.

Sử cũ chép:

“Ông cùng các tướng giỏi là Lê Sát và hơn 10 người khác, (cho quân) xông lên phá thế trận của giặc, đánh tan được chúng, bắt sống được Chu Kiệt, chém được Hoàng Thành, cắt được mấy ngàn tai. Giặc chết đuối đầy sông, quân nhu khí giới chất như núi. Phương Chính chạy vào thành Nghệ An. Quân ta đuổi đến cùng, vây thành ba ngày liền. Bấy giờ, thanh thế (Lam Sơn) lừng lẫy, các châu, huyện ra hàng... tất cả đều do sức của các ông. Vua phong cho ông hàm Thiếu úy” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

  • Tướng trợ chiến đắc lực, lập công lớn trong trận Xương Giang (1427)

Cuối năm 1427, Lam Sơn chủ trương tập trung mọi cố gắng, quyết tiêu diệt cho bằng được đạo viện binh lớn nhất của giặc do Liễu Thăng cầm đầu, tiến vào nước ta qua ngả Lạng Sơn. Một loạt các trận đánh kết hợp chặt chẽ giữa mai phục với tập kích có quy mô lớn đã diễn ra. Lam Sơn liên tiếp giành được thắng lợi lớn ở Chí Lăng, Cần Trạm, Phố Cát... giết được những viên tướng sừng sỏ nhất của giặc cùng với hàng vạn quân sĩ nhà Minh.

Cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1427, Lam Sơn quyết định đánh trận cuối cùng với đạo viện binh này tại cánh đồng Xương Giang. Bởi tính chất đặc biệt quan trọng của trận đánh, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định điều động thêm khá nhiều quân sĩ và tướng lĩnh đến Xương Giang. Trong số các tướng được điều đi chỉ huy lực lượng trợ chiến lần này có Phạm Vấn. Bấy giờ, nhờ có thêm nhiều công lao trong quá trình tham gia chỉ huy lực lượng vây hãm thành Đông Quan, Phạm Vấn đã được phong tới hàm Tư mã. Ông cùng với tướng Lê Khôi đem 3000 quân thẳng tiến lên Xương Giang. Và trong trận đánh có quy mô rất lớn này, Phạm Vấn đã một lần nữa, lập công xuất sắc, xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Bình Đinh Vương Lê Lợi, của Bộ chỉ huy Lam Sơn.

Tháng 2 năm 1428, triều đình nhà Lê định công để ban thưởng cho những tướng lĩnh có nhiều công lao, Phạm Vấn được xếp công đầu ông được trao hàm Vinh Lộc Đại phu và được trao chức Đại tướng quân, trông coi vệ quân mang tên Tả Kim Ngô, tước Thượng Trí Tự. Ngay sau đó, Phạm Vấn lại được phong là Suy Trung Tán Trị Hiệp mưu Bảo chính Công thần, rồi thăng chức Nhập nội Kiểm hiệu Bình Chương Quân quốc Trọng sự, lãnh quyền Tể tướng. 

Năm 1429, triều Lê dựng biển khắc tên các vị Khai quốc Công thần, tên của Phạm Vấn đứng hàng thứ nhất, ông được ban tước Huyện Thượng hầu. Năm 1431 , Phạm Vấn lại được thăng chức Nhập nội Kiểm hiệu Đô đốc, tước Quận hầu.

Năm 1433, Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) qua đời, Phạm Vấn và Lê Sát được trao quyền Phụ chính.

Năm 1436, Phạm Vấn qua đời vì bệnh, được triều đình truy tặng hàm Thái phó, đồng thời ban cho tên thụy là Tuyên Vũ.