In bài này
Lê Hoàn (941 - 1005)
Thứ Bẩy, 26/09/2009 - 12:02 PM
“Vua đánh đâu được đấy: Chém vua Chiêm Thành để rửa mối nhục bị bọn phiên di bắt giữ sứ giả của mình; đánh tan quân của vua nước Tống là người vốn dòng họ Triệu, mau chóng đập tan mưu đồ của họ. Có thể coi vua là đấng anh hùng nhất đời vậy” - Ngô Sĩ Liên (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển l)

1. ĐẠI LƯỢC VỀ LÝ LỊCH

Vua Lê Đại Hành
Sách Đại Việt sử lược (Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nguyễn Khắc Thuần hiệu đính và viết lời bạt.-NXB TP.HCM, 1993) chép rằng, Lê Hoàn người Trường Châu (Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên) chú thích rằng: Trường Châu là đất 4 huyện Văn Dương, Đồng Thái, Trường Sơn và Kỳ Thường thời Nguyễn. Nay, cả bốn huyện này thuộc tỉnh Nam Định, Hà Nam và tỉnh Ninh Bình), nhưng sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 1, tờ 13-a) lại nói Lê Hoàn người Ái Châu (Sách này chỉ chép là Ái Châu chứ không chỉ rõ là ở địa điểm nào của Ái Châu). Sử cũ chép không nhất quán, song, các cuộc khảo sát sau này đều cho kết quả chung, rằng Lê Hoàn người làng Trung Lập, Ái Châu, nay làng này thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Các bộ chính sử và dã sử xưa đều chép rằng Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (tức năm 941) tại Ái Châu. Thân sinh của Lê Hoàn là Lê Mịch, thân mẫu người họ Đặng nhưng chưa rõ tên là gì. Gia đình Lê Hoàn thuộc tầng lớp nghèo khổ ở Ái Châu, đã thế, cả thân sinh lẫn thân mẫu đều nối nhau qua đời sớm, cho nên, tuổi thơ của Lê Hoàn đầy gian nan, cơ cực. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 1, tờ 14 và 15) chép rằng:

“Trước kia, mẹ của vua là Đặng Thị, khi đang có thai bỗng nằm mơ thấy bụng mình nở ra hoa sen và hoa sen ấy kết thành hạt ngay. Đặng Thị lấy chia cho mọi người nhưng mình lại không ăn. Tỉnh dậy (Đặng Thị) lấy làm lạ lắm. Đến khi sinh con thấy con có dáng mạo khác thường, Đặng Thị nói với mọi người rằng:

- Thằng bé này về sau ắt sẽ làm nên cơ nghiệp lớn, chỉ tiếc là tôi chẳng kịp hưởng lộc mà thôi.

Được độ vài năm, thân mẫu rồi thân sinh (của Lê Hoàn) đều mất. Khi ấy, có viên quan giữ chức Quan sát ở Ái Châu người họ Lê (hiện chưa rõ tên), thấy Vua có dáng mạo khác thường, bèn nhận làm con nuôi. Một năm, trời mùa đông rét mướt, Vua phải nằm phục xuống như hình cối úp (cho đỡ rét), chẳng dè đêm đến, cả nhà rực ánh sáng lạ bởi có con rồng vàng nằm che trên Vua. Viên quan họ Lê càng lấy làm lạ.

Khi lớn lên, vua từng giúp việc cho Nam Việt Vương (Đinh) Liễn (con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng - NKT), tỏ ra có tài trí và chí lớn hơn người. (Đinh) Tiên Hoàng khen là người có mưu lược và khỏe mạnh, lúc đầu giao cho cai quản hai ngàn quân, sau thăng dần đến chức Thập đạo Tướng quân (Đinh Tiên Hoàng chia nước ra làm 10 đạo và dự định sẽ tuyển mộ quân lính như sau: Mỗi đạo gồm 10 quân, mỗi quân gồm 10 lữ, mỗi lữ gồm 10 tốt, mỗi tốt gồm 10 ngũ, mỗi ngũ gồm 10 người. Theo đó thì quân số sẽ lên tới một triệu người. Tuy nhiên, đó chỉ là lí thuyết, là ước vọng mà thôi. Lê Hoàn được thăng tới chức Thập đạo Tướng quân, tức là chức võ quan cao cấp nhất thời Đinh. Chức này, Lê Hoàn được tấn phong vào năm Tân Mùi (971)), Điện tiền Chỉ huy sứ”.

Đinh Tiên Hoàng có ba người con trai được sử sách chép tới. Con trưởng là Đinh Liễn, người từng cùng Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Tháng năm (nhuận) năm Kỷ Tỵ (969), Đinh Liễn đã được phong làm Nam Việt Vương. Năm Nhâm Thân (972) Nam Việt Vương Đinh Liễn được cử làm sứ giả sang nhà Tống. Năm Ất Hợi (975) Nam Việt Vương Đinh Liễn được nhà Tống phong làm Khai Phủ Nghi Đồng Tam ty, hàm Kiểm hiệu Thánh sư, tước Giao Chỉ Quận Vương. Tóm lại, việc kế vị trong tương lai của Đinh Liễn đã rất rõ. Nhưng, tháng giêng năm Mậu Dần (978), Đinh Tiên Hoàng vì quá yêu mến người con út còn nhỏ tuổi là Hạng Lang nên đã lập Hạng Lang làm Thái tử. Việc này khiến cho Đinh Liễn uất ức. Đầu năm Kỷ Mão (979), Đinh Liễn đã giết chết Hạng Lang. Và đến tháng 10 năm ấy, thì cả Đinh Tiên Hoàng lẫn Đinh Liễn đều bị bề tôi nhỏ là Đỗ Thích giết hại.

Con thứ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn, do Hoàng hậu Dương Vân Nga sinh hạ vào năm Giáp Tuất (974). Năm Mậu Dần (978), khi Hạng Lang được phong làm Thái tử thì Đinh Toàn được phong làm Vệ Vương. Cuối năm 979, khi Đỗ Thích giết hại cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, triều đình bèn tôn Đinh Toàn (lúc này mới 5 tuổi) lên ngôi Hoàng đế. Tháng 7 năm Canh Thìn (980), trước nguy cơ bị quân Tống xâm lăng, triều đình bèn tôn quan Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế. Đinh Toàn bị giáng làm Vệ Vương như cũ và được Lê Hoàn thương như con đẻ của mình. Năm Tân Sửu (1001), Đinh Toàn mất khi cùng với Lê Hoàn di đánh dẹp ở Cử Long (vùng người Mường, nay thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa), hưởng dương 27 tuổi.

Người con út là Hạng Lang bị giết khi còn quá nhỏ, không để lại chính tích gì đáng kể.

Như vậy là Lê Hoàn được tôn lên ngôi Hoàng Đế trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của đất nước. Bá quan văn võ đã tin ở Lê Hoàn và Lê Hoàn cũng đã thực sự xứng đáng với niềm tin lớn lao đó. Từ đây, triều Lê được dựng lên. Để phân biệt với triều do Lê Lợi dựng lên sau này, sử gọi triều Lê mở đầu từ Lê Hoàn là triều Tiền Lê. Ngay sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đã lãnh đạo cả nước đập tan hoàn toàn cuộc xâm lăng của quân Tống vào năm 981 và ngay năm sau (982) lại trừng trị đích đáng hành vi quấy phá của Chiêm Thành. Khi biên giới mặt Bắc và mặt Nam đều đã được ổn định, Lê Hoàn đã tiến hành xây dựng và củng cố sức mạnh của đất nước. Lê Hoàn ở ngôi 25 năm (980 - 1005) và trong thời gian ở ngôi, đã dùng ba niên hiệu khác nhau:

  1. Thiên Phúc (980 - 988) vốn là niên hiệu cũ của Đinh Toàn.
  2. Hưng Thống (989 - 993).
  3. Ứng Thiên (994 - 1005).

Tượng thờ Vua Lê Đạ iHành - Hoa Lư, Ninh Bình

Tháng 3 năm Ất Tỵ (1005), Lê Hoàn mất vì bệnh, hưởng thọ 65 tuổi. Người đời và cả một số ít sử sách vẫn gọi Lê Hoàn là Lê Đại Hành, nhưng các sử thần lỗi lạc, cũng là các bậc danh nho thuở xưa thì không đồng ý như vậy. Bảng nhãn Lê Văn Hưu (1230 - 1322) nói:

“Thiên tử và Hoàng hậu, khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng thì gọi là Đại Hành Hoàng đế hoặc Đại Hành Hoàng hậu. Đến khi đã táng vào sơn lăng yên ổn đâu đó rồi thì họp bầy tôi lại để bàn định đức hạnh hay dở mà đặt thụy hiệu, không gọi là Đại Hành nữa. Nhưng, Lê Hoàn thì lấy Đại Hành làm thụy hiệu rồi truyền mãi đến nay là vì sao? Ấy là vì (Lê) Ngọa Triều là đứa con bất tiếu, triều đình lại không có bề tôi nho học để bàn giúp việc đặt thụy hiệu nên mới đến nỗi như thế” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 1, tờ 25-a).

Lê Hoàn có 12 người con trai, gồm 11 người con ruột và 1 người con nuôi. Tiếc thay, nếu Lê Hoàn là biểu tượng nổi bật của tinh hoa lịch sử trong thế kỉ thứ X, thì các con trai của ông lại chỉ có đức hạnh rất tầm thường. Đó chính là nguyên do dẫn đến sự cáo chung của triều Tiền Lê vào cuối năm 1009.

Triều Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập truyền nối được ba đời, kéo dài tổng cộng 29 năm, gồm: Lê Hoàn (980 - 1005), Lê Trung Tông (ở ngôi 3 ngày của tháng 11 năm 1005) và Lê Long Đĩnh tức Lê Ngọa Triều (1005-1009). Tất cả sự nghiệp lớn của triều Tiền Lê đều do Lê Hoàn tạo lập nên. Cống hiến của Lê Hoàn trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, tên tuổi của Lê Hoàn sở dĩ trở nên bất diệt với lịch sử, trước hết và chủ yếu là nhờ ở tài thao lược tuyệt vời. Lê Hoàn là một trong những vị danh tướng của nước nhà.

Đền thờ Lê Hoàn

 

2. LÊ HOÀN VỚI TRẬN ĐẠI PHÁ QUÂN TỐNG XÂM LĂNG NĂM 981

Quân Tống xâm lược nước ta

Năm 960, Triệu Khuông Dận đã thống nhất được phần lớn lãnh thổ Trung Quốc và lập ra nhà Tống. Thời Ngũ đại Thập quốc của Trung Quốc chấm dứt kể từ đó. Nhà Tống kéo dài trước sau tổng cộng hơn 300 năm (960 - 1278). Tuy cơ đồ cũng lắm phen thăng trầm nghiêng ngửa, nhưng chính triều đại này đã hai lần xua quân sang xâm lược nước ta. Lần thứ nhất là năm 981, bị Lê Hoàn đánh cho đại bại và lần thứ hai là năm 1077, bị Lý Thường Kiệt đánh cho tan tành.

Khi ở nước ta, nội bộ triều Đinh liên tục khủng hoảng và xung đột, thì ở Trung Quốc, triều Tống đã trải 20 năm xây dựng và củng cố. Tham vọng bành trướng xuống phương Nam ngày càng rõ rệt và mãnh liệt hơn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 1, tờ 9 a-b) chép về mưu đồ của nhà Tống như sau:

“Mùa hạ, tháng 6 (năm Canh Thìn, 980 - NKT), quan giữ chức Tri châu của Châu Ung bên nước Tống là Thái thường Bác sĩ Hầu Nhân Bảo, dâng thư tâu lên vua Tống rằng:

- An Nam Quận Vương (chỉ Đinh Tiên Hoàng - NKT) và con của hắn là (Đinh) Liễn đã bị giết, nước ấy sắp đổ, có thể nhân cơ hội này mà cho quân sang đánh lấy. Nếu bỏ qua việc mưu tính lúc này, sợ lỡ mất cơ hội. Vậy, xin cho thần được về cửa khuyết để tâu bày trực tiếp chuyện có thể đánh lấy được.

Vua Tống định sai người theo đường dịch trạm, đến gọi Hầu Nhân Bảo về, nhưng bề tôi là Lư Đa Tốn nói:

- An Nam hiện đang rối loạn từ bên trong, đó chính là lúc trời khiến phải mất, triều đình ta nên bất ngờ cho quân sang đánh úp, nhanh như người đời vẫn nói là sét đánh không kịp bịt tai. Nay, nếu cứ gọi Hầu Nhân Bảo về bàn định trước thì mưu này nhất định sẽ bị bại lộ, khiến cho kẻ kia (chỉ nước ta - NKT) biết được rồi dựa vào núi ngăn biển cách mà phòng bị, thì cái thế được thua chưa biết sẽ ra sao. Vậy, chi bằng hãy giao cho Hầu Nhân Bảo ngầm đem quân sang, theo lệnh mà lo liệu việc ấy, cho được chọn tướng và đem 3 vạn quân Kinh Hồ (quân đội lấy người ở các tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc ngày nay. Thời Tống, đất này gọi là Kinh Lộ và Hồ Lộ (Lộ là đơn vị hành chính địa phương - NKT)) thẳng tiến sang, tạo ra cái thế vạn toàn, chẳng khác gì bẻ cành khô hay xô cây gỗ mục, không lo gì tốn người hao tên cả.

Vua Tống cho là phải.

Mùa thu, tháng bảy (năm Canh Thìn, 980 - NKT), ngày Đinh Mùi (ngày 16 - NKT), nhà Tống lấy Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu Lục Lộ Thủy Lộ Chuyển vận sứ, Tôn Toàn Hưng làm Lan Lăng Đoàn luyện sứ, Hác Thủ Tuấn làm Tất tác sứ, Trần Khâm Tộ làm An Bí khố sứ, Thôi Lượng làm Ung Châu Lộ Binh mã Đô bộ t*hự, Lưu Trừng làm Ninh Châu Thứ sử, Giả Thực làm Quân khí Khố sứ, quan giữ chức Cung phụng Quan Cáp Môn Chi hậu là Vương Soạn làm Quảng Châu Binh mã Đô bộ thự... Tất cả cùng họp quân và hẹn ngày sang đánh nước ta”.

Như vậy là, từ quan trấn giữ biên ải như Hầu Nhân Bảo đến quan hầu cận trong triều như Lư Đa Tốn, rồi cả đến vua Tống cũng đều quyết chí xâm lược nước ta. Chúng gặp nhau trong âm mưu bất ngờ tấn công ta khi mà nội bộ nước ta đang gặp những bế tắc không nhỏ.

Lê Hoàn đại phá quân Tống

Đại phá quân Tống năm 981Chèn chú thích ảnh vào đây
 

Khi quân Tống chuẩn bị xâm lược nước ta, Lê Hoàn đang là Phó Vương, lo việc Nhiếp chính thay cho Nhà vua lúc bấy giờ là Đinh Toàn mới 5 tuổi. Thực tế này khiến cho Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền và Phạm Hạp nghi ngờ Lê Hoàn sẽ cướp ngôi. Họ hợp mưu dấy binh, quyết giết Lê Hoàn.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 1, tờ 7-b) chép rằng:

“Thái hậu (chỉ bà Dương Vân Nga - NKT) nghe được tin ấy lo sợ báo với Lê Hoàn rằng:
- Bọn (Nguyễn) Bặc dấy binh làm loạn, khiến cho cả nước phải kinh hoàng. Nay vua còn nhỏ tuổi, chưa thể kham nổi việc trừ nạn, vậy, các ông nên sớm liệu đi, chớ để tai họa về sau.

Lê Hoàn đáp:
- Thần ở chức Phó Vương, giữ quyền Nhiếp chính, dù tai họa sống chết thế nào cũng đều phải đảm đương trách nhiệm.

Nói rồi, (Lê Hoàn) chỉnh đốn quân ngũ, đánh nhau với (Đinh) Điền và (Nguyễn) Bặc ở Tây Đô (Lê Hoàn người Ái Châu nhưng về sau lên ngôi lại đóng đô ở Hoa Lư, cho nên sử vẫn gọi Ái Châu là Tây Đô). Bọn (Đinh) Điền và (Nguyễn) Bặc thua chạy. Sau, họ lại đem thủy quân ra đánh, nhưng lại bị Lê Hoàn nhân chiều gió thuận mà phóng lửa đốt hết (Đinh) Điền bị chém tại trận còn (Nguyễn) Bặc thì bị bắt đóng cũi đem về kinh sư (chỉ Hoa Lư, Ninh Bình - NKT). (Lê Hoàn) kể tội (Nguyễn Bặc) như sau:
- Tiên Đế (chỉ Đinh Tiên Hoàng - NKT) gặp nạn, thần nhân và người trong thiên hạ đều vừa thẹn vừa căm. Người là kẻ bề tôi, vậy mà nhân lúc bối rối lại dấy binh bội nghĩa. Phận làm tôi có đâu lại thế?

Nói rồi bèn đem (Nguyễn Bặc) chém đầu.

(Đinh) Điền và (Nguyễn) Bặc đã chết, quân của Phạm Hạp cũng mất hết cả khí thế, tan tác chạy về làng Cát Lợi ở Bắc Giang (nay thuộc Hà Bắc - NKT). (Lê) Hoàn đuổi theo, bắt sống được Phạm Hạp, giải về kinh sư”.

Khi Lê Hoàn vừa dẹp xong sự phản kháng của Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp thì quân Tống cũng vừa áp sát biên giới nước ta. Tình hình rất nguy cấp. Sách trên (tờ 9-b và tờ 10-a) chép tiếp:

“Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ để đi đánh giặc, lại lấy Phạm Cự Lượng người ở Nam Sách Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng - NKT) làm đại tướng. Khi triều đình đang họp bàn kế xuất quân, Phạm Cự Lượng cùng các tướng, mặc nguyên áo trận, đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng:

- Thưởng người có công, giết kẻ trái mệnh là phép sáng để làm việc quân. Nay, Chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu có hết sức liều mạng để đánh ngoại xâm rồi lập được chút công lao thì ai sẽ là người biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập quan Thập đạo Tướng quân (chỉ Lê Hoàn - NKT) làm Thiên tử rồi sau mới xuất quân thì tốt hơn.

Quân sĩ nghe vậy liền hô vang: Vạn tuế!
 
Thái hậu thấy lòng người quy phục, bèn sai lấy tấm Long Cổn (áo thêu hình rồng cuộn, dành riêng cho nhà vua - NKT) khoác lên người Lê Hoàn và mời Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế”.

Sự kiện này xảy ra vào tháng 7 năm Canh Thìn (980). Ngay sau khi lên ngôi, Lê Hoàn lập tức bắt tay vào công cuộc kháng chiến chống Tống. Để có thêm thời gian hòa hoãn hết sức cần thiết cho việc chuẩn bị, Lê Hoàn đã nhân danh Đinh Toàn, gửi thư cho triều đình nhà Tống “xin được làm phiên thần” của nhà Tống, lời lẽ rất mềm dẻo. Nhưng vua Tống không nghe, lập tức gửi tối hậu thư cho Lê Hoàn, bắt phải đầu hàng.

Và cuộc đối đầu lịch sử giữa quân Tống xâm lăng với quân sĩ nước ta do Lê Hoàn cầm đầu đã diễn ra vào tháng 3 năm Tân Tỵ (981). Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 1, tờ 14-a) chép về diễn biến của cuộc đối đầu này như sau:

“Mùa xuân, tháng ba, bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đến Lãng Sơn (tên một hòn đảo, cũng là tên một vùng đất thuộc Quảng Ninh ngày nay. Nhiều sách vở đã nhầm Lãng Sơn ra Lạng Sơn - NKT), Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua (đây chỉ Lê Hoàn - NKT) tự làm tướng cầm quân đi đánh giặc. Trước hết, (Vua) sai quân sĩ đóng cọc để ngăn sông. Quân Tống rút lui về sông Chi Lăng (tức sông Thương - NKT). Đến đây, Vua sai quân sĩ giả vờ hàng để dụ Hầu Nhân Bảo, nhân đó, bắt được Hầu Nhân Bảo rồi đem chém. Bọn Trần Khâm Tộ nghe tin thủy quân đã thua trận, cũng vội rút về. Vua đem các tướng tới đánh. (Trần) Khâm Tộ thua to, quân sĩ bị giết đến quá nửa, thây người la liệt đầy đồng. Các tướng giặc như Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đều bị bắt giải về Hoa Lư. Từ đó, nước nhà mới được yên. Bầy tôi vui mừng, xin dâng tôn hiệu (cho Vua) là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng đế”.

Tuy chỉ được chuẩn bị trong một thời gian hết sức ngắn ngủi và trong một điều kiện cực kỳ khó khăn, nhưng, với quyết tâm cao độ, với năng lực chỉ huy tuyệt vời, Lê Hoàn đã quét sạch quân Tống bằng một trận kết hợp tài tình giữa thủy binh với bộ binh. Trận thắng kiệt xuất này đã khiến cho nhà Tống vừa căm giận, vừa rất kính nể Lê Hoàn. Sau, hai bên giao hảo, vua Tống đã tấn phong cho Lê Hoàn, thế mà nhận chiếu thư, Lê Hoàn không lạy, sứ giả cũng không dám bắt lỗi, Lê Hoàn bảo sứ giả nhà Tống cứ dừng ở biên cương rồi chuyển đạt công văn đến chứ đừng bước vào sâu trong đất ta, chúng cũng đành phải nghe lời. Lê Hoàn từng rửa hận bằng cách thi thoảng lại cho quân sang cướp phá Như Hồng (tên một trấn của Trung Quốc - NKT). Sứ giả của nhà Tống là Lý Nhược Chuyết đến nước ta vào năm Bính Thân (996) có tỏ ý trách cứ việc này, Lê Hoàn liền nói: “Việc cướp bóc trấn Như Hồng là do bọn giặc ở cõi ngoài, chẳng hay Hoàng đế (chỉ vua Tống - NKT) có biết rằng đó chẳng phải là quân của Giao Châu hay không. Còn như nếu Giao Châu (chỉ nước ta - NKT) mà muốn làm phản, thì đầu tiên sẽ đánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt (cả hai đều ở phía Nam của Trung Quốc ngày nay - NKT), chớ đâu có chịu dừng lại ở trấn Như Hồng mà thôi!” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 1, tờ 22-b).

Vua Tống đã phải dồn căm giận lên đầu những viên bại tướng của nhà Tống. Vương Soạn bị giết chết ở Ung Châu, Tôn Toàn Hưng bị chém bêu đầu ở chợ, Lưu Trừng thì hoảng sợ rồi ốm mà chết.

Tên tuổi Lê Hoàn trong tâm tưởng của các cây đại bút

Với thắng lợi trọn vẹn của mình, Lê Hoàn đã có công giữ vững độc lập và chủ quyền của quốc gia. Tên tuổi của ông được đời đời ghi nhớ, sự nghiệp của ông (được trăm họ tri ơn. Các cây đại bút, cũng là những sử thần lỗi lạc thuở xưa đã trân trọng chép những lời tôn kính Lê Hoàn. Các tác giả của bộ Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua trừ được bọn gian thần trong nước rồi được tôn lên ngôi, đuổi giặc ngoài để yên dân, khiến cho quốc gia thanh bình, Bắc Nam vô sự” (Bản kỷ, quyển 1, tờ 13-a).

Bảng nhãn Lê Văn Hưu (1230 - 1322) viết:

“Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc rối tóm bọn (Quách) Quân Biện, (Triệu) Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai lũ nô lệ, chưa đầy vài năm mà đã định yên được bờ cõi, công đánh dẹp và thắng trận, cho dẫu là nhà Hán hay nhà Đường (tên hai triều đại lớn của Trung Quốc - NKT) cũng không thể hơn được” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 1, tờ 14 a-b).

Trong Lịch triều hiến chương loại chí (nhân vật chí), sử gia lỗi lạc thời Nguyễn là Phan Huy Chú (1782 - 1840) đã viết về Lê Hoàn như sau:

“Vua phá Tống, bình Chiêm, khiến cho cả Hoa Hạ và man di đều sợ hãi. Trung Quốc đã mấy lần sách phong khen ngợi Vua, khiến cho tiếng tăm của Vua trở nên lừng lẫy. Nói về việc trị nước thì Nhà vua luôn chăm lo đến những điều cần của dân, dốc lòng lo cho chính sự, trọng nông nghiệp, cẩn trọng nơi biên cương, quy định pháp chế tuyển dân làm lính, lại còn đổi chia các trấn… quả là rất cố gắng chăm chỉ”.

Năm 1981, giới sử học Việt Nam đã long trọng tổ chức hội thảo khoa học và lễ kỉ niệm 1.000 năm ngày Lê Hoàn đại phá quân Tống. Một lần nữa, tên tuổi của Lê Hoàn lại được kính cẩn đề cao, sự nghiệp của Lê Hoàn được hậu thế tưởng nhớ.