In bài này
Trịnh Khả (? - 1451)
Thứ Sáu, 25/09/2009 - 11:44 AM
Vung gươm ở Nhân Mục và Tam Giang: khiến Vương Thông muốn vỡ mật; / Tung hoành ở Lê Hoa và Lãnh Thủy: khiến Mộc Thạnh phải hoảng hồn” - Chế văn của vua Lê Thái Tổ dẫn lại trong Lịch triều Hiến chương loại chí (Nhân vật chí)

Vung gươm ở Nhân Mục và Tam Giang:
khiến Vương Thông muốn vỡ mật;
Tung hoành ở Lê Hoa và Lãnh Thủy:
khiến Mộc Thạnh phải hoảng hồn”.

Chế văn của vua Lê Thái Tổ dẫn lại trong Lịch triều Hiến chương loại chí (Nhân vật chí)

Trịnh Khả người làng Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh, nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Các tác giả của Sổ tay nhân vật lịch sử Việt Nam (H.: Giáo dục, 1990. Sai lầm của sách này có lẽ là do sao chép sai lầm của một trong số các bản chép tay bộ Đại Việt thông sử) nói là ông sinh năm 1403, nhưng, đối chiếu với hành trạng cuộc đời ông trong ghi chép của sử cũ, thì năm sinh này không đúng.

Lê Quý Đôn cho biết: “Tổ tiên ông (Trịnh Khả) từng làm quan thời Trần và từng lập công khi đánh giặc Nguyên. Cha (Trịnh Khả) là (Trịnh) Quyện, làm Chánh tổng. Ông có 4người con trai, (Trịnh) Khả là con út” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

Về thời trai trẻ của ông, sử cũ viết: “Năm lên 16 tuổi, một hôm, ông dắt trâu đi cày về ngồi nghỉ trước cổng một ngôi chùa trên núi. Khi ấy, có viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến, thấy vẻ mặt ông thì ưa, liền bắt về làm gia nô. Ít lâu sau, hắn xem tướng ông và nói rằng:

- Thằng bé này mình rồng, mắt hổ, khỏe hơn cả mọi lính tráng trong ba quân. Ngày sau thế nào hắn cũng sẽ được cầm cờ mao và tiết việt (ý nói làm tướng - NKT).

Thế rồi hắn nói tiếp:

- Ngày sau, kẻ đánh đuổi ta tất phải là mày, phải trừ ngay đi để khỏi lo về hậu họa.

Ông nghe thế thì sợ quá, qua bên kia sông Mã, ẩn trong nhà người cô ở xã Diên Phúc. Quân Minh đuổi theo bắt mà không được, liền bắt cha ông là (Trịnh) Quyện cốt để buộc ông trở lại, nhưng cũng không xong. Giặc liền quẳng cha ông xuống sông. Đến đêm khuya, ông lẻn về vớt xác cha đi chôn.

Vừa xót thương cha, vừa căm giận giặc, ông quyết chí báo thù. Nghe tin Thái Tổ (tức Lê Lợi - NKT) đang náu mình ở Lam Sơn, ngầm nuôi binh mã, ông liền vác gươm đến xin theo ngay” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí).

Đến với Lê Lợi, Trịnh Khả được tin dùng, dược phong làm Phó chỉ huy lực lượng quân Thiết Đột. Năm 1416, Trịnh Khả là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai (Lời dẫn kể trên, cộng với việc Trịnh Khả được tham dự Hội thề Lũng Nhai vào năm 1416, tỏ rõ Trịnh Khả không thể sinh vào năm 1403 được).

Trịnh Khả là một trong những thành viên đầu tiên của chỉ huy Lam Sơn. Trải hơn mười năm, Trịnh Khả luôn luôn là tướng trực tiếp cầm quân, chiến đấu một cách dũng cảm và mưu lược, lập được nhiều công lao xuất sắc. Sự nghiệp của Trịnh Khả có thể tóm lược qua mấy sự kiện lớn sau đây:

  • Dùng mưu lưu giặc, giành lại hài cốt của tổ tiên Lê Lợi. Đi sứ sang Ai Lao

Ngày 7/2/1418 (tức ngày mồng 2 tết Mậu Tuất), Lê Lợi long trọng tổ chức lễ tế cờ, tuyên bố bắt đầu cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đô hộ. Bảy ngày sau, ngày 14/ 2/1418 , từ thành Tây Đô, quân Minh do Đô đốc Chu Quảng cầm đầu đã mở cuộc tấn công đàn áp đầu tiên và có quy mô rất lớn vào Lam Sơn. Nghĩa quân Lam Sơn đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng, do lực lượng vừa yếu lại vừa thiếu kinh nghiệm trận mạc, nên không sao có thể chống cự nổi, đành phải rút lui về Mường Một. Giặc tức tối đuổi theo, Lê Lợi lại phải cho quân rút khỏi Mường Một và kéo về Lạc Thủy (tên một địa điểm ở thượng nguồn sông Chu, phía trên của Lam Sơn). Giặc lại hùng hổ kéo đến Lạc Thủy, hy vọng sẽ tiêu diệt toàn bộ lực lượng Lam Sơn tại đây. Nhưng, không may cho chúng, Lê Lợi đã bố trí một trận địa mai phục đề chờ. Quân Minh bị đánh cho tơi bời, bị giết khoảng ba ngàn tên và bị bắt sống chừng một ngàn tên nữa. Chúng buộc phải tháo chạy khỏi Lạc Thủy.

Bấy giờ, để trả thù và cũng là để uy hiếp lòng tin của nhân dân dối với Lê Lợi, theo sự chỉ dẫn của hai tên Việt gian là Đỗ Phú và Ái (chưa rõ họ, chỉ biết hắn cũng là người Thanh Hóa) , quân Minh liền kéo đến xứ Phật Hoàng, khai quật phần mộ của thân phụ Lê lợi, lấy cái tiểu đựng hài cốt mới cải táng đem đi. Chúng loan báo đi khắp nơi rằng, hài cốt của thân phụ Lê Lợi đã bị lấy rồi, ngôi huyệt đại phát của dòng họ Lê Lợi kể như không còn nữa, theo Lê Lợi thì chỉ đổ máu một cách vô ích mà thôi. Chúng đem tiểu đựng hài cốt của thân phụ Lê Lợi, để trên một chiếc thuyền ở giữa sông, canh gác thật cẩn thận và tuyên bố rằng, nếu Lê Lợi muốn nhận lại hài cốt của thân phụ thì phải ra hàng!

 “Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) sai hai người là Trịnh Khả và Lê Bị, tức Bùi Bị - NKT), đội cỏ (mà nghi trang), bơi dọc theo sông đến bến Dao Xá Thượng, rình lúc giặc ngủ say, leo lên thuyền lấy trộm cái tiểu (đựng hài cốt thân phụ Vua) đem về trình. Vua mừng rỡ, trọng thưởng cho cả hai người rồi rước cái tiểu ấy đem về xứ Phật Hoàng, táng lại như cũ” ( Lam Sơn thực lục, Quyển 1).

Mưu trả thù hèn mạt khòng thành, giặc liền quyết chí đánh vào Lam Sơn lần thứ hai. Trận đánh quá bất ngờ này của chúng đã khiến cho Lam Sơn tổn thất rất nặng nề. Vợ con và nhiều người trong gia thuộc của Lê Lợi bị giặc bắt. Không ít nghĩa sĩ Lam Sơn đã phải ngã xuống. Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đưa toàn bộ lực lượng lên núi Chí Linh. Đây là cuộc rút lui lên núi Chí Linh lần thứ nhất. Từ đây, những ngày khó khăn gian khổ nhất của Lam Sơn bắt đầu.

Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, sự giúp đỡ và chi viện là vô cùng cân thiết. Lê Lợi hy vọng rằng, nếu có người giỏi thuyết phục, Ai Lao nhất định sẽ ủng hộ Lam Sơn. Bấy giờ, trong Bộ chỉ huy Lam Sơn, Trịnh Khả là người vừa thông thạo tiếng nói lại vừa nắm vững đường đi lối lại sang Ai Lao, ông cũng là người có biệt tài ứng đối, do vậy, Lê Lợi quyết định cử ông làm sứ giả. Triều đình Ai Lao đồng ý giúp Lam Sơn một số quân và voi chiến, khí giới... cộng với năm tháng lương. Với thành công rất đáng kể trong chuyến đi sứ này, Trịnh Khả đã góp phần quan trọng vào việc hồi phục lực lượng của Lam Sơn.

  • Một trong những tướng lĩnh hoàn thành xuất sắc kế hoạch cầm quân đánh vào Nghệ An (1424)

Tháng 10 năm 1424, Lam Sơn cho quân ồ ạt tấn công vào Nghệ An. Trịnh Khả là một trong những tướng lĩnh có may mắn được cầm quân tham gia cuộc tấn công quan trọng này. Sử cũ cho hay, ông trực tiếp đánh nhau với giặc “đến mấy mươi trận lớn nhỏ” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện) và trận nào ông cũng là người “xung phong lên hãm giặc, lập công to” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện). Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đánh giá rất cao tài năng và cống hiến đa dạng của Trịnh Khả. Ông được phong tới hàm Thái giám (Lúc này, Thái giám không phải là hoạn quan).

  • Tham gia chỉ huy một trong ba đạo quân Lam Sơn tiến thẳng ra bắc (1426)

Tháng 9 năm 1426, một loạt tướng lĩnh Lam Sơn cùng với hơn 1 vạn nghĩa sĩ được lệnh hành quân ra Bắc, tiến sâu vào vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng để vừa tổ chức những cuộc tấn công khi xét thấy có thể, vừa tìm cách uy hiếp sào huyệt lớn nhất của kẻ thù lúc đó là thành Đông Quan.

Các tướng lĩnh và hơn 1 vạn nghĩa sĩ ấy được chia là ba đạo khác nhau (Về lực lượng và nhiệm vụ cụ thể của ba đạo quân, tham khảo thêm phần viết về Phạm Văn Xảo). Trịnh Khả có vinh dự được cùng các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện và Đỗ Bí, chỉ huy một trong số ba đạo quân đó. Đạo này có nhiệm vụ uy hiếp mặt Nam của thành Đông Quan, đồng thời, sẵn sàng chân đứng lực lượng viện binh của giấc rất có thể sẽ tràn từ Vân Nam (Trung Quốc) sang.

Tuy chỉ vỏn vẹn có hơn ba ngàn quân và một thớt voi, nhưng, đạo quân thứ nhất đạo do Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy đã lập được nhiều chiến công xuất sắc nhất. Chỉ trong vòng một tháng, đạo quân này đã táo bạo đánh và tháng ba trận lớn:

- Trận Ninh Kiều (nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội) diễn ra vào tháng 9/1426.

- Trận Nhâm Mục (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.) diễn ra vào tháng 10/1426.

- Trận Xa Lộc (nay thuộc làng Tu Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú. Xa Lộc còn có tên gọi khác là Đồng Rọc hay Ròng Rọc) diễn ra vào tháng 10/1426.

Trịnh Khả là tướng chỉ huy hai trong số ba trận nói trên là trận Ninh Kiều và trận Xa Lộc. Ở trận Ninh Kiều, nếu tướng Phạm Văn Xảo có công lừa giặc vào trận địa của ta, thì tướng Trịnh Khả cùng các tướng Lý Triện và Đỗ Bí đã có công chỉ huy phục binh, bất ngờ đánh cho Trần Trí một trận tơi bời. Giặc bị giết tại chỗ hơn hai ngàn tên và chủ tướng của chúng là Trần Trí thì phải hốt hoảng tháo chạy về Đông Quan. Ngay sau trận thắng lớn này, Ninh Kiều được nhanh chóng xây dựng thành một khu căn cứ rất lợi hại của Lam Sơn.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng thứ hai là sẵn sàng chặn đánh viện binh của giặc rất có thể sẽ tràn từ Vân Nam (Trung Quốc) sang, các tướng chỉ huy đạo quân thứ nhất liền chia quân làm hai bộ phận, đóng giữ ở hai địa điểm khác nhau. Bộ phận thức nhất vẫn đóng ở Ninh Kiều, do các tướng Lý Triện và Đỗ Bí cầm đầu. Bộ phận thứ hai tiến lên vùng Tam Giang (nay thuộc Phú Thọ), do Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ huy. Và Phạm Văn Xảo cùng với Trịnh Khả đã đánh thắng một trận lớn thứ hai ở Xa Lộc (Về diễn biến chung của trận Xa Lộc, tham khảo thêm phần viết về Phạm Văn Xảo). Đây là trận tiêu diệt viện binh giặc do tướng Vương An Lão cầm đầu. Giặc bị giết tại trận hơn một ngàn tên. Vương An Lão buộc phải chạy vào cố thủ trong thành Tam Giang.

  • Một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc của trận quyết chiến chiến lược Tốt Động-Chúc Động (1426)

Sau trận Xa Lộc, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ để lại một bộ phận nhỏ, làm nhiệm vụ tiếp tục bao vây và uy hiếp thành Tam Giang, còn phần lớn lực lượng thì nhanh chóng rút về Ninh Kiều để chuẩn bị ứng phó với tình thế mới. Quả đúng y như dự đoán, bấy giờ, Vương Thông đã được lệnh đem 5 vạn quân Minh sang cứu nguy. Tương quan lực lượng đôi bên nhanh chóng thay đổi theo chiều hướng rất bất lợi cho Lam Sơn. Bấy giờ, đạo quân thứ nhất tuy đã có thêm sự tiếp ứng của các tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí, nhưng, tất cả gộp lại vẫn còn quá nhỏ so với tổng số sĩ tốt của giặc. Trong điều kiện đó chỉ có khéo dùng mưu mới hy vọng giành được chiến thắng. Và cùng với các danh tướng như Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đỗ Bí, Đinh Lễ, Nguyễn Xí... Trịnh Khả đã góp phần quan trọng vào việc phá vỡ từng bước, để rồi cuối cùng là đập tan hoàn toàn mưu đồ của Vương Thông.

Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Tốt Động-Chúc Động (Về diễn biến chung của trận Tốt Động-Chúc Động, tham khảo thêm phần viết về Phạm Văn Xảo) là thắng lợi to lớn chung của các tướng lĩnh và nghĩa sĩ Lam Sơn, trong đó, phần đóng góp của Trịnh Khả là rất quan trọng. Sử cũ đánh giá về sự hợp đồng tác chiến của Trịnh Khả với các tướng trực tiếp tham gia trận đánh này như sau:

“Lúc bấy giờ, ông cùng (Phạm) Văn Xảo, (Lý) Triện, (Đỗ) Bí và (Đinh) Lễ... đều là danh tướng một thời, luôn đồng tâm hiệp lực, khi thì bí mật bất ngờ, khi thì công khai đối mặt, ứng biến thật không lường, thừa cơ thật đúng lúc. Tất cả, nhanh như cắt, mạnh như tên, hễ đánh là thắng” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

  • Đại phá Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa (1427)

Tháng 10 năm 1427, để cứu nguy cho Vương Thông đang bị vây hãm trong thành Đông Quan, triều đình nhà Minh liền sai Liễu Thăng và một loạt tướng lĩnh cao cấp đem 15 vạn quân tràn xuống nước ta. Bộ chỉ huy Lam Sơn đứng trước một thử thách lịch sử rất cam go, đó là, muốn bảo vệ thành quả mười năm chiến đấu gian nan của mình, muốn hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân, thì trước hết phải đập tan hoàn toàn lực lượng viện binh hùng hổ này của nhà Minh.

Bấy giờ, một bộ phận nhỏ của Lam Sơn được bố trí ở lại để tiếp tục bao vây, tiếp tục gọi hàng bọn giặc đang cố thủ trong thành Đông Quan, còn phần lớn lực lượng tinh nhuệ được huy động vào việc thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng. Một là tiêu điên cho bằng được cánh viện binh tiến vào nước ta qua ngả Chi Lăng (Lạng Sơn) bằng nhiều trận mai phục hiểm hóc khác nhau. Hai là đánh chặn để vô hiệu hóa ý đồ hợp đồng tác chiến của cánh viện binh giấc tiến vào nước ta qua ải Lê Hoa (Cao Bằng).

Cánh viện binh tiến vào nước ta qua cửa ải Lê Hoa tuy chỉ có 5 vạn, nhưng lại do viên lão tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc là Mộc Thạnh chỉ huy. Dưới trướng của Mộc Thạnh còn có nhiều tướng tài khác của nhà Minh. Trong bối cảnh phức tạp và khó khăn như vậy, Lam Sơn không thể điều đại binh lên ải Lê Hoa, nhưng, cũng không được phép để cho Mộc Thạnh có thể thực hiện được những mưu toan nguy hiểm. Nhiệm vụ ứng phó với Mộc Thạnh và 5 vạn quân Minh ở cửa ải Lê Hoa được Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy giao phó cho Trịnh Khả và Phạm Văn Xảo. Trước khi đem quân lên ải Lê Hoa, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả đã được Lê Lợi ân cần nhắc nhở rằng:

“Mộc Thạnh vốn là lão tướng, từng trải trận mạc, cũng từng biết rõ uy danh của quân ta, cho nên không thể khinh xuất, nhất định hắn sẽ chờ xem Liễu Thăng tiến thoái thế nào rồi mới động binh. Vì vậy ta cần phải nhanh chân đến giữ chỗ hiểm yếu mà không vội đánh nhau với chúng ngay làm gì (Đại Việt thông sử, Chư thần chuyện).

Sau khi Liễu Thăng bị giết, cánh quân tiến vào nước ta qua ngả Chi Lăng đang có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Lê Lợi liến sai quân đem cờ quạt, ấn tín... của Tổng binh Liễu Thăng lên ải Lê Hoa để uy hiếp tinh thần của Mộc Thạnh. Và Mộc Thạnh đã hoảng hốt cho quân tháo chạy về Trung Quốc. Nhân cơ hội này, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả đã tổ chức hai trận đánh lớn ở Đan Xá và ở Lãnh Câu (cũng tức là Lãnh Thủy).

Sử cũ mô tả rằng: “Ông (chỉ Trịnh Khả - NKT) cùng Phạm Văn Xảo thừa thế phá tan giặc ở Lãnh Câu và Đan Xá, chém hơn 1 vạn tên, bắt sống được hơn 1 vạn tên, còn ngựa và các thứ quân trang khí giới thì nhiều không kể xiết” (Đại Việt thông sử, Chư thần chuyện).

Lãnh Câu và Đan Xá là hai đòn cực mạnh cuối cùng, góp phần đánh gục hoàn toàn cuồng vọng của Vương Thông nói riêng và của triều đình nhà Minh đối với nước ta nói chung. Tháng 12 năm 1426, Vương Thông buộc phải cho quân rút khỏi nước ta.

Nhờ những công lao to lớn nói trên, năm 1428, khi Lê Lợi định công ban thưởng cho các quan, Trịnh Khả được ban hàm Kim Tử Vinh Lộc Đại phu, Tả Lân Hộ vệ Tướng quân, được ban túi Kim Ngư và Ngân Phù, chức Thượng Khinh Xa Kỵ Đô úy.

Năm 1429, nhà Lê dựng biển khắc ghi tên tuổi của các Khai quốc Công thần, Trịnh Khả cũng vinh dự có mặt trong đó. Cũng năm này, Trịnh Khả được phong tước Liệt Hầu, chức Đô Thái giám cai quản việc quân trong ngoài, đồng thời được kiêm giữ chức Trấn thủ Tuyên Quang. Ít lâu sau, ông được thăng làm Hành quân Tổng quản Xa chư Quân sự, Đồng Tổng quản, trực tiếp coi các đội quân Thiết Đột.

Những năm làm quan cho các vua đầu của triều Lê, Trình Khả cũng là người có nhiều công lao. Sử cũ trân trọng ghi nhận mấy cống hiến sau đây của Trịnh Khả:

  • Thừa lệnh Vua Lê Thái Tổ, đem quân sang giúp vua Ai Lao diệt trừ bọn nghịch thần để rồi trên cơ sở đó, xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu hảo đối với Ai Lao. Sang năm 1434, ông xin về nghỉ, nhưng triều đình không cho, bắt ông phải nhận chức Trấn thủ Lạng Sơn, lại kiêm giữ cả chức Đồng Tổng quản vệ Nam Sách. Năm 1437, khi Lê Sát bị bãi chức rồi bị bức tử, Trịnh Khả được gọi về triều, được thăng hàm Thiếu úy và được giao quyền nắm giữ lực lượng vũ trang thường trực của triều đình. Năm đầu đời vua Lê Nhân Tông (1442), ông được trao chức Nhập nội Tư mã. Sang năm 1443, ông được thăng tước Quận Thượng Hầu.
  • Cũng vào năm 1443, ông được cử làm tướng tiên phong cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Trong trận này, Trịnh Khả đã lập được công lớn, được ban hàm Nhập nội Thiếu úy, Kiểm hiệu Bình Chương Quân quốc Trọng sự, Thượng Trụ quốc và được thăng chức Quốc Thượng Hầu.

Sinh thời, Trịnh Khả là người nghiêm nghị và rất thẳng thắn. Sử cũ có chép hai mẩu chuyện khá độc đáo về ông, xin trích dịch như sau:

“Một hôm, ông vừa từ buổi chầu trở ra thì thấy có đám đông tụ tập ở trước cổng dinh công đường, trong số ấy, có người cầm cái lưới săn. Ông vội bảo họ phải cất đi ngay, không được để Vua trông thấy, vì như thế sẽ kích thích tính ham mê săn bắn của Vua sau này. Ông là người phòng xa cẩn thận như thế đấy” (Đại việt thông sử, Chư thần truyện). Lúc này, vì Vua Nhân Tông còn quá nhỏ tuổi (Nhà vua lên ngôi năm lên 2 tuổi), cho nên Trịnh Khả mới sợ như thế.

“Viên quan giữ chức Chủ bạ của Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo phép, chưa đến nỗi phải xử tử, nhưng vì hắn đã từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích, cho nên, ông ghét lắm, quyết khép vào tội phải chết mới thôi. Viên quan giữ chức Chuyển vận Phó sứ của huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ. Việc ấy bị phát giác. Các quan tả hữu xin tha, ông nói:

- Ăn trộm của một nhà còn không thể nào tha, huống chi là ăn trộm của một huyện.

(Nói xong), giao xuống cho các quan tra xét. Rốt cuộc, (viên Chuyển vận Phó sứ) bị xử tội phải chết. Các quan thời bấy giờ, không ai là không sợ.

Ông cứ theo ý mình mà làm hết chức phận. Trong khoảng vài năm, nước nhà được yên ổn” (Đại việt thông sử, Chư thần truyện).

Trịnh Khả là người trung thành, thanh liêm và tận tụy. Nhưng, cũng tương tự như không ít trung thần và lương tướng đương thời, Trịnh Khả chẳng khác gì cái gai trước mắt bọn tiểu nhân xu nịnh. Năm 1451, có kẻ gièm pha rằng ông và con trai ông là Trịnh Quát âm mưu kết bè kết đảng, vì thế bà Thái hậu (thân mẫu của Lê Nhân Tông) đã xử tử cả hai cha con ông. Bà Thái hậu này cũng chính là người đã kết tội tru di tam tộc đối với Nguyễn Trãi năm 1442. Hai năm sau, năm 1453, triều đình thương ông vô tội, liền minh oan cho ông và ban cho con cháu ông 100 mẫu ruộng hương hỏa. Trịnh Khả có tất cả 22 người con, gồm 13 con trai và 9 con gái. Trong số 13 người con trai này, sử cũ còn ghi lại được tên và chức tước của 10 người (Đại việt thông sử, Chư thần truyện). Cụ thể như sau:

  1. Trịnh Quế làm quan tới chức Đô Chỉ huy sứ. Ông bị giết hại cùng với cha năm 1451.
  2. Trịnh Lộ được phong tới tước Đoan Vũ Hầu.
  3. Trịnh Đán được phong tới tước Đinh Công Hầu.
  4. Trịnh Tá chức Đô Chỉ huy sứ, tước Thuần Mỹ Hầu.
  5. Trịnh Khản chức Tả Đô đốc, tước Đoan Quận Công.
  6. Trịnh Phú tước Tùng Lĩnh Hầu.
  7. Trịnh Ngô chức Hộ Bộ Thượng thư, tước Dương Đường Hầu.
  8. Trịnh Địch tước Diên Phúc Bá.
  9. Trịnh Diễn hàm Thái Bảo, tước Bảo Quốc Công.
  10. Trịnh Hữu hàm Thái Phó, tước Thọ Quận Công.