In bài này
Lưu Nhân Chú (? - 1433)
Thứ Tư, 23/09/2009 - 9:40 PM
“Cứu khốn phò suy: giành lại cơ đồ, chẳng sá cháo rau cơm hẩm; / Diệt trừ bạo loạn: rửa sạch đất trời, bao quản gươm vàng ngựa sắt” - Lời chế văn của vua Lê Thái Tổ dẫn lại trong Đại Việt thông sử,Chư thần truyện.

“Xét Lưu Nhân Chú:
Tài năng lớn như cây tùng cây bách,
Đức độ sáng như ngọc dư, ngọc phan.
Thương nước nhà trong cơn hoạn nạn
Vì nghiệp vua không nỡ ẩn thân.
Chốn Linh Sơn đói khổ mấy tuần, ngươi toàn tâm chu tất.
Xứ Ai Lao vất vả muôn phần, tấm thân người chẳng tiếc.
Cứu khốn phò suy: giành lại cơ đồ, chẳng sá cháo rau cơm hẩm;
Diệt trừ bạo loạn: rửa sạch đất trời, bao quản gươm vàng ngựa sắt”

Lời chế văn của vua Lê Thái Tổ dẫn lại trong Đại Việt thông sử, Chư thần truyện.

Lưu Nhân Chú (Chữ Chú còn có âm khác là Thụ nên nhiều người đọc là Lưu Nhân Thụ.  Lại cũng vì ông được ban quốc tính là họ Lê, nên cũng nhiều người đọc họ tên ông là Lê Nhân Thụ) người xã An Thuận Thượng, huyện Đại Từ, nay là xã Vân Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái. Hiện vẫn chưa ai rõ, Lưu Nhân Chú sinh vào năm nào. Lý lịch xuất thân của Lưu Nhân Chú chỉ được sử cũ ghi chép rất vắn tắt.

Đại để, tuổi trẻ của ông rất nghèo khó. Ông phải buôn bán lặt vặt để kiếm sống (Đại Việt thông sử , Chư thần truyện). Gia phả nhà họ Lưu cho biết thêm vài chi tiết nữa, theo đó thì họ Lưu đã ba đời nối nhau làm quan ở Thái Nguyên, từng được nhà Trần phong tới tước Hầu. Khi Lê Lợi chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung đã hăng hái đến hưởng ứng (Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn. Khởi nghĩa Lam Sơn.-H.: KHXH, 1977.-Tr.142).

Năm 1416, Lưu Nhân Chú là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai, là thành viên đầu tiên của Bộ chỉ huy Lam Sơn, chức vụ cụ thể lúc bấy giờ là Phó Chỉ huy Vệ kỵ binh trong đội quân Thiết Đột. Lưu Nhân Chú đã liên tục có nhiều cống hiến lớn cho nghĩa quân Lam Sơn nói riêng và cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân ở đầu thế kỷ XV nói chung. Tên tuổi của ông gắn liền với mấy sự kiện lớn sau đây:

  • Tham gia chỉ huy trận Khả Lưu - Bồ Ải (1424)

Tháng 10 năm 1424, Lam Sơn đã táo bạo đánh vào Nghệ An để “tìm đất đứng chân” (Về diễn biến chung của cuộc tấn công vào Nghệ An, tham khảo thêm phần viết về Nguyễn Chích). Cuộc tấn công này đã khiến cho quân Minh rất bối rối. Tướng giặc là bọn Trần Trí và Phương Chính đã lập tức cho quân đuổi theo. Chúng dự kiến sẽ bất ngờ đánh vào Trà Lân, tiêu diệt bộ phận quan trọng nhất của lực lượng Lam Sơn tại đây. Nhưng mưu toan đánh bất ngờ của chúng đã sụp đổ, bởi trước đó Lê lợi đã cho các tướng đem quân tới chiếm lĩnh Khả Lưu là “vùng đất hiểm”, nằm án ngữ ngay dọc đường tiến vào Trà Lân.

Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã khôn khéo tổ chức thành công hai trận mai phục liền (Tham khảo thêm phần viết về Lê Sát, Lê Ngân, Đinh Lễ, Lê Văn An...). Trận thứ nhất khiến cho Trần Trí và Phương Chính phải vội vã lui quân, để lại đến “hàng vạn xác chết” (Lam Sơn thực lục, Quyển 1). Trận thứ hai, Trần Trí và Phương Chính đại bại, phải bỏ chạy về tận Tây Đô Trận này, “Ta chém được nhiều không kể xiết, chiến thuyền của chúng ngổn ngang, xác chết nghẽn cả nước, khí giới vất như núi, như gò. Trong trận này, ta bắt sống được tướng giặc là Chu Kiệt và giết được tướng giặc là Hoàng Thành, bắt sống được hơn một vạn quân Minh” (Lam Sơn thực lục, Quyển 1). Chỉ huy quân Lam Sơn trong cả hai trận mai phục này là 11 vị tướng, trong số đó, có Lưu Nhân Chú. 

Lê Quý Đôn đánh giá về công lao của Lưu Nhân Chú trong trận Khả Lưu-Bồ Ải như sau:

“Năm Giáp Thìn (tức năm 1424 - NKT), trong trận đánh ở Khả Lưu, công hăng hái xông lên phía trước để hãm trận giặc, góp phần thu toàn thắng, tên ông nổi bật lên cả một thời” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).). 

  • Cùng cầm quân vây hãm thành Tây Đô (1425)

Mùa hè năm 1425, sau khi đã giải phóng vùng đồng bằng Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa, Lam Sơn liền cử một loạt tướng lĩnh cầm quân tiến ra giải phóng vùng đồng bằng Thanh Hóa. Hai vị tướng đi tiên phong trong trận tấn công này là Lê Sát và Đinh Lễ. Hai vị tướng này đem quân đi đánh Diễn Châu và sau khi thắng lớn ở Diễn Châu, họ liền cho quân tiến thẳng ra Thanh Hóa. Nghe tin này, Lê Lợi và Bộ chủ huy Lam Sơn liền cử tiếp các tướng Lý Triện, Lưu Nhân Chú và Bùi Bị đem 2000 quân tinh nhuệ cùng ba thớt voi, theo đường tắt tiến gấp ra Thanh Hóa để tiếp ứng.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nghĩa quân Lam Sơn đã giải phóng toàn bộ vùng đồng bằng Thanh Hóa rộng lớn và buộc lực lượng quân Minh ở đây phải rút vào cố thử trong thành Tây Đô. Bấy giờ, chỉ huy quân Minh ở Thanh Hóa là các tướng Đả Trung, La Thông và viên ngụy quan tay sai Lương Nhữ Hốt. Thành Tây Đô là một trong số những thành lớn và kiên cố lúc bấy giờ. Thành có hai lớp, lớp ngoài gọi là thành ngoài, chu vi 18 km, đắp bằng đất; lớp trong gọi là thành nội, chu vi khoảng 3 km, xây bằng đá tảng cỡ lớn, rất chắc chắn. Thành được xây theo lối nội thành, ngoại hào (một lớp hào sâu rồi đến một lớp thành cao). Sau khi cùng các tướng nói trên ồ ạt tấn công và giải phóng được vùng đồng bằng Thanh Hóa, Lưu Nhân Chú ngày đêm cho quân vây hãm ráo riết đối với thành Tây Đô.

Cuộc vây hãm này đã làm cho thành Tây Đô gần như hoàn toàn bi cô lập và càng ngày càng trở nên khốn quẫn. Những cuộc tập kích liều lĩnh của quân Minh hòng phá thế bị bao vây đều bị Lưu Nhân Chú và các tướng của Lam Sơn đập tan. Nhờ những công lao này, cuối năm 1425, Lưu Nhân Chú được phong tới tước Hầu.

  • Tung hoành ở khu vực hạ lưu sông Hồng (1426)

Sau khi cầm quân tham gia các trận đánh giải phóng Thanh Hóa và vây hãm thành Tây Đô, Lưu Nhân Chú lại được Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy giao thêm nhiệm vụ mới là cùng với các tướng như Bùi Bị, Lê Trương và Lê Ninh, chỉ huy một trong ba đạo quân của Lam Sơn, tấn công ra vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng để hoạt động và tìm cách uy hiếp thành Đông Quan bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Theo kế hoạch ban đầu của Bình Định Vương Lê Lợi thì đây chính là đạo quân thứ hai (Về các đạo quân của Lam Sơn tấn công ra Bắc, tham khảo thêm phần viết về Phạm Văn Xả). Đạo quân này lúc đầu chỉ có hơn 2000 quân và một thớt voi, nhưng về sau, Lê Lợi còn phái thêm hơn 2000 quân và một thớt voi nữa, giao cho các tướng Lê Bồi và Lê Vị Canh chỉ huy, gấp rút tiến ra để tiếp ứng. Nhờ vậy, đạo quân thứ hai chính là đạo có lực lượng hùng hậu nhất. Đạo này có hai nhiệm vụ quan trọng. Một là ráo riết hoạt động ở vùng hạ lưu sông Hồng và tham gia uy hiếp thành Đông Quan như đã nói ở trên. Hai là sẵn sàng chặn đánh bọn giặc rất có thể sẽ bỏ các thành Nghệ An, Diễn Châu và Tây Đô để chạy ra Bắc.

Sự có mặt của Lưu Nhân Chú và các tướng Lam Sơn cùng với hơn 4000 quân sĩ đã khiến cho giặc Minh thực sự bối rối. Chúng ứng phó một cách lúng túng và kém hiệu quả. Đấy chính là cơ hội thuận tiện để đạo quân thứ nhất có thể tổ chức thành công những trận đánh lớn, buộc viên tướng đi cứu viện của giặc là Vương Thông phải rút hết lực lượng về cố thủ trong thành Đông Quan.

Tương quan thế và lực giữa đôi bên thay đổi nhanh chóng theo xu hướng ngày càng có lợi cho Lam Sơn. Nhờ công lao này, tháng 3 năm 1427, Lưu Nhân Chú được phong là Hành quân Đô đốc Tổng quản, Nhập nội Đại Tư mã, quản lĩnh cả bốn vệ là Tiền, Hậu, Tả và Hữu. Ba tháng sau, ông lại được thăng là Tư không.

Sử cũ chép rằng: “Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) dặn ông rằng: Chức tước đã cao thì sớm hôm phải chăm chỉ, không nên trễ nãi, biếng nhác, khiến uổng phí cả công lao. Nói rồi, liền ban cho ông một cái tán” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

  • Tướng lập công xuất sắc trong trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng-Xương Giang (1427)

Gần cuối năm 1427, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quân Minh và mục tiêu quan trọng nhất là đạo viện binh hùng hậu do Liễu Thăng cầm đầu tiến vào nước ta qua ngả Chi Lăng (Lạng Sơn).

Tướng Lưu Nhân Chú được lệnh cùng với một số tướng lĩnh khác đem 1 vạn tinh binh và năm thớt voi chiến lên ải Chi Lăng. Tại đây, nhờ khéo kết hợp với lực lượng của Trần Lựu, Lưu Nhân Chú và các tướng đã dồn Liễu Thăng vào ổ mai phục ở núi Mã Yên và giết chết viên chủ tướng hung hăng này cùng với khoảng 1 vạn quân lính của hắn. Sự kiện này diễn ra vào ngày 10/10/1427.

Tuy bị tổn thất rất nặng nề, nhưng ỷ có quân số còn rất đông, các tướng cao cấp và dày dạn kinh nghiệm trận mạc của nhà Minh quyết định tiếp tục hành quân và tiếp tục thực hiện kế hoạch đi cứu nguy cho Vương Thông. Viên Phó Tổng binh Bảo Định Bá Lương Minh, thay thế cho Liễu Thăng, chỉ huy lực lượng quân Minh còn lại.

Ngày 15/10/1427, ngót 9 vạn quân Minh đã lọt vào ổ mai phục thứ hai của Lam Sơn tại Cần Trạm (Lạng Sơn). Bấy giờ, Lưu Nhân Chú là một trong các tướng chỉ huy trận đánh thứ hai này. Các tướng Nguyễn Lý và Lê Văn An cũng được lệnh đem 3 vạn quân lên tiếp ứng. Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, Lam Sơn đã tiêu diệt gần 2 vạn quân Minh. Tướng cao cấp nhất của giặc là Lương Minh vừa mới lên nắm quyền đã bị chém đầu.

Sau trận thắng này, Lưu Nhân Chú cùng với các tướng lĩnh khác gấp rút kéo quân về Xương Giang để kịp thời chuẩn bị cho cuộc tập kích mới. Cũng sau trận thua đau ở Cần Trạm, về phía giặc, Đô đốc Thôi Tụ cùng Binh bộ Thượng thư Lý Khánh và Công bộ Thượng thư Hoàng Phúc lên nắm quyền chỉ huy. Chúng vội vã hành quân với hy vọng đến Xương Giang sẽ bám vào thành mà tính kế sách mới. Nhưng, khi chúng đến nơi thì thành Xương Giang đã bị san bằng trước đó 10 ngày. Thôi Tụ buộc phải cho quân hạ trại ở ngay giữa cánh đồng Xương Giang.

Khi đến Xương Giang, bộ chỉ huy cao cấp của giặc chỉ còn có Đô đốc Thôi Tụ và Công bộ Thượng thư Hoàng Phúc mà thôi. Trước đó, vào ngày 15/10/1427, Binh bộ Thượng thư Lý Khánh, vì hoảng sợ, đã thắt cổ tự tử ở Phố Cát (Lạng Sơn). Lực lượng quân Minh ở Xương Giang lúc bấy giờ chỉ còn khoảng 7 vạn. Chúng bị quân Lam Sơn bao vây khắp cả bốn mặt và liên tiếp gửi thư dụ hàng. 

Ngày 3/11/1427, cuộc tập kích có quy mô lớn chưa từng thấy của Lam Sơn vào Xương Giang bắt đầu. Lưu Nhân Chú có vinh dự được tham gia chỉ huy cuộc tập kích đó. Minh sử chép rằng:

“Giặc (chỉ quân ta - NKT) cho voi chiến xông bừa vào rồi cùng nhau hô to rằng ai hàng thì sống, ai chống thì chết. Thế trận quân ta (chỉ quân Minh - NKT) rối loạn, bị giết hoặc bị đuổi chạy dài. Toàn quân tan vỡ cả” (Minh sử, Quyển 154).

Tất cả tướng lĩnh chỉ huy của quân Minh tại đây, từ Đô đốc Thôi Tụ và Thượng thư Hoàng Phúc trở xuống, đều bị bắt sống hoặc bị giết. Toàn bộ quân Minh bị giết và bị bắt sống, chỉ một tên duy nhất sống sót và chạy về được Trung Quốc mà thôi (Về kẻ chạy thoát này, Hoàng Minh thực lục ghi là Chủ sự Phan Hậu, nhưng Minh triều Bản kỷ sự (Quyển 22) thì ghi là Phan Nguyên Đại. Rất có thế là Phan Hậu và Phan Nguyên Đại cung chỉ là một người mà thôi). 

Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng-Xương Giang là thắng lợi chung của Bộ chỉ huy và toàn thể nghĩa sĩ Lam Sơn, nhưng trong đó, đóng góp của Lưu Nhân Chú là rất đáng kể.  Ông là một trong số không nhiều các tướng của Lam Sơn đã có vinh dự tham gia chỉ huy hầu như tất cả các cuộc tập kích suốt từ Chi Lăng đến Xương Giang và trận nào ông cũng đều lập công xuất sắc.

  • Làm con tin giữa sào huyệt giặc (1427)

Sau trận đại thắng ở Chi Lăng-Xương Giang, tư thế của Lam Sơn là tư thế hiên ngang ở trên đầu thù. Với tư thế đó, Lam Sơn hoàn toàn có thể tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Vương Thông đang cố thủ trong thành Đông Quan bằng một trận đánh chớp nhoáng. Nhưng Lam Sơn đã không làm như vậy. Trước sau như một, Lê Lợi Nguyễn Trãi và đa số các tướng lĩnh trong Bộ chỉ huy Lam Sơn vẫn kiên trì thực hiện chủ trương “thương lượng” nhằm buộc quân Minh phải rút khỏi nước ta. Nói theo cách nói của Nguyễn Trãi là:

“Chỉ cần vẹn đất,
cốt sao an ninh”

 (Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn Phú)

Để thuyết phục kẻ thù, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã đồng ý trao đổi con tin với Vương Thông. Giặc cho hai viên tướng khét tiếng của chúng là Sơn Thọ và Mã Kỳ sang đại bản doanh của Lê Lợi để làm con tin. Ngược lại, Lê Lợi cũng cho tướng Lưu Nhân Chú cùng với con trai của Lê Lợi là Tư Tề (lúc này đang ở hàm Đại Tư đồ) vào Đông Quan để làm con tin. Vào Đông Quan tức là vào tận sào huyệt nguy hiểm nhất, giáp mặt với những viên tướng tàn bạo và xảo quyệt nhất của kẻ thù. Vào Đông Quan, ngoài dũng khí của một vị tướng trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc, điều mới mẻ mà Lưu Nhân Chú phải có là bản lĩnh và năng lực ứng đói với kẻ thù. Lúc này, một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn tới những tác hại khó lường trước được. Và một lần nữa, Lưu Nhân chú hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vì những công lao nói trên, năm 1428, Lưu Nhân Chú được phong là Suy Trung Tán Tri, Hiệp mưu Dương Vũ Công thần, Nhập nội Kiểm hiệu, Bình Chương Quân Quốc Trọng sự. Tháng 5 năm 1429, triều Lê dựng biển khắc tên 93 vị Khai quốc Công thần, tên của Lưu Nhân Chú đứng ở hàng thứ năm. Và đến năm 1431, ông được phong là Nhập nội Tư khấu.

Thời đánh Nam dẹp Bắc, xông pha trận mạc trăm trận có thừa, binh hùng tướng mạnh của giặc chẳng thể làm cho Lưu Nhân Chú ngã gục, nhưng, thời thái bình thịnh trị chỉ vì bị bạn đồng liêu, cũng là người từng vào sinh ra tử với mình là Lê Sát ghen ghét, Lưu Nhân Chú đành phải tức tưởi mà chết.

Sử cũ chép: “Năm thứ sáu (tức năm Thuận Thiên thứ sáu, 1433 - NKT), vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi - NKT) mất, (vua Lê) Thái Tông còn nhỏ, quan Đại Tư đồ Lê Sát ghen ghét ông, ngầm bỏ thuốc độc để giết hại ông”.

Năm Hồng Đức thứ 15 (tức là năm 1484), vua Lê Thánh Tông truy tặng Lưu Nhân Chú hàm Thái Phó, tước Vinh Quốc Công.