In bài này
Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai (1075-1077)
Thứ Hai, 14/09/2009 - 3:41 PM
“Ngồi yên đợi giặc không bằng trước hãy đem quân ra phá thế mạnh của giặc”.

Lý Thường Kiệt (1075)

 
Cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI, triều Tiền Lê suy thoái. Sau khi vua Lê Long Đĩnh, một người hung tàn, bạo ngược chết, triều đình đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra triều Lý (năm 1009).

Dưới triều Lý, đất nước ta có một bước phát triển vượt bậc. Kinh tế phát triển mạnh, quốc phòng được tăng cường, đặc biệt quân đội đời Lý đã đạt đến trình độ tổ chức, huấn luyện và trang bị khá cao. Chính sách “ngụ binh ư nông” được thực hiện bắt đầu từ thời kỳ này. Quốc gia thống nhất được củng cố; quan hệ với các nước trong khu vực mở rộng và được các nước nể trọng. Thế, lực nước ta lúc đó đang vững mạnh.

Nhà Tống là quốc gia lớn mạnh nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Phía Bắc và Tây Bắc bị các nước Liêu, Hạ uy hiếp. Trong nước thì mâu thuẫn giai cấp gay gắt, các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng lên. Triều đình chia bè chia cánh tranh giành quyền lực. Tống Thần Tông và Tể tướng Vương An Thạch chủ trương xâm lược nước ta, vừa thỏa mộng bành trướng từ lâu, vừa nhằm hướng mâu thuẫn ra bên ngoài và nếu thắng, với oai thắng trận đó, vừa giải quyết được mâu thuẫn nội bộ, vừa chế áp được các nước Liêu, Hạ. Với ý nghĩa chiến lược như vậy nên nhà Tống chuẩn bị cho cuộc xâm lược khá cẩn thận. Ở gần biên giới phía Bắc nước ta, chúng chuẩn bị những căn cứ xâm lược ở các thành trì lớn như Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu, lấy đây làm nơi xuất phát và dự trữ hậu cần trong chiến tranh. Ở phía Nam, chúng còn xúi giục Chiêm Thành quấy phá biên giới, âm mưu đánh nước ta từ hai phía Bắc, Nam.

Đánh nước ta, nhà Tống tuy lực có mạnh nhưng thế không mạnh. Triều đình nhà Lý, đặc biệt là Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt đã theo dõi và nắm tình hình chặt chẽ. Sự chuẩn bị kháng chiến cũng rất chủ động. Nhà Lý vừa lo ổn định vững chắc tình hình trong nước, tăng cường khả năng quốc phòng, vừa loại trừ mối hiểm họa từ phía Nam.

Năm 1069, Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt đem quân vào Nam đánh tan quân Chiêm Thành, tiến vào kinh đô bắt quốc vương Chiêm phải cắt đất ba châu (Quảng Bình, Bắc Quảng Trị) cho nhà Lý. Sau đó Lý Thường Kiệt cho vẽ bản đồ, khẳng định biên giới, bố trí lực lượng biên phòng rồi rút về nước. Biên giới phía Nam được bảo vệ vững vàng.

Sang những năm 1070, hoạt động chuẩn bị xâm lược càng được đẩy mạnh. Quân Tống thường xuyên xâm nhập biên giới quấy nhiễu và do thám. Thời điểm nổ ra chiến tranh đã gần kề. Lý Thường Kiệt nói: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của chúng”. Ông chủ trương tiến công để tự vệ, xuất quân tập kích tiêu diệt các căn cứ xâm lược trên đất Tống rồi nhanh chóng rút quân về tổ chức phòng thủ đất nước.

Ngày 27/10/1075, hơn 10 vạn quân Đại Việt chia làm hai đạo nhanh chóng bất ngờ vượt biên giới đánh vào đất Tống. Một đạo quân gồm binh lính địa phương vùng biên giới phía bắc do các tướng lĩnh người dân tộc thiểu số: Tôn Đản, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Thân Cảnh Phúc, Vi Thủ An chỉ huy tiến công diệt các đồn trại quân Tống ở biên giới rồi tiến về Ung Châu.

Đạo quân chủ lực do Lý Thường Kiệt chỉ huy tập trung ở Vĩnh An (Móng Cái, Quảng Ninh) dùng thuyền vượt biển đánh chiếm Khâm Châu, Liêm Châu tiến đến hợp quân với đạo quân đi đường bộ vây đánh thành Ung Châu. Trên đường tiến quân, Lý Thường Kiệt cho quân phát các bản Lộ bố nói rõ mục đích của quân ta là đánh bọn thống trị tàn ác, giải phóng dân khỏi cực khổ, lầm than nên không những không bị dân Tống chống lại mà còn được hoan nghênh ủng hộ. Đến lúc này triều Tống mới được tin báo, vội cho 1 vạn quân xuống ứng cứu nhưng đến cửa ải Côn Lôn (phía bắc Ung Châu) đã bị quân Đại Việt do Lý Thường Kiệt mai phục sẵn ở đây tiêu diệt.

Sau 42 ngày vây hãm, chiến đấu gan dạ, mưu trí, ngày 1/3/1076, quân ta đã chiếm được Ung Châu, căn cứ chính rất kiên cố của quân Tống. Quân ta đã đốt phá kho tàng, phá hủy thành lũy, lấy đá lấp sông để ngăn chặn đường thủy của địch. Mục tiêu cuộc tiến công đã hoàn thành thắng lợi. Trong khi triều Tống đang lúng túng chứ kịp phản ứng thì tháng 4/1076, quân ta đã chủ động nhanh chóng rút quân về nước.

Cuộc tập kích chiến lược này thể hiện tư tưởng “tiên phát chế nhân”, lấy tiến công để tự vệ của Lý Thường Kiệt. Đây là cuộc tập kích chiến lược đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử chống xâm lược phương Bắc. Cuộc tập kích đã kích thích sĩ khí quân dân ta, chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến. Trái lại, lực lượng xâm lược Tống đã bị tiêu hao suy yếu một phần do thất trận, mâu thuẫn nội bộ bị khoét sâu, do đó mất thế chủ động trong chiến tranh.

Sau khi rút quân về nước, Lý Thường Kiệt dàn thế trận kháng chiến. Qua cuộc tập kích sang đất Tống và các tin tức do thám, Lý Thường Kiệt biết chắc quân xâm lược sẽ vào theo hướng Bắc và Đông Bắc rồi tiến đến mục tiêu chính là chiếm kinh thành Thăng Long.

Trên những con đường tiến quân của địch, ông bố trí các lực lượng quân địa phương cùng dân binh làm nhiệm vụ kiềm chế và tiêu hao địch. Tại bờ Nam sông Như Nguyệt (đoạn sông Cầu từ ngã ba sông Cà Lồ và sông Cầu, thuộc làng Như Nguyệt, xã Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh) đến Phả Lại (Chí Linh, Hải Dương), ông cho xây một phòng tuyến vững chắc, chặn đứng mọi đường tiến quân của địch xuống Thăng Long. Phía trước là dòng sông rộng, ven bờ có nhiều tầng cọc tre, rào tre tạo thành bãi chướng ngại, quân thủy quân bộ đều khó vượt qua; bên bờ dựng lũy đất cao có binh lính với vũ khí trang bị đánh quân đổ bộ túc trực ngày đêm. Trên hướng đường thủy Đông Bắc, một đạo thủy quân trấn giữ vùng duyên hải để ngăn chặn thủy binh địch, còn đại bộ phần thủy binh đóng ở Vạn Xuân (Phả Lại) cơ động đánh địch trên các hướng. Đại quân do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy đóng phía sau chiến lũy, vùng Từ Sơn (Bắc Ninh) chỉ huy, tiếp ứng và công, thủ trên cả hai hướng thủy, bộ.

Cuối năm 1076, Tống Thần Tông và Tể tướng Vương An Thạch hạ lệnh điều 30 vạn bộ binh và kỵ binh, trong đó có 1 vạn kỵ binh và một đạo thủy quân do Quách Quỳ làm chánh tướng và Triệu Tiết làm phó tướng xuất quân đánh nước ta. Với lực lượng mạnh, các mũi tấn công tập trung nên quân Tống đã vượt qua các lực lượng đánh ngăn chặn của quân ta ở vùng biên giới, nhanh chóng tiến đến bờ Bắc như sông Như Nguyệt. Bị phòng tuyến Như Nguyệt chặn lại, quân Tống rải quân đóng trên trận tuyến dài 30 km từ bến đò Như Nguyệt đến chân núi Nham Biền (Việt Yên, Bắc Giang).

Lợi dụng quân đông với chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, đầu năm 1077, Quách Quỳ cho bắc cầu phao tổ chức vượt sông đột phá phòng tuyến quân ta ở bến đò Như Nguyệt nhưng bị đánh bại.

Quách Quỳ chờ thủy quân đến có phương tiện vượt sông và phối hợp thủy bộ tiến công nhưng đạo thủy quân Tống đến bờ biển Quảng Ninh đã bị thủy quân ta do tướng Lý Kế Nguyên đánh cho tan tác, số tàn quân phải nằm lại ngoài đảo. Chờ thủy quân không được, Quách Quỳ ra lệnh đóng bè chở quân đổ bộ sang bờ Nam sông Như Nguyệt nhưng phương tiện vượt sông có hạn, quân sang lại khó vượt qua bãi chướng ngại, bị quân ta từ trên lũy cao đánh xuống, số quân Tống vượt sông bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn. Cuộc tiến công lần thứ hai bị thất bại thảm hại.

Muốn đánh cũng không được, Quách Quỳ phải ra lệnh: “Ai bàn đánh sẽ bị chém” nhưng đóng lại cũng không xong, bị quân ta tiến công, tập kích, phục kích, cắt đường vận chuyển, lương thực thiếu thốn, doanh trại tạm bợ, thủy thổ không hợp, bệnh dịch hoành hành, quân Tống ở vào tình thế lúng túng, bị động, chỉ lo cố thủ.

Tháng 2/1077, Lý Thường Kiệt chủ trương phản công chiến lược. Thủy quân ta vượt sông đánh mạnh vào trận địa ở Nham Biền, vừa tiêu diệt một bộ phận quân địch vừa nghi binh thu hút địch chú ý vào hướng này, sau đó rút lui. Đồng thời, đại quân ta do Lý Thường Kiệt chỉ huy vượt sông bất ngờ đánh vào cánh quân Triệu Tiết, tiêu diệt quá nửa số quân Tống ở đây ước tính vài vạn tên.

Sau trận này, quân Tống lâm vào tình trạng quẫn bách, quân tướng đều mệt mỏi, tinh thần sa sút. Nắm tình hình đó, Lý Thường Kiệt chủ trương kết thúc chiến tranh để “không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu”. Ông chủ động điều đình mở lối thoát cho địch. Cuộc thương lượng “giảng hòa” để quân Tống rút về nước nhanh chóng được hai bên thỏa thuận.

Tháng 3/1077, quân Tống rút chạy về nước trong cảnh hỗn loạn. Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai thắng lợi hoàn toàn. Trong cuộc chiến tranh xâm lược, nhà Tống tiêu tốn 5.190.000 lạng vàng. Quân chiến đấu 10 vạn khi trở về chỉ còn 23.400 người, 1 vạn ngựa chỉ còn 3.174 con. Kể cả thiệt hại trong trận tập kích chiến lược của ta thì số binh lính và dân phu bị tiêu diệt lên đến  30 vạn, ý chí xâm lược của nhà Tống tiêu tan, 200 năm sau nhà Tống còn tồn tại nhưng không dám nói đến việc xâm lược nước ta một lần nào nữa.

Cuộc kháng chiến chống Tống đời Lý có vị trí đặc biệt trong lịch sử chiến tranh chống giặc ngoại xâm cũng như lịch sử phát triển của dân tộc ta. Dựa vào sự đánh giá đúng đắn tương quan thế và lực giữa ta với địch, tạo thời cơ chủ động sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh kết hợp với tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh tự vệ, lòng nhân ái khoan dung của dân tộc ta thể hiện rõ rệt trong giải quyết giữa đánh và đàm. Đánh cho quân địch thiệt hại nặng, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng thì chủ động thương lượng đuổi quân địch khỏi đất nước ta, kết thúc chiến tranh, khôi phục nền độc lập. Truyền thống vừa đánh vừa đàm trong chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta bắt đầu từ đây.

Cuộc kháng chiến chống Tống đời Lý còn có bước phát triển mới về ý chí độc lập tự chủ, quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của dân tộc ta qua bài thơ bất hủ như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, tương truyền của Lý Thường Kiệt:


Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phậm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Được dịch là:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

  • Nguồn: Từ điển bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân.-H.: Chính trị Quốc gia, 2002.