In bài này
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43)
Thứ Hai, 14/09/2009 - 3:27 PM
"Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng. Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này".


Lời thề của Bà Trưng Trắc (Thiên Nam ngữ lục)

Nhà Hán thực hiện chính sách thống trị trên đất Âu Lạc hết sức hà khắc, vừa bốc lột thậm tệ, vừa đồng hóa nham hiểm. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta vẫn tiếp tục với khí thế cao hơn. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là tiêu biểu cho phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn này.


Đền thờ Hai Bà Trưng - Mê Linh, Hà Nội

Trưng TrắcTrưng Nhị là hai chị em ruột con gái Lạc tướng dòng dõi vua Hùng. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng phát động cuộc khởi nghĩa dưới khẩu hiệu “đền nợ nước, trả thù nhà”.


Hai Bà Trưng - tranh dân gian Đông Hồ

Cuộc khởi nghĩa lúc đầu là khởi nghĩa địa phương ở huyện Mê Linh (Sơn Tây, Vĩnh Phúc), được nhân dân khắp các địa phương nhất tề nổi dậy hưởng ứng. Chính quyền đô hộ nhà Hán tan rã. Thái thú Tô Định trốn chạy về Trung Quốc.

Toàn bộ đất nước gồm 65 huyện thành (Bắc bộ và Bắc Trung Bộ) được giải phóng. Trưng Trắc được suy tôn làm vua gọi là Trưng Vương.

Đây là vị vua phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước ta, trong hàng ngũ tướng lĩnh nghĩa quân có nhiều người là phụ nữ.

Tháng 4-42, nhà Hán cử Mã Viện đem hai vạn quân sang xâm lược nước ta.

Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân khởi nghĩa tan vỡ, Hai Bà Trưng hy sinh, cuộc kháng chiến thất bại (tháng 5-43).

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tiêu biểu cho ý chí bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc ta, tô thắm truyền thống anh hùng “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam.

 

Lạc Hùng Chính Thống - Bức hoành phi ở bàn thờ Hai Bà,
Đền Hai Bà Trưng (Đền Hát Môn), Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội (Kimmai PhotoArtshop)

 

Nữ Trung Hào Kiệt - Bức hoành phi ở bàn thờ các nữ tướng của Hai Bà -
Đền Hai Bà Trưng, Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội (Kimmai PhotoArtshop)

  • Nguồn: Từ điển bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân.-H.: Chính trị Quốc gia, 2002.