In bài này
Cuộc xung đột Nam - Bắc triều, Trịnh - Nguyễn (thế kỷ XVI-XVII)
Thứ Hai, 14/09/2009 - 3:07 PM
Vào đầu thế kỷ XVI, triều Lê suy sụp, các phe phái phong kiến tranh giành quyền lực, thoán đoạt và xung đột gay gắt.

Năm 1527, tập đoàn phong kiến Mạc Đăng Dung thắng thế, phế truất vua Lê, lập ra triều Mạc, cai quản vùng Bắc Bộ gọi là Bắc triều.

Các thế lực phong kiến đối lập với nhà Mạc do họ Trịnh đứng đầu dưới danh nghĩa “triều Lê trung hưng” chiếm giữ từ Thanh Hoá trở vào gọi là Nam triều. Cuộc nội chiến ác liệt kéo dài trên nửa thế kỷ giữa hai tập đoàn phong kiến Mạc - Trịnh làm cho nhân vô cùng khốn khổ, hao người, tốn của vì nạn binh dịch. Vì quyền lợi ích kỷ, Mạc Đăng Dung đã đầu hàng, đem một phần đất của Tổ quốc để cầu viện sự ủng hộ của nhà Minh. Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử Việt Nam, một người lãnh đạo đất nước cắt đất dâng cho ngoại bang. Hành động nhục nhã này của nhà Mạc khiến cho nhân dân càng căm ghét, phẫn nộ, dẫn đến sự thất bại của Bắc triều trong cuộc chiến tranh với Nam triều.

Năm 1592, Nam triều chiếm được Thăng Long, cuộc nội chiến Nam - Bắc triều kết thúc. Nhưng trong nội bộ Nam triều lại nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa hai thế lực họ Trịnh và họ Nguyễn. Họ Trịnh nắm quyền từ sông Gianh (Quảng Bình) trở ra bắc gọi là Bắc Hà hay Đàng Ngoài. Họ Nguyễn nắm quyền phía nam sông Gianh gọi là Nam Hà hay Đàng Trong.


Từ năm 1627-1672, cuộc xung đột vũ trang giữa hai tập đoàn Trịnh, Nguyễn diễn ra thường xuyên. Không kể những cuộc xung đột nhỏ lẻ, hai tập đoàn phong kiến đã tiến hành 7 lần đánh nhau lớn. Vùng Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An luôn là bãi chiến trường của cuộc nội chiến. Cuộc xung đột giữa những tập đoàn thối nát kéo dài trên một thế kỷ đã xô đẩy nhân dân vào những cuộc chém giết khốc liệt và gây ra nạn chia cắt đất nước.