Vietnamdefence.com

 

10 sự cố quân sự vui

VietnamDefence - Sống trong quân đội là việc nghiêm túc nhờ vào tất cả những rủi ro liên quan trong một nghề nguy hiểm như vậy. Tuy nhiên, như với tất cả các công việc khác, những khoảnh khắc vui cũng có không ít. Khác biệt duy nhất là trong quân đội, những sai lầm ngớ ngẩn vui nhộn thường gây ra những thiệt hại lớn về tài sản hoặc làm rất nhiều người mất mạng.

10. Tiêm kích Mig-23 lạc đường rơi xuống đất Bỉ


Trong một trong các sự cố kỳ lạ nhất từng xảy ra trong lịch sử hàng không, một chiếc tiêm kích MiG- 23 của Liên Xô đã bay một mạch ở trạng thái không người lái suốt từ Ba Lan tới Bỉ. Khi hết nhiên liệu, máy bay đâm xầm vào một ngôi nhà, làm chết một thiếu niên sống trong đó.

Sự cố bắt đầu vào ngày 4/7/1989, khi Đại tá phi công Skurigin phát hiện ra buồng tăng lực bị hỏng trong quá trình cất cánh. Khi máy bay dần dần mất tốc độ, Skurigin nghĩ là động cơ đã hỏng hẳn nên ông đã bấm nút ghế thoát hiểm nhảy dù an toàn. Nhưng ông thật ngạc nhiên khi thấy chiếc máy bay đã không rơi. Trái lại, nó tiếp tục bay bằng máy lái tự động về phía tây.

Các tiêm kích Mỹ đã hộ tống chiếc MiG không người lái trong suốt quá trình nó bay qua lãnh thổ Tây Đức, cuối cùng bỏ cuộc khi nó bay qua biên giới. Pháp cũng ra lệnh báo động cho các tiêm kích của mình phòng khi chiếc MiG bướng bỉnh bay vào không phận của họ. Tuy nhiên, chiếc MiG trục trặc đã lao xuống đất Bỉ.

Sau đó, chính phủ Bỉ đã chỉ trích Liên Xô vì phản ứng chậm với tình huống không thông báo cho họ biết việc chiếc MiG-23 có mang vũ khí hạt nhân hoặc sinh học hay không.


9. Tàu chiến khổng lồ hạ thủy làm lụt thành phố


Trước khi bị lực lượng Mỹ đánh chìm hẳn trong Trận chiến vịnh Leyte, chủ lực hạm Musashi của Nhật Bản là một con quỷ đáng sợ khi ngắm nhìn. Là một trong 2 chủ lực hạm lớn nhất và mạnh nhất từng được đóng (chiếc còn lại là chủ lực hạm Yamato cùng lớp), Musashi có lượng giãn nước hơn 72.000 tấn khi trang bị đầy đủ và được lắp các khẩu pháo cỡ nòng 46 cm có tầm gần 37 km. Ngoài ra, tàu chiến khổng lồ còn có vô số pháo cỡ nhỏ hơn, trong đó có đến 150 khẩu đội pháo cao xạ.

Tuy nhiên, kích thước khổng lồ và trọng lượng của nó đã khiến tàu Musashi vô tình làm ngập lụt thành phố Nagasaki khi được hạ thủy vào ngày 1/11/1940. Quá trình hạ con tàu đồ sộ xuống nước đã gây ra cơn sóng thần nhỏ cao 1 m tràn ngập các khu dân cư xung quanh khu vực và làm lật úp các tàu cá ở gần đó.

Do phải giữ bí mật cho việc hạ thủy, quân đội Nhật đã không cho cư dân bị ngập lụt rời khỏi nhà của họ. Thật may mắn cho họ là trong quá trình đóng nốt con tàu, đã không có rủi ro nào nữa xảy ra cho đến khi hoàn thành vào tháng 8/1942.


8. 2.000 lính Anh toi mạng vì say rượu


Ảnh: Emijrp / Wikimedia

Người Anh chiếm một phần kha khá các sai lầm quân sự trứ danh trong lịch sử. Trong một nỗ lực giành lại vinh quang đã mất và trả thù cho các nhà ngoại giao Anh bị đối xử thô lỗ ở Tây Ban Nha, người Anh đã phái một lực lượng 10.000-15.000 quân trên hơn 80 con tàu xâm lăng thành phố Cadiz của Tây Ban Nha vào năm 1625.

Mặc dù con số đó trên giấy thật đáng sợ, nhưng thực ra lực lượng đó chủ yếu gồm những kẻ côn đồ, du đãng, vô pháp vô thiên bị ép nhập ngũ. Việc cấp trên của họ gặp khó khăn trong bảo đảm các nguồn tiếp tế theo họ trong cuộc viễn chinh càng làm tình hình tồi tệ thêm.

Sau khi đổ bộ lên Cadiz, lính Anh lấy cắp rượu từ các thùng rượu ở địa phương để tăng thêm khẩu phần ăn của họ. Sau đó, họ bị say khướt đến nỗi dọa nổi loạn chống lại các sĩ quan của họ. Chỉ huy cuộc viễn chinh, Sir Edward Cecil đã ra lệnh cho họ tất cả quay trở lại tàu, nhưng bỏ lại 2.000 lính say rượu mà sau đó đã bị người Tây Ban Nha xử tử.

Trong số những người trở về được tàu, chỉ có một nửa trở về được nhà - đó là kết quả của thời tiết xấu cộng với điều kiện sống kham khổ.


7. Quân Anh vô tình xâm lược Tây Ban Nha năm 2002


Ảnh: Conti-Reisen

Năm 2002, hai tá lính thủy đánh bộ Anh trong một cuộc diễn tập đã xông lên một bãi biển mà họ tưởng lầm là ở Gibraltar. Té ra, họ đã đổ bộ nhầm lên một khu nghỉ dưỡng trên bãi biển ở La Linea, Tây Ban Nha. Mấy chú lính thủy đánh bộ Anh chỉ nhận ra sai lầm của mình sau khi người dân địa phương và hai cảnh sát thông báo với họ là họ đã ở nhầm vị trí.

Sau đó, người Anh đã giải thích sự cố xảy ra là do thời tiết xấu và xin lỗi về sai lầm của mình, còn các quan chức Tây Ban Nha thì đã nhã nhặn chấp nhận. Khi chia tay, người dân địa phương đã nói một cách chế giễu rằng, Gibraltar không phải là dễ nhầm vì nó có một ngọn núi cao 426 m làm dấu phân biệt.

Cũng phải công bằng với người Anh vì họ không phải là người duy nhất xâm lược nhầm một quốc gia. Đất nước thiên về phòng thủ nổi tiếng Thụy Sĩ cũng vô tình xâm chiếm nước láng giềng nhỏ bé Liechtenstein của mình không chỉ một lần mà là những ba lần. Một lần thậm chí họ đã phải bồi thường cho Liechtenstein khi binh lính Thụy Sĩ gây ra cháy rừng.


6. Thủy thủ Brazil bắn chìm tàu của mình


Ảnh: Hải quân Brazil

Rõ ràng là những câu chuyện của những người vô tình đánh đắm tàu của mình không giới hạn ở người Anh hoặc Thụy Điển.

Khi chiến trường châu Âu của Thế chiến II sắp khép lại, các thuyền viên của tàu tuần dương Bahia của Brazil đóng quân phía đông bắc của Brazil để bảo vệ các đoàn tàu vận tải của đồng minh đã tiến hành một cuộc diễn tập phòng không bắn đạn thật bằng cách sử dụng một chiếc diều kéo phía sau tàu làm mục tiêu. Trong quá trình diễn tập, một pháo thủ vô tình bắn trúng một dãy bom chìm chống tàu ngầm để ở đuôi tàu do không đặt rào bảo vệ để khống chế góc tà, không cho các khẩu pháo bắn quá gần với mặt boong tàu).

Sau đó, những quả bom chìm bị phát nổ và làm đắm con tàu chỉ trong vài phút, buộc các thuyền viên phải rời tàu bằng các xuồng cứu sinh và lênh đênh trên biển trong gần một tuần. Trong số hơn 350 người có mặt trên tàu, chỉ có vài chục sống sót, trong số những người thiệt mạng có 4 người của Hải quân Mỹ.


5. Nổi cáu thắng trận



Thật là tự sát khi xông lên tấn công kẻ thù cố thủ trong hầm hào trên địa thế cao hơn, nhưng ai đó chắc hẳn đã quên nhắc Philip Sheridan điều đó vào năm 1863. Viên tướng phe liên bang miền bắc trong nội chiến Mỹ và binh lính dưới quyền vừa chiếm được tuyến chiến hào đầu tiên của phe miền Nam trong Trận Missionary Ridge khi ông đột nhiên móc ra một cái chai và uống mừng các binh sĩ đối phương trên sườn núi.

Lính miền nam đáp lại động tác uống mừng của ông bằng mấy quả đạn pháo bắn vào ông, một hành động hóa ra lại là một sai lầm rất lớn. Sau một hồi chửi rủa lính miền nam vì cách cư xử tồi, Sheridan xông về hướng trận địa của họ trên sườn dốc.

Điều khiến cho tất cả đều nhẹ nhõm, kể cả Tướng Grant cấp trên của Sheridan, là quân miền bắc đã đánh chiếm được sườn núi và cuối cùng là giành thắng lợi cả trận đánh. Còn Sheridan thì sau đó ông ăn mừng chiến thắng của mình bằng một cách thật kỳ quái là cưỡi lên khẩu pháo còn nóng bỏng của quân miền nam.


4. Hannibal vung can làm tuyết lở giết chết 25 ngàn quân



Hannibal là một trong những nhà chiến thuật thành công nhất trong lịch sử chiến tranh, người đã nhiều lần đánh bại quân La Mã trong sự nghiệp của mình. Thiên tài quân sự của Hannibal thể hiện ở các chiến lược độc đáo của ông, chẳng hạn như vượt qua dãy núi Alps cùng với quân đội của ông vào năm 218 TCN. Tuy nhiên, theo các sử gia La Mã Polybius và Livy, Hannibal đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong chuyến đi nguy hiểm của mình trên các dãy núi phủ tuyết trắng.

Một lần, quân đội của Hannibal, trong đó có mấy con voi chiến, phải dừng lại đột ngột khi mấy con voi không chịu đi qua một con đường. Tức giận vì sự chậm trễ này, viên tướng Carthage vốn đang đi ở hậu quân đã tiến đến tiền quân và dùng chiếc can đập lên mặt đường phủ đầy tuyết để cho mấy con voi thấy mặt đường vững chắc và an toàn để đi qua.

Thật không may, hành động đó đã gây ra một trận tuyết lở khổng lồ làm chết hơn một nửa trong số 50.000 quân của Hannibal và mấy con voi của ông. Những người sống sót phải mất bốn ngày mới thoát khỏi cuộc tàn sát giá lạnh và cuối cùng xuống khỏi dãy núi Alps.


3. BBC công bố kế hoạch tấn công bất ngờ



Trận Goose Green trong cuộc chiến tranh Falklands/Malvinas giữa Anh và Argentina sẽ được nhớ đến chủ yếu vì hai điều: đó là trận đánh trên mặt đất đầu tiên và đẫm máu nhất giữa Anh và Argentina và là sự cố khi đài BBC đã nhanh nhảu làm lộ nó quá sớm.

Bí mật đổ bộ lên gần một khu dân cư, binh lính Anh đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ ban đêm vào các lực lượng Argentina thì đột nhiên BBC công bố kế hoạch tác chiến của họ với thế giới, kể cả Argentina. Điều đó làm cho các sĩ quan chỉ huy Anh tại chiến trường cực kỳ tức giận đến mức một trong số họ là Trung tá H. Jones tuyên bố sẽ kiện đài BBC và Bộ Quốc phòng Anh về tội phản quốc. Tuy nhiên, ông đã không làm gì cho qua hết chiến dịch với hy vọng Argentina sẽ nghĩ tất cả chỉ là một mưu kế để làm họ mất cảnh giác.

Hy vọng của ông Jones đã được chứng minh là được đặt đúng chỗ. Chỉ huy lực lượng Argentina là Trung tá Italo Piaggi đã nghĩ rằng, người Anh sẽ không đến nỗi ngu ngốc như vậy để mà tiết lộ kế hoạch của họ trên đài phát thanh công cộng, vì vậy ông đã chẳng làm gì để tăng cường các trận địa phòng thủ của mình. Quân Anh thua kém về quân số cuối cùng đã bắt 1.400 lính Argentina làm tù binh trong trận đánh này.


2. Bị chơi khăm vì không biết tiếng Anh



“Dấu hiệu may mắn của người Hawaii” (giơ ngón tay giữa và giải thích với lính Bắc Triều Tiên đó là dấu hiệu may mắn có nguồn gốc từ Hawaii) không phải là cách duy nhất mà các thủy thủ bị cầm tù của tàu do thám Mỹ USS Pueblo bài bác tuyên truyền của những người Bắc Triều Tiên bắt giữ họ. Thuyền trưởng Lloyd Bucher cũng cố hết sức để chế giễu những kẻ hành hạ mình.

Mặc dù ban đầu không chịu viết “lời thú nhận việc làm sai trái” ngay cả sau khi chịu đựng nhiều trận đòn và hành quyết giả, Bucher cuối cùng nhượng bộ khi người Bắc Triều Tiên dọa giết các nhân viên thuộc quyền trước mắt anh ta. Lúc đó, những kẻ bắt giữ đã nghĩ là họ đã khuất phục được Bucher, nhưng họ đã quá nhầm.

Lợi dụng việc lính Bắc Triều Tiên mù tịt tiếng Anh, Bucher đã viết một lá thư thú tội vào tháng 9/1968 với nội dung đầy vô lý xen lẫn mỉa mai. Điển hình là ông viết bao gồm “[chúng tôi] hát mừng (đi tiểu vào) Hải quân Nhân dân Triều Tiên” và “chúng tôi đã đi qua các khu vực tác chiến sao Hỏa, sao Kim và sao Diêm Vương được đặt tên như vậy vì giống như các hành tinh, nước CHDCND Triều Tiên thực sự là rất xa”.

Bắc Triều Tiên đã thả các thủy thủ tàu USS Pueblo vào ngày 23/12/1968 mà không hề biết Bucher đã xúc phạm quá mức.


1. Chiến hạm hẩm hiu nhất thế gian



Có lẽ không có con tàu nào khác trong Hải quân Mỹ có thể vượt qua câu chuyện bi hài của tàu khu trục USS William D. Porter và thủy thủ hành đoàn của nó. Tóm tắt thành tích đáng chán của nó gồm làm chìm một tàu cùng loại bằng mỏ neo của nó, bắn nhầm vào một tàu bên mình, và vô tình bắn một phát đạn thật vào sân trước nhà của vị chỉ huy căn cứ. Tuy nhiên, tất cả các sự cố đó chẳng là gì so với vụ USS William D. Porter suýt giết chết tổng thống Mỹ.

Năm 1943, chiến hạm này cùng với ba tàu khu trục khác được giao nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay USS Iowa chở Tổng thống Franklin Delano Roosevelt và ngoại trưởng Cordell Hull trên đường đến dự hội nghị Tehran và hội nghị Cairo. Trong chuyến đi, USS William D. Porter đã khiến mọi người kinh hoàng khi một quả bom chìm trên tàu tình cờ rơi xuống biển và phát nổ làm cho các tàu khác trong đoàn tàu sợ hãi nghĩ là các tàu ngầm U-boat của Đức đã phát hiện ra họ.

Sau sự cố đó, thủy thủ đoàn của tàu này trong một cuộc diễn tập đã tình cờ phóng một quả ngư lôi đã sẵn sàng chiến đấu thẳng vào tàu USS Iowa. Chiếc tàu sân bay phải vất vả lắm trong tích tắc mới tránh được quả ngư lôi này.

Mặc dù USS William D. Porter cuối cùng đã tỏ ra xuất sắc trong các chiến dịch Philippines và Okinawa, tàu này đã hết đời một cách quái dị cũng như số phận rủi ro của nó. Ngày 10/6/1945, một máy bay cảm tử kamikaze mà tàu này bắn rơi đã lao xuống nước và phát nổ làm USS William D. Porter chìm nghỉm. Nhưng thật kỳ diệu là tất cả các thủ thủ đã thoát chết.

Nguồn: 10 Unintentionally Hilarious Military Incidents / Marc V. // Listverse, 13.4.2014.

Print Print E-mail Print