Vietnamdefence.com

 

Х-37В do thám trạm quỹ đạo Trung Quốc

VietnamDefence - Máy bay quỹ đạo không người lái, sử dụng nhiều lần X-37B có thể đang tiến hành hoạt động do thám chống Trung Quốc, tạp chí Spaceflight đưa tin.

X-37B

X-37B được đưa lên vũ trụ vào tháng 3.2011 và đến nay vẫn ở trên quỹ đạo.

Lầu Năm góc từ chối thảo luận sứ mệnh của Х-37В, nhưng các quan sát thiên văn nghiệp dư cho thấy, quỹ đạo của nó vòng quanh trái đất hầu như tương tự quỹ đạo mà bộ phận cơ bản của trạm quỹ đạo thử nghiệm Thiên cung (Tiangong) của Trung Quốc đang bay.

Có phỏng đoán Х-37В đang “dò xét” trạm quỹ đạo Trung Quốc.

“Х-37В dùng để trinh sát vũ trụ và được trang bị một loạt các sensor tối tân, vì thế, chúng tôi cho rằng, nó có thể được sử dụng để theo dõi sát trạm quỹ đạo phôi thai của Trung Quốc”, biên tập viên tạp chí Spaceflight TS David Baker nói.

Х-37В đang “dò xét” Thiên cung của Trung Quốc?
Х-37В, còn được gọi là thiết bị bay quỹ đạo thử nghiệm OTV (Orbital Test Vehicle), trông giống một tàu con thoi mini và có khả năng hạ cánh xuống đường băng mặt đất và sau đó có thể sử dụng lại.

OTV do công ty Boeing chế tạo theo đơn đặt hàng của Không quân Mỹ, có chiều dài 9 m và một khoang vận tải nhỏ. Không quân Mỹ không bình luận việc khoang vận tải chứa gì.

Х-37В được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Atlas, độ cao quỹ đạo hơn 300 km một chút với độ nghiêng 42,79 độ so với xích đạo, đây là điều khác thường đối với các vệ tinh quân sự Mỹ vốn thường bay ở các quỹ đạo chạy qua các cực của trái đất.

Chuyến bay của X-37B được theo dõi bằng các hệ thống quang học mặt đất ở Mỹ và châu Âu, quỹ đạo của nó trùng rất gần với quỹ đạo của trạm Thiên cung.

Trạm này được phóng tháng 9.2011, quỹ đạo của nó có độ nghiêng 42,78 độ. Dự kiến, vào năm 2012, Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ có người lái tới trạm Thiên Cung để lắp ghép với bộ phận cơ bản của trạm.

Theo ông Baker, Х-37В và trạm Thiên cung có thể gặp nhau hay tách ra cứ sau 170 vòng bay quanh trái đất.

Washington rất nghi ngờ chương trình vũ trụ Trung Quốc do các sứ mệnh dân sự và quân sự chẳng mấy khác nhau.

“Nếu như Х-37В quả thực đang làm cái việc mà tôi giả định thì đó là điều rất tốt. Thời chiến tranh lạnh, sự hiện diện của các hệ thống quan sát vũ tru đã cho phép chúng ta đạt được với Liên Xô hiệp ước không phổ biến vũ khí tấn công vũ trụ”, ông Baker nói.


Trạm quỹ đạo Thiên cung của Trung Quốc

Nhưng không phải ai cũng nhất trí với quan điểm đó. Cựu chuyên gia phân tích của Không quân Mỹ, nay là cố vấn kỹ thuật của Quỹ An ninh thế giới (Secure World Foundation) Brian Weeden cho rằng, Х-37В có thể quan sát một dải rất hẹp trên trái đất, trong đó có Cận Đông và Afghanistan, còn sự gần nhau của quỹ đạo X-37B và Thiên cung chỉ là sự trùng hợp. Mỹ có đủ các phương tiện khác để theo dõi trạm quỹ đạo và không cần phải dùng đến Х-37В, ông Weeden nói.
  • Nguồn: bbc.co.uk, MP, 08.01.12
 

Print Print E-mail Print