Vietnamdefence.com

 

Gian lận, tên lửa vác vai Trung Quốc thua mất mặt ở Peru

VietnamDefence - Trong cuộc đấu thầu tên lửa phòng không vác vai ở Peru, Hàn Quốc thắng thầu vì tên lửa Trung Quốc gian lận, còn Nga phản đối vì chính họ giúp Hàn Quốc giúp phát triển tên lửa.

>> Bị lừa, Peru trả lại Trung Quốc xe tăng MBT-2000
>> Scandal xe tăng MBT-2000 ở Peru: Nga ngáng chân Trung Quốc?

Các nguồn tin Peru cho hay, ngày 3/12/2012, quân đội Peru đã ký hợp đồng trị giá 104,1492 triệu Nuevo Sol (42,87 triệu USD) mua một lô hệ thống tên lửa phòng không mang vác (MANPADS) Chiron (còn có tên Shingung và KP-SAM) do công ty Hàn Quốc LIG Nex1 (trước đây là LG Innotec, nằm trong tập đoàn LIG của hãng LG) sản xuất.

Hợp đồng xuất khẩu đầu tiên của Chiron này đã khiến hãng xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronoexport.

Một quân nhân Peru ngồi sau bệ phóng gắn 2 tên lửa của hệ thống Chiron (americamilitar.com)

Ban đầu, quân đội Peru dự định mua một lô MANPADS lớn để trang bị cho 4 tiểu đoàn pháo phòng không thuộc Bộ chỉ huy  tác chiến Phương Nam trên biên giới với Chile. Tuy nhiên, cuối cùng, Peru chỉ ký với LIG Nex1 hợp đồng mua MANPADS cho 1 tiểu đoàn (3 đại đội) với 18 bệ phóng (dự đoán là các bệ phóng kép lắp trên giá), “hơn 100” tên lửa, 3 radar xách tay phát hiện mục tiêu bay và các thiết bị đi kèm khác.

Hệ thống Chiron được lựa chọn căn cứ kết quả cuộc đấu thầu mở năm 2011 với sự tham gia của QW-18, FN-16 của Trung Quốc (đều do tổng công ty xuất nhập khẩu máy chính xác Trung Quốc CPMIEC gửi dự thầu), cũng như hệ thống 9K338 Igla-S  của Nga (do Rosoboronoexport gửi dự thầu).

Theo bài báo “Ejército compra el misil antiaéreo surcoreano “Chiron”, pero China y Rusia interponen reclamos” đăng trên tờ La Republica của Peru, căn cứ kết quả đánh giá của một ủy ban của Lục quân Peru do Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn thiết giáp 18, Chuẩn tướng Velarde EP Guido Zegarra được nêu trong báo cáo hồi tháng 9/2012, trong đó có đưa ra các kết luận sau đây:

а) xét về các tính năng và khả năng chiến đấu, QW-18 của Trung Quốc được cho là tốt nhất, đứng thứ hai là Chiron;

b) xét về hiệu quả tiêu diệt mục tiêu lại là QW-18 đứng đầu và Chiron đứng thứ hai;

c) xét tiêu chí “giá cả/hiệu quả”, đứng đầu lại là QW-18, còn đứng thứ hai là Igla-S của Nga.

Theo ủy ban, để tiêu diệt chắc chắn một máy bay địch, các hệ thống QW-18, Chiron và Igla-S cần 2 quả tên lửa phòng không có điều khiển, còn FN-16 phải cần 3 quả.

Giá cả một quả tên lửa phòng không đề xuất cho hợp đồng như sau: QW-18 - 89.800 USD; FN-16 - 138.771USD; Igla-S - 169.900USD; Chiron - 199.000USD.

QW-18 (La Republica)

Như vậy, về danh nghĩa, QW-18 có kết quả tốt nhất theo tất cả các điều kiện tranh thầu và nó đã được ủy ban của Lục quân Peru khuyến nghị mua sắm. Tuy nhiên, Cục Bảo đảm trang bị SMGE (Servicio de Material de Guerra del Ejército) của Lục quân Peru đã bất ngờ khuyến nghị mua sắm Chiron của Hàn Quốc và cuối cùng Peru đã ký hợp đồng với Hàn Quốc. Việc này đã khiến công luận Peru thắc mắc và hãng Trung Quốc CPMIEC phản đối. Các nguồn tin cho biết rằng, không phải giá cả rẻ hơn mà là hiệu quả cao hơn đã trở thành ưu thế của Chiron.

Trong khi đó, một nguồn tin quân sự giấu tên của tờ La Republica, để thanh minh cho quyết định của SMGE, đã nói rằng, một phần các tài liệu của ủy ban do tướng Guido Velarda Zegarra đứng đầu “đã bị làm giả”, và hiệu quả thực tế của QW-18 thua kém Chiron.

Một điều thú vị nữa là bản thân hệ thống MANPADS của Chiron (Shingung) được phát triển với sự tham gia tích cực của các chuyên gia Nga trong khuôn khổ một hợp đồng năm 2003. Hãng LOMO ở St. Petersburg đã phát triển hoàn toàn đầu tự dẫn hồng ngoại cho tên lửa của Chiron, các nhà thầu phụ Nga cũng phát triển thiết kế khí động học tên lửa, phần chiến đấu và ngòi nổ không tiếp xúc cho tên lửa Chiron.

Oái oăm thay, nay thì hệ thống tên lửa phần nhiều là “ruột” Nga lại ngáng đường hệ thống 100% Nga Igla-S ở Peru. Do Lục quân Peru quyết định mua Chiron, Rosoboronoexport cũng lên tiếng phản đối khi khẳng định trong hệ thống Chiron có tài sản trí tuệ của Nga được chuyển giao cho phía Hàn Quốc theo hiệp định chuyển giao công nghệ với Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, và rằng, nhà sản xuất Hàn Quốc không có quyền bán tài sản này sang các nước thứ ba.

Năm 2010, chính phủ Alan Garcia của Peru cũng đã hủy bỏ kế hoạch mua sắm xe tăng MBT-2000 của Trung Quốc bởi vì động cơ và hệ thống truyền động của xe tăng do Ukraine sản xuất và giữ bản quyền. Ukraine đã cảnh báo Peru rằng, Trung Quốc có giấy phép bán công nghệ của Ukraine.

Chiron (La Republica)

Hãng LIG Nex1 thì tuyên bố rằng, “tất cả các bộ phận của Chiron được chế tạo theo công nghệ của riêng chúng tôi” và rằng, công ty này “có khả năng bảo đảm hỗ trợ vật chất-kỹ thuật cho các hệ thống này trong vòng 30 năm theo công nghệ của mình bởi vì không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn cung cấp nào từ nước Nga”. 

VietnamDefence: Trong câu chuyện này, có một số điều cần lưu ý. Một là các vụ mua bán vũ khí ở Peru mấy năm gần đây dù là với Israel hay Trung Quốc đều có màu sắc tham nhũng, "cài giá", vũ khí mua thì đắt mà chất lượng thì tồi, không phải như quảng cáo, hoặc có vấn đề về bản quyền.

Hai là người Nga lại chịu hậu quả của việc "nối giáo cho giặc", tự tay nuôi dưỡng kẻ thù, tạo ra đối thủ cạnh tranh. Họ bán cho Trung Quốc Su-27, giúp họ thiết kế máy bay huấn luyện L-15, bán động cơ để Trung Quốc trang bị cho JF-17 (đối thủ của MiG-29), hợp tác với Italia thiết kế máy bay huấn luyện M-346, giúp Hàn Quốc phát triển tên lửa... để rồi sau đó, chính các sản phẩm ra đời nhờ công nghệ Nga lại quay lại cạnh tranh với các sản phẩm Nga và nhiều khi là chiến thắng.  

Điều trớ trêu là đồng minh chiến lược của Nga, đồng thời nổi tiếng là làm ăn quân tử là Ấn Độ lại hay bị bạn Nga chơi xỏ. Nga, Ấn lập liên doanh sản xuất tên lửa hành trình BrahMos. Ấn Độ chắc mẩm kiếm được khối tiền nhờ bán BrahMos sang các nước thứ ba theo kế hoạch đã tính với Nga. Đùng một cái, Nga bán Yakhont (BrahMos chính là một biến thể của Yakhont) cho Indonesia mà Ấn Độ vẫn cho là một khách hàng tiềm năng mua BrahMos khiến Ấn ngậm đắng nuốt cay.

Nguồn: La Republica, bmpd, 15.1.2013.

Print Print E-mail Print