Vietnamdefence.com

 

SAS đột kích đảo Pebble: Ba bị thương và hai bị đánh

VietnamDefence - Kết quả kỳ lạ của cuộc tập kích của đặc nhiệm SAS lên đảo Pebble.


Cuộc chiến tranh giành quần đảo Falklands hiển nhiên đã trở thành một trong những thời khắc lịch sử mà người ta thường gọi là “phút giây chói sáng” đối với lực lượng đặc nhiệm SAS lừng danh thế giới của quân đội Anh.

Tuy vậy, thực tế luôn có nhiều phương diện hơn là phiên bản chính thức của các sự kiện và thường là giàu những sự kiện không lọt vào các sách tra cứu và bách khoa thư.

Điều đó hoàn toàn đúng với cả chiến dịch Prelim (Operation Prelim, có thể tạm dịch nghĩa là “cuộc thi sơ khảo”) mà SAS tiến hành vào tháng 5/1982 trên đảo Pebble và được người Anh liệt vào hạng những chiến dịch kinh điển của lực lượng đặc nhiệm của họ.

Mục tiêu sân bay

Chiến dịch Prelim được tiến hành nhằm bảo đảm cho chiến dịch đổ bộ do bộ chỉ huy Anh lên kế hoạch tổ chức ở khu vực các vịnh San Carlos và Ajax và địa điểm có tên Port San Carlos trên bờ biển phía Tây đảo East Falklands. Đây là chiến dịch lớn đầu tiên của SAS kể từ thời chiến dịch chống nổi dậy ở Jebel Akhdar thuộc Oman vào năm 1956.

Các sân bay Argentina là mục tiêu chủ yếu của máy bay tiến công Anh (Reuters)
Nhiệm vụ chính của chiến dịch là tiêu diệt các máy bay Argentina đóng tại một sân bay nhỏ do người Argentina xây dựng trên đảo Pebble. Chính xác hơn là lúc đó trên đảo đã lập căn cứ tác chiến tiền phương gồm một sân bay, một cứ điểm nhỏ và một lực lượng lính thủy đánh bộ đồn trú bao gồm các phân đội của Tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ mang tên Ilizarov Videla có quân số gần 100 người được trang bị súng trọng liên và pháo không giật 75 mm.

Vô hiệu hóa lực lượng máy bay tiến công của đối phương trọng khu vực sắp tổ chức chiến dịch đổ bộ của quân Anh là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất. Tình thế thêm phức tạp vì ngoài sân bay chính ở khu vực Port Stanley, trên các đảo khác còn nhiều bãi cất/hạ cánh dự bị mà phần lớn trong số đó là những cánh đồng bình thường hay đồng cỏ.

Ngoài ra còn khó khăn khác nữa xuất hiện.

Lính đặc nhiệm SAS tấn công các máy bay cường kích Pucará trên đảo Pebble
“Không ai biết sân bay trên đảo Pebble là mối đe dọa lớn đến mức nào đối với các tàu hay lực lượng của chúng tôi sẽ phải đổ bộ ở vịnh San Carlos trên đảo East Falklands. Nhưng khi có phỏng đoán là có radar hiện diện trên đảo thì sự nguy hiểm của địa điểm này hiển nhiên là rất nghiêm trọng.

Đô đốc Woodward cho rằng, radar có thể phát hiện các lực lượng chủ lực của hạm đội Anh trong khi chúng sẽ ở ngoài vùng quan sát của radar trên lục địa hay trên đảo East Falklands, trong khi đó, sân bay lại ở cách địa điểm dự định đổ bộ của lực lượng đổ bộ chủ lực vài phút bay ngay cả bằng cường kích piston”, ông Peter Radcliffe, người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Prelim viết trong cuốn sách “Mắt bão. 25 năm chiến đấu trong SAS” (Eye of the Storm: 25 Years in Action with the SAS).

Cũng khiến người Anh lo lắng là các cường kích hạng nhẹ IA-58 Pucará và các máy bay huấn luyện chiến đấu Т-34С Turbo Mentor mà tình báo Anh dự đoán cũng có thể được triển khai trên đảo Pebble.

Dĩ nhiên là lực lượng Pucará với số lượng trên đảo chỉ có 5-6 chiếc không thể chống chọi được trong không chiến các máy bay Harrier của Anh, nhưng lại có vũ khí đủ để tấn công vào đơn vị đổ bộ - đó là bom, rocket, bom napalm, 2 pháo 20 mm và 4 súng máy 7,62 mm.

Ngoài ra, các máy bay Turbo Mentor cũng chẳng phải là tồi. Với tầm bay không dưới 1.200 km, chúng có thể mang các khối bệ phóng rocket 70 mm LAU-6/68 và 2 súng máy 7,62 mm.

Quyết định của bộ chỉ huy Anh rất dứt khoát là tiêu diệt các máy bay, loại khỏi vòng chiến sân bay. Họ giao nhiệm vụ này cho Đại đội D của Trung đoàn đặc nhiệm SAS 22 (Đại đội trưởng là Thiếu tá Cedric Norman George Delves), đồng thời tăng cường tàu sân bay HMS Hermes cho chiến dịch dưới sự bảo vệ của frigate tên lửa HMS Broadsword và tàu khu trục tên lửa HMS Glamorgan, và trở thành tàu chi viện hỏa lực cho lực lượng đặc nhiệm.

Để điều phối chi viện hỏa lực pháo binh cho đặc nhiệm, Đại úy Christopher Charles Brown của Đại đội pháo 148, Trung đoàn pháo 29 được điều động phối thuộc.

Sự nổi tiếng bất đắc dĩ

Đảo Pebble thuộc quần đảo Falklands (Malvinas) và nằm hơi chếch về hướng Bắc đảo West Falkland. Đến năm1982, đảo này chỉ được biết đến nhờ trang trại nuôi cừu của mình, nhưng chiến tranh đã khiển nó trở nên “nổi tiếng toàn thế giới”. Giữa tháng 5, ban đầu, nó là nơi tiến hành một trong những chiến dịch lớn nhất của SAS, còn sau đó, cách 10 hải lý về phía Bắc, các máy bay A-4 Skyhawk của Argentina bằng 2 quả bom đã đưa tàu khu trục tên lửa HMS Coventry trị giá 37,9 triệu bảng Anh xuống đáy biển.

Bản thân Pebble là một đảo nhỏ với diện tích chỉ có gần 103,36 km2, chiều dài từ Tây sang Đông là 30 km, còn chỗ rộng nhất chỉ có 7 km. Hình dáng của đảo là hai phần lớn nối với nhau bằng một eo thắt hẹp, nơi có một ngôi làng thật sự duy nhất chỉ có 22 cư dân vào tháng 4/1982. Chính ở đây, người Argentina, nơi mà họ gọi là làng Puerto Calderón, đã xây dựng một sân bay với đường băng đất nện. Đúng ra thì trước khi quân Argentina chiếm đảo thì ở đó đã có sân bay, họ chỉ mở rộng khả năng của nó và bố trí các trận địa phòng thủ. Tổng cộng có 4 đường băng có thể khai thác dài 533,4 m, 381 m và 2 đường băng 228,6 m.

Đêm 11, rạng sáng 12/5, các trực thăng đã đổ một toán trinh sát thuộc Đại đội D (Trưởng toán là Đại úy Timothy William Berls)lên đảo Keppel nằm về phía nam điểm cực Đông của đảo Pebble. Hôm sau, toán này sử dụng các thuyền kayak đặc dụng vượt qua eo biển nhỏ và đến được khu vực mục tiêu.

Toán đã tổ chức mấy đài quan sát, kể cả ở ngay sát sân bay. Trong quá trình quan sát, lính đặc nhiệm Anh đã điều nghiên các mục tiêu ở sân bay, cũng như xác định được tọa độ của các trận địa phòng ngự của đồn binh Argentina. Ngoài ra, trong quá trình trinh sát khu vực Phillips Cove, quân Anh phát hiện ra là trên các bản đồ của họ không đánh dấu một “cái ao” lớn nằm cách đường bờ biển một đoạn. Một khi tiến hành chiến dịch dự kiến thì đây đã có thể là điều bất ngờ khó chịu đối với SAS vì người ta đã lên kế hoạch đổ lên chính bãi biển này một phân đội SAS.

Đêm 13, rạng sáng 14/5, Đại úy Berls đã thông báo qua vô tuyến điện về sở chỉ huy: “Có 11, tôi nhắc lại, 11 máy bay. Tôi cho là các máy bay thật. Cuộc tấn công của đại đội diễn ra đêm hôm sau”. Sau khi nhận được bức điện, toàn bộ chiến dịch đã được tính toán đến từng chi tiết nhỏ nhất chỉ trong vòng một giờ.

Cuối cùng, người ta điều động 3 trực thăng cho chiến dịch Prelim để không vận lên đảo 42 lính đặc nhiệm, Thiếu tá Delves, Đại úy Brown và Thiếu tá hải quân Edwards (anh ta được phối thuộc cho một trong các toán đặc nhiệm vì trước đây, anh ta từng ở nơi này và nắm vững địa hình). Tất cả với vũ khí cá nhân, cộng với một khẩu cối L16 81 mm và hơn 30 thùng nhựa chứa đạn cối, mỗi thùng chứa 2 viên (1 viên phá-mảnh, 1 viên nhồi phốt-pho trắng) được xếp lên các trực thăng. Thùng đạn cối nặng 8 kg, mỗi lính đặc nhiệm phải mang 1 thùng.

Lính đặc nhiệm lên đường làm nhiệm vụ với vũ khí như sau: súng trường tiến công 5,56 mm М16 (một số khẩu được lắp thêm súng phỏng lựu kẹp nòng 40 mm М203) hoặc súng máy 7,62 mm, súng ngắn 9 mm Browning High Power, súng phóng rocket 66 М72, lựu đạn tay, bộc phá, mỗi người 3 băng đạn dự trữ cho súng М16 và nhiều băng đạn súng máy. Tất cả lính đặc nhiệm đều phải mang các băng đạn súng máy, mỗi người mang 200-400 viên đạn.

Vỡ kế hoạch chiến dịch

Giai đoạn đầu của phần tích cực của chiến dịch bắt đầu vào hồi 20 giờ, ngày 14/5. Tàu khu trục tên lửa HMS Glamorgan rời khỏi đội hình binh đoàn chiến dịch và trực chỉ đến đảo Pebble. Nửa tiếng sau, đến lượt tàu sân bay HMS Hermes và tàu khu trục tên lửa HMS Broadword lên đường. Quân Anh đã gặp may vì quân Argentina lúc đó không có một máy bay tuần biển Neptune dùng để trinh sát tầm xa nào sẵn sàng chiến đấu nên hoạt động cơ động của 3 tàu chiến Anh không bị phát hiện. Nhưng sau đó tình huống trở nên phức tạp.

Ban đầu, do thời tiết có bao và nhiều hỏng hóc kỹ thuật, các tàu đã không thể đến điểm đã định đúng hạn, quân Anh đã phải chiếm lĩnh vị trí “ỏ nhịp độ được đẩy nhanh”. Sau đó lại có sự chậm trễ với các trực thăng.

Kết quả là thời gian mở màn chiến dịch bị chậm lại 1,5 giờ, thời gian cất cánh đã gần sát lúc bình minh. Kế hoạch chiến dịch buộc phải điều chỉnh. Lúc này, mục tiêu của chiến dịch chỉ còn là tiêu diệt các máy bay địch, còn nhiệm vụ tấn công đồn binh Argentina trú đóng trong ngôi làng đặt ra lúc đầu bị hủy bỏ. “Đồn binh Argentina thậm chí không hề biết là họ đã gặp may đến thế nào và mối nguy hiểm đáng sợ thế nào họ đã tránh được”, cựu binh SAS Ken Connor viết trong cuốn sách “Đội quân bóng ma: lịch sử bí mật của SAS (The Ghost troops: the hidden history of SAS) được xuất bản vào năm 1998. Toán đặc nhiệm mà theo ý định ban đầu sẽ có nhiệm vụ tấn công ngôi làng thì nay phải chiếm lĩnh vị trí giữa sân bay và ngôi làng và khi cần thì đánh lui các cuộc tấn công của lính thủy đánh bộ Argentina.

Cuối cùng, lúc 2 giờ 25 phút, ngày 15/5, 3 trực thăng cất cánh từ tàu HMS Hermes và bay đến đảo, sau đó tàu sân bay và chiếc frigate lùi ra xa, còn tàu khu trục HMS Glamorgan thì chiếm lĩnh vị trí ở cách sân bay 6 hải lý về phía Tây Bắc và sẵn sàng khai hỏa. Toán đột kích đổ bộ lúc 3 giờ 50 phút ở cách địa điểm ấn định khoảng 5 hải lý, ở khu vực Phillips Cove, và sau đó một chút thì hội quân với toán trinh sát ở sẵn trên đảo. Các binh lính toán trinh sát lựa chọn và bố trí trận địa cho khẩu cối 81 mm mà họ định sử dụng để chiếu sáng địa hình bằng đạn pháo sáng, còn sau đó là chi viện hỏa lực. Đúng 4 giờ, Đại úy Brown nhận được điện từ tàu khu trục báo cho biết tàu đã vào vị trí và sẵn sàng chi viện bằng pháo. Các trực thăng đã trở về tàu HMS Hermes để tiếp dầu và đã sẵn sàng cất cánh để bốc rút phân đội đổ bộ.

Hòn đảo chìm trong lửa

Lúc 6 giờ 10 phút, phân đội đến được vị trí sẽ triển khai khẩu cối 81 mm. Sau đó một chút, 2 toán của phân đội chiếm lĩnh vị trí, còn toán thứ ba thì... lạc mất. Toán này rời khỏi khu vực đổ bộ cuối cùng, toán này không có người hướng đạo nên trong bóng tối đã đi lạc đường. Nhưng rất may là việc này đã không ảnh hưởng đến tiến trình chiến dịch.

Đại úy Brown qua vô tuyến điện xin yểm trợ hỏa lực từ tàu HMS Glamorgan vào lúc 7 giờ 19 phút. Ba phút sau, các quả đạn pháo sáng nổ sáng trưng trên hòn đảo. Khi những quả đạn pháo sáng đầu tiên nổ, lính đặc nhiệm Anh đã nhìn thấy rõ trên sân bay có 4 máy bay huấn luyện chiến đấu Т-34С Turbo Mentor, 6 cường kích hạng nhẹ IA-58 Pucará và 1 máy bay Skayven của không quân bảo vệ bờ biển.

Quân Anh nhanh chóng gắn lên mỗi máy bay một gói thuốc nổ dẻo. Vài phút sau, ánh lửa từ các máy bay bốc cháy còn sáng hơn cả đạn cối chiếu sáng. Toàn bộ 11 máy bay cùng với các thùng nhiên liệu và các thùng đạn dược bị phá hủy nhanh chóng. Đối phương chống trả nửa vời, còn ngay từ những phát đạn đầu, Thiếu tá Delves đã qua vô tuyến điện yêu cầu tàu HMS Glamorgan bắn đạn phá-mảnh vào quân địch, yêu cầu pháo thủ cối của mình bắn đạn chiếu sáng khu vực tiến hành chiến dịch. Sự kháng cự nhanh chóng bị dập tắt.

Hai trinh sát viên đánh nhau

Tổn thất của lính đặc nhiệm Anh ở mức tối thiểu - chỉ có 3 người bị thương: hạ sĩ Davy bị trúng một mảnh đạn lựu 40 mm vào chân, hạ sĩ Armstrong bị thương bởi mảnh của một quả đạn cối điều khiển bằng vô tuyến nổ quá gần (Chỉ huy đồn binh Argentina, Trung úy Marege đến nơi, nhưng không tổ chức được các thuộc cấp đã mất tinh thần tiến hành kháng cự, đã hạ lệnh cho nổ các thiết bị nổ chuẩn bị sẵn của hệ thống tự hủy, và hạ sĩ Armstrong, người đang cài bộc phá lên một máy bay Pucará đã tình cờ ở chỗ không cần thiết không đúng lúc), còn hạ sĩ Banker thì bị chấn thương do mìn của quân Argentina nổ.

Còn 2 hạ sĩ quan trinh sát viên khác thì bị “bầm dập do đánh nhau” ở mặt. Vấn đề là ở chỗ 2 lính đặc nhiệm này đã mấy năm rất ghét nhau và càng ghét nhau hơn trong không gian kín của các con tàu trong thời gian chiến tranh. Nên cuộc tập kích lên đảo Pebble là cơ hội tốt để họa “tính sổ” với nhau: ngay khi những quả đạn pháo sáng bắn từ tàu HMS Glamorgan chiếu sáng trên không trung, một số trinh sát viên tròn mắt nhìn 2 hạ sĩ quan này lao vào tẩn nhau điên cuồng thay vì thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Dẫu sao thì nhiệm vụ vẫn được hoàn thành, mà đây mới là điều quan trọng nhất.

Đại úy Brown nhớ lại: “Chúng tôi đã tiêu diệt tất cả các máy bay, bắt đầu rút lui khi các máy bay nổ tung và bốc cháy. Đối phương không mưu toan phản công từ phía ngôi làng hay kiểm soát sân bay. Nếu như chúng tôi có thêm thời gian thì có lẽ chúng tôi sẽ tìm cách tiêu diệt lực lượng đó của đối phương, nhưng thực sự có nguy cơ gây tổn hại cho tài sản của dân chúng địa phương hoặc giết chết ai đó trong số cư dân ở đây. Nhưng trên thực tế, chúng tôi đơn giản là không có thời gian vì thế tín hiệu rút lui được phát ra vì chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Việc tiêu diệt được các máy bay này đã triệt tiêu mối đe dọa đối với chiến dịch đổ bộ tương lai. Chúng tôi đã rút về địa điểm an toàn, được các trực thăng Sea King bốc rút đi và đưa lên tàu HMS Hermes để ăn bữa sáng”.

Nguồn: NVO, 25.12.2015.

Print Print E-mail Print