Vietnamdefence.com

 

Nhật Bản phát triển vũ khí mạng tìm diệt

VietnamDefence - Nhật Bản và một số nước đang phát triển vũ khí mạng được mệnh danh là virus “tốt” để đối phó với các cuộc tấn công mạng.

Các cuộc tấn công mạng đang trở thành hiện tượng quen thuộc trong thế giới hiện đại. Ngoài các hacker hoạt động đơn lẻ hay thành nhóm, các đơn vị đặc biệt của quân đội và cơ quan tình báo quốc gia nhiều nước đang tham gia ngày một tích cực vào việc sử dụng các cuộc tấn công mạng.

Người ta đang tạo ra các loại virus ngày càng mới nhằm tấn công các quốc gia có lựa chọn cụ thể như đã xảy ra mới đây với virus Stuxnet chủ yếu nhằm vào các mục tiêu Iran.

Hay chỉ mới đây là virus gián điệp Regin mà theo tờ Financial Times, giống như Stuxnet, cũng là do các cơ quan tình báo phương Tây chế tạo và sử dụng, nhưng nhằm chống lại Nga và Saudi Arabia.

Việc đối phó với các virus và các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng như vậy đang trở thành nhiệm vụ rất quan trọng đối với gần như tất cả các quốc gia không có ngoại lệ.

Đầu năm 2012, báo chí đưa tin, Nhật Bản đã hoàn thành việc nghiên cứu phát triển loại virus đặc biệt, một loại vũ khí thông tin mới, ra đời sau 3 năm nghiên cứu tích cực với chi phí 2,3 triệu USD.

Từ năm 2008, Viện Nghiên cứu và phát triển kỹ thuật TRDI (Technical Research and Development Institute) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật hợp tác với công ty tư nhân Fujitsu Ltd đã tiến hành phát triển các loại vũ khí mạng mới nhằm chống lại tội phạm mạng. Một trong những hướng nghiên cứu chính là chế tạo ra loại virus có khả năng không chỉ nhận dạng và theo dõi các phần mềm độc hại lọt vào các mạng thông tin của Nhật, mà còn diệt trừ bản thân các nguồn xuất phát tấn công mạng, cùng với các máy tính đầu cuối trung gian mà thông qua đó, bọn tội phạm tiến hành các cuộc tấn công mạng.

Loại virus mới có thể nhận dạng nguồn xuất phát tấn công mạng, sau đó tự nhân bản nó từ máy tính nọ sang máy tính kia để quét sạch virus trên toàn mạng máy tính. Phần mềm này đã được thử nghiệm trong môi trường mạng đóng và theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật, nó đã khẳng định khả năng thực hiện các chức năng vũ khí mạng mới trù tính cho nó, có khả năng phát hiện, nhận dạng nguồn tấn công mạng với độ chính xác cao..

Theo nhiều chuyên gia an ninh mạng phương Tây, loại “virus tốt” chế tạo ở Nhật Bản không phải là loại đầu tiên. Mỹ, Trung Quốc đã chế tạo và đang sử dụng hiệu quả các phần mềm tương tự.

Trước đó, người ta từng chế tạo ra virus có tên “Cruncher” có chức năng cưỡng chế tiết kiệm không gian trên đĩa cứng bằng cách nén các file mà nó nhiễm. Một virus khác là KOH do Mark Ludwig viết ra cũng có thể gọi là virus “tốt” khi buộc mã hóa toàn bộ dữ liệu ổ cứng trên các máy tính bị lây nhiễm.

Ngoài ra còn các loại virus “tốt” khác như mã độc dùng để tìm kiếm các hình ảnh lạm dụng trẻ em để báo cho chính quyền.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, các virus đặc biệt với chức năng tự nhân bản được tích hợp sẵn trong chúng không hẳn là công cụ tốt để đấu tranh chống tội phạm mạng, vì nó đượclập trình để tự nhân bản, do đó chúng cũng nguy hiểm và tàn phá như bất cứ vũ khí nào khác của bọn tội phạm mạng, còn các phòng thí nghiệm nhà nước hay tư nhân đang nghiên cứu chế tạo các virus “tốt” đó, cuối cùng có thể trở thành những người tham gia tích cực vào các cuộc chiến tranh mạng ngày nay.

Dù người Nhật nói vũ khí mạng mới của họ có tính chất phòng thủ, nhưng nó cũng là một nguy cơ lớn đối với người dùng. Ngay cả một virus “tốt” cũng sử dụng tài nguyên đáng kể của bất cứ máy tính nào, chiếm dụng không gian đĩa cứng, bộ nhớ của CPU và lưu trữ mà người dùng không biết. Ở các hệ thống quan trọng thiết yếu như bộ máy quốc phòng, nó có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Nếu không được kiểm soát chặt, loại virus “tốt” này, ngay cả là do những chuyên gia lập trình tốt nhất tạo ra, cũng có thể lan truyền trên mạng với tốc độ của sóng xung kích và sẽ rất khó ngăn chặn nó.

Nguồn: The Daily Yomiuri, 2012, NEO, 8.12.2014.

Print Print E-mail Print

Các tin khác