Vietnamdefence.com

 

Nga lập binh chủng tác chiến mạng - muộn còn hơn không

VietnamDefence - Phớt lờ đề xuất thành lập bộ tư lệnh tác chiến mạng từ 10 năm trước, nay Nga đánh giá vũ khí mạng là vũ khí quan trọng thứ hai sau vũ khí hạt nhân, còn Putin tuyên bố, “sức sát thương” của các cuộc tấn công thông tin có thể cao hơn của các loại vũ khí thông thường và vội vàng thành lập binh chủng tác chiến mạng.

Trước cuối năm nay, trong tổ chức quân đội Nga sẽ xuất hiện binh chủng phụ trách về an toàn thông tin. Các sĩ quan phục vụ trong binh chủng này sẽ bắt buộc phải được đào tạo ngôn ngữ học.

Một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho hay, một binh chủng riêng chuyên trách đối phó với các mối đe dọa không gian mạng sẽ xuất hiện trong quân đội Nga trước cuối năm 2013.

“Trong quân đội Nga đang thành lập một binh chủng chịu trách nhiệm về an ninh thông tin của đất nước. Dự định hoàn tất việc thành lập vào cuối năm 2013”, nguồn tin nói.

Ngày 5/7/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố là cần đối phó hiệu quả với các mối đe dọa mạng. “Cần sẵn sàng phòng chống hiệu quả các mối đe dọa trên không gian thông tin. Nâng cao mức độ bảo vệ của hạ tầng liên quan, trước hết là các hệ thống thông tin của các mục tiêu chiến lược và thiết yếu”, ông Putin nói tại hội nghị của Hội đồng An ninh bàn về hoàn thiện tổ chức quân sự của Nga trong giai đoạn đến năm 2020. Ông Putin lưu ý rằng, cái gọi là “các cuộc tấn công thông tin” đã đang được sử dụng để giải quyết các nhiệm vụ mang tính chính trị-quân sự và nhấn mạnh “sức sát thương” của các cuộc tấn công thông tin có thể cao hơn của các loại vũ khí thông thường.

Vấn đề xây dựng bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng của quân đội Nga lần đầu tiên được đưa ra thảo luận rộng rãi vào mùa xuân năm ngoái, khi Phó Thủ tướng Dmitri Rogozin nói: “Đang thảo luận vấn đề thành lập bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng. Điều đó liên quan đến việc bảo đảm an ninh thông tin cho quân đội, cũng như toàn bộ hạ tầng quốc gia nói chung”.

Đầu năm 2013, Tổng thống Putin đã ra sắc lệnh giao cho Cơ quan An ninh liên bang FSB xây dựng hệ thống phản kích các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cổng thông tin nhà nước của Nga. Các chuyên gia cho rằng, sắc lệnh này trùng với việc khám phá mạng Red October (Tháng mười Đỏ) do thám trên lãnh thổ Liên Xô trước đây.

Tháng 2/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đề nghị Tổng cục Tác chiến (GOU) và Cục Tổ chức-động viên (GOMU) và nhiều cơ quan khác của Bộ Tổng tham mưu hoàn thành phương án thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến mạng.

Còn các kế hoạch cụ thể thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến mạng được Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin công bố vào tháng 3/2013. Ông Rogozin nói rằng, tất cả các văn bản đã chuẩn bị xong và hy vọng “chim săn mồi kỹ thuật” này sẽ xuất hiện rất nhanh.

Theo ông Rogozin, các nhiệm vụ chính đặt ra trước binh chủng mới sẽ là giám sát và xử lý thông tin thu thập từ bên ngoài, cũng như đấu tranh chống các mối đe dọa mạng - “nói một cách khác, đó là cái giống như lực lượng tác chiến không gian mạng của quân đội Mỹ”.

Các sĩ quan đang được đào tạo để phục vụ trong binh chủng tác chiến mạng của Nga bắt buộc phải qua đào tạo ngôn ngữ học, tức là học ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh.

Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và quân sự (IPVA, Nga), viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Nga Aleksandr Sharavin cho rằng, các đề nghị thành lập bộ tư lệnh này đã được đề xuất với Bộ Quốc phòng Nga từ 10 năm trước. “Hồi đó, chúng tôi đã thảo luận rất dữ dội và theo tôi được biết, sắp tới bộ tư lệnh đó sẽ xuất hiện cả ở Nga. Bảo vệ các mạng của chúng ta là nhiệm vụ không chỉ của quân đội Nga, đó là nhiệm vụ của cả quốc gia, của tất cả các bộ ngành quyền lực của chúng ta. Chiến tranh mạng đang diễn ra rồi, bởi vậy những bộ tư lệnh như vậy được giao nhiệm vụ không chỉ bảo vệ mà cả thực hiện các cuộc tấn công đánh trả nào đó nếu cần”, ông Sharavin nói và cho biết thêm, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nước Nga sẽ có thể vượt qua các đối thủ trong lĩnh vực này bởi vì điều này đã bức thiết “từ hôm qua và hôm kia”.

Cựu Cục trưởng Cục Điều ước quốc tế Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Yevgeny Buzhinsky tuyên bố rằng, việc thành lập binh chủng mới nhằm bảo đảm an ninh mạng đã chín muồi từ lâu. “Đây là quyết định kịp thời, hơn nữa nó đã chín muồi từ lâu, các mối đe dọa mạng đó là cái hiện nay đang đe dọa an ninh không chỉ của Nga mà của bất kỳ nước nào. Bất kỳ cuộc tấn công tin tặc nào vào các hệ thống chỉ huy cũng sẽ kéo theo những hậu quả không thể lường trước”, Tướng Buzhinsky nói.

Ông nói thêm rằng, binh chủng mới ở mức độ nào đó là sự sao chép lực lượng an ninh mạng của quân đội Mỹ. “Tôi không biết nó tương đồng đến mức nào, nhưng các quốc gia hàng đầu thế giới có cái đó và họ đang chú ý đến cái đó, thì chúng ta sẽ có tội nếu bỏ lỡ quá trình này”, Tướng Buzhinsky giải thích.

Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự, Phó giáo sư khoa Chính trị quốc tế Đại học Tổng hợp Moskva (MGU) Anatoly Tsyganok nói: “Khái niệm sử dụng vũ khí mạng đã được xây dựng 6-7 năm trước. Bây giờ, vũ khí này là vũ khí có tầm quan trọng thứ hai sau vũ khí hạt nhân. Vũ khí mạng đang được sử dụng ráo riết trong các cuộc xung đột quân sự, ví dụ mới nhất là trong cuộc can thiệp của Mỹ ở Libya, nơi họ đã kiểm soát không chỉ không phận (họ đã phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng không), mà cả các mạng viễn thông. Họ đã xâm nhập các mạng truyền hình của Libya và phát đi các chương trình dành cho dân chúng sở tại”.

Theo ông Tsyganok, nghiên cứu vấn đề này thấu đáo nhất là Israel, nơi mà vào năm 2005 đã áp dụng các công nghệ số mới. “Đứng thứ hai là khả năng bảo vệ của Mỹ, sau đó là của các nước Tây Âu”, ông Tsganok nêu ý kiến.

Quân đội Nga cũng đã phát động chiến dịch "săn đầu người" phục vụ cho lực lượng tác chiến không gian mạng, cũng như xúc tiến ý tưởng thành lập các đại đội khoa học để thu hút tài năng trẻ của Nga. Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu tuyển mộ giới trẻ để phục vụ trong các đại đội khoa học mà trọng tâm là các lập trình viên trẻ.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã giao nhiệm vụ tìm kiếm các sinh viên của một trường đại học ở St. Petersburg vốn đã lần thứ 5 vô địch thế giới về lập trình. “Hôm nay, qua truyền hình tôi nghe thấy là các sinh viên của một trường đại học của St. Petersburg đã lần thứ 5 trở thành vô địch thế giới về lập trình. Cần tìm ra họ. Cần làm sao đó để làm việc với các bạn trẻ này bởi vì chúng ta rất cần họ”, Tướng Shoigu nói trong cuộc gặp với các hiệu trưởng đại học và công chúng về vấn đề thành lập đại đội khoa học trong quân đội Nga.

“Bộ trưởng Quốc phòng đã giao cho cá nhân tôi gặp các bạn trẻ này và kể về các dự án thiết kế phần mềm cho quân đội mà chúng ta đang tiến hành rất mạnh”, Thứ trưởng Quốc phòng Oleg Ostapenko nói hôm thứ sáu, 5/7/2013. Theo ông, việc giải quyết các nhiệm vụ này đỏi hỏi trình độ cực cao và những cách tiếp cận phi truyền thống khi xây dựng các thuật toán tối ưu để giải quyết chúng để viết các chương trình sau đó.

“Mà đó chính là những phẩm chất luôn làm nên sự khác biệt của chính trường phái các lập trình viên Nga vốn có uy tín lẫy lừng đối với các công ty phần mềm lớn nhất trên toàn thế giới. Có thể một số dự án này có thể thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ này”, ông Ostapenko nói.

Trong trường hợp đó, Bộ Quốc phòng sẽ sẵn sàng bảo đảm cho họ tất cả những điều kiện cần thiết và tài chính cho dự án ở mức không kém hơn thị trường để tổ chức hiệu quả hoạt động của họ.

Nguồn: VZ, 5.7.2013.

Print Print E-mail Print