Vietnamdefence.com

 

5 loại máy bay tương lai của Không quân Nga

VietnamDefence - Không quân Nga muốn bay bằng máy bay nào trong thế kỷ XXI. Đó là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 PAK FA, máy bay ném bom chiến lược tàng hình PAK DA, máy bay vận tải hạng nặng PAK TA, máy bay đánh chặn tầm xa PAK DP và cường kích tương lai PSSh.


Nga đã tiến hành hoạt động quy mô phát triển các dự án máy bay chiến đấu mới không chỉ một năm. Phần lớn đều được đặt tên bằng cấu trúc ngôn ngữ nặng nề, cứng nhắc là “Tổ hợp máy bay tương lai” của không quân chiến thuật, tầm xa, trên hạm, vận tải. Dưới đây là những thông tin chính về các dự án này.


(Vitaly Ankov/RIA)


PAK FA

Đơn giản nhất là với tổ hợp máy bay tương lai của không quân chiến thuật (PAK FA), còn có danh xưng “tiêm kích thế hệ 5” được nghiên cứu chế tạo theo chương trình I-21. Việc nghiên cứu xác định diện mạo máy bay được bắt đầu từ cuối những năm 1990, nhiệm vụ kỹ thuật để thiết kế máy bay được đưa ra vào năm 2002. Máy bay Т-50 chế tạo theo dự án này của Viện thiết kế (OKB) Sukhoi cất cánh vào tháng 1/2010 và nay đang được thử nghiệm tích cực. Năm 2015, Nga cũng bắt đầu thử nghiệm vũ khí dành cho máy bay này.

PAK FA được nghiên cứu chế tạo như một tiêm kích chiến thuật đối trọng với tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ, nhưng về nguồn gốc, đây là tiêm kích đa nhiệm hạng nặng, có khả năng tác chiến giành ưu thế trên không, lẫn sử dụng vũ khí đối diện chính xác cao. Ở thế hệ trước, các loại tương tự các máy bay đó là Su-30MK (rất nhiều biến thể) và Su-35S của Nga, cũng như F-15 của Mỹ.

Thời hạn bắt đầu chuyển giao máy bay cho quân đội Nga được ấn định là năm 2017. Trước đó, Nga từng dự định đến năm 2020 mua 65 chiếc Т-50, nhưng mới đây, giới quân sự Nga tuyê bố trong thời hạn đó sẽ chỉ mua 12 chiếc, còn số còn lại sẽ mua sau năm 2020. Đó là do tính phức tạp trong kiểm nghiệm kỹ thuật mới, do điều chỉnh thời gian phát triển máy bay và khó khăn ngân sách.
 
PAK FA Т-50 ở Zhukovsky, ngoại ô Moskva (Ivan Sekretarev/AP)

PAK FA cũng có biến thể dành cho không quân hải quân. Đó là PAK KA - tổ hợp máy bay tương lai của không quân trên hạm, một máy bay trên hạm mới. Công việc trên hướng này mới chỉ bắt đầu và phần lớn là chưa định hình rõ. Nhưng chắc chắn là PAK KA sẽ được chế tạo dựa trên PAK FA - Phó Tư lệnh Hải quân Nga phụ trách vũ khí trang bị, Chuẩn đô đốc Viktor Bursuk đã tuyên bố như vậy vào mùa thu năm 2014. Các nguồn tin trong ngành cho biết, khi thiết kế PAK FA, người ta đã tính đến cả các yêu cầu bảo đảm cho việc triển khai trên tàu sân bay trong tương lai.

PAK DA

Công tác nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay tương lai của không quân tầm xa PAK DA bắt đầu vào năm 2009. Quân đội Nga muốn có một loại máy bay ném bom chiến lược duy nhất thay cho 3 loại máy bay ném bom hiện nay là Tu-160, Tu-95MS và Tu-22М3. Công ty Tupolev đã giành được hợp đồng, sau đó đã hoàn thành giai đoạn xác định diện mạo máy bay mới.

Nhiệm vụ kỹ thuật thiết kế PAK DA được Bộ Quốc phòng Nga giao vào tháng 12/2011, còn phần nghiên cứu của chương trình hoàn thành vào đầu năm 2012 và bắt đầu giai đoạn thiết kế sơ bộ.

Người ta cho rằng, PAK DA sẽ là máy bay dưới âm, có thiết kế dạng cánh bay; các yêu cầu đặt ra cho máy bay được xây dựng xuất phát từ tính tiết kiệm của động cơ và việc tăng thời gian bay tuần tra với tải trọng chiến đấu lớn. Vũ khí trên máy bay có danh mục vũ khí điều khiển khá lớn, trong đó có tên lửa hành trình siêu vượt âm. Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV) cho biết, vũ khí của PAK DA sẽ có thêm các tên lửa không đối không. Động cơ cho máy bay đang được Công ty Kuznetsov chế tạo dựa trên động cơ cải tiến NK-32 của Tu-160.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 (MIkhail Dzhaparidze/AP)

Mùa hè năm 2012 nổ ra tranh cãi khá thú vị giữa quân đội (bên đặt hàng) và Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin (nhà tổ chức và kiểm soát thực hiện từ phía chính phủ). Ông Rogozin công khai đòi chế tạo máy bay siêu vượt âm với lý do để máy bay có khả năng đột phá phòng không đối phương. “Hãy xem trình độ phát triển phòng không và phòng thủ tên lửa: tất cả các máy bay này sẽ không bay được đến đâu. Cả máy bay của chúng ta đến đất họ, lẫn máy bay của họ đến đất ta. Cần nghĩ đến những thứ hoàn toàn không tầm thường”, Phó Thủ tướng Nga nói.

Giới quân sự thì phản pháo rằng, máy bay mà họ cần là phương tiện bay dưới âm mang vũ khí tầm xa chính xác cao, dĩ nhiên là kể cả vũ khí siêu vượt âm, có khả năng bay lâu trên không. Còn các máy bay này cũng không hề định bay “đến đất họ”. Thiết kế máy bay cuối cùng đã được thông qua vào tháng 3/2013.

Nay thì do máy bay ném bom Tu-160 được nối lại sản xuất ở Kazan và khó khăn tài chính gia tăng, Nga đã quyết định lùi thời hạn phát triển PAK DA sang sau năm 2021 và hướng đến thay thế chỉ Tu-95MS và Tu-22М3. Trước đó, người ta đã dự đoán máy bay sẽ cất cánh vào năm 2019, còn nay thì theo các nhà thiết kế động cơ thì máy bay sẽ khó có khả năng thực hiện chuyến bay đầu tiên trước năm 2024.

PAK TA

Việc phát triển họ máy bay vận tải quân sự hạng nặng và siêu nặng (tổ hợp máy bay vận tải tương lai) bắt đầu vào năm 2013 trong khuôn khổ dự án Ermak hay PTS (máy bay vận tải tương lai).

Họ máy bay này sẽ thay thế các máy bay An-22 Antei và An-124 Ruslan trong Không quân Nga. Có tin, trong khuôn khổ dự án này, Nga sẽ chế tạo một dòng máy bay tiêu chuẩn hóa về thiết bị trên khoang với trọng tải 80-200 tấn.

Một hình ảnh giả định PAK TA

Tháng 4/2014, Nga đã bắt đầu nghiên cứu xác định chủng loại thiết vị avionics dành cho các máy bay Ermak; công việc chính sẽ bắt đầu vào năm 2016. Việc sản xuất loạt máy bay sẽ được triển khai ở Nhà máy Aviastar-SP ở Ulyanovsk sau năm 2024.
Một số chuyên gia khẳng định rằng, cơ sở cho thiết kế Ermak (PAK TA) có thể là thiết kế chưa được thực hiện Il-106. Năm 1987, thiết kế sơ bộ của máy bay này đã giành thắng lợi trong cuộc thi thiết kế máy bay vận tải quân sự chiến dịch-chiến lược trọng tải 80 tấn của Không quân Liên Xô.

PAK DP

Tổ hợp máy bay đánh chặn tầm xa tương lai PAK DP sẽ được phát triển để thay thế máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31 vốn có vị trí đặc biệt trong hệ thống phòng thủ quốc gia của Nga chống tấn công đường không, kể cả tên lửa hành trình. MiG-31 đang được sử dụng để tăng cường phòng không có các khu vực biên giới xung yếu, cho đến gần đây đã là chủ lực của cụm phòng không Bắc cực của Nga.

Ban đầu (năm 2014) có tin, việc phát triển PAK DP sẽ bắt đầu sau năm 2017, các máy bay đầu tiên sẽ bàn giao cho quân đội Nga sau năm 2025. Nhưng mới đây, Tư lệnh Không quân Nga Bondarev thông báo, PAK DP sẽ bắt đầu được phát triển sau năm 2019.
 
Tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 (Pavel Lisitsyn / RIA)

Xét đến tầm quan trọng của các phương tiện tiến công đường không phi hạt nhân chính xác cao vốn được ưu tiên phát triển từ lâu ở các nước lớn, việc phát triển PAK DP để đối phó với chúng càng trở nên bức thiết.

Hiện tại, Nga đang tiến hành thiết kế thiết bị avionics cho máy bay mới.

Các máy bay MiG-31 xứng đáng được gọi là “các hệ thống tên lửa phòng không biết bay” vì các radar và hệ thống điều khiển hỏa lực Zaslon của chúng cho phép chúng kiểm soát khá tốt không phận và chặn đánh các mục tiêu, kể cả mục tiêu tốp. MiG-31 thậm chí còn có khả năng hoạt động ở chế độ chỉ huy và báo động sớm cho các máy bay khác.

PSSh

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhà sản xuất chính cường kích Su-25 (Nhà máy chế tạo máy bay Tbilisi) nằm lại bên ngoài nước Nga. Dây chuyền sản xuất biến thể khác của Su-25 (Su-25T và Su-25UBM) tồn tại ở Nhà máy chế tạo máy bay Ulan Ude (Nga), nhưng không có đơn hàng lớn mua các máy bay này.

Nga đã quyết định hiện đại hóa không quân cường kích không chỉ bằng dự án nâng cấp các máy bay Su-25 hiện có lên biến thể Su-25SM mà còn sản xuất cường kích mới. Căn cứ các tài liệu đã công bố, trong khuôn khổ dự án Shershen-EP với tên “Máy bay cường kích tương lai trên cơ sở máy bay Su-25”. Mùa thu năm 2013, Viện thiết kế Sukhoi đã nhận được khoản tín dụng nhà nước 210 triệu rúp để thực hiện bản vẽ phác thảo máy bay này.
 
Cường kích Su-25 (Ramil Sitdikov / RIA)

Cường kích mới theo kế hoạch trước đây sẽ xuất hiện trước năm 2020. Năm 2013, Tư lệnh Không quân Nga hồi đó Aleksandr Zelin tuyên bố rằng, PSSh được đưa vào kế hoạch mua sắm trong giai đoạn đến năm 2020. Hiện chưa rõ, kế hoạch này có bị điều chỉnh do tình hình tài chính khó khăn hay không.

Có tin máy bay sẽ được chế tạo với những thay đổi kết cấu tối thiểu so với biến thể cơ sở Su-25. Có thể máy bay sẽ được trang bị động cơ cải tiến R-195 và gần như giữ nguyên hoàn toàn khung thân, nhưng thiết bị điện tử hàng không thì sẽ được đổi mới và số hóa hoàn toàn. Máy bay sẽ có hệ thống ngắm bắn-dẫn đường mới và khả năng sử dụng các vũ khí có điều khiển mới, kể cả dẫn bằng vệ tinh. Nga cũng sẽ nghiên cứu giảm độ bộc lộ radar của cường kích tương lai.

Nguồn: Lenta, 14.8.2015.

Print Print E-mail Print