Vietnamdefence.com

 

Giải pháp cuối cùng cho vấn đề xe tăng Nhật Bản

VietnamDefence - Nhật Bản dự định cắt giảm mạnh số lượng xe tăng và tăng số lượng xe chiến đấu nhẹ hơn là MCV để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.

Xe chiến đấu cơ động cao MCV (JGSDF)
Giới quân sự Nhật Bản tiếp tục thực hiện khái niệm chiến tranh xe tăng mới. Kế hoạch cắt giảm số lượng xe tăng chủ lực và đưa lục quân chuyển sang sử dụng các xe chiến đấu nhẹ và tốc độ cao hơn đang diễn ra tót đẹp, Bộ Quốc phòng Nhật cho hay.

Từ năm 2016, Nhật Bản sẽ bắt đầu cải tổ lực lượng xe tăng của Lục quân Phòng vệ. Lực lượng Phòng vệ Nhật sẽ thay thế các xe tăng cũ bằng các xe chiến đấu cơ động MCV. “Theo chương trình quốc phòng hiện nay, đến cuối năm 2018, chúng tôi dự định đưa vào trang bị 99 MCV. Chúng tôi muốn nhận tổng cộng không dưới 300 xe”, Defense News (DN) trích lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Tsuyoshi Hirata.

Trong 10 năm tới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định cắt giảm lực lượng xe tăng hiện nay từ 740 chiếc xuống còn 300 chiếc. Các đơn vị xe tăng chủ yếu được trang bị các xe tăng Type 90 và Type 74 sẽ được tập trung trên các đảo Hokkaido và Kyushu, còn các xe MCV có thể được triển khai ở bất cứ hòn đảo nào của Nhật.

Nhật Bản thay đổi quan điểm xây dựng lực lượng xe tăng không phải tình cờ. Thời chiến tranh lạnh, chiến lược quốc phòng Nhật được xây dựng căn cứ vào khả năng Liên Xô xâm lập từ hướng bắc. Hiện nay, học thuyết quân sự Nhật đã thay đổi: kẻ thù tiềm tàng chủ yếu được xác định là Trung Quốc, nước đang yêu sách chủ quyền đối với nhiều lãnh thổ ở biên giới phía bắc quần đảo Nhật Bản.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Viễn Đông/Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Valery Kistanov cho biết, Trung Quốc từ lâu đã được xem là mối đe dọa quân sự chủ yếu đối với Nhật, điều đó thậm chí được nêu rõ trong các văn kiện chính thức của Nhật.

“Nhật Bản quan ngại cả với tốc độ gia tăng nhanh chóng sức mạnh quân sự Trung Quốc, tăng ngân sách quân sự và sự không minh bạch của nó, lẫn những yêu sách trên biển, trên không và trên vũ trụ của Trung Quốc. Người Nhật lo ngại rằng, Trung Quốc có thể tìm cách dùng sức mạnh đánh chiếm quần đảo Senkaku mà họ cho là của mình. Các tàu tuần tra và máy bay Trung Quốc liên tục được cử đến quần đảo này”, chuyên gia phương Đông người Nga cho biết.

Ông Kistanov cho rằng, Nhật Bản có nhiều hòn đảo xa như thế và để bảo vệ chúng cần có các đơn vị cơ động hơn. “Lục quân Nhật từ bỏ các xe tăng bánh xích dùng cho tác chiến trên lục địa hay trên đảo Hokkaido. Các xe cơ động MCV có thể cơ động nhanh chóng đến các hòn đảo xa xôi để bảo vệ chúng trước cuộc xâm lược có thể xảy ra từ phía Trung Quốc”, chuyên gia Nga nói.

Nòng cốt của lực lượng xe tăng của Nhật thời hậu chiến là các xe tăng nội địa. Trong thập kỷ 1970, đó là Type 74 và Type 61, sau đó Type 90 trở thành xe tăng chủ lực. Tháng 1/2012, Lục quân Phòng vệ Nhật đưa vào trang bị xe tăng tối tân thế hệ 4 Type 10, nhưng số lượng các xe đã chế tạo còn ít - 66 xe.

Các xe chiến đấu bọc thép bánh lốp MCV do các tổ chức nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Nhật thiết kế và đang được phân hãng của công ty Mitsubishi sản xuất theo đơn đặt hàng của bộ này. Tháng 10/2013, mẫu chế thử mới nhất của MCV được giới thiệu và có lẽ mẫu này sẽ được đưa vào sản xuất loạt.

MCV được phát triển từ năm 2008, sắp tới dự kiến bắt đầu thử nghiệm mẫu chế thử, các xe đầu tiên có thể đưa vào trang bị từ năm 2016. MCV có dự trữ hành trình 400 km, tốc độ tối đa đến 100 km/h. MCV có vỏ giáp phức hợp và trang bị 1 pháo nòng rãnh uy lực lớn 105 mm, có khả năng xuyên phá vỏ giáp của xe tăng nặng nhất. Nhờ có kích thước nhỏ và động cơ diesel, xe có khả năng cơ động và tốc độ cao, có thể chạy đến 100 km/h trên đường nhựa. Kíp xe gồm 4 người, để tiết kiệm xe dùng dùng cơ chế nạp đạn bằng tay nên cần có pháo thủ nạp đạn.

Một số chuyên gia cho rằng, MCV không phù hợp với các nhiệm vụ đặt ra cho nó. Với trọng lượng 26 tấn, nó không đủ nhẹ, nhà phân tích quân sự Nhật Shinichi Kiyotani đánh giá. Theo ông, ngay cả các máy bay vận tải quân sự mới Kawasaki C-2 cũng sẽ gặp khó khăn khi mang trọng lượng này.

“Với trọng tải 30 tấn, một máy bay vận tải sẽ chỉ có thể chở được 1 xe MCV, còn nếu như thêm cả kíp xe và đạn dược, máy bay sẽ ở trạng thái cực hạn về khả năng. Để chở một lực lượng gồm 12 xe MCV có thể cầ đến hơn 200 máy bay vận tải. Vậy Lực lượng Phòng vệ sẽ tìm đâu ra những nguồn lực đó khi có chiến tranh trên một hòn đảo xa xôi?”, Kietani đặt câu hỏi.

Hỏa lực của pháo 105 mm có thể là hơi dư thừa trong một số tình huống chiến đấu, ví dụ như tác chiến đô thị. “Trong điều kiện đô thị, chỉ cần pháo 90 hay 76 mm là đủ, hay chỉ cần pháo tự động 40 hay 35 mm cũng được rồi”, Shinichi Kiyotani nói. Trong xe MCV, việc điều hòa nhiệt độ được tổ chức kém nên kíp xe sẽ bị nóng nực. Bộ phận vận hành cũng là điểm yếu lớn khi dễ bị tổn thương bởi thiết bị nổ và súng rocket chống tăng. “Súng rocket chống tăng là một nguy cơ lớn đối với xe này. MCV đơn giản là một xe tăng rẻ tiền. Đó là một khái niệm sai lầm”, vị chuyên gia nhận định.

Tán đồng với ý kiến của nhà phân tích Nhật, ông Aleksandr Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga) cũng cho rằng, ý muốn của người Nhật thay thế thật nhiều xe tăng bằng xe bánh lốp là rất sai lầm.

“Những xe bánh lốp tí xíu đó không thể trở thành xe tăng được, kể cả khi trên đó có lắp pháo tăng. Chúng rẻ hơn nhiều xe tăng, nhưng khả năng thông qua của chúng và chủ yếu nhất là khả năng bảo vệ thấp hơn nhiều. Khi mà vũ khí không tương xứng với khả năng bảo vệ thì đó là khái niệm hoàn toàn sai lầm. Nói một cách thô thiển, dùng súng máy cũng có thể tiêu diệt một xe như vậy”, ông Khramchikhin giải thích.

Việc muốn có một lục quân cơ động hơn có thể có liên quan đến việc gia tăng quân sự hóa Nhật Bản. Chính phủ Nhật đương nhiệm đang dần dần xa rời khái niệm phòng thủ, Tổng biên tập tạp chí Arsenal, chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky bình luận.

“Việc sử dụng lực lượng vũ trang Nhật ở ngoài phạm vi nước này đã được cho phép với điều kiện, điều đó sẽ được thực hiện trong thành phần các đội quân gìn giữ hòa bình. Chúng ta đã thấy biến chuyển như thế ở quân đội Đức, vốn ban đầu chỉ dành để bảo vệ lãnh thổ nước mình chống sự xâm lăng của các đoàn xe tăng Xô-viết”. Cuối cùng thì lực lượng quân đội này đã được phái ra nước ngoài, chẳng hạn đến Nam Tư và Afghanistan”, vị chuyên gia kết luận.

Nguồn: Defense News, 12.10, Rusplt, 13.10.2014.

Print Print E-mail Print