Vietnamdefence.com

 

Cổ kim xe tăng Trung Quốc: Các xe tăng hiện đại Type 98, Type 99 (3)

VietnamDefence - Sức mạnh xe tăng của Trung Quốc đưa nước này vào hàng đầu của các cường quốc quân sự thế giới.

VietnamDefence đã giới thiệu loạt bài về lực lượng xe tăng Trung Quốc: Phần 1 viết về những loại xe tăng đầu tiên của ngành chế tạo xe tăng Trung Quốc từ thập niên 1920 và kết thúc với các mẫu Type 69 và Type 79 chế tạo trong thập niên 1970-1980; Phần 2 nói về các xe tăng hiện đại hơn của giai đoạn cuối thế kỷ XX-đầu thế kỷ XXI là Type 88 và Type 96. Dưới đây là Phần cuối tổng quan các thế hệ xe tăng mới nhất của Trung Quốc.

Type 98

Xe tăng chủ lực thế hệ 3 Type 98 do Viện nghiên cứu chế tạo máy Hoa Bắc (NEVORI, trước đây là Viện 201) ở Bắc Kinh phát triển với sự hợp tác của Công ty chế tạo máy số 1 (FIRMACO, trước đây là Nhà máy số 617) ở thành phố Baotou. Type 98 được bắt đầu thiết kế từ thập niên 1970. Các giải pháp thiết kế riêng lẻ của xe tăng mới được thử nghiệm trên các mẫu thử nghiệm WZ1224 và WZ1226 trong thập niên 1980, cũng như trên xe tăng xuất khẩu Type 90-II/MBT-2000. Vào giữa thập niên 1980, diện mạo của xe tăng hình thành hoàn chỉnh - nền tảng của nó là thiết kế xe tăng Liên Xô Т-72М (Trung Quốc đã mua được mấy xe tăng này ở Cận Đông) nên sao chép cấu tạo và một số giải pháp thiết kế của xe tăng Liên Xô. Trung Quốc sản xuất 4 mẫu chế thử đầu tiên vào năm 1992 và bắt đầu sản xuất loạt vào năm 1998.
 
Type 98
Type 98 có cấu tạo truyền thống với khoang động lực bố trí ở đuôi xe. Khoang lái với vị trí lái xe ở giữa. Trong khoang chiến đấu, pháo thủ ngồi bên trái pháo, trưởng xe ngồi bên phải.

Thân xe kiểu hàn, làm bằng giáp đồng nhất với vỏ giáp phức hợp ở phần đầu xe. Các bộ phận giáp mặt trước của tháp xe kiểu hàn, làm bằng các tấm giáp có độ dày khác nhau đặt với góc nghiêng hợp lý cũng cấu thành vỏ giáp phức hợp chung.

Vũ khí chính là pháo nòng trơn 125 mm ZPT-98. Đây là pháo làm nhái trái phép pháo tăng Liên Xô 2А46, được thiết kế lại cho phù hợp với công nghệ Trung Quốc. Nòng pháo có vỏ cách nhiệt. Máy nạp đạn tự động điện-cơ chứa 22 phát bắn cũng sao chép từ mẫu Liên Xô và trước đó đã được sử dụng trên tăng Type 85-IIM, Type 96 và Type 90-II. Khi sử dụng máy nạp đạn tự động, tốc độ bắn đạt 8 phát/phút. Tổng cơ số đạn là 41 phát bắn cát-tút nạp rời với đạn xuyên giáp dưới cỡ thoát vỏ, đạn xuyên lõm và đạn phá-mảnh, cũng như tên lửa chống tăng có điều khiển dẫn bằng laser 9М119 Refleks do Nga sản xuất. Ngoài ra, Trung Quốc còn hợp tác với Israel chế tạo đạn xuyên giáp dưới cỡ có lõi bằng uranium nghèo.

Type 98 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại của Pháp, tương tự như hệ thống trên xe tăng Leclerc. Các thành phần chính của hệ thống này là máy tính đường đạn kỹ thuật số, bảng điều khiển, máy ngắm tiềm vọng của pháo thủ với camera ảnh nhiệt, máy đo xa laser lắp liền và tuyến ngắm ổn định độc lập hai mặt phẳng, máy ngắm tiềm vọng kết hợp khí tài quan sát của trưởng xe với đầu quan sát toàn cảnh, màn hình của trưởng xe, thiết bị ổn định vũ khí hai mặt phẳng (sao chép thiết bị 2E28 Siren của Liên Xô) và một tập hợp các sensor khác nhau. Việc điều khiển vũ khí thiết kế kiểu song trùng, do cả pháo thủ và trưởng xe thực hiện.

Type 98
Vũ khí bổ trợ trên xe tăng này là 2 súng máy - 1 súng máy đồng trục 7,62 mm Type 86 ở bên phải pháo và 1 súng máy phòng không 12,7 mm W-85 lắp trước cửa nắp của trưởng xe và có tên là ụ súng máy phòng không QJC-88. Súng máy đồng trục được điều khiển tác xạ với tầm đến 1.000 m bằng cò điện. Ụ súng máy phòng không chỉ bắn được sector phía trước ở cự ly đến 1.600 m đối với mục tiêu mặt đất và đến 1.500 m đối với mục tiêu bay. Góc tầm của súng máy phòng không là -40 đến +750. Hai bên sườn tháp có lắp 2 cụm x 5 ống phóng lựu khói Type 84.

Điểm nổi bật của Type 98 là có hệ thống laser phòng vệ chủ động JD-3. Hệ thống bao gồm hệ thống cảnh báo chiếu xạ laser LRW (sensor hình nấm ở sau cửa nắp trưởng xe) và thiết bị phát laser LSDW (tháp nhỏ hình hộp phía sau cửa nắp của pháo thủ). Khi nhận được tín hiệu báo động xe tăng bị tia laser của đối phương chiếu xạ, hệ thống cảnh báo phát tín hiệu quay tháp về phía nguồn phát laser phát hiện được, sau đó tia laser công suất thấp được bật lên và phát đi để định vị chính xác vị trí mục tiêu, sau đó công suất của tia laser tức thời tăng lên đến mức tới hạn và loại khỏi vòng chiến khí tài quang hay cơ quan thị giác của đối phương.

Động cơ diesel làm mát bằng chất lỏng với công suất tăng áp 1.200 mã lực thoát thai từ động cơ WD396 của Đức. Động cơ được chế tạo chung với hệ thống truyền động thành một khối động lực có thể thay thế trong điều kiện dã chiến trong vòng 30-40 phút. Hệ thống truyền động cơ khí bánh hành tinh (7+1) gần như sao chép hoàn toàn từ tăng T-72М của Nga.

Bộ phận vận hành cũng sao chép T-72М. Mỗi bên sườn xe có 6 bánh tỳ và 4 cặp bánh đỡ xích bọc cao su. Hệ treo kiểu xoắn, độc lập. Ở các cụm treo thứ nhất, thứ hai và thứ 6 có lắp các bộ giảm chấn thủy lực. Xích xe với các khớp cao su kim loại, rãnh chạy bọc cao su và guốc cao su để chạy trên đường nhựa.

Động cơ, hệ thống truyền động và bộ phận vận hành cho phép xe tăng với trọng lượng 48 tấn đạt tốc độ tối đa trên đường nhựa đến 45 km/h. Dự trữ hành trình 450 km.

Trong cuộc duyệt binh ngày 1/10/1999 ở Bắc Kinh có sự tham gia của 18 xe tăng Type 98. Nhiều khả năng, quân đội Trung Quốc mới chỉ nhận vào biên chế một số lượng hạn chế Type 98, không quá 60 chiếc với tư cách loại xe quá độ để chuyển sang loại tăng chủ lực mới.

Type 99

Type 99 thực chất là biến thể cải tiến của Type 98. Một trong những biến thể đầu tiên của xe tăng này được giới thiệu vào năm 2000 với tên gọi Type 98G. Cùng năm đó, Trung Quốc sản xuất lô đầu tiên gồm 40 chiếc. Tiếp đó, việc sản xuất xe tăng được tiến hành với nhịp độ rất chậm, chủ yếu do phức tạp và giá thành cao.

Type 99 là xe tăng Type 98 với các tính năng được cải thiện: sức cơ động cao hơn nhờ lắp động cơ diesel tăng áp mạnh hơn công suất 1.500 mã lực, hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến, khả năng bảo vệ được tăng cường nhờ lắp giáp phản ứng nổ lắp liền ở mặt trước tháp xe và thân xe.

Vỏ giáp ở mặt trước tháp và thân xe được tăng cường nhờ các khối giáp phản ứng nổ lắp liền. Trên các mẫu xe sản xuất loạt đầu tiên, giáp phản ứng nổ được lắp bên trên các bộ phận giáp chính. Ở các xe sau đó, các khối giáp phản ứng nổ được lắp liền vào vỏ giáp chính. Hình dánh cũng được thay đổi nên các khối giáp trở nên thuôn hơn ở hai bên. Cấu trúc giáp module cho phép thay thế nhanh các khối giáp bị hỏng bằng các khối giáp mới.

Type 99 được trang bị hệ thống laser đối kháng tích cực JD-3.

Hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến bao gồm các máy ngắm kết hợp ổn định độc lập của pháo thủ và trưởng xe, máy đo xa laser, khí tài ảnh nhiệt, máy tính đường đạn số, thiết bị ổn định vũ khí hai mặt phẳng, các sensor (điều kiện khí quyển, mức độ hao mòn lòng nòng pháo...), bảng thiết bị đa năng của trưởng xe với một màn hiển thị màu và hệ thống tự động bám mục tiêu. Hình ảnh từ khí tài ảnh nhiệt được đưa lên các màn hình màu của trưởng xe và pháo thủ (độ khuếch đại ×11,4 và ×5). Ngoài ra, trên xe còn lắp hệ thống dẫn đường với các kênh quán tính và định vị vệ tinh GPS, dữ liệu từ các kênh này cũng được đưa lên màn hình của trưởng xe và hiển thị chồng lên bản đồ địa hình số. Xe tăng được trang bị máy vô tuyến điện hiện đại và thiết bị đàm thoại nội bộ xe tăng.

Động cơ diesel công suất 1.500 mã lực được chế tạo dựa trên động cơ MB871 Ka501 của Đức. Xe tăng tốc từ trạng thái đỗ lên tốc độ 32 km/h chỉ trong vòng 12 s. Hệ thống truyền động hành tinh có 7 số tiến và 1 số lùi. Hệ treo là loại xoắn với các bộ giảm chấn.

Biến thể cơ sở của Type 99 có trọng lượng 54 tấn, ở các biến thể sau trọng lượng tăng lên đến gần 60 tấn. Type 99 đã tham gia duyệt binh quốc khánh ở Bắc Kinh ngày 1/10/2009. 18 xe Type 99 (căn cứ vào các khối giáp phản ứng nổ thì đây là các xe đời đầu) đã diễu hành trên quảng trường Thiên An Môn thuộc trung đoàn 334, sư đoàn tăng 112 của tập đoàn quân 38.

Trung Quốc cần nhiều xe tăng để làm gì?

Trong những thập niên gần đây, số lượng xe tăng của quân đội Trung Quốc luôn được duy trì ở mức 10.000 chiếc. Đây là lực lượng xe tăng đông đảo nhất thế giới. Trung Quốc cần chừng ấy xe tăng để làm gì?

Trong xã hội Nga, trong đó có cả nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu chính trị có ý kiến cho rằng, quan hệ Nga-Trung đang tốt đẹp chưa từng có, Bắc Kinh là đối tác chiến lược và đồng minh, địch thủ của họ là Mỹ, Nhật Bản và tất nhiên cả Đài Loan. Cũng có thể nhắc cả đến Việt Nam và Ấn Độ mà Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ. Ban lãnh đạo Trung Quốc chú trọng cao độ cho phát triển không quân và hải quân vì để tiến hành chiến tranh với Mỹ hay đánh chiếm Đài Loan thì không cần lực lượng lục quân đông đảo. Tất cả những nhận định này cơ bản là đúng nếu không có một yếu tố - đó là hiện thời là như thế.

Hiện thời, họ là đối tác chiến lược, bạn bè và đồng minh của Nga. Nhưng lấy gì bảo đảm rằng, tình hình sẽ không thay đổi sau 10 hay thậm chí 5 năm nữa? Không có thông tin nói rằng, không quân và hải quân Trung Quốc phát triển trong khi làm thiệt hại đến lục quân và cụ thể là lực lượng xe tăng. Thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Tuy nhiên, nhiều người ở Nga cứ ngoan cố không chịu nhận thấy ý đồ và mục tiêu nhắm tới của các nỗ lực quân sự chủ yếu của Trung Quốc.

Không thừa khi lưu ý rằng, các xe tăng hiện đại nhất chỉ được trang bị cho các đại quân khu Bắc Kinh, Thẩm Dương và Lan Châu đối diện tương ứng với các khu vực Zabaikalie, Viễn Đông của Nga và Kazakhstan. Ngoài ra,trong 5 năm gần đây, quân đội Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận thao dượt các chiến dịch tiến công chiều sâu. Ngoài Nga và Kazakhstan thì không thể tiến hành các chiến dịch như thế ở đâu khác cả. Nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, tiêu thụ thực phẩm và tài nguyên thiên nhiên đang ở trạng thái nước này sẽ không thể sống sót nếu không giành chiếm thêm lãnh thổ và các tài nguyên này. Đối với Bắc Kinh thì nếu không bành trướng chỉ còn nước sụp đổ.

Còn nước Nga thì sao? Có lẽ nước Nga đang mạnh chưa từng có nên mọi nổ lực ở phía Nam sông Amur chỉ là trò trẻ? Theo các thông tin được công bố tính đến ngày 1/1/2012, trong trang bị của quân đội Nga có 14.350 xe tăng. Sau khi loại bỏ tổ chức đơn vị cấp sư đoàn, xe tăng được biên chế tập trung cho 5 lữ đoàn tăng, mỗi lữ có 91-94 xe tăng. Ngoài ra, Lục quân Nga còn có gần 30 lữ đoàn bộ binh cơ giới. Các lữ đoàn này được biên chế mỗi lữ 1 tiểu đoàn tăng 41 chiếc. Như thế thì trong các đơn vị chiến đấu của Lục quân Nga có khoảng 1.700 xe tăng. nếu tính cả lính thủy đánh bộ (bộ binh hải quân) thì có thể nói rằng, trong quân đội Nga đang sử dụng khoảng 2.000 xe tăng. Số xe tăng còn lại đang để trong các kho cất giữ và sửa chữa trang bị. Theo các kế hoạch cải cách quân sự đến năm 2020 công bố trước đó, người ta trù tính quân đội Nga có 109 lữ đoàn lục quân hỗn hợp các loại. Nhưng cả trong trường hợp đó thì quân số xe tăng chưa chắc đã tăng nhiều. Điều hoàn toàn rõ ràng là nếu xét đến vị trí địa lý và quy mô lãnh thổ của Nga, cũng như đánh giá các địch thủ tiềm tàng thì lực lượng xe tăng như thế là hoàn toàn không đủ.

Cần xem xét chi tiết hơn cái được cho là ưu thế về chất lượng của Nga. Ở Nga, người ta vẫn cho rằng, các xe tăng Nga là tốt nhất thế giới, còn xe tăng Trung Quốc là sắt gỉ của những năm 1960-1970. Quân đội Trung Quốc đang nhận vào biên chế hai loại xe tăng. Đó là Type 96 tương đối rẻ và chỉ sử dụng linh kiện, tổng thành của Trung Quốc, vốn là sự phát triển của tăng Liên Xô Т-72, và loại Type 99 hiện đại hơn là một thứ hổ lốn các triết lý chế tạo tăng của Trung Quốc (nói đúng ra là của Liên Xô) và của Đức. Trong cấu trúc Type 99 có sử dụng cả các bộ phận, tổng thành của Trung Quốc lẫn các bộ phận, tổng thành nhập khẩu hiện đại nhất. Nhiều bộ phận, tổng thành trong số đó đang được sản xuất theo giấy phép tại Trung Quốc.

Theo các đánh giá khiêm tốn nhất, trong trang bị của quân đội Trung Quốc hiện có gần 2.500 chiếc Type 96 và 600 chiếc Type 99, tức là chiếm khoảng 30% lực lượng xe tăng Trung Quốc. Toàn bộ số xe còn lại đúng là đống sắt gỉ. Nhưng nếu tính đến việc Nga đang triển khai sử dụng chỉ có 2.000 xe tăng thì so sánh số lượng lại vẫn bất lợi cho Nga. Hơn nữa, sắt gỉ thì ngay cả Nga cũng có quá nhiều mà phần đáng kể là Т-72B và Т-72А. Đó là chưa nói đến số xe tăng để trong các kho cất giữ.

Ngay cả với xe tăng nổi tiếng Т-90 thì đánh giá chất lượng cũng không thể rõ ràng. Xe tăng này đã được sản xuất thành mấy lô khác nhau nhiều. Tính đến nay, Nga có 120 Т-90 sản xuất trong những năm 1990, 32 Т-90А với máy ngắm đêm dành cho pháo thủ Buran-M (trong đó có 2 xe tăng chỉ huy) và 337 Т-90А với khí tài ảnh nhiệt Essa (trong đó có 30-40 xe tăng chỉ huy). Năm 2011, quân đội Nga từ chối mua tiếp Т-90А. Kết quả là tổng cộng chỉ có 489 xe tăng hiện đại.

Khi so sánh chúng với các xe tăng Trung Quốc thì thấy rõ rằng, Type 96 nằm ở trình độ Т-90, Т-80U và Т-72BА. Type 99 lô đầu (50 chiếc) chắc chắn vượt trội so với các mẫu tăng Nga kể trên và tương đương với Т-90А với máy ngắm Buran-M. Còn Type 99А (440 chiếc) nhìn chung vượt trội Т-90А với khí tài ảnh nhiệt Essa. Liên quan đến mẫu đang được sản xuất loạt Type 99B (quân đội Trung Quốc đã nhận 120 chiếc) thì xét về tính năng, nó tương đương với Т-90АМ mà biến thể xuất khẩu của nó đã được giới thiệu ở Nizhny Tagil vào tháng 9/2011 và tồn tại với chỉ một chiếc duy nhất. Như vậy, Nga sẽ chẳng có gì để đối chọi với các mũi lao tăng-thiết giáp của quân đội Trung Quốc một khi xảy ra điều xấu nhất.

>> Cổ kim xe tăng Trung Quốc: Những xe tăng đầu tiên (1)
>>
Cổ kim xe tăng Trung Quốc: Các xe tăng hiện đại Type 88, Type 96 (2)

Nguồn: Mikhail Baryatinsky / VPK, N.1 (519), 15.1.2014.

Print Print E-mail Print